Bí ẩn 3000 viên xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông (Kỳ 1)
Ngay sau hóa thân xác Ngài trên giàn hỏa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm là Pháp Loa đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lợi lấp lánh…
Quyết chí đi tu sau khi làm tròn chữ Hiếu và đạo nước đạo nhà
Trần Nhân Tông khi còn đang ở trên ngai vàng, Ngài nhiều lần nhường ngôi cho em trai mà không được.
Ngài thường ăn chay nên thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do, Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo: “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của tổ tiên?”.
Năm 1299, nhà vua Trần Nhân Tông sau khi làm tròn đạo hiếu, đạo gia đình và đạo Nước, Ngài rời khỏi danh lợi chốn hồng trần, lên Yên Tử nơi địa linh phúc địa, tẩy sạch tâm trần, theo cái duyên hằng mong mỏi, xuất gia tu luyện, trở về với tâm nguyện xa xưa, vững bước trên con đường phản bổn quy chân, về miền tịnh thổ.
Sau khi khổ tu, khai ngộ, đắc Đạo, Ngài lại thuận theo cái duyên của bậc Giác Ngộ, giáo hóa văn minh cho bách tính lê dân, hoằng dương Phật Pháp khắp xa gần, trong và ngoài bờ cõi.
Ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu-đà (khổ hạnh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu-đà. Sau đó Ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng để tiếp độ chúng Tăng. Học chúng đua nhau đến rất đông. Sau, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm.
Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Á và thiền Đông Độ, vừa sử dụng các giá trị văn hóa Việt Nam và khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp. Ngài cũng xây dựng nhiều tự viện và đi giáo hóa trong cả nước, kể cả ở thôn quê lẫn thành thị.
Trên cương vị là Thượng hoàng-Thiền sư, Ngài đã dạy dân bài trừ các hủ tục và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện (10 điều thiện).
Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó. Bài dẫn của Trần Quang Chỉ trong tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” đã mô tả về chuyến đi này rằng:
“Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước…”.
Cũng chính trong lần đi hoằng Pháp này, Ngài đã hứa gả con là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Để đáp lễ, Chế Mân xin nhượng hai châu Ô, Lý cho Đại Việt.
Đến ngày mùng 1 tháng 11, đêm trời trong sao sáng, Ngài hỏi thị giả Bảo Sát:
“Hiện giờ là giờ gì?”. Bảo Sát bạch: “Giờ Tý”. Ngài lấy tay vén màn cửa sổ nhìn xem, nói: “Đến giờ ta đi”.
Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đến chỗ nào?”. Ngài nói kệ đáp:
Nguyên văn:
Nhất thiết pháp bất sinh
Nhất thiết pháp bất diệt
Nhược năng như thị giải
Chư Phật thường hiện tiền.
Hà khứ lai chi liễu dã.
Dịch thơ:
Tất cả pháp chẳng sinh/Tất cả pháp chẳng diệt/Nếu hay hiểu như thế/Chư Phật thường hiện tiền/Nào có đến đi vậy.
Xong xuôi, Ngài bèn nằm như sư tử lặng lẽ mà tịch, đó là vào niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308), Ngài thọ năm mươi mốt tuổi.
Pháp Loa theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình.
Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Đi tìm dấu tích xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Ngay sau hóa thân xác Ngài trên giàn hỏa, tổ thứ hai của Thiền Phái Trúc Lâm là Pháp Loa đến tưới nước thơm lên giàn hỏa, thu được ngọc cốt và hơn 3000 viên ngọc xá lợi lấp lánh…
Trong giới Phật giáo từ lâu đã biết rằng trong cơ thể các vị thiền sư đắc đạo tích tụ một số vật chất mà người thường không có. Đó là gì?
Vật chất này chỉ được tìm thấy trong tro cốt khi hỏa táng các vị thiền sư, dưới dạng giống như hạt nhỏ hoặc đá quý. Những hạt này trông rất đẹp, lấp lánh ánh sáng, rất cứng. Ở 1.000 độ C, những hạt xá lợi cũng không hề bị tan chảy. Từ xa xưa nó đã là bảo vật của Phật giáo.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng đây là một dạng siêu vật chất không có trong người thường, có sở hữu một nguồn năng lượng khác biệt.
Những hạt này được gọi là xá lợi hay xá lị. Ở nước ta điển hình còn lưu giữ khá nhiều xá lợi của vua Trần Nhân Tông thu được sau khi ngài hóa.
Ta có thể tìm thấy một số nghiên cứu về hiện tượng này. Một số nơi cho biết các hạt xá lợi không thể đưa đi thử nghiệm vì nó rất hiếm và được coi rất thiêng liêng.
Tại Việt Nam, vua Trần Nhân Tông là người từng tu hành theo môn phái Trúc Lâm, ngài đắc đạo rất nhanh và khi ngài mất đi cũng để lại xá lợi và một số hiện tượng đặc biệt.
Theo “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” và sách “Tam Tổ Thực Lục”, cùng các bằng chứng khảo cổ, các viên ngọc xá lợi này thu từ tro cốt của Trần Nhân Tông hiện đang được lưu giữ tại khoảng tám địa điểm khác nhau tại Việt Nam, đó là:
1. Phật Hoàng Tháp bằng đá trên đỉnh Ngọa Vân, Yên Tử
2. Tháp Huệ Quang ở chùa Hoa Yên, Yên Tử.
3. Bảo tháp ở Đức Lăng (còn gọi là lăng Quy Đức, được xây dựng trong khu lăng tẩm nhà Trần xưa thuộc đất Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)
4.Tháp Phổ Minh ở khuôn viên chùa Phổ Minh, nằm ở phía Tây cung Trùng Quang phủ Thiên Trường, Nam Định.
5. Bảo Tháp Tư Phúc trong Đại Nội Cấm Thành Thăng Long.
6. Tháp Đại Thắng tư thiên bên hồ Lục Thủy hay thường gọi là tháp Báo Thiên, nay thuộc khu vực Nhà Thờ lớn Hà Nội.
7. Tự viện Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ 14, thuộc chùa Quỳnh Lâm, xã Tràng An huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
8. Chùa Minh Khánh, Thị xã Thanh Hà, Hải Dương. Hiện trong chùa còn lưu giữ một hộp đựng 9 viên xá lỵ của Ngài .
Theo Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ về việc thất thoát xá lị Phật hoàng: "Pháp Loa thiêu xác của Thượng hoàng được hơn ba nghìn xá lị mang về chùa Tư Phúc ở Kinh sư. Vua có ý ngờ. Các quan nhiều người xin bắt tội Pháp Loa. Hoàng tử Mạnh mới 9 tuổi, đứng hầu bên cạnh, chợt thấy có mấy hạt xá lị ở trước ngực, đưa ra cho mọi người xem, kiểm lại trong hộp thì đã thấy mất một số hạt”.
Tuy nhiên, câu chuyện rõ ràng tiếp theo về "số phận" 3000 viên xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong sử sách chỉ ghi có vậy và chưa rõ ràng toàn bộ xá lị đó ở đâu trong nhân gian. Ngoài 8 nơi đã được kiểm chứng ở trên, hẳn là xá lị của Ngài còn đâu đây, rất gần chúng ta...
Xin quý vị đón đọc kỳ sau!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Học cách Phật dạy con
Kiến thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Hạnh phúc của sự buông bỏ
Kiến thức 11:00 01/11/2024Thời Phật tại thế có Tỳ kheo Bạt Đề, khi chưa xuất gia ông làm quan, sau khi quy y Phật chuyên tu hạnh đầu đà, chỉ ngủ dưới gốc cây và chuyên cần thực hành thiền quán.
Nói về mười điều thiện
Kiến thức 10:15 01/11/2024Người nào tụng đọc hiểu, thực hành mười đều lành này thì sau khi mạng chung sẽ được quả báo sanh vào các cõi trời tốt lành hoặc tái sanh làm người thì sanh vào các gia đình hiền đức phú quý.
Ngũ căn - ngũ lực: Năm cội rễ, sức mạnh đưa đến an vui giải thoát
Kiến thức 08:30 01/11/2024Ngũ căn, ngũ lực là nền tảng sức mạnh thúc đẩy tu tập các thiện pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc giác ngộ giải thoát sinh tử luân hồi khổ đau bất tận.
Xem thêm