Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 14/04/2021, 12:27 PM

Bốn thứ tâm của pháp môn niệm Phật

Dùng tín tâm đối với bản thệ nguyện lực của đức Phật A Di Đà. Dùng chí thành tâm miệng niệm tâm nhớ. Dùng thâm tâm niệm Phật niệm niệm buộc tâm.

Lại dùng hồi hướng phát nguyện tâm, đem công đức niệm Phật hồi hướng cho tất cả chúng sinh, đều lìa khổ được vui, đều tin Phật học Pháp kính Tăng, đều niệm Phật thành Phật.

Hôm nay tôi sẽ giảng về bốn thứ tâm của người tu hành theo pháp môn niệm Phật, đó là: tín tâm, chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm.

1. Tín tâm

Ở trong Phật pháp cho dù tu pháp môn nào trước tiên phải có tín tâm, như trong kinh đã nói: tin thì có thể vào. Người học Phật lấy tín tâm làm điều kiện trọng yếu thứ nhất. Đối tượng của tín tâm là tin pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh, đều là chân ngữ thật ngữ, câu câu đều hữu dụng, chữ chữ quý như vàng. Đứng ở lập trường phàm phu dù không đủ sức làm được đều phải nên tin. Vì đó gọi là Thánh ngôn lượng, đối với lời nói của bậc đại Thánh Phật Đà, lời lời đều chân thật không được hoài nghi, không nên cân nhắc. Đặc biệt là phương pháp tu hành rất nhiều, có vô lượng pháp môn, mỗi một pháp môn đều tùy theo căn tính bất đồng. Người không cùng chủng loại với nhau có căn tính tương đồng và căn tính bất đồng. Người không cùng hoàn cảnh thời đại cũng có căn tính tương đồng và căn tính bất đồng, cần phải đem pháp môn vô lượng để tiếp dẫn chúng sinh vô biên. Cho nên, lúc chúng ta nhận định chính xác và chấp nhận theo một vị Thiện tri thức nào tu hành, không nên hoài nghi về cá nhân họ nữa, cũng không nên hoài nghi về pháp môn mà họ đã dạy với pháp môn khác có giống nhau không? Có mâu thuẫn không? Trái lại thì sẽ không có cách gì sản sinh tín tâm kiên cố, cũng không đạt được chỗ thọ dụng chân chính.

Nhiệm mầu câu niệm Phật

Tín tâm là tin pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh...

Tín tâm là tin pháp mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong kinh...

Chúng ta đang ở trong khóa tu Phật thất, niệm là niệm Phật A Di Đà, tu là tu pháp môn Tịnh độ. Pháp môn này trong kinh Phật có hơn 60 loại nói về Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà, trọng yếu nhất là kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, hợp lại gọi là ba kinh Tịnh độ. Ở vào thời đại Ngụy Tấn của Trung Quốc (khoảng trước sau thế kỷ thứ 5 Tây lịch), việc tạo tượng Phật A Di Đà đã được thịnh hành. Ngài Đàm Loan thời Bắc Ngụy, ngài Huệ Viễn thời Đông Tấn, ngài Đạo Xước thời Tùy Đường, ngài Thiện Đạo thời Sơ Đường, về sau có các vị như Từ Mẫn, Pháp Chiếu, Thiếu Khang v.v… hoằng dương Tịnh độ Di Đà, nghiễm nhiên trở thành một dòng chính lớn của Phật giáo Trung Quốc. Lần này các vị Bồ tát đến bổn tự tham gia đả thất niệm Phật có hơn 380 vị là thuộc tổ Tinh tấn, còn có khoảng 500 vị khác là tùy hỷ, trong số này có nhiều vị đã từng tu hành qua các pháp môn khác, cũng đến tham gia tu hành niệm Phật, điều này biểu thị đối với pháp môn Di Đà cũng có tín tâm. Cho nên, nói đường nào cũng đến Trường An, tuy đường có khác mà đích đến là một, pháp môn tuy vô lượng, nhưng cùng mục đích là đưa người đến chỗ lìa khổ được vui, thành tựu đạo Bồ đề. Chúng ta nhất định phải tin pháp môn trước mắt đang tu trì là rất tốt, là rất đáng tin cậy.

Chúng ta tin gì? Tin trong kinh điển nói có thế giới Cực lạc phương Tây, tin bản thệ nguyện lực của Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh hữu duyên đồng đăng chín phẩm sen ở cõi Tịnh độ phương Tây. Trước hết phải có tín tâm đối với bản nguyện của Phật A Di Đà, có tâm nguyện cầu sinh Tịnh độ, thì mới có thể quyết định được Đức Di Đà tiếp dẫn vãng sinh về thế giới Cực lạc phương Tây.

Thế nhưng, phương pháp tu hành trong ba kinh Tịnh độ đã giới thiệu cũng có khác biệt. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chủ trương dùng 16 pháp môn quán tưởng, tu trì theo quán tưởng tam muội và niệm Phật tam muội để đạt thành mục đích vãng sinh ba bậc chín phẩm.

Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương tín ngưỡng 48 lời nguyện của Phật A Di Đà, y nguyện tu hành, cho dù phàm phu còn hoặc nghiệp cũng nhất định được vãng sinh Phật quốc. Kinh A Di Đà chủ trương lấy tín nguyện hành, chấp trì danh hiệu Di Đà, cầu nguyện vãng sinh cõi Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật cũng yêu cầu phải trì giới, tu phước, phát tâm Bồ đề. Kinh A Di Đà thì yêu cầu phải trì danh đến chỗ nhất tâm bất loạn.

Kinh Vô Lượng Thọ chủ trương nếu chỉ có thể tin vui không sinh tâm nghi, từ mười niệm cho đến một niệm, người cầu nguyện vãng sinh cũng được như nguyện. Vì Phật giáo Trung Quốc xem trọng kinh A Di Đà, cho rằng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn mới có thể vãng sinh Tịnh độ phương Tây, do đó khiến cho rất nhiều người niệm Phật biến thành tự tư, không quản đến sự việc thế gian, chỉ cầu chuyên tâm niệm Phật, sợ đến lúc lâm chung không được nhất tâm bất loạn sẽ không được vãng sinh Cực lạc.

Tín ngưỡng Tịnh độ của Nhật Bản thì không như vậy, họ xem trọng kinh Vô Lượng Thọ, cho nên Tịnh độ tông của phái Pháp Nhiên, Tịnh độ Chân tông của phái Thân Loan, đặc biệt cường điệu bản nguyện tha lực của Phật A Di Đà, chỉ cần tin bản nguyện của Đức Di Đà cũng có thể nương nhờ sức Phật mà được cứu, tư tưởng này cũng giống như niềm tin Thượng đế của Cơ Đốc giáo, nhưng trên thực tế thì chẳng đồng. Bởi vì tín đồ Cơ Đốc giáo tin Chúa, tự mình không thể thành Chúa được, còn tín đồ Phật giáo niệm Phật kết quả sẽ thành Phật. Hiện nay tôi chủ trương phải tin kinh Phật, tin lời Phật, nếu y theo kinh A Di Đà trì danh hiệu Phật, từ một ngày đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn, quả là quý báu vô cùng, cho nên cần dùng phương thức tu Phật thất để trợ duyên tu chứng.

Phương pháp niệm Phật nhất tâm bất loạn

Nếu căn cứ theo kinh Vô Lượng Thọ thì trừ người phạm tội ngũ nghịch ra, người nào muốn sinh về cõi Tịnh độ nên hết lòng tin vui, cho đến niệm Phật mười niệm cũng đều quyết định vãng sinh. Theo phương pháp này thì không phải lo không được nhất tâm bất loạn và không được vãng sinh Tịnh độ nước Phật. Nếu y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật thì so ra phiền phức hơn, phải chia làm ba điểm tiến hành tu trì Tịnh độ Di Đà. 1/ Tu ba phước (bao hàm luân lý thế gian, quy giới thập thiện, phát tâm Bồ đề, tụng kinh Đại thừa). 2/ Tu 16 pháp quán tưởng. 3/ Tu pháp chín phẩm vãng sinh.

Cho nên, kinh này tại Trung Quốc và Nhật Bản đều ít người tu. Thời xưa Trung Quốc và Nhật Bản xem trọng kinh Vô Lượng Thọ. Người Trung Quốc hiện nay xem trọng kinh A Di Đà, cứu cánh của pháp môn Tịnh độ ở tại chữ tín, có tin bản nguyện của Đức Di Đà, mới có thể niệm Phật vãng sinh. Ngay như Bồ tát Long Thọ cũng nói, Tịnh độ thuộc về đạo dễ hành nhờ tha lực trợ giúp, nếu tu thiền quán thì cũng giống như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói, ngược lại có điểm giống như đạo khó hành phải tự lực giải thoát.

Pháp môn tu hành Tịnh độ Di Đà, pháp này sở dĩ được nhiều người sùng tín tại Trung Quốc và Nhật Bản, là ở chỗ bản nguyện tha lực của Đức Di Đà ban cho người ta tín tâm tuyệt đối an ổn, không phải suy nghĩ công đức của mình đã làm nhiều hay ít, cũng không cần quan tâm đến công sức lớn nhỏ mà mình tu chứng. Chỉ cần tín ngưỡng bản nguyện của Phật A Di Đà, lập thệ vãng sinh là được, sau đó có thể an tâm gánh vác những việc tự lợi lợi tha. Cho dù trì giới không nghiêm, phiền não chưa đoạn hết, cũng có đức Phật A Di Đà y theo bản thệ nguyện lực của Ngài đến tiếp dẫn. Hành giả Tịnh độ có thể an tâm tu tập.

Quý vị Bồ tát đến tham gia Phật thất thanh minh báo ân, chấp trì Thánh hiệu Di Đà, cần phải tin bản thệ nguyện lực của đức Phật A Di Đà, tin người niệm Phật lúc lâm chung quyết định thấy được đức Phật A Di Đà từ bi tiếp dẫn, trong bảy ngày tu có thể được nhất tâm niệm Phật rất tốt, cho nên cần phải mỗi niệm dùng tâm niệm. Nếu vẫn tán tâm niệm mà không được hiệu quả nhất tâm cũng không lo, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã nói, dù là người phạm tội ngũ nghịch thập ác, nếu đến lúc lâm chung gặp được bậc tri thức dạy cho niệm Phật A Di Đà, niệm được mười niệm thì thấp nhất cũng được hạ sinh hạ phẩm vãng sinh Cực lạc. Thế nhưng, đã đến đây tham gia Phật thất niệm Phật thì không được để tâm giải đãi, nếu bạn không kịp thời niệm Phật, niệm cho thành tập quán, đợi đến khi lâm chung, ai có thể bảo chứng bạn gặp được thiện hữu đến khuyến dẫn, ai lại có thể bảo chứng lúc ấy bạn còn đủ sáng suốt để niệm được mười niệm danh hiệu Phật A Di Đà? Do đó, phải ngay tại trong Phật thất này tinh tấn niệm Phật, nếu có thể trì niệm liên tục mọi lúc mọi nơi, thì đó là sự chuẩn bị rất tốt cho việc vãng sinh cõi nước Cực lạc phương Tây.

2. Chí thành tâm

Lúc niệm Phật phải miệng niệm tâm nhớ, như đức Phật A Di Đà đang ở trước mặt mình....

Lúc niệm Phật phải miệng niệm tâm nhớ, như đức Phật A Di Đà đang ở trước mặt mình....

Là tâm khẩn thiết, tâm thiết tha, không phải lòng này ý khác, tính khí bốc đồng, làm lấy lệ cho xong. Lúc niệm Phật phải miệng niệm tâm nhớ, như đức Phật A Di Đà đang ở trước mặt mình, tiếng từ miệng xuất, lại từ tai vào, tiếng tiếng in vào ruộng tâm, câu câu đều từ tâm xuất. Niệm niệm đều là danh hiệu Phật, chỗ chỗ đều là cõi Phật. Nếu như không có cách gì chuyên tâm niệm Phật thì nên quán tưởng: bạn là hành khách trên chiếc thuyền, gặp phải nạn biển bị bể, trồi hụp trong những cơn sóng dữ. Rất may lúc ấy bạn với được tấm ván thuyền bể, tất phải nắm chắc ôm chặt, không được sơ suất, ngược lại sẽ bị sóng to nhận chìm. Chỉ cần sơ ý lỏng tay một chút là tấm ván vuột ra khỏi tay trôi đi biền biệt, khi đó muốn nắm giữ cũng không còn kịp nữa. Lúc ấy thân bạn ở trong biển cả mênh mông, chỉ còn có con đường chết mà thôi. Lúc chúng ta niệm một câu danh hiệu Phật, cũng giống như người ở trong biển cả mênh mông sắp bị chết chìm ôm được tấm ván thuyền kia, ôm giữ danh hiệu Phật để niệm cũng vậy, lúc niệm phải đem danh hiệu Phật làm chiếc ván nổi cứu mạng trong biển, không thể đem tâm lơ là mà niệm Phật. Tôi tin rằng quý vị đã xem câu biểu ngữ treo trên điện Phật tại Nông Thiền tự này rồi: “Miệng cùng với tâm tiếng tiếng tương ưng, niệm cùng với Phật bước bước không lìa”. Lúc ngồi niệm Phật thường dùng câu thứ nhất, dùng sức niệm lớn tiếng, dùng tâm niệm cao tiếng. Lúc kinh hành niệm Phật, thường dùng câu thứ hai, mỗi một câu niệm đều cùng với danh hiệu Phật tương ưng, mỗi một bước đều phối hợp với tiết tấu niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn, bước bước không xa lìa. Đem toàn bộ ba nghiệp thân khẩu ý chăm chú vào từng câu niệm Phật.

3. Thâm tâm

Phẩm Phật quốc trong kinh Duy Ma có nói: “Thâm tâm tức là Tịnh độ”, còn trong phẩm Bồ tát của kinh này thì lại nói: “Thâm tâm là đạo tràng hay tăng trưởng công đức”. Tín tâm kiên cố không lay chuyển là do chỗ kinh nghiệm tu chứng và sự ứng nghiệm niệm Phật mà có. Khởi tâm niệm niệm buộc tâm niệm Phật, khi thành thói quen rồi thì tự nhiên lúc nào cũng niệm Phật, đó chính là thâm tâm niệm Phật. Nếu lúc niệm lúc không, ngày có ngày không, một ngày nóng mười ngày lạnh, thì đó là thiển tâm niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật lại vừa khởi vọng tưởng, vừa niệm Phật lại vừa hôn trầm ngủ gục thì đó là thiển tâm niệm Phật.

Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ ở vào đầu đời Tống cuối đời Đường, đề xướng Thiền Tịnh song tu, nhưng lại lấy Tịnh độ làm chỗ quy thú, mỗi ngày trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà 100.000 câu. Đây là tấm gương của thâm tâm niệm Phật, phải niệm liên tục cả lúc ăn cơm, làm công việc, đi vệ sinh, không lúc nào lìa câu niệm Phật mới có thể một ngày niệm đủ số 100.000 câu. Nếu có thể thâm tâm niệm Phật như vậy thì phiền não vọng tưởng không có cách gì sinh khởi được.

Đủ chứng tỏ thâm tâm tức là tâm vi tế miên mật, là định tâm thật sự, là huệ tâm sáng suốt. Nếu có thể dùng thâm tâm niệm Phật, thì chính là nhất tâm niệm Phật, như vậy không chỉ thông đạt sự nhất tâm, cũng có thể tương ưng với lý nhất tâm. Không chỉ nhất định được vãng sinh Tịnh độ phương Tây, còn có thể tự mình thể nghiệm được Tịnh độ tự tính và Tịnh độ tự tâm. Thảo nào ngài Vĩnh Minh Diên Thọ chủ trương Thiền Tịnh song tu, khác đường nhưng chung mục đích đến. Nếu có thể thâm tâm niệm Phật cho đắc pháp đắc lực, thì đã thông cả cửa ngộ của người tu thiền rồi.

4. Hồi hướng phát nguyện tâm
Hồi hướng là phát tâm Bồ đề rộng độ chúng sinh, nghĩa là nguyện đem công đức niệm Phật của mình hồi hướng cho tất cả chúng sinh...

Hồi hướng là phát tâm Bồ đề rộng độ chúng sinh, nghĩa là nguyện đem công đức niệm Phật của mình hồi hướng cho tất cả chúng sinh...

Ý cạn của hồi hướng là đem mục đích niệm Phật mà cầu vãng sinh Tịnh độ phương Tây, là đem tất cả công đức tu hành hồi hướng vãng sinh thế giới Cực lạc phương Tây. Ý sâu của hồi hướng là phát tâm Bồ đề rộng độ chúng sinh, nghĩa là nguyện đem công đức niệm Phật của mình hồi hướng cho tất cả chúng sinh, đều lìa khổ được vui, đều tin Phật học Pháp kính Tăng, đều niệm Phật, thành Phật. Cũng đem công đức niệm Phật hồi hướng cải biến chúng sinh có tâm cang cường, khiến cho họ hồi tâm tín ngưỡng Phật giáo, tu học Phật pháp, sớm được vãng sinh về thế giới Cực lạc, sớm thành tựu Vô thượng Bồ đề. Đủ biết mục đích hồi hướng niệm Phật có hai: cầu nguyện mình được vãng sinh, cầu phước cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh.

Tín, nguyện, hạnh và cách thức niệm Phật

Không nên chỉ vì tự mình cầu vãng sinh Tịnh độ mà niệm Phật, còn phải vì tổ tiên được vãng sinh phương Tây mà niệm Phật, cũng nguyện cho tất cả chúng sinh nhờ sự niệm Phật của chúng ta mà được vãng sinh phương Tây. Cho nên, ý của hồi hướng phát nguyện tâm và phát đại Bồ đề tâm tương ưng tương thông.

Thông thường người ta đến tham gia niệm Phật cộng tu Phật thất, chỉ mong tự thân được tiêu tai giải nạn gặp điều may mắn. Khi chúng ta nghe lời khai thị trên rồi, phải biết ngoài việc tự thân cầu phước cầu tiêu tai khỏi nạn, chúng ta niệm Phật, lễ Phật, kinh hành, làm các việc công đức, nên vì phát tâm Bồ đề rộng độ chúng sinh. Xưa nay oán thân trái chủ của chúng ta, nhờ đem công đức tu hành này hồi hướng cho họ, họ sẽ biến thành kẻ hộ trì, tăng thượng duyên cho chúng ta, giúp chúng ta tiêu tai khỏi nạn. Thế nhưng, chẳng thể nói nhờ bạn niệm một vài câu danh hiệu Phật mà có thể tiêu tai được, mà là do oán thân trái chủ thấy bạn phát tâm Bồ đề đại nguyện, tương lai bạn sẽ thành Bồ tát, Phật, thì oán thân bình đẳng, cho nên không quấy rầy bạn nữa, họ cũng nhờ sự tu hành niệm Phật của bạn mà được lợi ích, đủ thấy niệm Phật rất tốt. Như vậy điều tốt ấy từ đâu đến? Là từ trong phát nguyện hồi hướng mà đến, là từ trong sự phát Bồ đề nguyện rộng kết thiện duyên mà đến.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thực tập đón nhận, chuyển hóa và trao truyền hạt giống của tổ tiên huyết thống

Kiến thức 08:00 17/03/2024

Con biết ơn chư vị tổ tiên huyết thống trong dòng chảy gia tộc đang có mặt trong con, đang yểm trợ con, đang đồng hành cùng con trên con đường chuyển hoá tươi đẹp này.

Bước đầu học Phật: Làm sao tu theo Phật?

Kiến thức 19:00 16/03/2024

Chỉ dạy chúng sanh tu hành thành Phật là bản hoài của chư Phật. Vì trình độ khả năng sai biệt của chúng sanh, không thể đồng tu theo một môn và đồng kết quả như nhau được, Phật phải dạy nhiều phương pháp tu khác nhau. Trong đó đại khái chia làm hai loại: tu còn luân hồi, tu ra khỏi luân hồi.

Mười chuẩn mực đạo đức cơ bản của Phật giáo

Kiến thức 16:17 16/03/2024

Đạo đức Phật giáo y cứ vào giới luật. Nếu xem giới luật là những nguyên tắc đạo đức mang tính bền vững, ổn định, không thay đổi, thì yêu cầu từ thực tiễn đời sống đòi hỏi cần có sự bổ sung những chuẩn mực đạo đức mang tính hỗ tương.

Cảnh giới A Di Đà là chân hay vọng?

Kiến thức 15:28 16/03/2024

Bát-nhã tâm kinh nói: “Tướng không của các pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không mắt, tai, mũi…”. Thứ gì là chân thì không tướng, cũng không có chỗ nơi. Nếu có tướng thì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”.

Xem thêm