Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 04/09/2023, 20:42 PM

Bố thí giúp đỡ là nhân dẫn đến giàu có

Có một người Phật tử thắc mắc uống rượu ăn thịt là nên hay không nên? Do đó đến hỏi một vị Thiền sư. Thiền sư trả lời: Uống rượu ăn thịt là "lộc" của mỗi người.

Không uống rượu ăn thịt là cái "phước" của mỗi người! Vì chúng ta có phước mới được hưởng lộc. Có phước mới được ăn sung mặc sướng, có phước mới sống thọ. Nếu chúng ta không có phước, sao được hưởng lộc ăn thịt uống rượu, sao có được đầy đủ mọi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống hằng ngày?

Đạo Phật chủ trương trong hiện tại, phải sống giải thoát cho chính mình và vừa giúp đỡ mọi người vượt qua nỗi khổ niềm đau, để đạt được an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Muốn vậy chúng ta phải thực hành Bồ tát đạo, và trong lục độ vạn hạnh, bố thí là tiêu chí đầu tiên mà tất cả mọi ngườiphải thực hành.

Bồ tát là dịch âm từ chữ Phạn, nói cho đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa. Bồ-đề nghĩa là giác. Tát-đỏa là hữu tình. Bồ-tát nghĩa là chúng hữu tình giác. Tất cả các loài hữu tình là sinh vật có tình thức, có giác biết, có cảm xúc. Bồ tát là loài hữu tình có giác ngộ, nhưng giác ngộ từng phần. Chính vì vậy mà ở đời, chúng ta thấy ai hay thương người, luôn giúp đỡ sẻ chia cứu người trong cơn hoạn nạn, thì chúng ta nói là người ấy có tâm Bồ tát. Bồ tát là người, sau khi tin Phật, học Phật, phát nguyện tự độ, độ tha, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để cứu giúp mọi người. Chúng sinh trước khi thành Phật tất yếu phải trải qua một quá trình hành Bồ tát đạo. Mọi người từ khi mới phát tâm cho đến khi thành Phật đều được gọi là Bồ tát.    

Chính vì vậy, Phật giáo chủ trương người tu theo đạo Phật phải tự mình giác ngộ giải thoát, sau đó mới giúp đỡ cho nhiều người cùng được giác ngộ giải thoát; đó chính là tâm nguyện cao cả của người Phật tử chân chính thực hiện Bồ tát đạo ngay trên thế gian này, làm lợi ích cho mọi người, theo tinh thần phước huệ song tu để thành Phật viên mãn. Do giáo hóa chúng sinh, hành giả mới thành tựu quả vị Bồ tát và cuối cùng là thành Phật, tùy duyên giáo hóa, ứng hiện 3 cõi 6 đường tiếp tục độ sinh.

Do đó, đối với sự sống của một người, chúng ta cần xây dựng từ kiếp sống quá khứ được nối tiếp với kiếp sống hiện tại và cho đến đời vị lai. Chúng ta đi tu là không phải chấm dứt cuộc hành trình ở thế gian này mà tách rời xã hội, không gắn liền với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, như cách hiểu sai lầm của một số người.

Trong cuộc sống của chúng ta thường nghe nói: Người này "có phước" quá, cho nên mới được giàu có sang trọng, được ăn học tới nơi tới chốn, đẹp đẽ trang nghiêm, vừa mạnh khỏe, vừa hạnh phúc, cầu con được con, cầu của được của, mọi việc đều được như ý.

Hoặc cũng có khi chúng ta nghe nói: Người này "bạc phước" quá, cho nên làm chuyện gì cũng thất bại, tính toán việc gì cũng không xong, muốn cái gì cũng không được, tai họa xảy ra tới tấp, gặp việc mất mát đau thương! Khi được hạnh phúc, sống trong sung sướng, vật chất đầy đủ, mọi việc đều như ý, tất cả những cái được đó điều gọi là "có phước".

Có nhiều người hiểu lầm rằng, mình có phước báo như vậy là do trời thương, đấng tối cao đã ban cho mình! Nói như vậy có vẽ hơi bất công quá, nếu ông trời đủ sức ban phước giáng họa thì hãy ban đều hết cho tất cả chúng sinh đều chung hưởng, hà cớ gì một người được nhiều người không, là sao?

Sở dĩ chúng ta có những suy nghĩ như vậy là do tập khí tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ nhiều đời, do tánh ganh tị tật đố mà ra và những người như thế hay rơi vào bệnh ỷ lại, lúc nào cũng cầu khẩn van xin sự cứu giúp của bề trên. Con người khi được ấm no, hạnh phúc, thì ít khi nào để ý đến người khác cuộc sống ra sao, đó là tâm ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết mình mà thôi.

Thực ra, không có ông trời, thượng đế, hay đấng tạo hóa nào làm những chuyện bất công, thiên vị một cách vô lý như vậy. Những "phước báo" chúng ta đã được, đang được, và sẽ được để hưởng thụ vui chơi một cách hả hê, chính do chúng ta đã gieo trồng phước đức trong nhiều kiếp trước. "Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu bị quả báo xấu", đó mới là lẽ công bằng của nhân quả. Có nhiều người thắc mắc, làm sao biết mình "có phước" hay không?

Trên thế gian này, nếu chịu khó nhìn lên chúng ta sẽ thấy rất nhiều người giàu sang phú quý hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minhhơn mình, sáng suốt hơn mình, nhứt là những người Phật tử chân chính, sớm ý thức tu tập nên giác ngộ hơn mình, do đó sống bình yên, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Những người như vậy mới thật sự là những người "có phước" hơn mình.

Trái lại, khi nhìn xuống chúng ta sẽ thấy rất nhiều người nghèo hèn hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô đơn hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình, nhất là rất nhiều người nghèo khó chịu bất hạnh khổ đau, họ không được hạnh phúc như mình. Những người như vậy mới thật sự là những người "bạc phước" hơn mình.

Đức Phật dạy con người có năm phước là khỏe mạnh, giàu có, sống lâu, được nhiều người thương và có ngoại hình đẹp.

Đức Phật dạy con người có năm phước là khỏe mạnh, giàu có, sống lâu, được nhiều người thương và có ngoại hình đẹp.

Như vậy, rõ ràng chúng ta được gọi là "có phước", hay đang được thọ hưởng "phước báo" đầy đủ, nếu như chúng ta có được sáu căn trọn vẹn, cơm ăn áo mặc dư dã, thân thể khỏe mạnh ít bệnh đau, sống lâu trăm tuổi, tinh thần sáng suốt, gia đình hạnh phúc, không gặp hoạn nạn, không gặp đói khát, không bị kẻ thù sát hại....Khi chúng ta bị đau mắt, không còn nhìn thấy gì được nữa, mọi cảnh vật trở nên tối tăm, chúng ta mới thấy giá trị của đôi mắt sáng. Đến khi gặp thầy thuốc chữa lành đôi mắt trở lại như xưa, chúng ta mới thấy là mình đang "có phước"!

Thực sự chính "phước báo" của mình đã tạo ra trong quá khứ mới giúp chúng ta vượt qua những hoạn nạn. Người có "phước báo" đầy đủ trọn vẹn dễ dàng vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà không khó khăn gì mấy. Người có "phước báo" ít hơn thì phải chịu trả một chút ít thiệt hại về vật chất hoặc bị thương tật nhẹ. Người hết phước báo, hoặc không có phước báo, thì dễ dàng bị tai nạn trầm trọng và bỏ mạng sa trường!

Thậm chí có một số người tử vong trong các tai nạn. Chúng ta đọc báo cũng thấy có những chuyến hành hương từ thiện của các tôn giáo, bị lật xe trên đường đi hoặc trên đường về, gặp tai nạn chết chóc thương vong. Điều này giúp cho chúng ta càng tin sâu nhân quả tốt xấu, con người đã lỡ tạo nghiệp báo, dù trăm kiếp ngàn đời, khi quả báo chín muồi, thì phải chịu báo ứng nhãn tiền.

Nghĩa là nếu như con người không biết tu nhơn tích phước, chỉ lo tạo tội tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt hằng ngày, cho đến khi quả báo thuần thục, không ai có thể tránh được, cho dù người đó hiện tại đang tu hạnh giác ngộ, giải thoát cứu độ chúng sinh vô lượng, vô biên vẫn phải trả quả xấu nhiều đời còn xót lại.

Như có bà già kia là Phật tử thuần thành, năm nay đã 90 tuổi vì có nhiều phước báo, nên bà dành cả cuộc đời để cúng dường Tam bảo và làm từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó. Ấy thế mà, bà luôn gặp nhiều trắc trở và thường xuyên bị quả báo xấu, làm tổn hại vật chất và tinh thần.

Trong một chuyến từ thiện năm bà 85 tuổi hầu như tất cả mọi người đều chết hết, chỉ có hai người được sống sót, bà may mắn chỉ bị gãy tay thôi. Nhìn thấy những bạn đồng nghiệp đã ra đi, bà cảm thấy bất an và hối tiếc, nên không còn lòng tin đối với nhân quả nữa. Bà đến nhiều vị thầy để được giải đáp thắc mắc, tại sao bà đã làm thiện suốt cả một đời người mà lúc nào cũng gặp chuyện bất hạnh khổ đau? Chưa có vị thầy nào trả lời cho bà được thỏa mãn, vì sao lại như thế! Bà nói: Phật dạy làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, còn bà thì chưa từng làm ác mà hay làm thiện, tại sao lúc nào cũng bị tai nạn hay mất mát đau thương?

Trong chương trình sinh hoạt thường kỳ tại trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa Tỉnh Bình Dương, chúng tôi đã được gặp bà sau những lời thăm hỏi chúc phúc cho nhau. Bà đặt thẳng vấn đề liền, tại sao có những cái hình như đi ngược lại lý nhân quả? Chúng tôi mới hỏi bà, trong chuyến xe định mệnh đó, những ai là người được sống sót. Bà nói: Tôi và một người nữa!

Chúng tôi liền giải thích, nhân quả tốt xấu theo ta như bóng với hình dù trăm kiếp ngàn đời vẫn không mất. Việc làm tốt của bà trong hiện đời vẫn còn đó, chỉ vì chưa đủ nhân duyên nên quả tốt chưa trổ ra. Bà quả thật là người có phước báo quá lớn, nếu không thì đã toi mạng trong chuyến xe định mệnhđó rồi! Chúng tôi dẫn hình ảnh tôn giả Mục Kiền Liên gần cuối đời bị người ác hại chết, trong khi đó Phật đã xác nhận rõ ràng ngài đã chứng quả A La Hán tự tại trong sinh tử. Thân thì phải chịu quả báo của nghiệp ác nhiều đời chiêu cảm, nhưng tâm thì an nhiên tự tại không hề có một lời oán trách hay phiền muộn.

Người có tu và không tu khác nhau ở chỗ đó! Còn chúng ta khi quả xấu đến thì than phân trách phận, oán giận trong lòng hoặc chống trả trở lại bằng những hành động không tốt đẹp, do đó nhân quả thù hằn ghét bỏ càng thêm chất chồng, từ đời này sang kiếp khác.

Đạo lý nhân quả rất công bằng không biết thiên vị một ai, thay vì bà phải chết trong chuyến đi từ thiệnđó, nhưng gì phước báo đã gieo trong hiện đời quá nhiều nên bà chỉ bị thương mà thôi. Phật dạy: Nhân quả được tác động qua ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai khi hội đủ nhân duyên sẽ cho ra kết quả.

Một thí dụ điễn hình để cho chúng ta hiểu rõ xác thực về tiến trình diễn biến của nhân quả như sau: Cùng gieo giống trong một thời điểm thời gian, giống của cây lúa sẽ cho ra kết quả từ ba tháng đến sáu tháng, giống của cây chuối từ sáu tháng đến một năm, giống của cây xoài từ hai năm đến sáu năm.

Nối kết yêu thương, sẻ chia cuộc sống đem lại bình an và hạnh phúc cho con người là mục đích của đạo Phật. Làm từ thiện để đem niềm vui đến cho mọi người, khi gặp hoạn nạn, cơ hàn, khó khăn, cũng chính là đem niềm vui cho chính mình vậy. Từ lâu, việc bố thí cúng dường, giúp đỡ chia sẻ được Phật tử chan rải khắp ba miền, nam, trung, bắc, là nhịp cầu nối kết yêu thương, sẻ chia những nỗi niềm bất hạnh, đem đến hạnh phúc cho con người.

Chúng ta thường nghe nói: “Cứu ngặt nhưng không cứu nghèo, của cho không bằng cách cho”. Hoặc “Cho con cá không bằng cho cái cần câu”. Đó là những ưu tư trăn trở của chúng tôi sau nhiều năm làm từ thiện, làm thế nào để cho con người thực sự chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, thực sự bình an hạnh phúc ngay trong cuộc sống này. Chỉ có cách duy nhất, là tin sâu nhân quả và gieo trồng phước đức, thì sẽ chuyển hóa được kiếp nghèo khổ trong hiện và mai sau.

Dòng đời lúc nào cũng nghiệt ngã hay cuốn trôi tất cả dù đó là nhân nghĩa của một con người thương yêu và thù hận, được mất, hơn thua, tranh giành, chiếm đoạt, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu để được sinh tồn trên thế gian này. Thấy người bất hạnh mà không động lòng, không thương tâm, không tìm cách chia sẻ giúp đỡ, không phải là người Phật tử chân chính, nhưng chúng ta làm sao có đủ phương tiện lâu dài, để sẻ chia những mảnh đời bất hạnh đó?

Đạo Phật dạy cho chúng ta làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau, mình làm mình chịu, không ai có thể ban phước giáng họa, sắp đặt số phận cho mình mà chính mình đã gieo nhân thì gặt quả. Nhưng nhân quả không cố định có thể thay đổi được, tùy theo sự quyết tâm và ý chí tu tập của mọi người.

Theo đạo Phật, chúng ta hiểu phước là gì? Đức Phật dạy con người có năm phước là khỏe mạnh, giàu có, sống lâu, được nhiều người thương và có ngoại hình đẹp. Cần hiểu rằng năm phước không chỉ gắn liền với cuộc sống hiện tại, mà còn được nối kết bởi kiếp quá khứ đã gieo tạo và chúng taphải làm thế nào để được hưởng trọn vẹn năm phước đó.

Lộc là gì? Tết đến, một số người đi chùa bẻ sạch hoa lá, cây kiểng, gọi rằng hái lộc đầu năm; đó là việc làm sai lầm lớn bởi quan niệm mê tín, như vậy làm sao có lộc được. Muốn được lộc chúng taphải làm phước, có phước mới hưởng được lộc, không phải Phật hay nhà chùa phát lộc cho chúng ta. Hành hương cúng chùa đầu năm, đó là truyền thống tốt đẹp của người Phật tử Việt Nam, giúp một người qua cơn đói khát, thấy một người bệnh đơn chiếc chúng ta chăm sóc giúp đỡ, dẫn một người già qua đường, nói một lời động viên an ủi.v..v…

Chính những việc làm thiện ích này là hạnh nguyện của các vị Bồ tát, chúng ta ai cũng có thể làm được từ trong cuộc sống, để có được kết quả tốt đẹp là hưởng lộc. Như trên đã nói, ăn thịt uống rượu là chúng ta đang hưởng lộc, vì có phước nên được hưởng thụ thỏa đáng. Theo nguyên lý nhân quảlàm phước thì được phước, hưởng phước thì hết phước, chúng ta có phước nên mới có cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất mà ăn sung mặc sướng, nhà ở tiện nghi.

Tuy nhiên, uống rượu ăn thịt tức là chúng ta đang hưởng lộc trong sự đau khổ của các loài vật khác. Uống rượu nhiều gây say sưa, loạn tâm thần đánh mất lý trí nên dễ làm những chuyện bậy bạ có hại cho gia đình người thân và xã hội. Phước thì chúng đang hưởng sẽ hết, họa thì chúng ta phải gánh chịu trong nhiều đời kiếp, vì nhân si mê và sát sinh hại vật.

Có một gia đình nọ nhà rất giàu sanh được người con trai rất ngoan hiền, khi lớn khôn chỉ lo phụ giúpcha mẹ làm ăn sinh sống, đem lại nhiều lợi tức mà không dám tiêu xài. Sau đó, ông bà này lại sanh người con trai thứ hai hoàn toàn khác với đứa con thứ nhất là nó không giúp gì cho gia đình, ngược lại còn làm tiêu hao tài sản của cải.

Đứa con thứ hai được sinh vào nhà ông bà để đòi nợ cũ trong một kiếp quá khứ đã bị ông trưởng giảlường gạt, nên mối hận thù này khiến chiêu cảm quả báo xấu như thế. Còn người con trai lớn trong đời trước đã trộm cắp của ông trưởng giả, một số tiền quá lớn nên sinh trở lại làm con để trả hết số nợ này. Khi đứa con lớn thiếu nợ, đã trả xong thì chết và đứa con đến đòi nợ khi đủ rồi cũng chết. Cả hai đứa con có ân và có oán, đều chết sớm khi nợ nần giữa hai bên đều đã giải quyết xong.

Chúng ta khi đã hiểu rõ lý nhân quả rất công bằng, theo đó mọi việc tốt xấu, nên hư, thành bại trong cuộc sống này đều phát xuất từ nhân quả quá khứ của chúng ta. Nếu ai đã tu phước đời trước thì đời này dĩ nhiên là có phước, cho nên dân gian nói có phước, có phần không cần gì lo và khi chúng tatạo phước hiện đời, thì đời sau sẽ được phước hoặc hưởng liền trong hiện tại như ăn cơm liền được no.

Chúng ta sinh con hiếu thảo, thông minh, hay sinh con bất hiếu, bệnh hoạn, đều không phải do đấng thần linh nào tạo ra, mà do chính mình gieo nhân thì gặt quả. Như vậy, người làm ác nhiều sẽ gặp con cái bất hiếu phá sản làm tổn hại từ vật chất cho đến tinh thần. Đó là nói trong gia đình người thân, còn đối với xã hội những người có ân hoặc có oán với mình, thì họ sẽ theo phá ta, hoặc theo để giúp đỡ ta.

Trên bước đường tu học, nếu chúng ta chịu khó suy gẫm, quán chiếu thì sẽ nhận rõ nguyên lý nhân quả tốt xấu này. Những người không bằng lòng chúng ta, họ sẽ tìm cách tác động xấu khiến ta bị thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần. Mặc dù chúng ta đang làm việc tốt đó, nhưng những kẻ xấu đó họ không thích việc làm của ta. Thật vậy, sự tu hành của chúng ta thường phản ảnh hai mặt đối lập tốt xấu lẫn lộn chỉ nhiều hay ít mà thôi.

Ngoài những người mang ơn hay trả oán, được sinh lại làm gia đình người thân của chúng ta, hoặc những bạn đồng tu tái sanh trở lại, để động viên sách tấn chúng ta cùng hướng về con đường thiện. Còn có một hạng người nữa rất quan trọng trong đời sống chúng ta, đó là những đại Bồ tát tái sinhvào gia đình cha mẹ bình thường, nhưng sanh con có phước trí đặc biệt hơn người.

Ngoài việc cầu phước để có đời sống tốt đẹp và mở rộng tấm lòng để giúp đỡ những người khác khi có điều kiện, ngoài ra chúng ta cũng cố gắng nỗ lực tu hành để chuyển hóa phiền não tham, sân, si thành vô lượng trí tuệ, từ bi. Thân mạng của chúng ta được sống lâu dài, sức khỏe tốt, do chúng tabiết làm những việc tốt, muốn được như vậy mãi mãi trước tiên ta phải hiếu thảo với cha mẹ, làm tròn bổn phận đối với gia đình người thân và dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.

Muốn trường thọ thì phải không giết hại và chúng ta sinh ra làm người được khỏe mạnh nhờ đã từng bảo vệ mạng sống của nhiều người khác, chúng ta có phước là không làm tổn thương người hay vật. Chính nhờ vậy mà ta có sức khỏe tốt, quyến thuộc luôn biết làm phước là do ta biết buông xả những tâm niệm và hành động xấu ác.

Gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người là nhân dẫn đến nghèo đói, sẽ sanh vào vùng biên địanghèo đói để trả quả xấu này. Ngược lại, nếu có phước, biết bố thí, cúng dường như trưởng giả Cấp Cô Độc thường lo cho người khác thì càng ngày lại càng giàu thêm. Như vậy, giàu có là do biết làm phước nhiều đời, không phải do lường gạt dối trá mà được.

Khi có phước con người ta bắt đầu tìm cách hưởng lộc trong điều kiện sẵn có của mình, người biết tu nhân tích đức thì biết cách làm cho phước lớn rộng thêm để cầu mong được thọ, tức sống lâu. Muốn sống lâu, chúng ta không nên sát sinh hại vật bằng cách trực tiếp giết hay xúi bảo người khác giết hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết, đã vậy mà còn hay cứu mạng chúng sinh khi cần thiết.

Chúng ta có phước nên sống lâu, và nhờ biết cách gạn lọc phiền não tham sân si, chính vì vậy, người tu khác người thường là tuổi càng lớn càng thông minh, sáng suốt, không bị lú lẫn. Giúp đỡ sẻ chia, giúp ta thiết lập tình thương, trên cơ sở đó tạo ra mối quan hệ tương quan, tương duyên trong xã hộicộng đồng nhằm phát triển tốt đẹp về mọi mặt bền vững và lâu dài. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta phải làm như thế nào để tạo ra phước báo, nhằm hoàn thiện chính mình và đóng góp lợi íchcho nhân loại.

Bố thí là nền tảng cơ bản để kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống nhằm làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tha nhân là hạnh lành đầu tiên mà đức Phật lúc nào cũng nhắc đến. Bản chất của con người là luôn muốn có, muốn thêm, muốn nữa, mà không bao giờ thấy đủ, và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đang có. Muốn được sống an lạc hạnh phúc, ta hãy nên bằng lòng với những gì mình đang có và cố gắng duy trì gìn giữ và phát triển. Mong cầu nhiều, mơ ước nhiều mà không được như ý, chỉ thêm nhiều phiền muộn đau khổ mà thôi.

Phật dạy bố thí để giúp chúng ta dẹp lòng ham muốn quá đáng, có tính cách ích kỷ hẹp hòi, như tham tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ vô độ. Hạnh bố thí giúp con người hiểu được ít nhiều sự an lành thiết thực của người và của chính mình như thế nào. Cái gì mình tiêu xài thì hết, cái mình giúp người khác thì còn, giống như mình gửi tiền vào ngân hàng, khi cần thì lấy ra xài. Cái gì mình đang có, nếu không biết chia sẻ chưa chắc giữ được lâu dài.

Chỉ có những gì mình đã bố thí, giúp đỡ sẻ chia cho người khác mới thực sự là "của mình". Trong khi thực hành bố thí, nếu chúng quyên góp tiền bạc cho một người hay một tổ chức nào đó, để làm việc từ thiện, nhưng họ không làm đúng như lời họ nói, thậm chí họ còn lợi dụng lòng tốt của nhiều người để thủ lợi, làm việc sai trái, thì mình vẫn hưởng được "phước báu"! Tại sao vậy? Bởi khi chúng ta tự nguyện, phát tâm tùy hỷ, đóng góp tịnh tài cho một việc từ thiện, cứu người giúp đời, với tâm vị thabiết thương người mà không vì cầu phước báu cho mình, thì chúng ta vẫn có phước! Đó là theo quy luật nhân quả công bằng làm phước, được phước. Còn chuyện người đó, chùa đó, tổ chức đó, có làm đúng hay không, nghiệp ác họ tạo ra, họ sẽ nhận chịu theo nhân nào quả nấy.

Tóm lại, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm phước, tạo phước, kiếm phước và tích lũy phước. Dù là phước hữu lậu hay phước vô lậu, đều có công năng giúp chúng ta có thể sống bình yên, hạnh phúc để tiến tới chỗ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Phước có 2 loại: Phước vô lậu và phước hữu lậu. Phước vô lậu giúp chúng ta thoát khỏi phiền não tham sân si, không dính mắc vào sự thương ghét, tốt xấu, đúng sai, phải quấy nên dễ dàng thoát khỏisống chết luân hồi...Phước hữu lậu như chúng ta làm lợi ích, giúp đỡ cho mọi người về phương diệnvật chất sau này sẽ được: sắc tướng tốt, thọ mạng dài, nhiều tiền của, giàu sang phú quý, vợ đẹp con ngoan... Còn phước vô lậu là sự buông xả mọi vọng niệm dù ác hay thiện, luôn giữ tâm thanh tịnhnhư như. Người làm phước với tâm từ bi hỷ xả, không cầu mong được hưởng phước về sau, chỉ cố gắng tu học để tiến dần đến chỗ giác ngộ và giải thoát, đó là phước vô lậu, vượt khỏi vòng sanh tửluân hồi.

Chúng thực sự có khát vọng trở thành người giàu có và sống bình yên, hạnh phúc trong đời sống hiện tại, cũng như tương lai, thì ta hãy nên gieo trồng phước đức. Một chỗ đầu tư vô cùng an toàn, được bảo đảm bằng các giá trị vật chất thông thường mà còn có cả giá trị làm thăng hoa đời sống tâm linh.

Bố thí là một việc làm thiết thực nhất mà bất cứ ai hiện sống trên cõi đời này đều có khả năng san sẻ được. Cho dù chúng ta là những người sở hữu tài sản kếch xù, hay là kẻ bần cùng đều có khả năng thực hành hạnh bố thí. Có ba cách bố thí để chia sẻ những nỗi khổ niềm đau với người khác: thứ nhất là bố thí tài sản vật chất, thứ hai là bố thí lời Phật dạy, thứ ba là bố thí sự không sợ hãi.

Dù chúng ta đang lâm vào tình trạng khánh kiệt, bế tắc cũng có thể bố thí, chia sẻ những nỗi đau túng thiếu, mất mát của người khác hiện còn tệ hơn mình. Ngay cả một người hoàn toàn không có khả năng về vật chất, người ấy cũng có thể giúp đỡ cho người khác và xã hội bằng cách phát tâm phục vụ. Đây chính là ngân hàng "phước đức" mỗi người chúng ta đều có khả năng đầu tư cho chính mình.

Rõ ràng, "phước đức" không phải tự nhiên mà có, do chính bản thân ta phải ra sức đầu tư để làm các việc có lợi ích cho đời. Giống như một khu vườn, nếu chúng ta không biết chăm sóc từ việc gieo giống, bón phân và tưới tẳm, thì chẳng bao giờ hưởng được hương thơm quả ngọt. Nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể bố thí pháp được, như hướng dẫn người khác đi nghe pháp, từ một vị giảng sư nào đó, hoặc nói cho họ biết tin sâu nhân quả.

Trong lúc chúng ta đang giúp đỡ người khác, ta không nghĩ rằng mình đang làm phước, ta chỉ làm với tâm không tính toán so đo, đó là ta biết cách đem lại "phước báo" vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Phước hữu lậu được ví như chúng ta đang gửi tiền tiết kiệm, có khả năng giúp ta giàu sang, sung sướng, thỏa mãn vật chất đầy đủ.

Trong Kinh A Hàm, Phật dạy: "Chỉ có phước báo mới có thể chuyển hóa được nghiệp báo xấu mà thôi. Nghiệp xấu ác được ví như một nắm muối. Nếu chúng ta nuốt phải nắm muối đó, thì chắc ta sẽ cảm thấy khó chịu đến dường nào. Tuy nhiên nếu chúng ta bỏ nắm muối đó vào trong một tô nước rồi uống, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Nếu bỏ nắm muối đó vào trong một lu nước rồi uống, thì ta cảm nhận gần như vị mặn đó không làm cho ta thấy khó chịu nữa. Tô nước, lu nước, tượng trưng cho  người có"phước báo", do chính mình tạo được ít hay nhiều, sẽ giúp chúng ta chuyển hóa bớt nghiệp xấu ác.

Khi chúng ta làm được nhiều lợi ích cho người khác thì chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện khó sẽ hóa dễ. Luật nhân quả rất công bằng, dù cho ta có tu hành chứng đắc đi nữa, chúng ta vẫn phải chịu một phần nào quả báo xấu đã gieo tạo trước kia.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Kiến thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Kiến thức 16:10 21/11/2024

Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu

Kiến thức 13:12 21/11/2024

Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.

Nhớ ơn Thầy Tổ

Kiến thức 08:35 21/11/2024

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...

Xem thêm