Bồ Tát: Vị giác ngộ vẫn còn trong vòng luân hồi
Khi chúng ta nói về lòng từ bi và lý tưởng của Bồ tát, chúng ta đang nói về những người bình thường, với thân thể, cái trí, cuộc sống này, những vấn đề…Những người có thể tìm thấy sự quảng đại, nỗ lực và trí tuệ ngay ở đây và bây giờ.
>NHỮNG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT NÊN ĐỌC
Chúng ta nhận ra rằng, Bồ tát là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Họ là một người bình thường tiến vào cuộc đời theo hướng của Đức Phật. Mỗi chúng ta thực ra là bất cứ ai hướng sự chú ý, cuộc sống của họ, để thực hành lối sống của một vị Phật đều là Bồ tát.
Bồ Tát là ai?
Bồ tát là một thuật ngữ được phiên âm từ tiếng Phạn Bodhisattva hay Bồ đề tát đỏa trong Hán-Việt. Từ Bodhi có nghĩa là giác ngộ hay thức tỉnh và sattva có nghĩa là một thực thể, bản chất hay tinh thần. Từ Bồ tát có thể được hiểu là “Một người có trí tuệ Bát Nhã” hoặc “Một người có bản chất giác ngộ”.
Nghĩa của từ “Bồ tát” trong tiếng Pali (Bodhisatta) là “Một người cam kết với sự khai sáng“. Từ “satta” có nghĩa là “cam kết, cố định hoặc cố ý hướng về phía trước”.
Những vị Bồ tát được cho là có phẩm chất tương đương với các vị Phật về trí tuệ, từ bi và quyền năng. Lòng bi mẫn thúc đẩy họ giúp đỡ những người khác, sự thông thái cho họ biết cách làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và quyền năng tích lũy cho phép họ hành động theo những cách kỳ diệu.
Bồ tát là những nhân vật rất phổ biến trong văn học và nghệ thuật Phật giáo. Một chủ đề nổi bật là sự che dấu bí ẩn của họ. Trong nhiều câu chuyện, các cá nhân bình thường hoặc thậm chí là động vật được tiết lộ là những vị Bồ tát vĩ đại, đã hóa thân thành nhiều hình thức khác nhau để cứu người. Bởi vì không ai có thể phân biệt được người thường và bậc Thánh, nên mọi người phải đối xử với tất cả những người khác như là người sau này trở thành các vị giác ngộ tối cao.
Bồ tát xuất hiện phổ biến trong văn hoá dân gian như một vị thần cứu rỗi, họ đảm nhận một vai trò thật sự thông qua sự tiến hoá của những ý tưởng trước đây, và thông qua sự hợp nhất với các vị thần trong tín ngưỡng dân gian địa phương.
Một thần thoại đặc biệt quan trọng ở Đông Á là Dharmakara. Theo kinh điển, Dharmakara là một vị Bồ tát mà lời thề nguyện của Ngài đã được nhận ra trước khi trở thành Phật A Di Đà.
Ý nghĩa của Bồ Tát trong Phật giáo
Có 3 ý nghĩa chính của thuật ngữ Bồ tát trong Phật giáo:
1.Trong Phật giáo thời kỳ đầu, Bồ tát có nghĩa là “những kiếp trước của một vị Phật”.
2.Trong Phật giáo Đại Thừa, Bồ tát là từ đề cập đến những người cam kết đạt được giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh. Trở thành Bồ tát là mục tiêu chính của Đại Thừa.
3. Bồ tát được đề cập trong Phật giáo Đại Thừa như một đối tượng tôn thờ. Các vị Bồ tát như Quan Thế Âm, Địa Tạng Vương hay Văn Thù Sư Lợi là những đối tượng cầu nguyện của đa số Phật tử theo trường phái này.
Trong Phật giáo thời kỳ đầu
Trong Phật giáo thời kỳ đầu tại Ấn Độ và trong một số truyền thống sau đó, bao gồm Phật giáo Nam Tông (Theravada Buddhism) thì thuật ngữ Bồ tát được sử dụng chủ yếu để chỉ những hóa thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong nhiều kiếp quá khứ.
Câu chuyện về các hóa thân này được miêu tả trong Jataka (thuộc Tiểu bộ kinh). Nội dung chủ yếu liên quan đến những nỗ lực rèn luyện và phát triển các phẩm chất cao quý bao gồm: Đạo đức, hy sinh và trí tuệ trước khi Ngài trở thành một vị Phật.
Bồ tát trong các văn bản Phật giáo thời kỳ đầu dùng để chỉ: Đức Phật lịch sử trước khi giác ngộ; Cuộc sống hiện tại của Đức Phật tương lai Di Lặc (Maitreya – Metteya).
Thuật ngữ Bồ tát ban đầu có nghĩa như “Một con người đang trên đường trở thành một vị Phật”. Những kiếp trước của Bồ tát Thích Ca Mâu Ni được kể trong Pali Jataka, một tập hợp những câu chuyện dân gian mà sau này đã trở thành nền tảng cho các truyện ngụ ngôn của Aesop (nhà văn nổi tiếng của Hy Lạp).
Trong Phật giáo Đại Thừa
Đại Thừa không mong muốn giác ngộ hoàn toàn để thoát khỏi vòng luân hồi. Họ làm như vậy vì lòng từ bi vĩ đại mong muốn giải phóng chúng sinh khỏi đau khổ.
Phật giáo Đại Thừa tin rằng, bất cứ ai thực hiện khát vọng thức tỉnh (Bodhicittotpada) đều có thể trở thành Bồ tát. Theo giáo lý Đại Thừa, trong suốt lịch sử vũ trụ, không có khởi đầu nên không có kết thúc, nhiều người đã cam kết trở thành Phật.
Kết quả là vũ trụ bao trùm một phạm vi rộng lớn các vị Phật tiềm năng, từ những người vừa bước lên con đường Phật quả (Buddhahood), cho tới những người đã trải qua thời gian dài sống trong quá trình tu luyện và do đó, họ đã có được sức mạnh siêu nhiên.
Một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Phật giáo trong thế kỷ 8 là “Hướng dẫn trở thành Bồ tát” của Shantideva. Bồ Tát Hạnh (Bodhicaryavatara) gồm mười chương chi tiết về việc thực hành các hoàn thiện Ba-la-mật (paramitas) và rèn luyện Bồ đề tâm (Bodhicitta), nhờ đó một người có thể trở thành Bồ tát.
Kinh điển Đại Thừa dường như đã được phát triển thêm sau này, bởi vì họ nhận ra rằng, một số người mà sao này được gọi “Tiểu thừa” đã thu hẹp khái niệm về con đường Phật giáo. Những người chỉ quan tâm đến việc giải phóng bản thân khỏi đau khổ mà không quan tâm đến phúc lợi của chúng sinh.
Một số người cho rằng, sự định hướng này đã mâu thuẫn với sự nhấn mạnh ban đầu của Đức Phật, rằng các môn đệ của Ngài “đi vì lợi ích của nhiều người“, và với mối quan tâm không mệt mỏi của mình đối với phúc lợi của người khác. Vì vậy, các nhà truyền giáo Đại Thừa đã nhìn lại cuộc đời của Đức Phật để lấy cảm hứng. Trước khi giác ngộ, Đức Phật hay Bồ tát được cho là đã trải qua vô số kiếp sống để phát triển lòng từ bi vĩ đại trong một trí tuệ hoàn hảo.
Bồ Tát là một đối tượng tôn thờ
Phật giáo Đại Thừa mở rộng phạm vi các đối tượng tôn thờ trong quá trình hình thành và phát triển trường phái của mình. Đức Phật Thích Ca luôn luôn là một đối tượng tôn kính lớn lao đối với những người theo đạo Phật. Bản thân Ngài cũng khuyến khích việc tôn kính các vị Phật trước cũng như Đức Phật tương lai Di Lặc.
Do đó, nếu nói rằng không có tôn thờ, sùng kính, thờ phượng trong Phật giáo thì không chính xác. Tuy nhiên, Phật giáo Đại Thừa đã mở rộng phạm vi của các hình tượng tôn sùng bằng cách giới thiệu thêm nhiều chư Phật và Bồ tát mới. Tại sao chuyện này lại xảy ra?
Thứ nhất: Có thể có trường hợp các nhân vật Phật giáo tiền nhân hoặc không phải là Phật giáo nhưng được kết hợp vào truyền thống Phật giáo để làm hình tượng cho sự thúc đẩy trạng thái giác ngộ. Điều này có vẻ như là trường hợp của Kim Cương Thủ, người đã bắt đầu sự sống như một Yaksha, một người bảo vệ của Đức Phật trong một số kiếp quá khứ. Một số học giả cũng cho rằng, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi bắt đầu như một nhạc sĩ thiên đường, hay các Tara (Lục Độ Phật Mẫu) đã bắt đầu cuộc đời như Durga, một vị thần Bà la môn (Brahmin).
Thứ hai: Dường như một số vị Bồ tát trong Phật giáo xuất hiện như những biểu hiện tự phát trong quá trình thực hành thiền định. Đối với những người hành thiền, những hình ảnh có ý nghĩa và ổn định xuất hiện như là kết quả của tâm trí đạt đến trạng thái tinh thần bất bình thường.
Những hình ảnh này được gọi là nimittas. Một vị thiền sư có tinh thần đặc biệt tinh tế có thể nhìn thấy, ví dụ, một hồ nước lấp lánh hoặc một viên ngọc sáng trên một nền đen vô hạn.
Có thể suy đoán rằng, một thiền giả khi có trải nghiệm đặc biệt mạnh với lòng từ bi trong trạng thái thiền, và một tầm nhìn rõ ràng về một nữ thần xinh đẹp, yêu thương đang bước ra từ hoa sen để giúp chúng sinh. Và như thế, Tara được “sinh ra”.
Các vị Bồ Tát phổ biến trong Phật giáo
Sau đây là một số vị Bồ tát phổ biến trong Phật giáo Đại Thừa, Kim Cương Thừa và Phật giáo Nguyên Thủy:
Bồ tát Quan Thế Âm (Avalokitesvara Bodhisattva): Tượng trưng cho lòng từ bi vĩ đại trong Phật giáo Đại Thừa và là trợ thủ đắc lực thường đứng bên tay trái của Phật A Di Đà.
Bồ tát Đại Thế Chí (Mahasthamaprapta Bodhisattva): Tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ trong Phật giáo Đại Thừa và là trợ thủ đắc lực thường đứng bên tay phải của Đức Phật A Di Đà.
Bồ tát Địa Tạng Vương (Ksitigarbha Bodhisattva): Bồ tát của chúng sinh dưới địa ngục. Một vị Bồ tát rất phổ biến trong Phật giáo Đại Thừa tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi (Manjushri Bodhisattva): Tượng trưng cho trí tuệ hoàn hảo, một vị Bồ tát quan trọng trong Phật giáo Kim Cương Thừa.
Bồ tát Kim Cương Thủ (Vajrapani Bodhisattva): Tượng trưng cho sức mạnh trong Phật giáo Tây Tạng, Ngài là người bảo vệ của Đức Phật, có đầy đủ sức mạnh và sự can đảm của tất cả chư Phật.
Bồ tát Di Lặc (Maitreya Bodhisattva): Vị Bồ tát duy nhất được tôn kính trong Phật giáo Nguyên Thủy. Ngài được cho là vị Phật tương lai sẽ đến trái đất giảng pháp và cứu chúng sinh khi những lời dạy của Phật Thích Ca bị lãng quên.
Kết Luận
Bồ tát là những sinh mệnh cống hiến hết mình cho sự đánh thức phổ quát, hay sự giác ngộ của mọi người. Họ tồn tại như các hướng dẫn hay nhà cứu trợ chúng sinh. Họ là những hình mẫu minh họa cuộc sống thánh thiện mà chúng ta phải học hỏi để tiêu trừ đau khổ trên thế giới.
Bồ tát có thể tuyệt vời với sức mạnh, lòng từ bi và trí tuệ, nhưng họ cũng có thể trở nên bình thường như người hàng xóm bên cạnh chúng ta. Bồ tát xuất hiện bất cứ nơi nào mà hành động tốt đẹp được thực hiện.
Trên con đường Bồ tát, chúng ta đi theo những giáo lý về lòng quảng đại, kiên nhẫn, hành vi đạo đức, cân bằng, thiền định, và cái nhìn sâu sắc vào thực tế để biết điều gì là cần thiết để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, chúng ta có thể sống theo một cách có lợi cho người khác và chính mình. Chúng ta học cách từ bi với bản thân và học cách nhận ra rằng, chúng ta không tách biệt với những người mà chúng ta tưởng là xa lạ.
Bồ tát không phải là người mà chúng ta nghĩ là họ. Bồ tát không giới hạn trong một số ít các nhân vật đáng kinh ngạc hay những người nổi tiếng. Bồ tát không phải là người mà chúng ta nghĩ là họ. Chúng ta không thể hiểu được Bồ tát tuyệt vời như thế nào. Tất cả chúng ta đều là Bồ tát, trong một khoảnh khắc nào đó của cuộc đời. Khi bạn đang đọc bài viết này, rất nhiều Bồ tát đang giúp đỡ người khác bên ngoài. Họ là những sinh vật kỳ diệu, ban phước cho tất cả chúng sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Góc quán niệm: Khi chết nên chôn hay hỏa táng?
Phật giáo thường thức 20:32 03/12/2024Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.
Mục đích chánh yếu của việc đi chùa là gì?
Phật giáo thường thức 14:49 03/12/2024Vậy mục đích chánh yếu của việc đi chùa là gì? Chỉ gói gọn trong bốn chữ “đi chùa cầu đạo”.
Con người sau khi chết linh hồn đi về đâu?
Phật giáo thường thức 14:00 03/12/2024Hỏi: Xin Hòa thượng giải thích cho chúng con hiểu về việc con người sau khi chết linh hồn sẽ đi về đâu?
Học Phật hạnh phúc
Phật giáo thường thức 11:00 03/12/2024Sống biết rèn luyện tu tập theo lời Phật sẽ từng bước phát triển những phẩm chất đạo đức trí tuệ tốt đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị ý nghĩa tích cực. Biết chọn sống lương thiện tích cực và học Phật chính là cách lựa chọn của người trí để sống không uổng một kiếp người.
Xem thêm