Buông xả mọi gánh nặng cuộc đời
Nhìn cuộc đời bằng con mắt Phật tuệ sẽ thấy rằng mọi chúng sinh bao gồm hoàn cảnh, tâm sinh lí, tinh thần, vật chất, các hiện tượng tự nhiên đều do trùng trùng duyên khởi.
Giữa duyên khởi và duyên diệt chưa từng có một cái tôi thực sự bất biến nào tổn tại vĩnh hằng nên tất cả đều là tính không, đấy chính là “duyên khởi tính không” mà Phật pháp nói đến.
Có sinh ắt có diệt, giữa sinh và diệt là một quá trình thay đổi không gián đoạn, trong đó không có một nhân tố nào giữ nguyên không thay đổi. Mọi sự vật chỉ tồn tại tạm thời trong chu kì sinh diệt vô tận, và, xét đến cuối cùng thì nó vốn là không. Trong thực tế, không đợi đến khi hoại diệt mà ngay trong quá trình thay đổi, biến hóa, chúng ta đã có thể nhìn thấy bản chất “không tính” của chúng. Ví dụ một hiện tượng, một sự vật nào đó tuy có biểu hiện rất đẹp mắt nhưng nó không bao giờ cố định: nó đang thay đổi từng giờ từng phút, từng sát na. Cái đẹp bên ngoài đó không ngừng biến mất dần đi: xét từ quá trình thay đổi kia, chúng ta sẽ thấy bản chất của cái đẹp ấy là không. Vì thế, “không” không có nghĩa rằng sự vật hiện tượng không tồn tại mà vì nó không mang định tính trong quá trình chuyển biến, đây là ý nghĩa đích thực của “sắc tức thị không” (sắc tức là không).
Ví dụ ở vùng phía đông nước Mĩ, một khi vào thu lá cây đều nhuộm một màu vàng úa, đẹp như tranh vẽ. Nhưng, khi một bức họa về phong cảnh đó được vẽ xong đại thể có thể bảo lưu được vài chục, vài trăm năm nhưng cảnh sắc thật của mùa thu chỉ kéo dài được một đôi tuần. Các loài hoa cũng thế, mỗi loài hoa mang một màu sắc đặc trưng hoặc đỏ hoặc vàng, nhưng nó luôn thay đổi trong từng giờ từng phút để cuối cùng trước khi lìa cuống, chúng không còn giữ nguyên màu sắc như khi còn tươi nữa mà có thể trở thành màu đen, màu tro... Điều đó chứng minh rằng các loài thực vật cũng không thể giữ được tính chất đặc trưng của mình mãi mãi với thời gian: mọi vật đang thay đổi trong từng giây tùy theo môi trường, tùy theo nhân duyên của chúng. Điều này cho thấy, mọi vật trong đời đều không thể làm chủ được tính chất đặc trưng của mình mà chúng sẽ luôn thay đổi tùy theo hoàn cảnh nhất định.
Con người cũng thế. Có người cho rằng ta sinh ra là đàn ông thì mãi mãi là đàn ông, tương tự nếu sinh ra là nữ thì mãi mãi là nữ.
Thực ra ngay cả những việc tưởng như đã được cố định kia cũng không phải là điều không thể thay đổi. Nếu mở rộng thêm thời gian để nhìn về kiếp trước, kiếp sau thì có thể vị nữ kia trước đây mang thân nam, kiếp này mang thân nữ và kiếp sau lại có thể là thân nam. Ví dụ như những đứa trẻ mới sinh, chúng ta gọi chúng là những đứa “trẻ”, nhưng “trẻ” cũng không phải là bản tính vốn có của chúng, chúng luôn lớn dần theo năm tháng và đến một độ tuổi nhất định nào đó, chúng không còn là trẻ con nữa. Từ đó, chúng ta thấy con người không có một tính chất cố định, bất biến nào cả. Thân thể và môi trường sống của chúng ta đều do ngũ uẩn gồm sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn giả hợp mà thành, trong đó ngay cả chủ thể của sinh mệnh chúng ta là “thức uẩn” cũng không có tự tính.
Nếu chúng ta biết vận dụng quan điểm này để nhìn nhận cuộc đời thì thực sự chẳng có gì là điều không thể tìm cầu đồng thời cũng chắng có điều gì đáng được chúng ta ghét bỏ, phiền muộn và chấp chặt cả. Vì nhân duyên luôn luôn vận động thay đổi, tất cả đều chỉ là những hiện tượng mang tính tạm thời, khi nhân duyên tan rã, chúng cũng tan rã theo. Xét theo một khía cạnh khác, các hiện tượng tốt có thể duy trì và phát triển tốt hơn, hiện tượng xấu đến đâu chúng ta cũng có thể chuyển dần theo chiều hướng tốt.
Nhìn đời bằng cái nhìn “vô thường” sẽ giúp chúng ta thấy được bản tính của mọi sự vật hiện tượng là không, không có gì là vật bất biến. Vì thế, trong Bát Nhã Tâm Kinh, Phật dạy “ngũ uẩn đều không”. Thân năm uẩn là không, muôn sự muôn vật đều do nhân duyên hòa hợp sinh khởi nên cũng mang tính không, như vậy quả thực chẳng còn khái niệm được coi là “khổ” nữa.
Đủ trí tuệ hiểu “duyên khởi tính không”, chúng ta mới đủ khả năng đối diện khổ, xa lìa khổ, mà bản thân của việc lìa khổ là đã được vui, hạnh phúc. Đây là niềm hạnh phúc không phải có được nhờ ăn no uống đủ, không phải nhờ sự hưng phấn của các giác quan mang lại, cũng không phải nhờ dùng thuốc kích thích, chất gây nghiện mang lại, mà là hạnh phúc của sự buông xả hết gánh nặng trong lòng, đồng thời đây còn là niềm hạnh phúc nhờ vượt qua mọi sự cám dỗ của các giác quan mang lại.
“Tịch diệt lạc” là sự hoan lạc, hạnh phúc thực sự sau khi chúng ta đã diệt hết khổ đau. Một khi đã đạt đến cảnh giới này sẽ không còn cảm giác hạnh phúc - khổ đau mang tính đối đãi nữamà đó là trạng thái đạt được của một người đã siêu vượt lên sướng - khổ. Đây là niềm hạnh phúc của tinh thần và trí tuệ cũng là trạng thái hạnh phúc hoàn toàn thanh cao, trong sạch.
Trích "An lạc từ tâm" - Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch
Sống an vui 16:50 22/11/2024Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.
Những cảnh giới cao nhất
Sống an vui 13:15 22/11/2024Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?
Buông xả những nỗi lo âu
Sống an vui 11:00 22/11/2024Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.
Học chim làm tổ
Sống an vui 07:30 22/11/2024Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.
Xem thêm