Bí ẩn 3000 viên xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Kỳ 2)
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Anh, Ngọc cốt của Ngài được an trí vào lăng Quy Đức, 1 phần xá lợi giữ tại tháp Phật Hoàng ở Ngọa Vân, phần giữ tại Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội (cấm thành Thăng Long), sau đó được phân thành nhiều phần, lưu giữ nhiều nơi để nhân dân và Phật tử thờ phụng.
Đức vua Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau khi nhường ngôi cho con, Ngài xuất gia tu hành khổ hạnh lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm Đại sĩ. Cuối đời Ngài tu và hóa Phật tại am Ngọa Vân, được xưng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Ngay sau khi Phật Hoàng viên tịch, vâng theo di chúc Bảo Sát đã tiến hành hỏa thiêu Ngài ngay tại Am Ngọa Vân. Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lỵ.
Ngọc cốt được an trí vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), một phần xá lỵ thu được lưu giữ tại tháp Phật Hoàng ở Ngọa Vân, phần còn lại được đưa về lưu giữ tại Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội (cấm thành Thăng Long), sau đó được phân thành nhiều phần lưu giữ ở nhiều nơi để nhân dân và phật tử thờ phụng, các nơi có lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng gồm:
1. Phật Hoàng tháp tại Ngọa Vân: Am, chùa Ngọa Vân dưới thời Trần thuộc An Sinh vốn là đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, thời Lê thuộc xã An Sinh phủ Kinh Môn, nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê huyện Đông Triều.
Theo sách Tam Tổ thực lục “Tháng 5 năm 1307 Điều Ngự lên tu trong một am nhỏ trên núi Ngọa Vân (卧 雲 峯)”, và giờ Tý ngày 1 tháng 11 năm 1308, Ngài hóa tại đây. Sau khi Ngài hóa các đệ tử của ngài tổ chức hỏa thiêu Ngài ngay tại am, thu xá lỵ và ngọc cột rước xuống thuyền vua đưa về kinh đô Thăng Long.
Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho xây bảo tháp Phật Hoàng (Phật Hoàng tháp) lưu giữ một phần xá lợi của ngài.
Đến thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18) tòa bảo tháp do Pháp Loa xây dựng bị đổ nát. Năm 1707 thiền sư Giác Hưng, hiệu là Viên Minh cho trùng tu xây mới tòa Phật Hoàng tháp bằng đá, phía trước tháp có voi đá và ngựa đá đứng chầu.
Phật Hoàng tháp hiện vẫn còn đứng sừng sững uy nghiêm trên đỉnh Ngọa Vân, tháp 2 tầng, mặt trước khắc nổi bức đại tự Phật Hoàng Tháp (佛皇塔), trong lòng tháp đặt một bài vị bằng đá xanh, trang trí hoa lá và hình rồng, bài vị ghi “Nam mô đệ nhất tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương phật – Nam mô a di đà phật, bài vị thờ Điều Ngự vương phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông”. Như vậy, Phật Hoàng tháp chính là nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng tại nơi ngài đã tu hành và hóa Phật.
2. Bảo tháp ở Đức Lăng: Sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tam Tổ thực lục đều cho biết:
Ngày 16 tháng 9 năm Canh Tuất (1310) an trí ngọc cốt vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), lấy một phần xá lỵ đặt vào bảo tháp ở Đức lăng. Đức lăng được xây dựng trong khu lăng tẩm nhà Trần xưa thuộc đất Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Khu lăng tẩm này có 4 lăng gồm Thọ lăng của Thượng hoàng Trần Thừa, Chiêu lăng của vua Trần Thái Tông, Dụ lăng của vua Trần Thánh Tông và Đức lăng (hay lăng Quy Đức) của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ Bảo thánh thái hoàng thái hậu.
Các vua nhà Trần sau này không xây dựng lăng tẩm ở đây nữa mà chuyển về An Sinh (Đông Triều).
Khu lăng tẩm nhà Trần ở Tam Đường hiện còn lại 3 gò mộ (lăng) cao to như quả đồi, các gò này được gọi là Phần Trung, Phần Đa và Phần Bụt (còn goị là Nấm Sỏi), mỗi Phần hẳn là một lăng, tuy nhiên cho đến nay chưa thể xác định các phần này là lăng của vị vua nào, nhiều người cho rằng Phần Bụt chính là Đức lăng với suy luận cho rằng Bụt chính là cách gọi khác của Phật vì vậy đây là lăng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Các cuộc khai quật thăm dò ở Phần Bụt đã tìm thấy những viên gạch xây tháp có trang trí hình rồng giống như loại gạch xây tháp đã được tìm thấy ở tháp Phổ Minh (Nam Định), và đó có thể là gạch xây bảo tháp của Đức lăng.
3. Tháp Phổ Minh trong khuôn viên chùa Phổ Minh:
Chùa Phổ Minh được nhà Trần cho xây dựng vào năm 1262, chùa nằm ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, nơi Thượng hoàng nhà Trần ở sau khi nhường ngôi cho con. Chùa nay thuộc phường Lộc Vượng thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Dòng lạc khoản khắc ở tầng 1 của tháp cho biết, tháp được xây dựng năm Hưng Long thứ 13 (1305), sau khi Phật Hoàng hóa Phật, vua Trần Anh Tông cho cung nghênh xá lỵ của Phật Hoàng về lưu giữ tại đây.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1308, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong – Yên Tử (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Sau đó ít lâu, con ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.
Tháp cao 13 tầng, có mặt bằng hình vuông (5,20m x 5,20m), tầng thứ 11 là nơi đặt hòm xá lỵ của vua Trần Nhân Tông. Theo mô tả của sách Lịch triều hiến chương loại chí thì khi tiến hành trùng tu tháp “đã thấy cái hòm to, mở ra xem thì lớp thứ nhất là hòm bằng sắt, lớp thứ hai là hòm bằng đồng, lớp thứ ba là hòm bằng bạc, lớp thứ tư là hòm bằng vàng, lớp thứ năm là hòm bằng đá quý, trong để xá lỵ tròn bằng đầu ngón tay, sắc sáng long lanh, đã trả lại chỗ cũ…”
Thư tịch thời Nguyễn như Nam Định dư địa chí, Hoàng Việt địa dư nhất thống chí, Đại Nam nhất thống chí đều cho biết vào thời Tây Sơn (khoảng năm 1789) có việc tháo dỡ 3 tầng trên của tháp thì gặp một chiếc hòm bằng đá, hòm đã giữ nguyên để xây lại như cũ. Những năm 80 của thế kỷ 20, khi tỉnh Nam Định tiến hành trùng tu lại tháp Phổ Minh cũng đã thấy hòm xá lỵ ở tầng 11 như mô tả của sử sách và hiện nay nó vẫn được tôn trí tại tầng 11 của tháp Phổ Minh. Đây là hòm xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn nguyên vẹn duy nhất hiện biết.
4. Tháp Đại Thắng tư thiên bên hồ Lục Thủy:
Tháp Đại Thắng tư thiên hay thường gọi là tháp Báo Thiên tòa tháp nổi tiếng được xây dựng năm 1057 dưới thời Lý Thánh Tông trong khuôn viên chùa Báo Thiên nằm phía Tây hồ Lục Thủy, nay thuộc khu vực Nhà Thờ lớn Hà Nội.
Sách Tam Tổ thực lục cho biết “tháng 11 năm Kỷ Tị (1329), Sư (Pháp Loa-TG) lập đàn tràng tại viện Quỳnh Lâm, làm lễ điểm Nhãn tượng Phật Di lặc, và lấy một phần xá lỵ của Điều Ngự tại tháp Thắng Tư Thiên (Đại Thắng Tư thiên) đem cất vào tháp đá tại viện Quỳnh Lâm”
Như vậy, trước đó xá lỵ của Phật Hoàng phải được đưa vào tôn trí ở Đại Thắng tư thiên và đến năm 1329 Pháp Loa lấy “một phần xá lỵ” đem về tôn trí ở tháp đá Viện Quỳnh Lâm và hẳn nhiên ở Đại Thắng tư thiên còn lại một phần xá lỵ.
Ngày nay tháp Báo Thiên không còn vì thế chúng ta cũng không còn cơ hội để biết về phần xá lỵ còn lại được lưu giữ tại đây.
5. Bảo tháp chùa Tư Phúc trong Đại Nội Hoàng Thành Thăng Long
Sau khi hỏa thiêu, ngọc cốt và xá lỵ của Điều Ngự được vua Trần Anh Tông rước về kinh thành. Ngọc cốt để vào bảo khám, xá lợi được chia làm hai phần để trong bình vàng quản tại chùa Tư Phúc trong Đại Nội.
Chùa Tư Phúc là ngôi chùa rất nổi tiếng trong Cấm thành Thăng Long thời Trần, đây là nơi trước khi lên ngôi vua, Trần Nhân Tông thường đến ngủ trưa, một hôm vua mộng thấy trên rốn trổ một bông hoa sen vàng lớn như bánh xe.
Chùa Tư Phúc cũng là nơi các vua và hoàng hậu nhà Trần đến tu hành, và nghe các tổ của Trúc Lâm giảng Pháp, có thể khẳng định chùa Tư Phúc là chùa giành riêng cho hoàng gia được xây dựng trong Cấm thành Thăng Long, giống như chùa Phổ Minh ở Phủ Thiên Trường, dấu vết chùa Tư Phúc hiện nay không còn, và chúng ta cũng chưa xác định được vị trí cụ thể của chùa trong tổng thể của Cấm thành Thăng Long.
6. Tháp Tuệ Quang trên chùa Hoa Yên, núi Yên Tử:
Huệ Quang Kim tháp (慧 光 金塔), hay Tuệ Quang tháp (慧 光塔), hay hiện nay được gọi là tháp Huệ Quang hoặc tháp Tổ là tháp lớn nhất được nằm ở khu vực trung tâm Vườn tháp tổ phía dưới chùa Hoa Yên trong quần thể di tích danh thắng Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Sách Tam tổ thực lục cho biết ngày 22 tháng 2 năm Bính Dần, niên hiệu Khai Thái thứ 3 (1326), Pháp Loa phụng chiếu của vua Trần Minh Tông đến chùa Hoa Vân (Hoa Yên) trên núi Yên Tử, tôn trí xá lỵ của Điều Ngự vào Kim tháp Tuệ Quang.
Nhiều người cho rằng tháp này do vua Trần Anh Tông cho xây dựng, có thể như vậy, nhưng sau khi vua Trần Anh Tông mất sáu năm (vua Trần Anh Tông mất năm 1320) thì xá lỵ của Điều Ngự mới được an trí vào tháp, có lẽ lúc này tháp mới xây xong.
Ngôi tháp hiện còn ở vườn tháp tổ ngày nay không phải là tòa tháp được xây dựng dưới thời Trần, tòa tháp này được xây dựng vào thời Lê, pho tượng Phật Hoàng đặt trong tháp cũng được làm vào thời Lê khoảng thế kỷ 16-17.
Đại Việt sử ký toàn thư và Tam Tổ thực lục cho biết vua Trần Anh Tông có cho đúc hai pho tượng bằng vàng, một thờ ở chùa Siêu Loại (Gia Lâm), một thờ ở chùa Hoa Yên, nếu như đến năm 1326 tháp Tuệ Quang mới được hoàn thành thì rõ ràng tượng vàng do Trần Anh Tông đúc phải được thờ ở trong chùa Hoa Yên giống như ở chùa Siêu Loại chứ không thể được đặt trong tháp Tuệ Quang vì lúc đó tháp chưa hoàn thiện.
7. Bảo tháp tại Viện Quỳnh Lâm:
Viện Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 14. Viện Quỳnh Lâm vốn được thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ thời Lý, thế kỷ 12, tại đây ông đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc lớn, đó là một trong bốn vật khí lớn nhất của An Nam (An Nam Tứ khí).
Năm 1319, Pháp Loa tôn giả cho mở mang chùa thành Viện Quỳnh Lâm, dưới sự hỗ trợ về tiền bạc cũng như con người của vua Trần Anh Tông và các vương hầu, quý tốc nhà Trần.
Đặc biệt Thuận Thánh Bảo từ Hoàng thái hậu (vợ vua Trần Anh Tông) và Trần Quang Triều, Quỳnh Lâm trở thành một Tự - Viện lớn gồm Chùa và Viện, trong đó Viện là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm và đây cũng là nơi có thư viện lớn lưu trữ nhiều kinh sách Phật Giáo.
Tự Viện Quỳnh Lâm cũng là nơi thường xuyên lui tới của hoàng tộc nhà Trần và các quý tộc đương thời, nơi đây thực là chốn tùng lâm thế kỷ 14.
Không chỉ có vậy, Quỳnh Lâm còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện Phật Giáo lớn do Hoàng gia và tổ Pháp Loa chủ trì, tháng 3 năm 1325 Pháp Loa tổ chức lễ hội nghìn Phật tại Quỳnh Lâm, lễ hội diễn ra trong 7 ngày 7 đêm đồng thời khơi công xây dựng hai tòa tháp để cung nghênh xá lỵ của Phật Hoàng về tôn trí tại chùa, năm 1329 tháp hoàn thành, rước một phần xá lỵ từ tháp Đại Thắng tư Thiên về tôn trí vào hai bảo tháp.
Quỳnh Lâm viện nay là chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An huyện Đông Triều, mặc dù hai tòa tháp đã bị phá hủy nhưng những dấu ấn của nó vẫn còn lại trên và trong lòng đất của chùa, đặc biệt ở tòa tháp bát giác hiện dựng trước gác chuông chùa, hai tầng trên cùng của tòa tháp chính là phần còn lại của tòa tháp đá do tổ Pháp Loa cho xây dựng năm 1325.
8. Chùa Minh Khánh, Thị xã Thanh Hà, Hải Dương:
Theo truyền thuyết, thế kỷ XIII, vua Trần Nhân Tông từ Tràng An đến hội quân với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đang đóng quân tại đây. Trước ngày xuất quân, đức vua lập đàn tế trời Phật rồi cắt máu ăn thề trước cửa chùa với quyết tâm tiêu diệt giặc Nguyên Mông.
Hiện chùa còn lưu giữ 9 viên xá lỵ của Ngài. Trong chùa, gian chính điện đặt ban thờ Trần Nhân Tông.
Từ khi vua Trần Nhân Tông đến đây, chùa Minh Khánh trở thành ngôi chùa nổi tiếng khắp vùng, được nhân dân ngưỡng vọng. Sự kiện này còn dấu tích trên bia "Minh Khánh Đại danh lam" khắc năm Hồng Thuận thứ 3 (1511): “Tiên triều vua Trần Nhân Tông đã tu hành ở đây mà huyết thư còn lưu, đương thời coi là "Tiểu Tây phương".
Một lâu đài quý báu nơi Trúc Quốc, sáng rực hoa soi. Lúc đó, đã có sư tiểu sớm hôm đèn hương, quét tước, nhân dân phụng thờ, tiếng tăm rộng khắp xa gần…”.
Ngày vua Trần Nhân Tông viên tịch (1/11 âm lịch) được nhân dân lấy là ngày tổ chức lễ hội của chùa.
Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ về việc thất thoát xá lị Phật hoàng:
"Pháp Loa thiêu xác của Thượng hoàng được hơn ba nghìn xá lị mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lị ở trước ngực, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp thì đã thấy mất một số hạt”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bá Khoa, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Thanh Hà, trong hai đạo sắc phong của vua Vĩnh Khánh năm 1731 và Tự Đức 1880 hiện còn lưu giữ trong chùa đều có nói đến 9 viên xá lị Phật hoàng.
Trong hồ sơ di tích chùa Minh Khánh được lập để đề nghị xếp hạng cấp quốc gia năm 1990 hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh cũng ghi: “9 viên xá lị, theo truyền thuyết và sắc phong đó là xá lị của Trần Nhân Tông”.
“Ngoài sắc phong, trong hòm còn có một hộp gỗ tròn sơn đỏ.
Mở hộp thì thấy bên trong có 9 hạt màu đen tro, có viên hình tròn, có viên hình gần tròn, to hơn hạt tràng, có lỗ xỏ.
Riêng có một viên bị sứt một góc. Mọi người có mặt đều sửng sốt.
Điều đó càng khẳng định 9 hạt xá lị được lưu giữ tại chùa Minh Khánh là xá lị Phật hoàng. Hiện 9 viên xá lị được nhà chùa và chính quyền nhân dân coi là bảo vật và gìn giữ cẩn thận, tôn nghiêm trong chùa.
Sư thầy Thích Diệu Hiển cho biết, bà theo sư cụ về trụ trì tại chùa 26 năm trước. Ngay từ những ngày đầu bà đã nghe nói về sự quý giá của 9 viên xá lị Phật hoàng. Để bảo đảm an toàn, từ nhiều năm nay 9 viên xá lị được nhà chùa và chính quyền địa phương cất giữ, chỉ dịp đặc biệt hoặc lễ hội mới mở.
Do công tác an toàn, muốn mở xá lị, phải có sự giám sát của chính quyền địa phương và phải làm lễ. Ông Nguyễn Bá Khoa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Hà, cho biết: Việc giữ gìn 9 viên xá lị Phật hoàng được coi là nhiệm vụ quan trọng. Ngành văn hóa huyện đang dự kiến sẽ xây dựng một tháp gương đặt hộp xá lị vào đó để cho du khách thập phương và nhân dân viếng thăm.
Vĩ thanh
Như vậy, qua những ghi chép và những bằng chứng khảo cổ học hiện có có thể xác định hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lị đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lị của Đức Phật Thích-Ca-mâu-ni.
Trong chuỗi sự kiện đó thì Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các nơi khác được lưu giữ xá lợi đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần.
Trong số tám nơi được lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng thì riêng Tự - Viện Quỳnh Lâm có hai nơi chứa xá lỵ của Ngài.
Đông Triều, Uông Bí ngày nay dưới thời Trần là đất An Sinh quê gốc của nhà Trần đồng thời là Trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên có đến 4 điểm lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng.
Kỷ niệm 704 năm ngày Điều Ngự hóa Phật, thiết nghĩ việc quang bá tư tưởng và giá trị di sản của Ngài để lại là một việc làm cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy các di sản của Ngài cho muôn đời mai sau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Anh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sám tụng Phật thành đạo
Kiến thức 10:30 02/01/2025Hướng đến kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành đạo. Phatgiao.org.vn xin giới thiệu đến quý Phật tử những bài sám Phật Thành đạo tùy nghi lễ bái, tụng niệm cho ngày kỷ niệm Ngài.
Thành kính hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 Âm lịch
Kiến thức 11:21 01/01/2025Khi những cơn gió đông bắt đầu thổi, khí trời trở nên se lạnh, cũng là lúc trong lòng mỗi người Phật tử đều nao nức đón chào một sự kiện trọng đại, đồng thời hân hoan chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, đó chính là ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Với người đang trả quả báo, nên giúp hay không?
Kiến thức 07:25 31/12/2024Có người đặt vấn đề, nếu ai đó trong quá khứ lỡ làm ác, tạo nghiệp xấu, không biết tu tập để chuyển hóa, đến khi quả báo chín muồi thì phải nhận lấy báo ứng không lành. Trong nhân gian có nhiều người cho rằng, nên để người đó chịu khổ để trả quả báo, nếu cứu họ thì quả báo xấu ấy sẽ về mình. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào cho đúng?
Phước cao nhất là vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống
Kiến thức 05:57 30/12/2024Không phải mình tu học hay làm phước với hy vọng sẽ được gặp toàn chuyện tốt đẹp, hay để trở thành con người hoàn hảo, mà là để mình có đủ sức mạnh, đủ trí tuệ, đủ đạo đức để vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Xem thêm