Thứ tư, 03/11/2021, 13:17 PM

Bốn mươi năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng và phát triển – những thời cơ và thách thức

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã trải qua tròn 40 năm xây dựng và trưởng thành (07/11/1981 – 07/11/2021), quãng thời gian ấy có thể chưa nhiều so với lịch sử gần hai nghìn năm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Nếu ví thời gian có mặt của Phật giáo trên mảnh đất Việt như một dòng sông thì dòng sông mầu nhiệm ấy cũng chất chứa trong mình bao thăng trầm, biến động, để có lúc cuồn cuộn tuôn trào như thác đổ và cũng có lúc hiền hòa vỗ sóng vào bờ mẹ thân yêu. Sự tiếp nối và vững mạnh của mạng mạch Phật pháp từng ấy năm qua đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc. Có được điều đó, ngoài sự hộ trì của hàng Phật tử tại gia, sự ủng hộ của đông đảo quần chúng tín đồ, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước ta thì còn có công rất lớn ở nội lực và sự nỗ lực phấn đấu không mỏi mệt của từng Tăng, Ni GHPGVN.

Bước sang thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển của đất nước, sự hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, GHPGVN cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp, thích ứng với yêu cầu và xu thế phát triển chung của xã hội. Những vấn đề đó, bên cạnh yếu tố tích cực tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi để tiếp thu, học hỏi những điều mới thì cũng đặt ra vấn đề giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa, truyền thống Phật giáo, để hòa nhập mà không bị hòa tan và cuốn theo xu thế phát triển đó, làm thay đổi nền tảng văn hóa và đạo đức tốt đẹp của Phật giáo.

1. Thời cơ

Thứ nhất, sự đổi mới về nhận thức bằng những chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đất nước chuyển sang thời đổi mới kéo theo sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Chủ trương cởi mở, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân ngày càng được thể hiện rõ qua các văn bản quy phạm pháp luật và đi vào thực tế đời sống xã hội, đời sống của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong đó có Tăng Ni và Phật tử của GHPGVN.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016, được ban hành bằng Lệnh số 12/2016/L-CTN ngày 01/12/2016 của Chủ tịch Nước và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự kế thừa, tiếp nối và cụ thể hóa chính sách của Đảng và Nhà nước ta về lĩnh vực tôn giáo. Lần đầu tiên, các quy định, phạm vi điều chỉnh thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo được quy định bằng Luật. Điều đó đã tạo ra những thuận lợi trong hoạt động tôn giáo. Những vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ phần nào. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162 đã tạo ra những hành lang pháp lý cơ bản để các hoạt động tôn giáo tuân thủ theo pháp luật quốc tế và quốc gia, đồng thời đảm bảo việc duy trì hoạt động theo truyền thống, phong tục và văn hóa của tôn giáo.

GHPGVN đã khẳng định năng lực, công tác tổ chức các sự kiện quốc tế và tỏ rõ vai trò của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

GHPGVN đã khẳng định năng lực, công tác tổ chức các sự kiện quốc tế và tỏ rõ vai trò của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, điều đó tiếp tục được khẳng định qua Điều 24 (Chương II): “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” [1].

Bên cạnh đó, các quan điểm như: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới… tiếp tục được quan tâm và thực hiện hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường hợp tác và giao lưu quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại tôn giáo, nâng tầm vị thế GHPGVN trên khu vực và trong trường quốc tế. Bằng sự năng động, tích cực của Phật giáo Việt Nam, thích ứng với sự hội nhập của đất nước trong thời kỳ đổi mới, GHPGVN đã có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia các diễn đàn Phật giáo khu vực và quốc tế. Chúng ta có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ, giao lưu với nhiều truyền thống Phật giáo đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, tiếng nói của GHPGVN tại các diễn đàn quốc tế ngày càng được khẳng định. Đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam đã trở thành điểm đến thú vị của giới tôn giáo trên toàn thế giới.

Chỉ tính riêng trong hơn 10 năm trở lại đây, đã có nhiều sự kiện Phật giáo lớn, có quy mô quốc tế được tổ chức tại Việt Nam như: 03 lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc (Đại lễ Vesak) vào các năm 2008 tại Hà Nội, 2014 tại Ninh Bình (chùa Bái Đính) và năm 2019 tại Hà Nam (chùa Tam Chúc); Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới (Hội Sakyadhita), hay còn gọi là Hội những người con gái của Đức Thế Tôn được tổ chức năm 2009 tại TP. Hồ Chí Minh… Qua các sự kiện này, một lần nữa GHPGVN đã khẳng định năng lực, công tác tổ chức các sự kiện quốc tế và tỏ rõ vai trò của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và Phật giáo Việt Nam yêu chuộng hòa bình. 

Liên tiếp các năm gần đây, trong các diễn đàn quốc tế của khu vực và trên thế giới như: Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới tổ chức tại Nhật Bản; Diễn đàn Phật giáo thế giới tại Trung Quốc; các đối thoại liên tôn tại Philippin, Mỹ, Châu Âu… GHPGVN đều cử đại diện tham dự và phát biểu tại các diễn đàn này. 

Thứ ba, Phật giáo lấy phương châm “Duy tuệ thị nghiệp” làm kim chỉ nam cho việc tu học, do đó ngay từ những ngày đầu thành lập, vấn đề thành lập cơ sở đào tạo Phật học cho Tăng Ni đã được GHPGVN coi như nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Mục đích xây dựng các cơ sở đào tạo Phật học là để hướng tới đối tượng là các Tăng Ni, bởi vì chỉ có nền tảng vững chắc là trí tuệ mới giúp cho Tăng Ni có thể phát huy và xiển dương các giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đến tín đồ và quần chúng nhân dân. Tính đến thời điểm năm 2021 này, GHPGVN đã có 4 Học viện Phật giáo (tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, trong đó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Cần Thơ chuyên đào tạo hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer), 8 lớp Cao đẳng Phật học, 01 trường Trung Cao đẳng Phật học tại Hải Phòng và 34 trường Trung cấp Phật học. Hàng năm các cơ sở giáo dục này đào tạo hàng ngàn Cử nhân Phật học, trên cơ sở đó, các Tăng Ni có điều kiện để tiếp tục tu học ở những cấp cao hơn hoặc trở về địa phương, phục vụ các công tác Phật sự và xã hội của GHPGVN các cấp [2].

Từ năm 2011, để đáp ứng nhu cầu tu học, nâng cao trình độ Phật học của Tăng Ni, GHPGVN đã được phép đào tạo thí điểm trình độ Tiến sĩ và chính thức Thạc sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, một trong những cơ sở đào tạo Phật học tốt nhất hiện nay của GHPGVN, sau đó là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Đây sẽ là cơ hội tốt để các Tăng Ni phát huy năng lực, khả năng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo cũng như tiếp cận với phương pháp giáo dục Phật học tiên tiến mà nhiều trường đào tạo Phật giáo trên thế giới đang áp dụng.

Bên cạnh đó, GHPGVN cũng tích cực gửi Tăng Ni sinh đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và ở nước ngoài [3]. Qua việc học tập, nghiên cứu, lĩnh hội khối kiến thức thế học cũng như Phật học ở trong nước và nước ngoài, các Tăng Ni trẻ sẽ có nhiều cơ hội để đóng góp cho đất nước và Giáo hội, đáp ứng một cách hiệu quả các công tác Phật sự và xã hội của địa phương và ngay tại trú xứ.

Tính cạnh tranh trong một xã hội đang trên đà phát triển là rất lớn, Giáo hội cũng là một xã hội thu nhỏ mà trong đó cũng chứa đựng đầy đủ các cung bậc, các quy tắc ứng xử, và các mối quan hệ.

Tính cạnh tranh trong một xã hội đang trên đà phát triển là rất lớn, Giáo hội cũng là một xã hội thu nhỏ mà trong đó cũng chứa đựng đầy đủ các cung bậc, các quy tắc ứng xử, và các mối quan hệ.

Thứ tư, GHPGVN đã mạnh dạn công cử và giới thiệu nhiều Tăng Ni, nhất là các Tăng Ni trẻ tham gia bộ máy lãnh đạo của GHPGVN các cấp. Có thể nói đây là một bước chuyển biến lớn trong điều hành công tác Phật sự của Giáo hội. Không phải đến nhiệm kỳ này, vấn đề trẻ hóa nhân sự mới được GHPGVN đưa ra và thực hiện, mà trước đó, các Tăng Ni trẻ đã có nhiều cơ hội để tiếp cận, tham gia và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của GHPGVN các cấp. Với sự quan tâm, ủng hộ và tin tưởng của các bậc cao Tăng, bằng nhiệt huyết, sự năng động, tích cực và dấn thân, các Tăng Ni trẻ đã mang đến “luồng gió mới” trong các hoạt động Phật sự tại nhiều địa phương. Sức trẻ trong GHPGVN đã được cụ thể hóa bằng những việc làm và con số ấn tượng như tỉ lệ trẻ hóa nhân sự tham gia các cấp Giáo hội ngày một cao, Tăng Ni trẻ tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội, Tăng Ni trẻ đóng góp vào các hoạt động xã hội và từ thiện nhân đạo…

Thứ năm, GHPGVN ngày càng thể hiện vai trò và là nhân tố tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, GHPGVN đều giới thiệu và cử đại diện tham gia các tổ chức, đoàn thể như Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ, tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam… tại các diễn đàn này, GHPGVN đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội tốt đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc [4]. 

GHPGVN cũng đã động viên khích lệ Tăng Ni, Phật tử tham gia công tác từ thiện nhân đạo, đặc biệt việc xã hội hóa y tế, giáo dục theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đang được GHPGVN hưởng ứng và ủng hộ tích cực. Nhiều chương trình từ thiện, nhiều hoạt động nhân đạo do chư Tăng Ni đứng ra chủ trì và thực hiện đã gây được tiếng vang trong xã hội, được sự đồng tình ủng hộ của không chỉ tín đồ, Phật tử mà còn của quần chúng nhân dân. Các phong trào ích đạo lợi đời, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đoàn kết, tặng hàng trăm xe lăn, xe lắc, xây cầu bê tông, đường giao thông bằng xi măng, khoan giếng, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, tặng ghe, xuồng, xe đạp, cứu trợ hàng chục ngàn tấn gạo, mì, quần áo, thuốc men, Quỹ Bảo thọ, bếp ăn từ thiện, hiến máu nhân đạo, mổ mắt cho bệnh nhân nghèo… đã được Tăng Ni, Phật tử trong khắp cả nước tích cực hưởng ứng. Từ những việc làm này, một lần nữa Tăng Ni, Phật tử GHPGVN thêm hiểu về truyền thống hộ quốc, an dân, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, qua đó tiếp tục cùng GHPGVN thực hiện các công tác xã hội, góp phần phát triển và xây dựng đất nước.

Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 tác động và ảnh hưởng nặng nề tới đời sống người dân, với tinh thần cả nước chống dịch như chống giặc, chiến lược phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là 5K + vắc-xin, coi vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định, GHPGVN đã ủng hộ Quỹ Vắc-xin với số tiền 3,5 tỷ đồng. Giáo hội cũng đã ủng hộ chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal… tiền và vật tư y tế giúp đỡ trong phòng, chống dịch COVID-19 trị giá hơn 20 tỷ đồng, gồm: tiền mặt, 200 máy thở, 50 máy tạo oxy, 2.000 bộ kit test COVID-19.

Khi đợt dịch thứ 4 (tháng 4/2021) bùng phát, gây hậu quả nặng nề tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, đã có hàng ngàn tình nguyện viên là Tăng Ni, Phật tử đăng ký trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt, hình ảnh các Tu sĩ Phật giáo “cởi áo tu hành, khoác áo blouse trắng” đi vào tâm dịch đã làm lay động trái tim hàng triệu con người. Cùng với đó, các cơ sở thờ tự Phật giáo sẵn sàng trở thành khu cách ly tập trung; nhiều chùa đã hỗ trợ áo quan và đón nhận những hũ tro cốt của người mất vì COVID-19 để thờ cúng cho đến khi thân nhân đến nhận;… Giáo hội các cấp đã ủng hộ hàng ngàn tấn rau củ quả, hàng trăm ngàn phần quà là các nhu yếu phẩm cho người dân, các trang thiết bị y tế, xe cứu thương…. với tổng trị giá lên đến trên 382 tỷ đồng [5]. Những việc làm tốt đẹp đó của GHPGVN, của Tăng Ni, Phật tử thật là ấm áp và đáng trân trọng, đã và đang được lan toả rộng rãi trong cộng đồng xã hội.

Thứ sáu, tinh thần, niềm tự hào dân tộc và tự hào truyền thống Phật giáo hơn 2.000 năm hiện diện trên đất nước Việt Nam đang tạo ra tinh thần cống hiến, dấn thân và trách nhiệm của Tăng Ni trong các hoạt động của GHPGVN và của xã hội. Điều đó đã thôi thúc để mỗi Tăng Ni phát huy khả năng, trí tuệ và nhiệt huyết của mình để tham gia một cách tích cực trong các hoạt động như: hoằng pháp, từ thiện, văn hóa… Những năm gần đây, đã có nhiều vị Sư tình nguyện ra Trụ trì chùa trên quần đảo Trường Sa của nước ta cũng như tại các ngôi chùa nơi địa đầu Tổ quốc. Điều đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần quyết tâm, ý chí vượt khó và trách nhiệm của người Tu sĩ trước Giáo hội và của người công dân trước đất nước. Đó cũng sẽ mãi mãi là hình ảnh đẹp của Phật giáo Việt Nam trên chặng đường gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, mà ở bất kỳ giai đoạn nào, thời kỳ nào cũng luôn luôn được bồi đắp và gìn giữ để làm sáng mãi lên hình ảnh người Tu sĩ Phật giáo trong mắt Tăng Ni, tín đồ và mọi người dân trên mảnh đất Việt.

Tiếp tục có những việc làm ích đạo, lợi đời, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng xây dựng đất nước ta ngày một phồn thịnh, vững mạnh, văn minh, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục có những việc làm ích đạo, lợi đời, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng xây dựng đất nước ta ngày một phồn thịnh, vững mạnh, văn minh, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

2. Thách thức

Thế kỷ XXI cũng đang đặt ra cho GHPGVN nhiều vấn đề cần quan tâm, thậm chí có những vấn đề đang trở thành sự kiện “nóng” nếu không được xem xét để giải quyết một cách kịp thời, thấu đáo sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy, gây nguy hại cho sự phát triển ổn định và bền vững GHPGVN.

Sự du nhập của nền văn hóa ngoại lai đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đó là những điều tiến bộ, văn minh, giúp ích cho đời sống của con người và xã hội. Nhưng bên cạnh những yếu tố tích cực, nền văn hóa ngoại lai cũng đang phá vỡ những chuẩn mực của đạo đức xã hội, làm mất đi nền tảng văn hóa truyền thống và đạo đức cổ truyền. Các tôn giáo, trong đó có , cũng nằm trong sự dịch chuyển và tiếp xúc văn hóa ấy, không thể tránh khỏi những tác động và ảnh hưởng, nhất là một bộ phận Tăng Ni trẻ trong điều kiện và hoàn cảnh thiếu sự chỉ bảo của các đấng bậc cao Tăng.

Tính cạnh tranh trong một xã hội đang trên đà phát triển là rất lớn, Giáo hội cũng là một xã hội thu nhỏ mà trong đó cũng chứa đựng đầy đủ các cung bậc, các quy tắc ứng xử, và các mối quan hệ. Đặc thù của Phật giáo Việt Nam tôn trọng các pháp môn tu hành, duy trì hoạt động theo sơn môn, pháp phái. Về mặt hành chính đạo, chỉ có duy nhất GHPGVN đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong mọi mối quan hệ ở trong nước và nước ngoài. Nhưng về phương diện tu tập, GHPGVN vẫn duy trì và đảm bảo sinh hoạt tôn giáo theo đúng pháp môn. Những người tu có quyền chọn cho mình một phương pháp mà mình thấy phù hợp nhất, dễ theo nhất và hiệu quả nhất. Vấn đề là Tăng Ni không được lạm dụng tinh thần và chủ trương đúng đắn ấy để tuyên truyền, cổ vũ cho những phương tiện, cách thức tu hành không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại với những quyền lợi của Giáo hội và dân tộc, gây phương hại đến tình đoàn kết, hòa hợp giữa dân tộc và tôn giáo.

GHPGVN đang phải đối mặt với những thách thức từ bên trong và cả bên ngoài, đòi hỏi mỗi Tăng Ni phải là một bức thành kiên cố, vững chắc để bảo vệ và giữ gìn Giáo hội. Từ bên ngoài, đó là sự hình thành và phát triển của những tôn giáo mới hoặc những hiện tượng tôn giáo lạ lợi dụng Phật giáo để mưu đồ cho những dụng ý khác. Điều đó khiến Phật giáo mất đi phần nào hình ảnh tốt đẹp vốn có trong suy nghĩ của tín đồ, Phật tử. Từ bên trong, GHPGVN cũng đang phải đối mặt với hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết vẫn xuất hiện đâu đó. Do đó, để chống lại những hiện tượng này, GHPGVN cần quan tâm, sâu sát hơn nữa đến các Tăng Ni, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của Tăng Ni để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi chính đáng đồng thời cũng điều chỉnh, uốn nắn và ngăn chặn những suy nghĩ và hành vi tiêu cực, thiếu đúng đắn làm ảnh hưởng đến Giáo hội và xã hội.

Sự uy nghiêm, đạo mạo của người Tu sĩ từ bên trong đến lời nói, cử chỉ, hành vi biểu hiện ra bên ngoài vẫn được coi là hình ảnh chuẩn mực của Tăng đoàn. Đó là sự thể hiện đầy đủ nhất, rõ nét nhất và đúng bản chất nhất của Phật giáo Vì thế, những biểu hiện thiếu uy nghi, nghiêm túc thậm chí việc chạy theo vật chất quá đà dễ tạo nên những hình ảnh phản cảm và suy giảm uy tín trong quần chúng tín đồ. Do đó, mỗi Tăng Ni cần xác định cho mình gìn giữ hình ảnh của mình tức là gìn giữ hình ảnh của Đức Phật, trong con mắt của tín đồ, Phật tử một vị Sư cũng là vị đại diện cho Đức Phật, sự kính ngưỡng đến từ cả hai phía, sự tôn kính vị giáo chủ – Đức Phật và sự uy nghi, nghiêm phạm của nhà tu hành.

Trong những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội một mặt đem lại những lợi ích trong công tác truyền thông của GHPGVN thì mặt khác cũng tạo ra những hệ lụy khi đời sống tu hành của Tu sĩ Phật giáo cũng được phản ánh đầy đủ trên mạng xã hội. Trên một số mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Zalo… xuất hiện một số hình ảnh những người mặc trang phục tu hành Phật giáo song lại có những hành vi thiếu chuẩn mực, không phù hợp với văn hóa Phật giáo và dân tộc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong con mắt Tăng Ni và tín đồ, Phật tử, đi ngược lại với truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam cũng như tinh thần “hộ quốc an dân”, luôn ủng hộ và tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của GHPGVN các cấp.

Trong thống kê về dân số năm 2019 cho thấy hiện ở Việt Nam, Phật giáo đang là tôn giáo có số tín đồ đông thứ hai với khoảng 6 triệu tín đồ. Con số trên có thể chưa phản ánh đúng số lượng tín đồ Phật giáo nhưng cũng đặt ra câu hỏi, nếu đúng như vậy, thì về mặt tín đồ, Phật giáo không phải là tôn giáo phổ biến nhất ở Việt Nam. Đành rằng, có thể trong tư duy và tình cảm của nhiều người dân Việt Nam, Phật giáo vẫn là tôn giáo gắn bó và gần gũi nhất vì sự phù hợp với phong tục và tập quán tín ngưỡng. Điều đó cũng cho thấy, trong một bộ phận quần chúng nhân dân, niềm tin vào Phật giáo không còn được đầy đủ và nguyên vẹn. Trách nhiệm đó thuộc về Tăng Ni của GHPGVN ngày nay. Niềm tin, tình cảm và sự ủng hộ của quần chúng tín đồ là nhân tố quyết định đến vận mệnh, sự phát triển ổn định và bền vững của GHPGVN trong tương lai.

Trong một bộ phận Tăng Ni hiện nay, tinh thần dấn thân cho đạo pháp cũng chưa được thể hiện đầy đủ và đúng nghĩa. Còn rất nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn cần sự hướng dẫn sinh hoạt tu tập của Tăng Ni. Vẫn còn những địa phương chưa có tổ chức Phật giáo cấp huyện, nơi đó, cần lắm sự dấn thân của Tăng Ni, bởi vì đó đều là vùng đồng bào đông dân tộc thiểu số, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ dân trí chưa theo kịp đồng bằng, ánh sáng Phật pháp còn chưa được phổ hóa. Chấp nhận đến vùng sâu, vùng xa là chấp nhận thử thách và gian lao. Điều đó, đặt ra cho GHPGVN cần có chiến lược lâu dài để đưa Phật pháp đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Để làm được việc đó, hơn lúc nào hết, Tăng Ni cần phát huy trách nhiệm và tinh thần khế lý, khế cơ của Đức Phật để đảm đương công việc nặng nề đó.

Thời cơ và thách thức của GHPGVN đang đặt lên vai các thế hệ Tăng Ni hôm nay, chỉ có sự mẫn tiệp, tinh thần hăng say, nhiệt huyết và niềm tin bất biến vào giáo lý Phật đà mới là con đường soi sáng, để mỗi Tăng Ni thêm bi – trí – dũng trên con đường tác Như Lai sứ hành Như Lai sự, để hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân quần, đúng như những gì mà giáo lý của Đức Thế Tôn đã trao dạy.

Nhìn lại chặng đường 40 năm GHPGVN với những thời cơ và thách thức, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước cũng như các cấp chính quyền bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn đối với tôn giáo nói chung, và Phật giáo nói riêng, GHPGVN sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc, xây dựng Giáo hội vững mạnh, xứng đáng là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục có những việc làm ích đạo, lợi đời, thể hiện truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc suốt 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng xây dựng đất nước ta ngày một phồn thịnh, vững mạnh, văn minh, đem lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Chú thích:

[1] Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[2] Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2020 của GHPGVN.

[3] Theo thống kê chưa chính thức, hiện nay GHPGVN đang có khoảng hơn 600 Tăng Ni sinh theo học ở nước ngoài.

[4] GHPGVN có 4 chức sắc là đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự và Thượng tọa Lý Đức – Phó Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, còn hàng trăm Tăng, Ni tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

[5] Theo báo cáo số 213/BC – HĐTS ngày 26/8/2021 của Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013).

2. Luật Tín ngưỡng tôn giáo (2016).

3. Nguyễn Đức Sự, Lê Tâm Đắc (2010), Mấy vấn đề Phật giáo trong lịch sử Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Nguyễn Thanh Xuân (2013), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.

6. Nguyễn Duy Hinh, Lê Đức Hạnh (2011), Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.

7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội 1981-2012, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

8. Kỷ yếu các kỳ Đại hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tính tất yếu và giá trị lịch sử sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981

40 năm Giáo hội 12:30 26/04/2022

Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của quá trình vận động lâu dài, bền bỉ và hợp quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử đặt ra.

Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 12:59 22/02/2022

Những thách thức khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi đề cập ở đây chính là vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội hiện nay.

Chặng đường 40 năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 11:10 08/11/2021

Đạo Phật đi vào cuộc đời, đánh thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, và cả những người tu sĩ ! Giáo lý của nhà Phật không cho phép chúng ta có quyền cao hơn một quốc gia dân tộc mà phải dấn thân, phụng sự nơi quốc độ mà ta có duyên đầu thai vào, giữ gìn sự chung thủy sắc son.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN

40 năm Giáo hội 08:51 08/11/2021

Sáng ngày 07/11/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) với sự tham dự của chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS, 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.

Xem thêm