Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 29/06/2024, 17:35 PM

Bốn câu thần chú

Bốn câu thần chú là một pháp môn linh ứng, tôi mong quý vị nên thực tập mỗi ngày. Mỗi câu thần chú là một linh dược, mỗi lần đọc lên là tình trạng sẽ chuyển đổi ngay lập tức, không cần phải đợi thêm một giây phút nào nữa cả.

Đó là một công thức thần diệu mà chúng ta phải đọc lên đúng lúc. Điều kiện làm cho nó trở nên hiệu nghiệm là chánh niệm và chánh định. Nếu không có chánh niệm và chánh định thì sẽ không có kết quả.

Thực tập

Cách thức thực tập bốn câu thần chú cho trẻ em và người lớn đều giống nhau.

Câu thần chú thứ nhất: “Em ơi, anh đang có mặt ở đây cho em.” (Hay: “Ba ơi, con đang có mặt ở đây cho ba.”) Chúng ta không cần phải thực tập bằng tiếng Sanskrit hay tiếng Tây Tạng, chúng ta chỉ cần dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tại sao ta phải thực tập câu thần chú này? Bởi vì khi thương ai, chúng ta muốn hiến tặng cho người đó những gì tốt đẹp nhất của ta. Và điều tốt đẹp nhất mà ta có thể hiến tặng cho người ta thương là sự có mặt đích thực của mình.

Câu thần chú thứ hai: “Em ơi, anh biết là em ở đó nên anh rất hạnh phúc.” (hay: “Ba ơi, con biết ba có ở đó nên con rất hạnh phúc”). Thương nghĩa là công nhận sự có mặt của người mình thương. Chúng ta phải có thời giờ. Nếu quá bận rộn, làm sao ta có thể công nhận sự có mặt của người đó? Điều kiện để thực hiện câu thần chú này là ta phải có mặt một trăm phần trăm. Nếu không có mặt thì ta không thể nhận diện sự có mặt của người kia. Nếu ai đó thương mình, mình cần người đó biết rằng mình đang có mặt ở đây – bất kể là mình già hay trẻ.

Chúng ta chỉ có thể thương yêu khi chúng ta có mặt thật sự. Chúng ta phải thực tập bằng bất kỳ pháp môn nào: thở chánh niệm, đi thiền hành hay phương pháp nào giúp ta có mặt đích thực cho người mình thương như một con người tự do. Nhờ có mặt nên ta có chánh niệm. Nhờ có chánh niệm nên khi người thương của ta đau khổ, ta biết được tình trạng của người ấy, nhận diện khổ đau của người ấy. Ta phải thực tập có mặt sâu sắc một trăm phần trăm. Rồi đến bên người ấy và đọc câu thần chú thứ ba.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Câu thần chú thứ ba: “Em ơi, anh biết em đang đau khổ nên anh có mặt ở đây cho em.” (Hay: “Ba ơi, con biết là ba đang đau khổ nên con có mặt ở đây cho ba.”) Khi đau khổ, ta muốn người ta thương ý thức được nỗi khổ của ta. Điều này rất con người và rất tự nhiên. Nếu người ta thương không biết ta đang đau khổ hay phớt lờ sự đau khổ của ta, ta sẽ khổ nhiều hơn. Vì vậy, nếu người ta thương ý thức được là ta đang đau khổ thì nỗi khổ của ta sẽ vơi đi rất nhiều. Trước khi người đó có thể làm điều gì để giúp đỡ ta, thì ta đã bớt khổ rồi. Đây không phải là sự thực tập riêng của con cái, của một cá nhân nào, mà là sự thực tập của tất cả mọi người. Điều này có thể tạo ra rất nhiều hạnh phúc trong gia đình. Thực tập vài tuần ta sẽ thấy tình trạng trong gia đình được chuyển hóa một cách bất ngờ.

Câu thần chú thứ tư: “Em ơi, anh đang khổ, xin hãy giúp anh.” (Hay: “Ba ơi, con đang khổ, con xin ba hãy giúp con.”) Câu thần chú thứ ba được sử dụng khi người ta thương đau khổ. Còn câu thần chú thứ tư này được sử dụng khi chính ta đau khổ. Ta tin rằng người ta thương yêu nhất gây ra đau khổ cho ta, vì vậy ta gặp rất nhiều khó khăn. Khi người mà ta rất thương nói hoặc làm điều gì đó gây tổn thương cho ta, ta sẽ đau khổ nhiều hơn. Nếu người nào khác nói và làm điều đó, có lẽ ta sẽ không khổ đau nhiều như vậy. Đằng này người mà ta thương nhất trên đời lại làm điều đó, nói điều đó. Cho nên ta không chịu đựng nổi. Ta đau khổ hơn cả trăm lần. Vì thế, đây là lúc ta cần thực tập câu thần chú thứ tư. Ta phải đi đến người ta thương yêu nhất vừa làm ta tổn thương tột cùng. Với ý thức tròn đầy, với sự có mặt của chánh niệm, chánh định, ta nói lên câu thần chú thứ tư này. Điều này hơi khó, nhưng nếu tập luyện thì ta có thể làm được. Thông thường, khi đau khổ mà mình tin rằng chính người mình thương yêu nhất làm cho mình đau khổ, thì ta có khuynh hướng muốn ở một mình. Ta nhốt mình trong phòng và khóc một mình. Ta không muốn nhìn người đó, không muốn nói chuyện với người đó, không muốn người đó đụng đến mình. “Hãy để cho tôi yên!” Điều này cũng rất tự nhiên, rất con người. Thậm chí nếu có ai đó cố gắng lại gần để hòa giải, ta còn nổi giận hơn.

Chúng ta có khả năng thực tập được câu thần chú thứ tư này không? Dường như chúng ta không muốn thực tập bởi vì ta thấy mình không cần sự giúp đỡ của người đó. Chúng ta muốn một người nào khác giúp đỡ mà không phải người đó. Chúng ta muốn độc lập. “Tôi không cần anh!” Chúng ta tự ái. Vì vậy, câu thần chú thứ tư rất quan trọng. Hãy đến với người đó, thở vào thở ra thật sâu, trở về với chính mình một trăm phần trăm, dùng tất cả định lực của mình để nói rằng mình đang đau khổ và mình cần người đó giúp đỡ.

Để có thể thực tập điều này, chúng ta phải tập luyện một ít. Chúng ta hay có khuynh hướng nói với người này rằng ta không cần họ. Không có người kia ta vẫn sống được, ta hoàn toàn tự lập. Nhưng nếu chúng ta biết dùng tuệ giác để nhìn nhận vấn đề, thì ta sẽ thấy rằng hành xử như thế là không thông minh. Bởi vì khi thương nhau, chúng ta cần có nhau, nhất là khi ta đau khổ. Chúng ta có chắc là khổ đau của ta do người đó gây ra không? Có thể chúng ta lầm. Có thể người đó không chủ ý làm điều đó, nói điều đó để làm ta đau. Có thể chúng ta đã hiểu lầm, có thể đó là tri giác sai lầm của ta.

Chúng ta phải luyện tập từ bây giờ để chuẩn bị cho lần tới. Khi có khổ đau, chúng ta có thể thực tập câu thần chú thứ tư. Thực tập đi thiền, ngồi thiền, thở chánh niệm để phục hồi lại chính mình. Sau đó đến với người đó và thực tập câu thần chú này: “Em ơi, anh đau khổ quá. Em là người mà anh thương yêu nhất trên đời. Em hãy giúp anh đi.” (Hay: “Ba ơi, con đau khổ quá. Ba là người con thương yêu nhất trên đời. Ba hãy giúp con đi.”) Đừng để tự ái ngăn cản mình đến với người kia. Trong tình thương đích thực không có chỗ cho sự tự ái. Nếu tự ái còn đó, thì chúng ta phải biết rằng chúng ta cần thực tập để chuyển hóa tự ái của mình thành tình thương yêu đích thực.

Con em mình còn rất trẻ, chúng còn rất nhiều cơ hội để học hỏi và luyện tập. Tôi tin chắc rằng nếu chúng được hướng dẫn và thực tập ngay từ bây giờ thì sau này khi có khổ đau, chúng sẽ thực tập dễ dàng, bởi vì chúng nghĩ người mà chúng thương yêu nhất đã thực tập như thế, đã nói như thế với chúng. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ sử dụng câu thần chú thứ tư này thường xuyên, nhưng đây là một câu thần chú rất quan trọng. Có thể chúng ta chỉ sử dụng câu thần chú này một hoặc hai lần trong năm nhưng cực kỳ quan trọng. Hãy viết câu thần chú xuống và giữ nó đâu đó để mỗi khi con em mình đau khổ, ta hãy khuyến khích chúng đến tìm câu thần chú này để thực tập.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm