Thứ năm, 05/11/2020, 09:35 AM

'Bụt' giữa đời thường: Cha mẹ của hàng trăm trẻ bụi đời

Trưởng thành từ một đứa trẻ bụi đời, nên hơn 30 năm qua, cụ Vũ Tiến (ở Hà Nội) đã đi 'nhặt' những trẻ em lang thang cơ nhỡ về nuôi dạy trưởng thành. Câu chuyện về cụ ly kỳ như trong cổ tích.

Tượng Phật mang đến an lạc cho khu phố ở Oakland, Mỹ

Vợ chồng cụ Vũ Tiến và Vũ Thị Ngọc Oanh trong buổi dạy văn nghệ cho các con. Ảnh: VŨ THƠ.

Vợ chồng cụ Vũ Tiến và Vũ Thị Ngọc Oanh trong buổi dạy văn nghệ cho các con. Ảnh: VŨ THƠ.

Chúng tôi trở lại ngôi nhà có tên “Tổ bán báo Xa Mẹ” của hơn 30 năm trước, nay đổi tên thành “Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ” ở số 13 phố Ngô Văn Sở (P.Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nơi đây có thời điểm đã có hơn 100 trẻ lang thang cơ nhỡ sinh sống, trong đó có không ít trẻ hư, trẻ ăn xin, trộm cắp. Có thời gian, những đứa trẻ ở đây được cho đi bán báo để mưu sinh và mang tiếng là bóc lột sức lao động của trẻ. Nhưng những gì diễn ra ở ngôi nhà này thì như một câu chuyện cổ tích.

Dạy làm người lương thiện

Hiện nay, ngôi nhà chỉ còn 11 trẻ sinh sống, nhỏ nhất đang học lớp 4, lớn nhất học lớp 11. Vợ chồng cụ Vũ Tiến và Vũ Thị Ngọc Oanh năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn làm “bố mẹ” của những đứa con mồ côi mà hai cụ nhận về nuôi dạy. Tầng 1 của ngôi nhà vẫn là quán bán cơm, nghề chính để hai cụ nuôi những đứa trẻ hơn 30 năm qua. Tầng 2 là nơi sinh sống của trẻ, với đầy đủ tiện nghi và chia phòng riêng cho bé trai, bé gái. Đặc biệt, tại phòng học của các em được trang bị một chiếc đàn piano cùng nhiều đạo cụ.

Khi tôi đến, hai cụ đang dạy âm nhạc và kỹ năng sống cho các con. Cụ ông hỏi các con những câu hỏi mà không phải bố mẹ nào cũng dạy như: tại sao phải có luật pháp, văn hóa là gì... Và bọn trẻ đều có câu trả lời như những bài học chúng đã nằm lòng. Rồi cụ Tiến ngồi đàn để các con múa, hát những bài hát về gia đình do chính cụ sáng tác, đã từng mang đi biểu diễn trong các buổi giao lưu ở nước ngoài: “Gia đình là quê hương, tình thương là tất cả, áo cơm là mơ ước, như trang sách học trò, tương lai chờ em đó, gia đình là quê hương...”.

Cả 11 đứa trẻ đều biết múa hát, thông minh, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Ít ai nhận ra chúng là những đứa trẻ mồ côi, từng nhem nhuốc và đói khổ.Trần Hữu Hùng (13 tuổi) ở Hưng Yên, được nhận về nuôi từ khi chưa lên 6, kể: “Mẹ em mất từ lúc em 2 tuổi, bố bị tâm thần. Khi về đây em được ông bà chăm sóc, nuôi ăn học. Vào mùa hè, năm nào chúng em cũng được đi chơi, tham dự các trại hè ở nhiều nơi. Hằng tuần, ông bà thường nói chuyện với chúng em về kỹ năng sống, giảng dạy để chúng em trở thành người lương thiện”.

Cán bộ thôn qua đời vì kiệt sức sau nhiều ngày giúp dân chống lụt

Cụ Vũ Thị Ngọc Oanh dạy học cho các con. Ảnh: VŨ THƠ.

Cụ Vũ Thị Ngọc Oanh dạy học cho các con. Ảnh: VŨ THƠ.

Cô bé Quách Thị Hoài Anh (11 tuổi, ở H.Ân Thi, Hưng Yên) cũng được 2 cụ nhận nuôi từ 5 năm nay. Hoài Anh mồ côi bố từ nhỏ, mẹ nghèo quá không nuôi được em. “Em được ông bà dạy về văn hóa, lịch sử. Ông còn dạy em cả cách cầm đũa và những cái nhỏ nhặt nhất về cách ứng xử như: biết xin lỗi khi làm sai, biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ... Ngoài giờ học văn hóa, bà dạy chúng em học văn nghệ, tập đàn, tập múa và phải sống thật sạch sẽ, nghe lời người lớn”, Hoài Anh chia sẻ.

Huyền thoại một số phận

Cụ Tiến cho biết đã nuôi dạy khoảng 600 đứa trẻ trong 30 năm qua. Thời gian đầu là những trẻ lang thang cơ nhỡ, sống vất vưởng ở gầm cầu, vỉa hè Hà Nội; sau này đều trở thành những công dân lương thiện.

Cụ nhớ nhất trường hợp một bé lang thang ở chợ Long Biên (Q.Ba Đình, Hà Nội) khi mới khoảng 3 tuổi. Cụ đã mang về nuôi và đặt tên là Vũ Long Biên. “Cách đây 20 năm, trẻ con lang thang ăn xin, ăn cắp ở chợ Long Biên nhiều lắm. Tôi ra đó mở lớp học xóa mù chữ cho các cháu, bà Oanh là người dạy (khi đó, bà Oanh là giáo viên của một trường THCS ở Q.Long Biên, Hà Nội). Trong quá trình mở lớp, ông bảo vệ chợ nói với tôi là có một thằng bé khoảng 3 tuổi, mẹ nó đi tù, nó không có bố, cứ đi lang thang, ai cho gì ăn nấy, có lúc ra cả thùng rác bới thức ăn. Tôi chở nó về đây nuôi nấng và năm nào cũng vậy, cứ tối 30 tết tôi lại đèo con ra chợ Long Biên, ra vườn hoa, ga Hàng Cỏ... đi tìm các ngõ ngách xem có gặp mẹ nó không”, cụ Tiến nhớ lại.

Người hùng cứu 100 người trong trận đại hồng thủy lịch sử ở Quảng Bình

Thế rồi, có một lần chuyện của cụ được đưa lên truyền hình, mẹ Biên đã xem và nhận ra con mình. “Khi đó, cô ấy đang thụ án tù ở Ninh Bình và ốm nặng, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Ninh Bình. Cô ấy viết thư gửi tôi, cho biết con tên là Đạt. Cô ấy phải tù 8 năm, mới thụ án 4 năm và muốn gặp con một lần. Tôi đã đưa Biên đến gặp mẹ. Sau cuộc gặp đó, người mẹ được giảm án về để nuôi con”, cụ nhớ lại.

Khi mẹ Biên ra tù, đã đến nhà cụ xin ngủ với con một tối. Cụ định cho người phụ nữ này giúp việc tại quán ăn để được ở gần con nhưng chị từ chối để về quê (H.Quảng Xương, Thanh Hóa) vì có mẹ già. “Hóa ra cô ấy đã bị mắc HIV nên không dám ở cạnh con. Sau đó, cô ấy mất, khi Biên khoảng 8 - 9 tuổi. Tôi đã nuôi Biên suốt 17 năm, cho đến khi nó tốt nghiệp Trường cao đẳng Du lịch”, cụ Tiến kể.

Chúng tôi đã tìm gặp Biên và anh vô cùng xúc động khi kể về hai cụ. “Em được ông bà nuôi ăn học, giờ em đi làm, đã tiết kiệm được tiền để về quê xây mộ cho mẹ. Ông bà như Phật sống, là bố mẹ thứ hai đã sinh ra em. Nếu không có ông bà cưu mang, chắc em không có cơ hội sống và trở thành con người như ngày hôm nay”, Biên nói.

Anh Vũ Long Biên và “bố” Tiến lúc anh mới được “nhặt” về nuôi (ảnh trái) và hiện nay. ẢNH: VŨ THƠ CHỤP LẠI.

Anh Vũ Long Biên và “bố” Tiến lúc anh mới được “nhặt” về nuôi (ảnh trái) và hiện nay. ẢNH: VŨ THƠ CHỤP LẠI.

“Bến đỗ bình an cho những người bị dòng đời xô đẩy”

Đáng nói là từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết những đứa trẻ được nuôi dạy từ ngôi nhà này đều trưởng thành, có mái ấm gia đình riêng, trong đó rất nhiều người thành đạt.

Anh Nguyễn Văn Sáng (quê ở Tam Hồng, H.Yên Lạc, Vĩnh Phúc) từng sống dặt dẹo ở Bến xe Gia Lâm (Q.Long Biên, Hà Nội), đã được hai cụ nhận về, cho đi bán báo, nuôi ăn học và trở thành thạc sĩ tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Một cặp vợ chồng cùng được cưu mang tại ngôi nhà này là anh Nguyễn Minh Phú và chị Lê Thị Thanh giờ đã là ông bà chủ của một hệ thống cửa hàng bánh ngọt lớn ở Hà Nội. Anh Phú, chị Thanh cho biết đã coi hai cụ như những người bố, người mẹ thứ hai sinh ra mình. “Ông bà là người tuyệt vời. Hiện chúng tôi cũng noi gương ông bà, thường đi làm thiện nguyện để chia sẻ khó khăn với người nghèo”, anh Phú nói.

Anh Nguyễn Văn Sáng chia sẻ: “Tổ bán báo Xa Mẹ ngày ấy thực sự là một bến đỗ bình an cho những người bị dòng đời xô đẩy như chúng tôi. Nếu không được ông bà cưu mang, thì có lẽ chúng tôi đã đi chệch “đường ray”. Tôi có thể đã đi ăn xin, thậm chí là làm nghề móc túi. Ngôi nhà ấy đã trở thành hàng rào bảo vệ chúng tôi khỏi những cạm bẫy và rủi ro ngoài xã hội”. Anh Sáng cũng cho biết, nhờ có nghề bán báo mà anh có tiền đi học tiếng Anh và nỗ lực vươn lên để có ngày hôm nay. “Tôi còn nhớ như in, ông viết 1 tờ giấy cả bằng tiếng Pháp và tiếng Anh để cho chúng tôi cầm đi bán báo là: “Các em nhỏ lang thang hãy sống bằng sức lao động của mình. Xã hội không bỏ rơi các em”. Đó cũng là động lực giúp chúng tôi trưởng thành”, anh Sáng xúc động nói.

Ghi nhận những đóng góp của gia đình cụ trong 30 năm qua, đầu năm 2020, UBND TP.Hà Nội trao tặng cụ Oanh danh hiệu “Người tốt việc tốt”.

Cụ Tiến kể khi thấy trên tay trẻ lang thang cơ nhỡ đứa nào cũng có chữ XM, cụ hỏi thì mới biết đó là từ Xa Mẹ vì có đứa mẹ mất, có đứa mẹ không nuôi được... Vì vậy, cụ đã đặt tên cho tổ bán báo là Xa Mẹ vào năm 1989. Sau này, khi hoạt động bán báo dừng, cụ đặt tên cho ngôi nhà nuôi trẻ thành “Gia đình trẻ em mồ côi Xa Mẹ”.

Vũ Thơ - Báo Thanh Niên

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người

Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024

Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.

Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang

Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024

Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.

Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật

Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024

Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.

Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa

Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024

Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia. 

Xem thêm