Về sự tín ngưỡng, tôn trí, thờ phụng ở những ngôi chùa Việt Nam, chúng
ta thường thấy Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đứng hầu phía tay trái đức Phật
Thích Ca Mâu Ni, tay cầm kiếm và ngồi trên lưng con sư tử xanh. Tuy
nhiên, là người con Phật, chúng ta phải đặt niềm tin và sự hiểu biết về
Bồ tát Văn thù Sư Lợi như thế nào cho đúng với tinh thần Phật giáo?
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói cho đủ theo âm Hán là Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. Đại Trí là trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện.
|
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi ngồi trên lưng con sư tử xanh và cầm kiếm |
Văn Thù Sư Lợi là dịch âm từ tiếng Phạn Manjusri. Các nhà cựu dịch gọi là Văn Thù Thi Lị, còn tân dịch gọi là Văn Thù Thất Lị, gọi tắt là Văn Thù. Còn nếu dựa trên cơ sở các kinh Đại Thừa, chúng ta lại thấy rằng: Ngài có rất nhiều tên gọi khác nhau.
Như kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Niết Bàn gọi là “Diệu Đức”. Hoặc kinh Vô Hành gọi là “Diệu Thủ”. Đối với kinh Quán Sát Tam Muội, kinh Đại Tịnh Pháp Môn thì gọi là “Phổ Thủ”. Còn kinh A Mục Khư, kinh Phổ Siêu có danh xưng là “Như Thủ”. Hay kinh Đại Nhật gọi là “Diệu Cát Tường”,...
Căn cứ vào kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn, thì Bồ tát này đã sinh vào nhà Bà La Môn Phạm Đức, ở tụ lạc thuộc nước Xá Vệ. Khi Bồ tát thị hiện, ngôi nhà bỗng hóa thành hoa sen. Điều đặc biệt là Bồ tát cũng sanh từ hông phải. Và sau đó đã xuất gia, học đạo với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, kinh này không nói rõ thời gian và niên đại xuất hiện của Bồ tát nên cũng khó xác chứng cụ thể. Vì vậy, nhân vật trên có phải là Bồ tát Văn Thù được giới thiệu trong các kinh Đại Thừa hay không vẫn còn là câu hỏi dành cho các nhà sử học Phật giáo.
Trong Phật giáo, nhất là Phật Giáo Đại thừa, những nhân vật và hình tượng, ngoài ý nghĩa lịch sử, truyền thuyết, nó còn mang tư tưởng triết học, ẩn dụ và biểu trưng. Người học Phật chúng ta nếu không nắm bắt được tinh thần này, thì chắc chắn sự nhận thức sẽ dễ rơi vào định kiến, cực đoan và bị các quan niệm tôn giáo hữu thần đồng hóa.
Ở đây Bồ tát Văn Thù ngồi trên con sư tử xanh đều có những tính cách ẩn dụ và biểu trưng. Thế thì, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là biểu trưng cho ý nghĩa gì?
Căn cứ vào sự luận giải của các vị cổ đức, chúng ta thấy rằng: Bồ tát Văn Thù là tiêu biểu cho căn bản trí hay nói cách khác là biểu thị cho trí, tuệ, tâm chứng. Căn bản trí là trí tuẹâ nhận thức các pháp, thấy được tính bình đẳng không hai, chứng đắc thật tướng. Lại nữa, tay cầm kiếm là tượng trưng cho trí tuệ sắc bén.
Theo đó, hình ảnh con sư tử xanh là biểu thị cho uy lực của trí tuệ. Vì con sư tử xanh là loài thú chúa ở rừng xanh, có sức mạnh và uy lực hơn tất cả các loài thú khác. Cho nên, lấy con sư tử để biểu trưng cho năng lực vô cùng của trí tuệ. Đó cũng là trí của Phật. Bồ tát Văn Thù nhờ trí này nên đã chuyển hóa những vô minh, phiền não, những ý niệm chấp ngã, pháp trở về vô lậu và chứng chân thật tính.
Điều này được chứng minh qua kinh Thủ Lăng Nghiêm, như khi Ngài A Nan bị Ma Đăng Già,
đức Phật đã bảo Bồ tát Văn Thù đem thần chú đến để cứu giải. Ở đây chúng ta thấy tại sao đức Phật không sai vị Bồ Tát khác mà lại bảo Bồ tát Văn Thù. Trên cơ sở đó chỉ có ý nghĩa đơn giản là nhờ trí tuệ siêu việt của Bồ tát Văn Thù mới có khả năng chuyển hóa được tất cả những tâm lý mê lầm lúc ấy của Ngài A Nan.
Trên tinh thần giáo dục và chuyển hóa, chân dung và phẩm tính của Bồ tát Văn Thù đã trở thành bài học ứng dụng trong đời sống thực tiễn. Do đó, tư cách của Bồ tát Văn Thù thường có ý nghĩa khai thị và thức tỉnh cho tất cả chúng sinh.
Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề khai thị của Bồ tát Văn Thù thì lẽ đương nhiên phải khẳng định rằng: Tất cả chúng ta đều có đầy đủ căn bản trí, đầy đủ trí, tụê, chứng nhưng căn bản trí hay trí, tụê, chứng đó sở dĩ không phát huy hết công dụng.
Tại sao lại vậy? Bởi vì chúng ta không chịu tỉnh thức, không chịu trở về nhận ra kho tàng trí tuệ của chính mình. Khi hành giả nhận ra kho tàng trí tuệ tức là nhận ra đức tính Văn Thù ở chính tự tâm, nhận ra được niệm tỉnh sáng của bản giác tự tại vô ngại. Vì vậy, đồng là căn bản trí, đồng là trí, tuệ, chứng nhưng
Bồ tát Văn Thù đã thắp sáng và thể hiện đến tận cùng, còn ngược lại chúng ta thì vẫn cứ nằm trong vô minh, phiền não, khổ đau.
Chính vì thế, để xây dựng một xã hội ổn định và phát triển, hơn bao giờ hết tất cả chúng ta phải tự hóa thân mình thành những vị Bồ tát Văn Thù để dẫn đạo tình thương, trí tuệ làm cho
xã hội hướng đến đời sống an lạc và hạnh phúc. Đây không phải là sự kêu gọi cho lý tưởng mà mục đích là thực tiễn hóa đời sống. Nếu con người đã hóa thân được như vậy, sẽ đem lại phúc lạc cho xã hội hiện tại và tương lai biết bao nhiêu!
Nếu chúng ta sống với trí tuệ từ bi như thế, bất cứ xã hội nào cũng sẽ rất cần. Vì chúng ta đi vào cuộc đời là để trao truyền bức thông điệp “hiểu biết và tình thương”, thực hiện lý tưởng bình đẳng trong đời sống giữa người với người, giữa người với đời sống xã hội. Và chỉ khi nào người đệ tử của đức Phật (bao gồm xuất gia, tại gia) thể hiện được điều đó thì Phật giáo mới xây dựng được niềm tin, hy vọng và nguồn an lạc cho mọi người.
Tịnh Phương
TIN, BÀI LIÊN QUAN