Báu ngọc ma ní (*)
Quán Thế Âm Bồ Tát (1),
Quán soi thấy rõ ràng,
Những viên ngọc Ma Ní,
Trong chúng sinh, ẩn tàng.
"Sức sống" cùng "Trí Huệ",
Gắn chặt với "Thời gian",
"Ba viên ngọc" vô giá (2),
Tuyệt nhất cõi nhân gian.
"Sức sống" đồng "Giác tính",
Sẵn trong mỗi sinh linh,
Giác tính rời - thân diệt,
Trở lại cõi vô tình (3).
"Thời gian"- thời "Hiện tại" (4),
Chẳng khứ cũng chẳng lai,
Khi mình đang hít thở,
Tâm cùng Cảnh - "chẳng hai" (5),
Làm người ai cũng đủ,
"Trí Huệ" đầy diệu linh,
Có năng lực rọi chiếu,
Phá tan cõi U Minh (6).
Sống tu Bát Chánh đạo,
Chánh Niệm - nhập Hiện tại,
Chánh Định - hiển Giác linh.
Chánh Kiến - chứng Huệ Minh (6).
Ba viên Ngọc quý đấy,
Phật chỉ dạy cho ta.
Biết diệu dụng Ngọc ấy,
Hạnh phúc bừng nở hoa.
Melbourne, tháng 11 năm 2016
Chánh Tín - (PGS.TS Hà Vĩnh Tân)
Chú thích:
(*) Ngọc "Ma Ní": là loại ngọc tuyệt quý, được nhắc đến trong Lục tự Đại Minh thần chú (Lục Tự Đại Minh Đà-la-ni) linh diệu: "Om Ma Ní Bát Mê Hùm" (OM MANI PADME HUM).
Tương truyền, Quán Thế Âm Bồ tát quán thấy chúng sinh đang ngụp lặn trong biển khổ sinh tử ở cõi Ta bà, nên đã thương tình ban cho họ câu "Thần chú Đại minh sáu chữ" đó, dùng để tụng đọc hàng ngày, hoặc khi lâm sự, nhằm phá tan mọi phiền não, ma chướng (trong tâm) và vượt thoát mọi khổ nạn trong cuộc đời trần thế này.
"MANI [ma ní], nghĩa là Ngọc Báu, tượng trưng cho phương tiện, là Tâm Bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện mở Tâm Từ bi, đạt Giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, Tâm Bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và đạt Niết bàn cá nhân. Như "Ngọc Như Ý" có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, Tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh".
Bài "Ngọc Báu Ma Ní" này, là bài tiếp nối ba bài "Đốn Giáo", "Ngộ Đạo" và "Diệu Pháp Trí Độ" đã được đăng tại:
(1) "Quán Thế Âm Bồ Tát": tên gọi khác của Bồ Tát Quán Tự Tại.
(2) "Ba viên Ngọc quý" này chỉ có mặt trong giây phút hiện tại!
Người viết cũng đã nhắc đến "Ba viên Ngọc quý" đó trong bài "CỖ XE NHÀ PHẬT", đăng tại http://phatgiao.org.vn/van-hoa/201503/Chum-tho-thien-dieu-tam-17433/:
CỖ XE NHÀ PHẬT
(Phật Thừa)
Trí tuệ, sức khoẻ, thời gian,
"Ba viên ngọc quý" ... ngàn vàng khôn mua,
Đời bao vui-khổ, được-thua,
Đường tới hạnh phúc ... Phật Thừa đón đưa.
(3) "Cõi vô tình" là Phật ngữ dùng để chỉ thế giới vạn vật (vật lý) trong vũ trụ bao gồm tứ đại (đất, nước, lửa, khí) hợp thành.
Con người là do Ngũ uẩn (Thân, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) hợp nhất. Khi phần Tâm (Thọ, Tưởng, Hành, Thức) lìa Thân, thì Thân người lại trở về cát bụi.
(4), Thời gian - thời "Hiện tại": cần phân biệt 2 khái niệm khác nhau về "thời gian" mà thường được gọi bằng 2 tên là "thời gian vật lý" và "thời gian tâm lý".
"Thời gian vật lý" thì kéo dài từ vô thủy tới vô chung. Còn "Thời gian tâm lý" là để chỉ riêng "khoảng khắc hiện tại" trong "Thời gian vật lý". Vì vậy nên ta nói "Thời gian tâm lý là chẳng khứ cũng chẳng lai".
"Chẳng khứ cũng chẳng lai", tức là "chẳng đến cũng chẳng đi", cũng chính là nghĩa của chữ "Như Lai". Phật Thích Ca Mầu Ni còn có tên thường gọi trong nhân gian là "Phật Tổ Như Lai".
(5) "Chẳng hai" là dịch nghĩa Việt từ "Bất nhị" âm Hán Việt.
(6) "Huệ Minh" là Phật ngữ, có nghĩa là Trí năng của con người đã được xả bỏ hết phiền não, tà kiến, tham, sân ... mê muội, nên mới tiếp nhận được ánh sáng của Trí Huệ Bát Nhã chiếu sáng. Đối lập "Huệ Minh" là "U Minh".
Trong "Pháp Bảo Đàn Kinh" Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: "Cũng như một ngọn đèn có thể trừ được một ngàn năm bóng tối, thì một ánh sáng của Trí Huệ cũng có thể xoá tan được một vạn năm bóng tối U Minh".