Thứ tư, 30/11/2022, 15:30 PM

Cụ bà niệm Phật vãng sanh lưu lại xá lợi nhiều màu sắc

Khi con cháu đem xá lợi để ngắm dưới kính phóng đại, thấy có nhiều ánh sáng trắng nhấp nháy như ánh sáng kim cương, hoặc như ánh sáng của các vì sao. Đây là một sự huyền diệu, không thể lý giải bằng phương pháp khoa học, chỉ có thể lý giải bằng tín tâm vào sự mầu nhiệm của Phật Pháp mà thôi.

Cụ bà Quách Thị Huế, sanh ngày 15/01/1921 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Bà là chị thứ tư trong gia đình cùng với 3 người em trai, hai người em đã quá vãng, hiện còn một người em trai là Quách Văn Bội, đang cư ngụ tại Melbourne, Australia.

Bà lập gia đình với ông Lê Đăng Vinh (1917 - 1970), nguyên quán làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ông Vinh, người trong Gia tộc vẫn gọi là ông Ba Ngộ, là con dòng thứ của một đại Hương Cả làng Gia Lộc thuộc Tổng Hàm Ninh Hạ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khi còn trai trẻ, ông Ba Ngộ không ham học chữ nghĩa, chỉ say mê võ nghệ và bùa chú.

Khi lập gia đình với bà Huế, sanh được một người con trai, ông Ba Ngộ bỏ gia đình, vợ con lên vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc) và dãy núi Tà Lơn (Cao Miên) để tầm Thầy học võ và bùa chú.

Trên đường tầm Thầy học võ và bùa chú, ông Ba Ngộ lần hồi qua đến Nam Vang, xứ Cao Miên thì gặp được kỳ ngộ. Ông đã gặp được Sư Hộ Tông, gặp được chánh pháp của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Ông Ba Ngộ bèn rũ bỏ tất cả võ nghệ và bùa chú, quy y Tam Bảo là Phật - Pháp - Tăng, và xuất gia theo hệ phái Phật giáo nguyên thủy Cao Miên Theravada. Đường tu học đưa dẫn ông lần sang Lào và Xiêm La.

Năm 1945, nghe mẹ già và vợ con đang kẹt trong lằn chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, ông Ba Ngộ xin Thầy cho phép hoàn tục và lập tức trở về Việt Nam đưa mẹ và vợ con đi lánh nạn chiến tranh (thời đó gọi là đi tản cư ).

Ông Ba Ngộ là người con chí hiếu và lòng tín tâm vào ngôi Tam Bảo thật là sâu xa; nên ông đã lần hồi dắt dẫn vợ và mười một người con vào đường chánh pháp.

Bác đồ tể vãng sanh

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bà Quách Thị Huế có mười một người con với ông Ba Ngộ; gồm 7 trai và 4 gái. Người con trai thứ 3 của bà đã tử nạn trong chiến tranh năm 1968 tại Việt Nam.

Năm 1960, do sự dẫn dắt của chồng, bà Quách Thị Huế đã quy y Tam Bảo và thọ ngũ giới tại chùa Pháp Quang (đường Nguyễn văn Học, Gia Định) được Sư Hộ Tông và Sư Thiện Luật (Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam) đặt pháp danh là Diệu Hỷ.Cũng năm 1960 ông Ba Ngộ đem hai đứa con trai thứ 5 và thứ 6 ký gởi ở chùa Pháp Quang, làm nghĩa tử của Đại Đức Hộ Giác, giám đốc Phật học viện Pháp Quang thuộc hệ phái Phật Giáo nguyên thủy Việt Nam Theravada. Người con trai thứ 5 của cụ Diệu Hỷ đã xuất gia năm 1964, thuộc hệ phái Phật Giáo nguyên thủy Việt Nam và theo học trường Cao Đẳng Phật Học Vạn Hạnh.

Năm 1970, ông Ba Ngộ đột ngột qua đời lúc ông mới 53 tuổi. Cụ Diệu Hỷ chọn con đường ở vậy nuôi con. Thật là một "gánh nặng trần ai" nặng nề quằn quại trên đôi vai yếu ớt của bà mẹ Việt Nam.

Năm 1972, cụ Diệu Hỷ rời bỏ quê hương Trảng Bàng, đến xứ Cần Thơ sinh sống. Năm 1975, cụ Diệu Hỷ lại rời Cần -Thơ về sinh sống tại tỉnh Vĩnh Long. Tại nơi đây, cụ Diệu Hỷ đã trở thành người hộ Phật, hộ Pháp, hộ Tăng đầy tín tâm của chùa Siêu Lý (thuộc thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).

Năm 1990, cụ Diêu Hỷ di dân đến Melbourne, Úc Châu để đoàn tụ với 4 người con trai và 3 con gái đang sinh sống tại đây. Từ đó, cụ Diệu Hỷ là đệ tử tín tâm của nhiều ngôi Tam Bảo ở vùng Melbourne, Sydney, Việt Nam và Ấn Độ.

Cụ Diệu Hỷ là Liên Hữu của Đạo tràng Cực Lạc Liên Hữu, thuộc chùa Quang Minh, do Đại Đức Thích Phước Tấn chủ trì. Do có nhiều thiện duyên người con rể thứ 9 của cụ Diêu Hỷ đã xuất gia vào năm 1996.

Cụ Diệu Hỷ không phải là người có học vấn cao rộng, cũng không phải là người có kiến thức uyên bác về giáo lý, kinh điển của Phật Giáo. Cụ Diệu Hỷ thọ Tam quy và Ngũ giới một cách nghiêm cẩn. Mỗi tháng cụ thọ Bát Quan Trai Giới 4 ngày. Sau khi mổ sạn mật , do lời khuyên của bác sĩ, cụ không còn thọ Bát Quan Trai Giới nữa, nhưng tâm rất luyến tiếc công phu nhiều năm phải bỏ dở.

Theo những người con, thì cụ Diệu Hỷ là người có tâm cố chấp; khi buồn, giận thì buồn giận rất lâu, không xả bỏ được. Cụ Diệu Hỷ cũng biết rõ tâm cố chấp này của mình, nhưng dù cố gắng tu tập nhiều năm vẫn chưa đoạn trừ được. Theo như nhận xét của nhiều người thân, thì vào những tháng cuối cùng của cuộc đời, cụ Diệu Hỷ đã từng bước đoạn trừ được kiến chấp, lòng sân hận và tỏ rõ quyết tâm sẵn sàng từ bỏ thân ngũ trược này.

Năm 1995, người con trai thứ 5 của cụ Diệu Hỷ từ Hoa Kỳ đến Úc châu thăm cụ và để lại cho cụ một "nghi tình" lớn: "PHIỀN NÃO LÀ NIẾT BÀN". Từ đó, trong nhiều năm liền, tâm của cụ Diệu Hỷ không thoát ra khỏi "nghi tình" này. Gặp ai cụ cũng đặt ra câu hỏi: "Vì sao phiền não là Niết Bàn?"

Từ năm 2000, cụ Diệu Hỷ thường nói với con cháu:"Mẹ rất chán ngán cõi ngũ trược luân hồi này, một khi đã ra đi, mẹ không muốn trở lại cõi này nữa…".Thấy nhân duyên đã đến, người con trai thứ 10 của cụ Diệu Hỷ khuyên cụ:"Chỉ có con đường Tịnh Độ, nhất tâm niệm Hồng Danh Đức A Di Đà mới có thể vãng sanh về Cực Lạc Tây Phương, Tịnh thổ của Đức A Di Đà Phật được".Cụ Diệu Hỷ vô cùng hoan hỷ, phát tâm tham gia vào Đạo Tràng Cực Lạc Liên Hữu của Chùa Quang Minh (Melbourne). Mặc dù vẫn niệm Phật từ nhiều chục năm qua, nhưng cụ Diệu Hỷ vẫn chưa tu tập pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương như một pháp môn trọng yếu thật sự. Khi nhân duyên đã đến, trong hai năm sau cùng của cuộc đời, cụ đã tỏ rõ quyết tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc cõi A Di Đà. Sáng niệm Phật, trưa niệm Phật, chiều niệm Phật, tối niệm Phật, niệm niệm không ngừng với lòng tín tâm vô bờ bến. Bên cạnh công phu nhất tâm niệm niệm Hồng Danh A Di Đà Phật, cụ Diệu Hỷ luôn luôn hoan hỉ công đức, phát tâm hoan hỉ bố thí, phóng sanh, hoan hỉ cúng dường Tam Bảo. Dường như phước báu của công phu niệm Phật luôn làm cho cụ hoan hỉ, an lạc và mát mẻ.

Trong những ngày tháng sau cùng, cụ Diệu Hỷ dường như đã hoàn toàn biến đổi thành "một người khác". Những kiến chấp nặng nề của tâm thức của cụ đã rơi rớt xuống như những mảnh hồ vữa rơi rớt xuống từ một bức tường cũ kỹ. Gặp ai cụ cũng đều vô cùng hoan hỉ, cụ luôn tìm mọi cơ hội để "cho bớt" những gì thuộc về mình. Gặp ai cụ cũng khuyến khích tu hành, niệm Phật, bố thí, làm phước. Đặc biệt đối với các con cháu, cụ luôn nhắc nhở, khuyến tấn con cháu tu hành, làm phước, làm lành, tránh xa việc ác.

Cụ Diệu Hỷ tu hành thật đơn giản: Gìn giữ Tam Qui và Ngũ Giới, Thập Thiện. Hoan hỉ mọi công đức, giữ thân tâm an lạc và thanh tịnh, tinh tấn niệm Hồng Danh A Di Đà Phật.

Thật là rõ ràng và đơn giản biết bao! Hỡi ôi, sinh tử là việc lớn, tu nhất kiếp, ngộ nhất thời như bậc cổ đức đã từng nói. Với tín tâm như thế, cụ Diệu Hỷ đã nhẹ nhàng trút bỏ tất cả, ra đi trong niềm an lạc vô biên.

Sáng ngày 07/08/2001, sau khi công phu sáng xong, cụ Diệu Hỷ đến phòng ăn, pha tách cà phê, uống và ăn bánh sáng. Bất thình lình cụ ngã gục xuống đất và la lên một tiếng thật lớn. Lúc đó người con gái thứ tư của cụ là cô Oanh, lập tức chạy đến và thấy mẹ mình ở tình trạng rất nguy kịch và chị gọi ngay xe cấp cứu đến để đưa cụ đến bệnh viện. Một giờ sau khi bị tai biến mạch máu não, cụ Diệu Hỷ vẫn còn nhận biết những người con và không ngừng niệm Phật, hòa trong tiếng niệm Hồng Danh Đức A Di Đà Phật của các con cháu.

Sau khi giải phẫu đầu, cụ Diệu Hỷ không tỉnh lại nữa. Đại Đức Thích Trúc Thông Hoàng, vị Thầy có nhiều nhân duyên với cụ Diệu Hỷ đã khai thị và trì tụng cho cụ. Đại Đức Thích Phước Tấn, Đại Đức Thích Phước Thiền, Đại Đức Thích Nguyên Tạng, Đại Đức Thích Tịnh Đạo là những vị Thầy mà cụ Diệu Hỷ vô cùng quy kính cũng kịp thời đến thăm và trì tụng cho cụ Diệu Hỷ tại bệnh viện.

Cụ bà vãng sanh lưu hương thơm trên tóc

1

Vào lúc 9h45 sáng ngày 10/08/2001, cụ Diệu Hỷ đã vãng sanh một cách nhẹ nhàng, an lạc trong tiếng niệm Hồng Danh A Di Đà không dứt của các con cháu. Cụ Diệu Hỷ đã được chư Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni, đạo hữu các đạo tràng, và các ban hộ niệm của nhiều Chùa ở Melbourne đến viếng và trì tụng vãng sanh từ ngày 11/08/2001 đến ngày 13/08/2001.

Sáng ngày 13/08/2001, xác thân cụ Diệu Hỷ được Đưa vào nhà thiêu Altona Crematorium để hỏa thiêu lúc 11h sáng. Do có sự cảm ứng được báo trước của người con gái thứ 11 của cụ Diệu Hỷ, nên con cháu cụ xin phép được quan sát tro cốt sau khi hỏa thiêu.

Được sự đồng ý của nhà thiêu Altona, con cháu của cụ và Đại Đức Thích Trúc Thông Hoàng đến nhà thiêu lúc 3h30 chiều cùng ngày 13/8/2001. Trong hộp tro cốt, Đại Đức Thích Trúc Thông Hoàng và con cháu cụ Diệu Hỷ, đã tìm thấy hơn trăm mảnh xá lợi đủ 5 màu sắc: đen, đỏ, vàng, xanh, trắng. Đa số các mảnh kết thành Hoa xá lợi, có hình như hoa cúc. Đến 4h cùng ngày Đại Đức Thích Phước Tấn đến, và Thầy đã tìm thấy thêm 2 viên xá lợi hình tròn như hạt tiêu màu vàng sậm, bóng sáng rất đẹp, và Đại Đức cũng tìm thấy thêm nhiều hoa xá lợi khác nữa.(Sự khác biệt giữa xá lợi và di cốt là: Xá lợi kết thành viên tròn hoặc thành hoa xá lợi hình bông cúc, cứng, rắn chắc không bóp vỡ được và có màu đen, đỏ, vàng, xanh, trắng. Di cốt thì màu trắng ngà, xốp hoặc đặc, nhưng mềm, dùng tay bóp có thể vỡ ra..)

Đại Đức Thích Phước Tấn xác nhận tất cả những phần tìm thấy đều là xá lợi, có giá trị như sự chứng thực cụ Diệu Hỷ đã thực sự vãng sanh. Đại Đức khuyên con cháu nên thờ kính xá lợi không như thờ cha mẹ, mà như bậc Thầy dẫn dắt ta trên đường tu tập. Con cháu cụ Diệu Hỷ hơn 10 người có mặt tại chỗ đều cung kính nhận lấy lời dạy của Đại Đức Thích Phước Tấn. Số xá lợi được đem về tôn thờ tại nhà người con gái thứ 4 của cụ Diệu Hỷ, (địa chỉ: 382 Francis st. yarraville. Vic. 3013. Australia).

Ba ngày sau khi đem về, khi đem ra để an vị xá lợi vào hộp kiếng, số xá lợi đã tăng thêm gấp 3 lần và có màu sắc sáng láng hơn. 14 ngày sau, khi con cháu đem xá lợi ra để ngắm dưới kính phóng đại, thấy có nhiều ánh sáng trắng nhấp nháy như ánh sáng kim cương, hoặc như ánh sáng của các vì sao chiếu nhấp nhoáng trên bầu trời vào ban đêm. Đây là một sự huyền diệu, không thể lý giải bằng phương pháp khoa học, chỉ có thể lý giải bằng tín tâm vào sự mầu nhiệm của Phật Pháp mà thôi.

Đại Đức Thích Phước Tấn có cung thỉnh 2 viên xá lợi tròn màu vàng sậm (do chính Đại Đức Tìm thấy) và thêm vài hoa xá lợi khác màu xanh về chùa Quang Minh. Số xá lợi còn lại, được chia cho các con cháu để thờ kính, và các Chùa, Tự viện nếu có lời yêu cầu; nhằm mục đích khuyến tu.

Trong kệ kinh sách của cụ Diệu Hỷ, người con trai trưởng của cụ đã tìm thấy nhiều thủ bút của cụ. Trong đó có thủ bút của cụ Diệu Hỷ sưu tập chép lại bài thơ, hoặc sáng tác chưa rõ:

TA NHÌN TA

"Đêm sầu gần một kiếp

Ôm bóng tối ưu phiền

Chính giữa lòng triền miên

Mang âm thầm tứ nghiệp

Nằm đu đưa ảo mộng

Đi suốt trùng sương mù

Ngồi dưới tàng cây phượng

Còn nữa đời phù du

Sáng ngày bên đầu núi

Bên đất trời mênh mông

Biết ta là hạt bụi

Trong cơn lốc vô thường

Nhìn xuống vào sâu thẳm

Dòng sông nào vơi đầy

Biển khơi nào đã cạn

Mưa nắng nào qua đây

Làm Thiền sư khoác áo

Leo lên đỉnh non cao

Khu rừng xưa mất dấu

Xuyên lá nắng nào reo

Ta bước vào tịnh cốc

Ngồi tụng Kinh Kim Cang

Chợt nụ cười Di Lặc".

Căn cứ vào những thủ bút do cụ Diệu Hỷ ghi chép và để lại, có thể thấy rất rõ rằng cụ Diệu Hỷ đã đi trên con đường Phước Huệ song tu suốt cả đời cụ. Còn quan sát hành trạng của cụ như gìn giữ Tam Quy, Ngũ giới, thọ Bát Quan Trai giới, Thọ Thập Thiện giới, hoan hỉ công đức cúng dường Tam Bảo, Từ bi, phóng sanh, làm lành, lánh dữ… thì có thể nói cụ Diệu Hỷ đang đi trên đường Giới, Định, Huệ tiệm tu qua nhiều chục năm của cuộc đời cụ. Nhưng nếu nhìn gần những năm tháng cuối đời của cụ Diệu Hỷ, có thể nói cụ chuyên chú vào pháp môn niệm phật, niệm niệm không dừng dứt, để cầu vãng sanh cõi A Di Đà Phật, tịnh thổ của Tây Phương Cực lạc. Như trong kinh A Di Đà đã nói: Hựu nhất nhật… nhất tâm bất loạn, nhất tâm, nhất niệm, niệm niệm Hồng Danh A Di Đà Phật cũng đủ được vãng sanh cõi A Di Đà.

Trong lần viếng di tích Phật Giáo năm 1997 ở Ấn Độ, mặc dù tuổi đã già sức đã yếu, chỉ với cây gậy chống đỡ, cụ Diệu Hỷ đã leo lên đỉnh núi Linh Thứu trước tất cả mọi người trong đoàn. Và ngay trên tảng đá, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hơn 2.600 năm trước, đã thuyết Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, cụ Diệu Hỷ đã dùng tóc mình để cúng dường Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và pháp bảo vô lượng. Ôi! Dũng mãnh thay Đại lực tín tâm của một người phật tử bình thường. Ôi! Kiên cố thay Đại lực tín tâm như kim cương của một hành giả trên đường vượt thoát sinh tử luân hồi. Chỉ bằng sức tín tâm, nhất tâm nhất niệm, niệm niệm không rời Hồng Danh A Di Đà Phật, mà cụ Diệu Hỷ đã chứng thực: Vãng sanh cõi Di Đà là hiện thực. 

Tất cả lời biện luận uyên bác, cao siêu; trăm nghìn vấn đáp phù phiếm chẳng qua là tro cốt còn lại. Tín tâm và hạnh nguyện, nhất tâm, nhất niệm Hồng Danh A Di Đà, dù chỉ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, 4 ngày, 5 ngày, 6 ngày, 7 ngày... mà nhất tâm bất loạn cũng chắc chắn vãng sanh về cõi Cực Lạc Tây Phương. Và tinh tủy của công năng niệm Phật ấy đã kết thành xá lợi, lưu ly, sáng ngời, lấp lánh như kim cương. Phải chăng cụ Diệu Hỷ chỉ muốn để lại cho con cháu lời nhắn nhủ vô ngôn:"Trải qua A tăng kỳ kiếp, ngụp lặn trong sinh tử, luân hồi. Trải qua lửa đỏ của 9 tầng địa ngục, Chỉ bằng Tín tâm và nhất niệm Hồng Danh A Di Đà Phật, cũng đủ độ thoát hằng hà sa chúng sanh qua bên kia bờ sinh tử! Hỡi ơi, kiến thức càng lớn, kiến chấp càng sâu dày, nghiệp duyên càng nặng, tín tâm càng nhỏ, ngã ta càng to, tro cốt càng nhiều, sinh tử bao giờ mới dừng lại? Kiến chấp bỏ xuống, nghiệp mỏng, duyên dày, tín tâm vô lượng, ngã ta không còn, chỉ còn lại kim cương và lưu ly sáng ngời như hào quang tiếp dẫn của Đức A Di Đà từ cõi Tịnh Thổ Cực Lạc Tây Phương".

Thiện Ngộ - Con trai thứ 5 của bà Diệu Hỷ - Viết tại Melbourne 25/08/2001

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa

Tư liệu 19:45 30/11/2024

Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội

Tư liệu 09:26 30/11/2024

Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.

Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm

Tư liệu 13:15 28/11/2024

Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.

Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà

Tư liệu 16:15 27/11/2024

Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.

Xem thêm