Cách báo hiếu cha mẹ trọn vẹn nhất
Báo hiếu cha mẹ không phải đợi đến dịp Vu Lan hay lúc giàu sang, phú quý mà chúng ta có thể thực hành mỗi ngày bởi thế gian là vô thường, có khi chúng ta muốn báo hiếu mà cha mẹ chẳng còn nữa.
Vậy bổn phận làm con, chúng ta nên báo hiếu cha mẹ thế nào?
Trong bài viết dưới đây, Thầy Thích Trúc Thái Minh sẽ chia sẻ cho chúng ta cách báo hiếu theo lời Phật dạy để cha mẹ hiện đời và quá vãng được lợi ích nhất.
Kính mời quý vị cùng đón đọc!
Báo hiếu cha mẹ hiện đời
Mọi việc thiện, mọi nghĩa cử cao đẹp của chúng ta đều bắt nguồn từ chữ “hiếu”. Ân nghĩa của cha mẹ là ân nghĩa đầu đời, cho nên cha mẹ là suối nguồn đầu tiên để sinh ra cái nghĩa trong đời này cho tất cả chúng ta. Người con hiếu thảo với cha mẹ, báo hiếu được cha mẹ thì người con đó mới là người tốt, mới có thể trở thành người Phật tử được, vì Đức Phật lấy “hiếu” làm tâm.
1. Về vật chất
Thứ nhất, chúng ta hãy thể hiện tình yêu thương cha mẹ bằng những việc làm cụ thể và chăm sóc cha mẹ thật ân cần, chu đáo. Trong kinh Đức Phật dạy, khi cha mẹ còn tại thế thì chúng ta báo hiếu cha mẹ bằng việc nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ, không để cha mẹ thiếu thốn.
Khi trưởng thành rồi, chúng ta phải có công ăn việc làm, có tiền để nuôi được cha mẹ, không bao giờ phải để cha mẹ chìa tay xin tiền mình, không để cha mẹ phải lo về đồng tiền, bát gạo, miếng cơm manh áo.
Thứ hai là khi cha mẹ đau yếu, chúng ta phải cố gắng, tự mình chăm sóc cho cha mẹ. Thầy có tâm nguyện là nếu sau này cha mẹ Thầy yếu thì Thầy sẽ dành những thời gian để Thầy về, đích thân Thầy chăm sóc cha mẹ Thầy.
Cho nên, đối với cha mẹ, chúng ta sẽ đích thân chăm sóc cha mẹ, để làm gương cho con thấy chúng ta chăm sóc ông, bà như vậy. Chúng ta phải nhớ việc đó rất là cần thiết.
2. Về tinh thần
Thứ nhất, nếu cha mẹ hiện đời này là người không có đức tin hoặc tin theo ngoại đạo tà giáo thì chúng ta phải tạo mọi nhân duyên để cho cha mẹ có đức tin, đặc biệt là khởi được lòng tin với Tam Bảo. Sau đó, chúng ta hướng dẫn cha mẹ phát tâm quy y Tam Bảo bởi đó là điều phúc lành rất lớn lao. Một người Phật tử mà hiểu đạo, thương yêu cha mẹ thì phải dẫn được cha mẹ khi còn sống ngay trong đời này đến quy y Tam Bảo. Khi cha mẹ biết được Phật Pháp thì cha mẹ sẽ tự đứng vững được, tự bảo vệ được bản thân. Bởi khi cha mẹ ra đi thì cha mẹ phải tự đi một mình và khi đó nếu cha mẹ biết Phật Pháp thì con đường Phật Pháp sẽ là “cây” chống đỡ cho cha mẹ trên bước đường ra đi, khiến cho cha mẹ được an lành. Đó là điều quý nhất!
Thứ hai, nếu cha mẹ không có thiện nghiệp, làm nhiều ác nghiệp như nghề sát sinh, hại vật hoặc làm những nghề buôn bán, những thứ làm tổn hại đến chúng sinh như buôn bán cung tên, làm những thứ thuốc độc thì chúng ta khuyên cha mẹ nên bỏ, tránh những nghề đó. Tiếp đó, chúng ta hướng dẫn cha mẹ tu tập thiện Pháp, thọ trì giới Pháp của Phật để tăng trưởng thiện nghiệp.
Thứ ba, nếu cha mẹ tham lam, bỏn xẻn thì chúng ta phải hướng dẫn và giúp đỡ cha mẹ, làm sao cho cha mẹ sinh ra được tâm bố thí, tập cúng dường từng chút một để xả trừ xan tham.
Chúng ta có thể đưa tiền của mình nhờ cha mẹ cầm tiền đó cúng dường lên chư Tăng. Đó là nhân duyên để cha mẹ biết cúng dường, để hành vi bố thí được gieo vào trong tâm thức. Chúng ta tập cho cha mẹ như vậy thì dần dần cha mẹ sẽ biết cúng dường, bố thí và từ đó cha mẹ sẽ tu tập, bớt được tâm tham lam. Vì tâm tham lam, ích kỷ sẽ khiến cha mẹ bị đọa xuống ba đường khổ, cho nên con cái phải biết hướng dẫn cha mẹ bố thí, cúng dường để trừ tâm tham lam, bỏn xẻn, keo rít.
Đối với cha mẹ già yếu, chúng ta không nên cho cha mẹ tiền, vàng nhiều. Những thứ tiền, vàng, người già yếu không tiêu nhiều nhưng nó sẽ trói buộc tâm thức khiến các cụ bị khổ. Có những cụ vì khi bé cơ hàn thiếu thốn nên sau này khi con cái làm ăn được, cho tiền của thì các cụ quý tiền lắm, giữ chằm chặp, có khi là ngày ngày mang tiền ra đếm. Nếu chúng ta không biết thì điều đó rất nguy hiểm, tạo cho người già một cái ham thích tiền, sau này các cụ ra đi không thể siêu thoát được, phải làm ngạ quỷ. Cho nên, chúng ta phải biết báo hiếu đúng cách.
Thứ tư, nếu cha mẹ tà kiến, không tin nhân quả - luân hồi - nghiệp báo, không tin có tội phúc, chết là hết; hoặc cha mẹ ỷ lại, tin vào thần quyền, các bậc thần, nghĩ rằng các bậc ấy sẽ ban phước, giáng họa thì chúng ta phải hướng dẫn, giúp cho cha mẹ tin vào chính kiến bằng mọi phương pháp để cha mẹ tin được chính kiến, có nhân quả, có nghiệp báo trả vay, có tội phúc, có luân hồi để trả nghiệp. Đó là chúng ta giúp cha mẹ tin được Phật Pháp, tin được chính Pháp.
Báo hiếu cha mẹ đã mất
Theo góc nhìn của đạo Phật, chúng ta không chỉ có cha mẹ đời này sinh ra thân này, kiếp này của chúng ta mà còn có cha mẹ kiếp trước và nhiều kiếp trước nữa. Nếu chúng ta chỉ thấy cha mẹ trong một kiếp này thì cái thấy đấy vẫn chưa đầy đủ. Một bậc Thánh nhân khi họ chứng được lục thông thì họ sẽ nhìn thấy rõ ràng cả cha mẹ đời quá khứ của họ. Cho nên Đức Phật đã dạy chúng ta cách báo hiếu cha mẹ đã quá vãng nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta như sau:
1. Cúng dường, hồi hướng
Đức Phật dạy, khi cha mẹ đã quá vãng thì cách báo hiếu là chúng ta phải làm thật nhiều phước thiện, hồi hướng công đức phước thiện đó cho cha mẹ. Trong kinh Đức Phật dạy, trong các việc phước thiện thì đặc biệt nhất là cúng dường Tam Bảo.
Vì Tam Bảo là ruộng phước bậc nhất nên chúng ta cúng dường vào Tam Bảo sẽ sinh nhiều phước báu to lớn nhất. Nếu chúng ta đem cúng dường Tam Bảo, đem công đức cúng dường ấy hồi hướng cho cha mẹ thì cha mẹ thọ nhận được phần phước báu ấy và đặc biệt là cha mẹ được kết duyên với Tam Bảo. Nếu khi sống, cha mẹ chưa được kết duyên với Tam Bảo thì khi cha mẹ mất, chúng ta cúng dường Tam Bảo, hồi hướng công đức đó cho cha mẹ thì cha mẹ được phước kết duyên với Tam Bảo; dù cha mẹ có tái sinh kiếp nào thì cha mẹ cũng có duyên lành được gặp Tam Bảo. Đó là điều rất quý mà Đức Phật dạy cho chúng ta.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người cúng lễ không đúng Pháp, mặc dù mâm cao cỗ đầy nhưng các vong linh không hề thọ hưởng được. Tuy nhiên, khi chúng ta làm phước đem sự cúng dường này đến Tam Bảo và chúng Tăng, sau đó hồi hướng phước báu ấy cho thân quyến thì được lợi ích lâu dài cho cả người cúng và người nhận sự cúng dường.
Trong kinh Địa Tạng, Đức Phật dạy: Cúng dường cho người quá cố thì người hiện đời được phước báu sáu phần, người quá cố được hưởng phước báu một phần, nhưng một phần ấy đối với họ cũng là vô cùng lớn lao, cứu độ họ rất là nhiều. Đó là nghĩa vụ của người còn sống với người đã mất. Đặc biệt trong mùa lễ Vu lan báo hiếu, chúng ta có lễ Cầu siêu phả độ gia tiên tiền tổ rất lợi ích cho kẻ còn, người mất.
Đức Phật dạy: Chúng sinh ở cõi đời này khi thân hoại mạng chung, bỏ thân cõi người, đọa làm ngạ quỷ nhiều như đất ở đại địa. Những người đủ phước duyên tái sinh trở lại làm người ít như đất ở móng tay. Cho nên, cha mẹ chúng ta lang thang trong kiếp ngạ quỷ rất nhiều và họ rất mong ngóng chúng ta cứu giúp họ.
2. Đại báo hiếu
Chữ “hiếu” trong đạo Phật có tiểu hiếu và đại hiếu.
Tiểu hiếu là hiếu của thế gian, của các vị thiện nam tín nữ ở tại gia. Hiếu với cha mẹ đó là chúng ta phụng dưỡng, cho cha mẹ cơm ăn áo mặc đầy đủ, chăm sóc, lo thuốc men khi cha mẹ ốm đau; làm những điều lành để lấy danh vị làm cho cha mẹ được phấn khởi, vui vẻ. Đối với thế gian, đó là hiếu nhưng đối với đạo Phật, đó là tiểu hiếu (hiếu nhỏ), bởi cha mẹ vẫn luân hồi sinh tử, có khi hết kiếp người đọa xuống làm kiếp thú, có khi con được quyền cao chức trọng, cha mẹ sinh tâm ngã mạn thì sẽ bị đọa. Cho nên, đó chưa phải là hiếu, chưa trọn chữ hiếu.
Đại hiếu (hiếu lớn) là chúng ta phải làm sao độ được cho cha mẹ thoát sinh tử. Hiếu chân thật là người con phải giúp cho cha mẹ biết quay về nẻo chính, quy y Tam Bảo, tu tập chính đạo, đắc được giác ngộ giải thoát. Đó là hiếu lớn, mới thật là trọn vẹn chữ hiếu. Chúng ta tu tập thành Phật để độ chúng sinh cũng là trọn vẹn chữ hiếu.
Thầy Thích Trúc Thái Minh từng nói: “Trách nhiệm của người Phật tử tại gia chúng ta là phải tự mình bồi đắp hiếu tâm cho thật dày. Không những vậy, chính chúng ta phải lan tỏa hiếu đạo đến với tất cả mọi người, trước hết là đến với con cháu, người thân của chúng ta. Vì hiếu là gốc của đạo, “Tâm hiếu là tâm Phật. Hạnh hiếu là hạnh Phật”, mười phương chư Phật đều tu tập từ hiếu tâm này mà thành Phật. Chúng ta là Phật tử thì phải lo vun bồi cái gốc này; gốc có sâu, có chắc thì cây mới bền, mới cho hoa tươi, quả tốt”.
Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, chúc cho mỗi chúng ta đều sẽ là những người con có hiếu với cha mẹ, không chỉ hiếu trong đời này mà còn hiếu ở nhiều đời về sau nữa để sớm thành tựu trên con đường cầu đạo quả Vô thượng Bồ đề.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm