Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 24/04/2022, 12:19 PM

Bồ tát Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng

Hạnh Bồ tát có hai phần là tự hành và hóa tha. Bồ-tát thập trụ nhắm vô tự hành nhiều hơn, nhưng qua Bồ tát thập hạnh đã trụ tâm vững chắc rồi mới nghĩ đến độ người, hành Bồ tát đạo lấy lợi tha làm chính.

Vì vậy, khi tâm chưa vững, công đức chưa có mà độ người không thể đạt kết quả. Thực tế cho thấy tuy ta trải qua một thời gian tu hành, thấy mình thanh tịnh, tâm bình ổn, nhưng ra làm đạo tiếp xúc với cuộc đời, với công việc, đôi khi công việc làm ta bất an. Vì làm thì phải để tâm, nhưng nếu việc thành tựu tốt đẹp, ta cảm thấy dễ chịu; còn việc không tốt thì ta buồn phiền. Hoặc ta làm được việc, người tán thưởng, ta dễ chịu, dù sự dễ chịu đó sau này có thể làm ta ngã mạn. Nhưng nếu làm không được việc, ta tự xấu hổ và lại bị người chỉ trích thì càng khổ thêm. Vì vậy, tâm không vững mà làm việc, ta luôn rơi vào vui buồn vinh nhục. Anh em thấy các thầy phát tâm làm việc thường đụng chạm nhiều nên bị hư là do tâm không trụ vững chắc trong pháp. Bồ tát thập hạnh tu mười môn Ba-la-mật là Bồ tát tập sự vừa làm vừa học. Phải làm với thầy với bạn để được dìu dắt đi lên, làm một mình bị hư. Vì vậy, hành Bồ tát đạo phải có quyến thuộc Bồ-đề, các Bồ tát nương nhau làm. Hàng Bồ tát thập hạnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên cần có thầy chỉ đạo, giao việc và gặp khó khăn, chúng ta mới hỏi thầy chỉ dạy. Khi tôi còn là Sa-di, có Phật tử trên Bà Rá xuống Ấn Quang thỉnh giảng sư. Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp hỏi tôi chịu đi giảng ở Bà Rá không. Tôi thưa rằng thầy sai thì con đi, vì tôi tin thầy sáng suốt và nương tựa thầy, tin thầy hộ niệm cho mình. Lúc đó, tôi học thuộc lòng bộ Phật học phổ thông, nên Hòa thượng thương tôi. Lên Bà Rá giảng kinh lần đầu tiên, Phật tử khen tôi trẻ mà giảng hay, nhờ tôi học thuộc lòng, có nói thêm cũng không được! Đó là kinh nghiệm lần đầu tôi hành đạo. Nhờ thầy hiền bạn tốt, thầy là Hòa thượng Thiện Hoa, bạn là các vị lớp đàn anh như Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Huyền Vy, Hòa thượng Tắc Phước, v.v… nương theo các ngài mà tôi trưởng thành trên đường đạo.

btn-0061-4392

Qua được pháp hành của Bồ tát thập trụ là tâm đã an trụ trong nhà Như Lai thì hoàn cảnh bên ngoài dù thế nào, tâm hành giả cũng yên ổn. Tới đây mới hành Bồ tát đạo, giáo hóa chúng sanh được. Hành Bồ tát đạo, ta thích làm cho người hưởng và nhẫn chịu được những việc xấu ác đổ lên mình. Xưa kia có một vị Tổ được gọi là Bồ tát Quan Âm thị hiện, ngài vào đời giáo hóa chúng sanh. Ngài có điểm đặc biệt là người ta mắng chửi, hạ nhục, tâm ngài không bị tác động, không thay đổi và có người tệ ác đến mức lấy thùng phân đổ lên đầu ngài. Đọc tiểu sử ngài, tôi luôn ám ảnh điều này, nghĩ đến người đổ phân lên đầu mình tất nhiên sợ quá. Anh em phát tâm hành Bồ tát đạo phải lường trước việc khủng khiếp như vậy. Vị Tổ này vẫn an nhiên đội thùng phân đi và nói rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ! Nghĩa là ngài quán tưởng thân tứ đại là thùng phân biết đi, hay đãy da đựng đồ ô uế, hoặc chúng ta quán tưởng thân này là mộ địa vì mỗi ngày ăn thực phẩm là chôn vô bao tử biết bao chúng sanh. Quán tưởng thuần thục như vậy, nên Tổ an nhiên tự tại đội thùng phân đi.Theo tôi, câu nói của Tổ rằng thùng phân lớn đội thùng phân nhỏ có nghĩa là hành Bồ tát đạo, ta chấp nhận điều xấu đổ lên mình. Điều xấu ác được cụ thể hóa bằng thùng phân. Người làm việc xấu ác rồi đổ cho mình. Hành giả đi vào đời phải nghĩ đến điều này. Bị đổ việc xấu mà các thầy chịu được và quyết tâm làm là hành Bồ tát đạo. Không chịu được thì thoái chuyển, trở về Thanh văn, không dính líu đến cuộc đời nữa. Vì cuộc đời muôn mặt, nhưng ta xuất thế thì không dính líu đến cuộc đời. Vào đời phải có sức chịu đựng được mới có thể hành Bồ tát đạo. Vì vậy, Bồ tát Phổ Hiền nói rất dễ thương rằng "Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ”. Nghĩa là hoan hỷ chấp nhận những việc xấu đổ lên mình, vì hạnh Bồ tát là chịu khổ thế chúng sanh để cúng dường Phật. Họ đổ xấu lên Bồ tát, vì họ không có sức chịu hay không dám nhận, nên Bồ tát hoan hỷ vững tâm hành đạo, còn bị đổ điều xấu mà ta buồn phiền bực tức thì bị đọa.

Hoặc Quan Âm Thị Kính bị vu oan, nhưng âm thầm chấp nhận với tâm hoan hỷ mới thành tựu quả vị của Bồ tát. Một vị thiền sư khác ở Nhật Bản cũng có hạnh tương tợ như vậy. Vị này tu hành luyện được tâm hoan hỷ, luôn giữ nụ cười trên môi và hoan hỷ trong lòng đối trước việc xấu ác đổ cho ngài. Một hôm có cô gái con của thí chủ giàu có. Cô ta mang bầu bị cha mẹ gạn hỏi, cô mới bịa đặt rằng đã quan hệ với nhà sư đó. Cha mẹ cô tức giận vì cúng dường cho thầy mà nay thầy lại làm ác như vậy. Sự thật là cô ấy thương anh thanh niên bán cá ngoài chợ, nhưng vì không xứng giai cấp, nên không dám nói thật mà đổ tội cho thầy. Cha mẹ dắt cô con gái cùng cả xóm kéo đến chùa sỉ vả chửi mắng thầy, nhưng thầy chỉ mỉm cười và nói "Thế à”. Sau đó, cô sanh đứa bé và đem đến chùa giao cho thầy nuôi. Ông cũng nói "Thế à” rồi nhận nuôi đứa bé. Một khoảng thời gian sau, cha mẹ đứa bé lên chùa thấy nó dễ thương, nên lạy thầy xin sám hối để được nhận đứa con về. Lần này, thầy cũng nói "Thế à”. Một đời hành Bồ tát đạo, ba lần mở miệng chỉ nói "Thế à”, vì thầy đã nhìn thấy sự thật của cuộc đời, nên đối với oan trái, thầy nhẫn chịu, lòng luôn hoan hỷ.

Trong kinh Hoa Nghiêm, Phổ Hiền khẳng định rằng: "Đối với tôi lòng luôn hoan hỷ. Nguyện thường diện kiến chư Như Lai. Và hàng Bồ tát vây quanh Phật. Tôi đều cúng dường tứ sự đủ. Tột thuở vị lai không nhàm mỏi”. Vì vậy, không thoái chuyển hạnh Bồ tát, cứ như vậy mà tiến tu dù có khó khổ. Nhưng qua được chặng đường gian khó này, chúng ta phát tâm, nghĩa là nhờ có thử thách mới luyện được tâm mình. Cái mõ chạm cá hóa long, vì cá này thấy thác là nhảy vượt qua tiêu biểu cho sức chịu đựng của con người kiên cường. Mỗi ngày đánh mõ, nhìn con cá chạm trên mõ nhắc nhở chúng ta cố gắng vượt qua khó khăn và người quyết tâm tu vượt được một việc khó thì phải chuẩn bị vượt cái khó sau lớn hơn nữa.

Khi đạt được tâm hoan hỷ đối với mọi việc xảy đến, tâm hành giả vẫn không thay đổi thì bước qua pháp hành của thập hạnh Bồ tát là hành vô vi nghịch hạnh. Đương nhiên chúng tăng thượng mạn thì loại bỏ, nhưng trong chúng có hàng thú tịch Thanh văn hướng tâm về Niết-bàn cũng bị loại bỏ. Hướng tâm về Niết-bàn tương đối dễ làm, nhưng sự thật làm được như vậy cũng không đơn giản, thí dụ hướng tâm về Cực lạc đến độ nhứt tâm bất loạn thì không phải ai cũng thực hiện được, tuy nhiên vẫn có thể làm được, cho nên hàng thú tịch Thanh văn không được quan tâm đến. Phật chỉ quan tâm đến hàng thị hiện Thanh văn và thoái chuyển Thanh văn.

Thoái chuyển là ra làm đạo, gặp nhiều khó khăn, nên chùn bước. Riêng tôi phát tâm mạnh, nhưng gặp việc khó, tôi ngừng lại để tự kiểm lại con người mình coi có đủ năng lực hay không, coi khả năng bên trong của mình vượt được hay không. Nếu xét thấy hạnh của mình còn yếu kém thì dừng lại mà chúng ta thường nói là lực bất tòng tâm, đó là thoái chuyển. Khi chúng ta dừng lại, tâm yên tĩnh nhận được sự hộ niệm của Phật để chúng ta vượt lên, cho nên sau đó chúng ta lại tiếp tục làm. Kinh Pháp Hoa gọi đó là Hóa thành nghĩa là sau khi qua hai trăm do tuần đường hiểm cảm thấy mệt thì tạm dừng chân để lấy sức đi tiếp, không dừng luôn; quá trình tu hành có sự trải nghiệm như vậy. Trong trường hợp này, những việc làm của Bồ tát chúng ta không thể nhận biết được theo sự khôn dại của cuộc đời, gọi là bất khả tư nghì. Riêng tôi, không biết tại sao mình sống được đến ngày nay và làm đạo được. Đạt thành quả mà chúng ta không hiểu được thì đó là vô vi pháp. Tu hành chúng ta cố giải được vô vi pháp là hạnh của Bồ tát. Việc người biết, ta biết là bình thường. Việc thành tựu mà người không biết là bất tư nghì mà chúng ta giải được. Ngài Trí Giả gọi là bất tư nghì sanh diệt Tứ đế.

Đầu tiên, sanh diệt Tứ đế mà ta hiểu được là bình thường. Nhưng bây giờ đi qua bước thứ hai là bất tư nghì sanh diệt Tứ đế, việc ở trong thế giới sanh diệt nhưng không hiểu được tại sao lại như vậy. Thí dụ ở hoàn cảnh bức ngặt nào đó, tưởng chết nhưng không chết, hoặc nghĩ rằng việc chắc chắn phải thành nhưng thất bại. Tất cả những hệ quả như vậy chúng ta không biết. Tôi từng có kinh nghiệm về điều này, đối với những việc xảy ra trong sanh diệt rất bình thường nhưng lại không giải được.

Trên bước đường tu, an trụ trong pháp Phật một cách miên mật, tôi phát hiện ra rằng Phật Di Đà xây dựng được thế giới Cực lạc là do công đức trang nghiêm. Điều này Phật đã nói trong kinh nhằm nhắc nhở rằng tất cả những điều mà chúng ta không hiểu được nhưng làm được là do công đức làm. Nhận thức lý đạo như vậy, chúng ta nên tích lũy công đức, đừng tiêu hủy công đức. Khi phạm sai lầm, tiêu hủy công đức thì việc dễ cũng không làm được. Tôi thấy người bạn đồng tu thông minh hơn tôi, thông minh này để làm gì? Hiểu biết hơn người và sử dụng trí thông minh này để lừa dối mọi người, lần lần người ta phát hiện được ý đồ đen tối đó, nên không còn tin tưởng nữa. Tôi có người bạn có ngoại hình dễ coi, ăn nói dễ chấp nhận. Đầu tiên ông làm việc dễ thương là xin tiền để cất chùa. Phật tử cũng hoan hỷ chấp nhận việc xây chùa, nhưng về sau, cuối đời ông chết mà không xây dựng được chùa, thậm chí cái am cốc cũng không có, trở thành người lang thang. Vì đời trước ông này tu có được phước báo do tích lũy công đức nên đời này mới có hảo tướng và được người tin tưởng, nhưng lại tiêu hủy công đức, nên trở thành thân tàn ma dại.

aocasa

Nhìn chiều sâu, nhìn về vô hình, tôi thấy mọi việc đều do công đức quyết định, thí dụ được người kính trọng, cúng dường và làm được Phật sự là do công đức mà thành tựu. Chuyện hơn thua phải trái ta phớt qua, nhìn kỹ thấy chỉ có công đức là cao nhất được Phật giới thiệu qua cảnh Cực lạc do công đức của Đức Di Đà tạo thành.

Trở về thực tế, hàng ngoại đạo thấy vua Tần Bà Sa La cúng thượng uyển cho Phật Thích Ca, họ không chịu được, vì Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp là Quốc sư. Ông không hiểu được tại sao ông có công lao lớn nhất và ba anh em Ca Diếp đã hết lòng cho triều đại này, đáng lẽ vua phải cúng thượng uyển cho ông, nhưng lại cúng cho Sa-môn Cù Đàm lúc đó là tu sĩ rày đây mai đó chỉ có một mình. Giải vô vi pháp để thấy tại sao Đức Thích Ca không làm mà được, còn Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp có công lớn mà lại không được.

Không làm thì không được, điều này dễ hiểu. Làm mà được cũng dễ hiểu. Không làm mà được là vô vi pháp, chúng ta phải hiểu điều này để làm đạo. Thực tế cho thấy có thầy lao vô việc xã hội, cuối cùng thân tàn ma dại rồi nói không làm nữa, không hành Bồ tát đạo nữa. Làm mà không được thì chúng ta suy nghĩ, nên tránh, là đừng tiêu hủy công đức, đem phiền não vô lòng, nhận lầm giặc là con. Người không làm, nên không buồn, có phước bao nhiêu giữ bấy nhiêu. Còn làm mà đem phước đánh đổi phiền não quả là dại dột.

Vì vậy, Bồ tát thập hạnh bắt đầu suy nghĩ và ứng dụng pháp Phật, làm bằng công đức, không làm bằng tay chân, đó là vô vi pháp. Bồ tát làm bằng công đức gợi chúng ta nhớ đến việc Phật đã làm. Trong kinh Bản sanh nói rõ Đức Phật đã xả thân cứu độ chúng sanh, nghĩa là Ngài đã tích lũy công đức từ vô lượng kiếp cho đến nay mới có thành quả là vua cúng dường thượng uyển cho Ngài.

Trên bước đường tu, mục tiêu của Bồ tát là làm lợi ích cho chúng hữu tình thể hiện hạnh lợi tha của Bồ tát vì lợi người, không lợi mình. Bồ tát làm cho người hưởng và không muốn người trả ơn. Xin tiền cất chùa nhưng không được; trái lại, có công đức thì người ta tự đem tiền đóng góp, anh em phải thấy như vậy. Theo chân Bồ tát, mục tiêu của ta là làm cho người, nên họ mang ơn và đủ duyên thì ơn đền nghĩa trả.

Trong vô lượng kiếp Đức Phật hành Bồ tát đạo và tích lũy công đức nhiều đời mới tạo thành công đức hiện có là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Ngày nay, chúng ta thấy vị nào có công đức lớn thì làm được việc lớn, công đức nhỏ thì làm nhỏ. Chưa có công đức thì hiện tướng không có công đức, hoặc hiện tướng nghiệp Tăng càng nguy hiểm, nghĩa là tướng xấu xí, bệnh hoạn và tệ nữa là đần độn. Người như vậy đương nhiên khó làm được việc. Có sức khỏe tốt, có ngoại hình dễ coi và có trí tiếp thu được, nhân những điều kiện tốt này, chúng ta mới phát triển được và phát triển theo chiều hướng tốt càng tốt hơn. Nhưng không may gặpthầy tà bạn ác dẫn đi vào đường xấu, nghiệp ác càng tăng trưởng, hoàn cảnh sống sẽ thê thảm.

Hành Bồ tát đạo giải được pháp vô vi, ta mới hành vô vi pháp. Có bao nhiêu công đức, chúng ta tận dụng để sanh ra công đức mới. Gom vốn mình có và sử dụng vốn này có ý nghĩa đương nhiên chúng ta có giá trị thặng dư cho kiếp sau. Chúng ta tự kiểm xem trí thông minh, sức khỏe và quyến thuộc Bồ-đề của chúng ta tới đâu.

Thấy bên trong là vô vi pháp, tôi thường quan sát một người nhận ra họ thù nghịch hay cảm tình với mình. Thù nghịch là biết oan gia nghiệp chướng tiền khiên đã đến, nên gặp nhau thì họ khởi tâm giận ghét liền, tu hành tĩnh tâm chúng ta dễ nhận ra điều này. Còn nhìn bề trong biết họ cảm tình, nhận ra đây là quyến thuộc Bồ-đề sẽ hợp tác với ta.

Tuần rồi tôi khởi ý niệm thăm viếng các trường hạ thành phố Hồ Chí Minh và công bố chính thức việc đi thăm viếng. Lúc ấy, một số Bồ-đề quyến thuộc, tức người đồng hạnh đồng nguyện với tôi đã tìm đến gửi tiền cúng dường 26 trường hạ của thành phố. Khi ta khởi ý niệm làm Phật sự nào đó sẽ có người đồng hạnh nguyện đến hợp tác. Nếu anh em khởi ý niệm làm, nhưng không ai tới hỗ trợ là vì không có quyến thuộc Bồ-đề. Hoặc khởi ý niệm tốt, nhưng bị người phản đối là oan gia tiền khiên gặp lại. Bồ tát thập hạnh thường quán sát bề trong để hành đạo để được kết quả tốt.

Quán sát kỹ, thấy được việc cần làm và không còn sai lầm là giai đoạn cuối của Bồ tát thập hạnh, tròn được hạnh gọi là chân thật hạnh của Bồ tát. Và khi thành tựu trọn vẹn các sở hành của Bồ tát thập hạnh thì bước qua giai đoạn cuối của Hiền vị là thập hồi hướng.

236472758_344718783969971_1955758493232104801_n

Bồ tát thập hồi hướng

Trên lộ trình tiến tu Bồ tát đạo, chúng ta tạo được bao nhiêu công đức, nhưng nếukhông biết giữ gìn, công đức này sẽ mất hết. Vì vậy, Phổ Hiền Bồ tát dạy chúng ta nếu là người trí nên quán sát những gì đem theo được sau khi mạng chung thì làm. Nói cách khác, đầu tư vô chỗ lấy được lãi thì gởi. Trong kinh Niết bàn, Phật dạy không đầu tư cho Thanh văn. Tại sao. Ví như người khôn có tiền không gởi cho người tuyệt tộc, tuyệt tự. Các thầy đi vào vô dư Niết-bàn là người tuyệt tự.

Thập hồi hướng tức mười chỗ chúng ta nên đầu tư. Làm được bao nhiêu công đức phải biết chỗ gởi. Phật dạy người khôn phải biết gởi chỗ không mất, trước nhất là hồi hướng Vô thượng Bồ-đề nghĩa là tất cả công đức mà chúng ta có nên dồn hết cho việc phát huy trí tuệ. Khi bỏ thân xác này, trí tuệ đem theo không mất. Giữ trí tuệ là sự nghiệp chính của người tu. Tu không có trí tuệ thì nguy hiểm, vì bỏ xác này sẽ chui đại vô các loài hạ đẳng. Muốn bảo đảm đời tu của chúng ta trong kiếp sau, Phổ Hiền Bồ tát dạy rằng sanh trong các loài đều biết túc mạng là biết đời trước của mình ở đâu, làm gì thì mới tu lên được.

Mất trí tuệ là mất tất cả. Vì vậy, đầu tư của chúng ta lớn nhất là học và tu, làm sao phát triển trí tuệ cao nhất. Tôi thuở nhỏ tụng kinh Hoa nghiêm thấy điều này quan trọng và hợp ý tôi, nên trên bước đường tu, tôi nhường tất cả, trừ trí tuệ không nhường, nghĩa là khi nào hiểu biết của ta chưa bằng người thì nỗ lực cho bằng hay hơn người, không chấp nhận thua, còn các thứ khác thua được. Đó là hồi hướng Vô thượng Bồ-đề quan trọng nhất mà tôi đã suy nghĩ và áp dụng.

Thứ hai là hồi hướng Pháp giới chúng sanh, tức gởi vô chúng sanh, nói dễ hiểu là chúng ta lựa người để bố thí, giúp đỡ. Người Việt Nam có câu nói rất hay: "Người ta ăn thì còn, con ăn thì mất”. Cho người ăn, họ nhớ ơn mình, sẽ trở thành bạn và hợp tác với mình. Mẹ tôi áp dụng điều này triệt để, bà không lo nhiều cho con cái, nhưng luôn tử tế với khách. Vì vậy, sau này tôi tu hành gặp những người làm cách mạng có thiện cảm với tôi, họ cho biết trước kia đã từng được cha mẹ tôi đối xử tốt.

Hồi hướng Pháp giới chúng sanh để kết thành quyến thuộc Bồ-đề. Những người đồng hạnh đồng nguyện cần được giúp đỡ, ta sẵn sàng giúp, đời sau tái sanh gặp lại, họ liền có cảm tình với ta và cùng hỗ trợ nhau làm việc lợi ích. Trên bước đường tu, tôi đã từng thực hiện pháp tu này và đạt được thành quả xin chia sẻ với anh em. Khi tu học ở Nhật, tôi đã tham gia vào việc dạy các sinh viên Việt Nam mới đến Nhật, dạy họ luyện thi vào đại học và dắt họ đi thi. Họ thi đậu thì mang ơn mình và sau họ nên danh cũng quý trọng mình. Chúng ta tu hành không có nhu cầu nhiều, lại thêm sống tri túc, tiết kiệm, nên không tiêu xài nhiều, nhờ đó có được thặng dư thì ta quán sát biết người nào có nhu cầu chánh đáng, ta sẵn sàng đầu tư cho họ. Mai kia, họ thành đạt, ta có được bạn tốt, việc hành đạo chắc chắn dễ thành công, đó là lợi ích của pháp tu hồi hướng Pháp giới chúng sanh.

Có người nói rằng tôi phát học bổng mà sao không có ai biết ơn. Đương nhiên có người quý trọng tìm tới, hoặc họ không tới nhưng trong lòng cũng quý mình. Nhờ hạnh này, tôi làm đạo từ Cà Mau đến Móng Cái được nhiều người chấp nhận; đó là hồi hướng pháp giới chúng sanh không nhứt thiết cho một đồng để họ trả lại hai đồng. Thấy việc cần, ta hỗ trợ. Trên bước đường tu, Phật dạy khi ta chưa cần tiền hoặc vật nào đó, nhưng người cần thì ta giúp. Hoặc ta cần, nhưng người cần hơn, ta cũng giúp, giá trị thặng dư mới cao.

co-nen-cau-sieu-cho-nguoi-moi-mat-tanglehanoi.net_

Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề và Pháp giới chúng sanh để chúng ta thấy biết đúng tâm can của chúng sanh, vì nếu không thấy đúng sẽ dễ bị chúng sanh lợi dụng. Nếu họ lợi dụng, ta không cho; nhưng nhìn kỹ, họ cần hơn mình thì sẵn sàng nhường. Phải có trí tuệ, không phải nói giúp thì ai cũng giúp, ai xin cũng cho rồi nghĩ rằng đó là bố thí bất nghịch như ý, bố thí như vậy là sai lầm phải gánh lấy hậu quả không tốt. Xá Lợi Phất cho biết ngài đã từng bị sai lầm này, nên ngài nỗ lực tu, đầu tư tất cả cho trí tuệ, mới có tôn danh là Trí tuệ đệ nhất A-la-hán.

Vì tầm quan trọng của trí tuệ, nên Bồ tát tu hồi hướng Pháp giới chúng sanh sau khi có trí tuệ. Xưa kia Xá Lợi Phất nghe nói bố thí bất nghịch như ý liền phát tâm bố thí, bấy giờ ngài gặp người Bà-la-môn xin đôi mắt của ngài. Nếu không cho thì trái với nguyện, đành để Bà-la-môn móc mắt, nhưng họ làm vậy để ngài mù, không làm được gì, nghĩa là họ cố tình hại ngài, hại Phật pháp và hại chúng sanh; bố thí như vậy là dại. Nhưng nếu có trí tuệ thấy Bà-la-môn là ác ma thì phải xét xem có nên cho hay không và cho để họ làm gì. Đó là kinh nghiệm sống chết của ngài Xá Lợi Phất. Lịch sử cũng cho chúng ta thấy kinh nghiệm xương máu đã xảy ra ở Đại học Nalanda, chỉ với hai trăm lính Hồi giáo mà giết sạch hai vạn tu sĩ Phật giáo một cách dễ dàng.

Có trí tuệ sáng suốt thấy cái gì nên cho, cái gì dứt khoát không cho; thấy người nào nên tiếp xúc, người không nên gần gũi; thấy chỗ nên tới hay không nên tới. Vì vậy, phải hồi hướng trí tuệ trước, cứu độ chúng sanh sau và chuyển hóa chúng sanh trở thành quyến thuộc Bồ-đề.

Sau khi kết hợp được trí tuệ và chúng sanh, lòng hành giả không quan tâm đến thành quả này, gọi là hồi hướng chơn như thật tướng. Nghĩa là tâm Bồ tát luôn bình ổn và trí sáng quan sát cuộc đời theo sự vận hành của nó, cho đến khi tất cả mọi việc đối với hành giả đều diễn tiến theo đúng vận hành của nó là hành giả đã hoàn tất được Hiền vị thứ ba và bước sang pháp hành của hàng Thánh vị là Bồ tát thập địa.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Kiến thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết

Kiến thức 13:30 04/11/2024

Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.

Thực hành thiền Phật giáo

Kiến thức 11:40 04/11/2024

Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.

“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”

Kiến thức 10:00 04/11/2024

Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.

Xem thêm