Bị thương nặng, vẫn điềm tĩnh khuyên vợ niệm Phật
Anh thường đem Phật Pháp để giảng giải cho vợ nghe, an ủi và khích lệ cô tin sâu nhân quả, để được bình an khi phải đối diện với giông bão của cuộc đời. Dồn hết niềm tin, an trú vào chư Phật và chư Bồ Tát, những khi hữu sự cần phải chí thành xưng niệm danh hiệu của Ngài!
Anh Nguyễn Thành Tâm sinh năm 1969, cư ngụ tại Thới Lai. Sau, di chuyển về xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Kế lại, qua Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Cha tên Nguyễn Văn Bé, mẹ là Nguyễn Thị Diệu. Anh có tất cả bốn anh em và đứng thứ Út trong gia đình.
Năm 31 tuổi, anh kết hôn với cô Nhan Thị Lệ Thủy, sinh được hai người con. Hai vợ chồng sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Tính tình anh hiền hòa và nhân hậu.
Thuở ấu thơ (11 tuổi) đã phát tâm trường chay, thờ kính Tam Bảo, niệm Phật làm lành. Anh rất thích đọc học kinh sách. Dần dần, sự tu tập cũng tiến triển theo thời gian. Anh tự nỗ lực hành trì mà không cần người sách tấn.
Công phu sớm tối mỗi buổi là 2 tiếng đồng hồ, kể cả lúc lập gia đình cho đến ngày ra đi, dù bon chen vật lộn với cuộc sống, thời khóa chưa từng thay đổi. Nhờ gặp phải cô vợ chất phác nhu thuận, nên đời tu của anh tương đối “xuôi gió thuận buồm”.
Sau khi kết hôn hai tháng, là cô cũng tu tập giống hệt như anh. Đặc biệt là trì tụng kinh Kim Cang và kinh Vạn Phật, đồng thời niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Đại Sĩ cầu sanh Tây Phương.
Anh thường đem Phật Pháp để giảng giải cho vợ nghe, an ủi và khích lệ cô tin sâu nhân quả, để được bình an khi phải đối diện với giông bão của cuộc đời. Dồn hết niềm tin, an trú vào chư Phật và chư Bồ Tát, những khi hữu sự cần phải chí thành xưng niệm danh hiệu của Ngài! Như lời của Cổ Đức đinh ninh khuyên bảo:
“Niệm Phật bằng tất cả tấm lòng son,
Chỉ một niệm đủ thân Phật hiện.
Mẹ đấy con! Niệm cho liền miệng,
Chẳng thành tâm dầu niệm bao lâu.
Phật cũng không hóa hiện đến đâu,
Cảm chẳng có ứng nào có được.”
Cụ bà niệm Phật vãng sanh lưu lại xá lợi nhiều màu sắc
Còn chuyện quan hệ làm ăn, anh xem nhẹ vấn đề tiền bạc. Đôi lúc, đi thu gom nợ, thấy người ta lâm cảnh khó khăn bứt ngặt, chẳng những anh không nỡ đòi mà còn cho tiền ngược lại thêm.
Về nhà, vợ của anh biết được liền than thở:
– “Chèn ơi ! Tính của anh như vậy, làm sao làm chuyện lớn được!”
Anh nói:
– “Thôi kệ đi ! Mình làm, Phật Trời cho mình ăn thì tốt hơn !”
Có lần, vợ anh vừa cầm một chỉ vàng được một triệu mang về, gặp lúc có người đàn bà lỡ đường đang cơn duyên phận bi đát, anh lấy 400.000 đồng biếu tặng, cô vợ đành miễn cưỡng tùy hỷ theo anh.
Vào dịp rằm lớn trong năm, anh thường mua gạo mang đến chùa gần nhà để quí thầy phân phát cho các gia đình nghèo.
Quán ăn của anh, cặp vách là nhà người chị ruột có bơm gas bán lẻ. Khoảng 10 giờ ngày 12 tháng 7 năm 2006, cô gái làm công cho anh, vào phòng bơm gas mà không khóa kỹ, anh chạy vô khóa lại nhưng không kịp, bình gas nổ một tiếng thật lớn. Vợ anh chạy vào thì thấy anh đi ra, mặt mày mình mẩy đều đen thui, cô òa lên khóc. Anh trấn tĩnh:
– “Không sao đâu ! Mình ra Bệnh Viện, người ta chữa trị, chớ có gì mà lo !”.
Nói xong, anh bước lại tủ, mở tủ lấy bộ đồ mới mặc vào, rồi ra lên xe taxi đến Bệnh Viện Kiên Lương. Vì bỏng nặng quá nên chuyển lên Bệnh Viện Kiên Giang, sau đó ra Bệnh Viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Diện tích phỏng rất lớn, hình như khắp cả mình, mặt ,tay, chân đều có đủ. Vợ anh mỗi bữa trông thấy các bệnh nhân thay băng ai nấy đều rên đau, kêu Trời kêu Phật, có người khóc suốt cả ngày, còn chồng mình chẳng thấy phản ứng gì. Cô lấy làm lạ, liền hỏi:
– “Anh, bộ hổng có đau hay sao mà thấy anh im ru vậy ?”
Anh đáp:
– “Con người ta ai mà không biết đau. Đứt ngón tay có một chút mà còn đau, hà huống phỏng như vầy… Nhưng mà mình đã là người biết ăn chay, biết niệm Phật, thì mình phải biết kiềm chế, không thể nào rên than được. Vả lại, đâu có gì ngoài nhân quả đâu! Lúc trước, mình đã vay thì bây giờ, phải vui vẻ mà trả, phải chấp nhận với số phận của mình !”
Ngưng hồi lâu, rồi anh nói tiếp:
– “Anh lâm cảnh ngộ như vầy là do kiếp trước, anh đã tạo ác nghiệp rất nhiều. Mà em ưng anh làm chồng thì chứng tỏ rằng kiếp trước, em cũng đã tạo ác nên mới gặp anh. Vậy thì thôi, em đừng hờn trách, buồn phiền chị và cô làm công gì cả !”
Đúng như lời răn nhắc của cổ nhân:
Con ơi ! Trong cảnh trần lao,
Chúng sanh lăn lộn chừng nào mới thôi.
Xưa nay cứ mãi luân hồi,
Trả vay nghiệp hoặc cuốn lôi không ngừng.
Có thân chẳng liệu lấy thân,
Chung qui đưa đến mộ phần vô duyên.
Hiện thân hưởng của nghiệp tiền,
Lai sanh chịu lấy ác duyên đương đời.
Chúng sanh trong lúc hiện thời,
Sao không nghĩ đến cuộc đời mai sau.
Luật nhân quả chẳng sai đâu,
Ác sanh nhứt định đáo đầu ác lai.
Mê trần nên mới bào thai,
Chớ không phải tự nhiên đày ra đâu.
Sanh ra nơi cõi mê sầu,
Suốt đời có thấy ai đâu lạc nhàn.
Cánh hoa hết nở rồi tàn,
Nửa chừng sâu bọ cắn ngang là thường.
Xác thân xét lại tận tường,
Cùng hoa kia cũng một đường khác chi.
Mây trần không ngớt phủ vi,
Chúng sanh chẳng thấy những gì xa xôi.
Thế gian nay lỡ mai bồi,
Phật đài luôn được an ngồi bình thân.
Cũng do lòng chẳng mê trần,
Nên không luân lạc xoay vần trong mê.
Lòng ưa nơi cõi Liên Huê,
Cho nên thân được dựa kề Đài Sen.
Suốt hai mươi mấy ngày liền, bệnh tình của anh dường như chẳng hề suy giảm. Chiều ngày 4 tháng 10 năm 2006 vợ anh vẫn đút cơm cho anh như thường lệ, thấy chồng ăn ít quá nên cô đâm ra lo lo, linh cảm dường như sắp xảy ra chuyện gì. Đến tối, khoảng 10 giờ, anh nhờ vợ lấy khăn trắng nhúng nước, lau mình cho sạch sẽ. Lau xong, nhờ đỡ dậy, bèn nói với vợ.
– “ Mình bịnh, thôi bây giờ, mình chỉ biết cầu với Bồ Tát thôi! Chứ không ai cứu mình nổi ! Thôi, anh lạy Bồ Tát để Bồ Tát giúp anh!”
Nói xong, anh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm 4 lễ, rồi nhờ đỡ nằm xuống. Liền nói:
– “Cái nghiệp của anh tuy là nặng. Kiếp này là nặng! Nhưng mà kiếp sau, anh khỏe lắm! Từ trước đến giờ, anh có dạy cho em những gì hằng ngày, sau này anh có chuyện gì thì em hãy nhớ những điều đó mà làm theo…
Khi người thân mình mất!… Bất cứ là ai. Đặc biệt, là mình không được quyền khóc. Mình phải đứng kế một bên niệm, dù mấy tiếng Phật cũng được hết. Đó là mình thương người đó đó! Cái đó là em thương anh đó! Em tiễn anh đi về một nơi an lành.
Còn nếu mà em nói tiếng thương…Vợ chồng ai mà hổng thương… Nhưng mà em khóc, cái đó xem là không thương ! Tại vì, em giữ anh lại, em lôi anh xuống “Địa ngục”. Còn em đứng, em niệm Phật cho anh, đó là thứ tình em đối với anh tốt rồi đó !
Anh dạy em hằng ngày làm sao, em ráng nhớ và làm theo y như vậy. Được vậy là anh vui lắm rồi…! Nhưng mà biết chắc là em không niệm thì anh cũng vẫn đi về trên. Em hãy yên tâm về chỗ đó đi! Tại vì, anh đã tu mỗi ngày rồi. Anh đã biết, anh chọn con đường anh đi về đâu rồi! Cho nên trong lúc này, anh bị như vầy, anh không có buồn. Giờ phút đi theo Phật thì anh phải đi…
Em còn trẻ, trước hết trên đường tu, em phải biết tu hành ! Đừng nên nghĩ đến chuyện gì khác hết. Em hãy ráng nhớ lời anh dặn. Em đừng nên nghĩ suy vu vơ…!”
Dặn dò xong, anh tự sửa mình trang nghiêm, hai tay xuôi xuống, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Cô vợ bèn kề miệng vào lỗ tai của anh, niệm danh hiệu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát 10 lần. Rồi chấp hai tay lại nguyện:
– “Hôm nay là ngày mùng 4 tháng 10 năm 2006. Chồng con tên là Nguyễn Thành Tâm vừa từ trần. Ngưỡng mong Đức Đại Từ Bi Quan Thế Âm Bồ Tát tiếp dẫn vong linh chồng con được vãng sinh về thế giới Cực Lạc!”
Lúc đó, đúng 10 giờ 30 đêm. Anh hưởng dương 37 tuổi.
Nỗi hoài nghi về sự ra đi của chồng cứ mãi canh cánh trong lòng. Đêm tuần thất thứ hai vừa xong, đến giờ ngủ, vợ anh hướng mắt nhìn về phía bàn vong, bỗng nhiên hình hoa sen nơi linh vị chuyển động và tỏa ánh sáng, giống như hệ thống đèn điện trang trí nơi các hào quang Đức Phật. Cô giật mình trừng to mắt ra, đồng thời tự nghĩ:
– “Mình đâu có nằm chiêm bao đâu ta! Mình đâu có gắn điện đâu mà sao kỳ lạ vậy!”.
Rồi, cô bước lại lấy tay sờ thẳng vào, không phát hiện được điều gì cả, ánh sáng vẫn tỏa chiếu ra xung quanh. Tần ngần giây lâu, cô mới rút một nén hương, đốt lên, thầm khấn nguyện:
– “Nếu anh vãng sanh rồi, linh ứng báo cho em điềm nầy, thì như vậy đã đủ rồi!”
Khấn vừa xong, xem lại thì hiện tượng kia biến mất. Một lần nữa, cô đưa tay sờ vào linh vị, chạm phải giấy mực chứ chẳng có chi cả!
Bảy tuần thất vừa kết thúc. Hôm đó chị nằm mơ, thấy mình cùng nhóm bạn đến chùa làm công quả. Khi đã nấu nướng dọn dẹp xong xuôi, mọi người đồng kéo nhau đi nghe thuyết pháp. Khi đến nơi, cô thấy trên giảng đài có bày biện rất nhiều hoa, muôn màu vạn sắc, thật lộng lẫy.
Pháp Sư đang ngồi trên đó lại chính là chồng mình, mặc áo tràng màu vàng, uy nghiêm rực rỡ. Phía dưới, thính chúng có hơn ngàn người, im lặng lắng nghe. Sau buổi thuyết giảng, Pháp Sư gọi riêng cô lại, mời cô ngồi, rồi kể cho cô nghe một câu chuyện, đại để thế này:
“Thuở xưa, có cô tiểu thơ con nhà trưởng giả, đã phải lòng một chàng thanh niên thuộc giai cấp cùng đinh, tức là người đầy tớ trong nhà mình. Họ đã bỏ trốn thật xa, đi tìm nơi xây tổ ấm. Mấy năm sau, sinh được hai đứa con. Cho đến ngày nọ, cô quá nhớ nhà, đòi về nhiều phen nên ông chồng miễn cưỡng chấp thuận.
Khi về giữa đường, rừng núi cheo leo, trời giông tố đổ xuống ầm ỹ. Không may, ông chồng bị rắn độc cắn chết, một đứa con bị nước suối cuốn trôi, một đứa bị cọp tha mất. Nỗi đau chưa hàn gắn thì hay tin cả gia quyến đều chết do nhà sập, trong cơn bão tố vừa rồi. Buồn thảm trào dâng tột độ, cô gần như mất trí hoàn toàn. Nhưng sau đó, nhờ gặp Phật, nghe pháp tu hành, chứng thành đạo quả.”
Cuối cùng, anh kết luận:
“Người ta như vậy đó ! Cùng một lúc, nhiều người thân mất đi, thế mà vẫn tu hành thành tựu… Còn em chỉ mất có một người, sao chẳng bắt chước học theo? Vả lại, anh đã vãng sanh Cực Lạc, đâu có rơi Địa Ngục đâu mà em buồn! Lần này, anh cho em gặp để em khỏi phải uất ức. Từ đây về sau, anh sẽ không cho em thấy nữa!”
Giấc mơ đã thật sự làm cho cô bay mất mọi nghi ngờ và cũng đã nhiều năm qua rồi cô cũng không hề nằm mộng gặp lại chồng mình lần nào nữa cả!
Thuật theo lời cô Nhan Thị Lệ Thủy, vợ của anh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm