Cách phân biệt Chùa, đình, đền, miếu, nghè, điện, phủ, quán, am
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam có rất nhiều nơi thờ cúng khác nhau như đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, am… nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của những địa điểm thờ cúng đó.
Hiện nay, có rất nhiều người đi chùa mà không hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa, ở gần nhà có cái đình mà cũng không hiểu vì sao cái đình lại “mọc” lên ở đó…
Vì vậy, chúng tôi đã biên tập bài viết này để giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt được các địa điểm thờ cúng khác nhau, hiểu được ý nghĩa của việc thờ cúng và những nhân vật được thờ cúng trong đó.
Chùa là gì?
Chùa là một công trình kiến trúc phục vụ mục đích tín ngưỡng. Chùa được xây dựng phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và thường là nơi thờ Phật. Tại nhiều nơi, chùa có nhiều điểm giống với chùa tháp của Ấn Độ, vốn là nơi cất giữ Xá-lị và chôn cất các vị đại sư, thường có nhiều tháp bao xung quanh.
Chùa là nơi tiêu biểu cho Chân như, được nhân cách hóa bằng hình tượng một đức Phật được thờ ngay giữa chùa. Nhiều chùa được thiết kế như một Man-đa-la, gồm một trục ở giữa với các vị Phật ở bốn phương. Cũng có nhiều chùa có nhiều tầng, đại diện cho Ba thế giới (tam giới), các cấp bậc tiêu biểu cho Thập địa của Bồ Tát. Có nhiều chùa được xây tám mặt đại diện cho Pháp luân hoặc Bát chính đạo.
Chùa còn là nơi tập trung của các sư, tăng, (hay ni nếu là chùa nữ) sinh hoạt, tu hành, và thuyết giảng đạo Phật. Tại nơi này, mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ tôn giáo.
"Chùa chiền" theo Hán-Việt còn có nghĩa là "tự viện", là một nơi an trí tượng Phật và là chỗ cứ trú tu hành của các tăng ni. Ngày nay trong thực tế chùa được gọi bằng cả từ Hán-Việt phổ thông như "Tự", "Quán", "Am".
Đình là gì?
Trước kia theo tình hình chung của cả nước, đình của các làng mạc Việt Nam chỉ là quán để nghỉ. Năm 1231 Trần Nhân Tông xuống chiếu cho đắp tượng Phật ở đình quán. Năm 1491 nhà vua cho xây dựng Quảng Văn đình là nơi để dân chúng đánh trống kêu oan và nơi ban bố, giảng giải các chính sách của nhà nước phong kiến tại Thăng Long.
Ngôi đình làng với chức năng là nơi thờ thành hoàng và là nơi hội họp của dân chúng có lẽ bắt đầu vào thời Lê sơ và định hình vào thời nhà Mạc.[1] Có lẽ sự phát triển của Nho giáo vào cuối thế 15 đã cấy dần Thành hoàng vào đình làng. Nhưng hiện nay dấu vết sớm nhất của đình làng thì Thành hoàng chỉ gặp từ thế kỷ 16. Trước đây đình thường chỉ có 3 gian và 2 chái. Gian giữa không có sạp, trong gian thờ Thành hoàng. Cuối thế kỷ 17 từ gian giữa và kéo dài về sau gọi là chuôi vồ, tạo cho đình làng mang kiểu chữ Đinh. Cuối thế kỷ 17, nhất là thế kỷ 19, đình làng được bổ sung tòa tiền tế.
Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề). Dưới các triều vua thường có sắc phong cho Thành hoàng, vì hầu hết Thành hoàng đều có công với nước. Dân làng, hay phường hội đi lập nghiệp nơi khác tcũng xây miếu, đền thờ Thành hoàng quê gốc của mình tại nơi ở mới.
Đền là gì?
Đền là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị Thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng theo truyền thuyết dân gian.
Ở Việt Nam có nhiều nhân vật có thực trong lịch sử được xây dựng đền thờ ở rất nhiều nơi là các vị vua: Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành; các nhân vật lịch sử: Lý Quốc Sư, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Thánh Tam Giang, Trần Hưng Đạo và các vị thần thánh như Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh.
Các đền nổi tiếng có thể kể đến ở nước ta như Đền Hùng, đền Kiếp Bạc, đền Sóc, đền Trần… thờ các anh hùng dân tộc.
Đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Kim Liên, đền Quán Thánh… thờ các vị thánh theo truyền thuyết dân gian.
Miếu là gì?
Miếu là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có quy mô nhỏ hơn đền. Đối tượng được thờ ở miếu rất đa dạng, thể hiện ở tên gọi của miếu – tên gọi theo đối tượng được thờ thường phiếm chỉ và tượng trưng.
Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu, miếu thờ thần núi gọi chung là miếu Sơn thần, miếu thờ thần nước gọi là miếu Hà Bá hoặc miếu Thủy thần. Miếu thờ thần đất gọi là miếu thổ thần hoặc thần Hậu thổ.
Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân sinh. Ở một số nơi, trong các ngày giỗ thần như ngày sinh, ngày hóa (nhân thần), ngày hiện hóa (thiên thần) làng mở tế lễ, mở hội, nghinh rước thần từ miếu về đình. Tế lễ xong, lại rước thần về miếu yên vị.
Miếu nhỏ còn được gọi là Miễu (cách gọi của người miền Nam)
Nghè là gì?
Một hình thức của đền miếu, thờ thần thánh. Đây là kiến trúc thường có mối quan hệ chặt chẽ với một di tích trung tâm nào đó. Nghè có khi thờ thành hoàng làng ở làng nhỏ, được tách ra từ làng gốc như Nghè Hải Triều (Cẩm Giàng – Hải Dương).
Nghè cũng có thể là một ngôi đền nhỏ của một thần trong xã nhằm thích ứng với dân sở tại để tiện việc sinh hoạt tâm linh khi ngôi đền chính khó đáp ứng được nhu cầu thờ cúng thường nhật, như Nghè ở Trường Yên là một kiến trúc phụ của đền vua Đinh.
Hiện ngôi nghè cổ nhất được tìm thấy từ thế kỷ XVII.
Điện thờ là gì?
Điện là sảnh đường cao lớn, thường chỉ chỗ Vua Chúa ở, chỗ Thần Thánh ngự. Như vậy Điện thờ là một hình thức của Đền, là nơi thờ Thánh trong tín ngưỡng Tam tứ phủ.
Tuy vậy quy mô của Điện nhỏ hơn Đền và Phủ, lớn hơn so với Miếu Thờ. Điện thông thường thờ Phật, thờ Mẫu, Công đồng Tam tứ phủ, Trần Triều và các vị thần nổi tiếng khác.
Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…
Phủ là gì?
Phủ là đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu (tín ngưỡng bản địa của người Việt Nam). Một số nơi thờ tự (ở Thanh Hóa) gọi đền là phủ.
Có thể hiểu Phủ là nơi thờ tự Thánh Mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).
Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ XVII.
Quán là gì?
Quán là một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất giống như một đền thờ thần thánh.
Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa.
Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng).
Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). “Thăng Long Tứ quán” bao gồm: Chân Vũ quán (tức đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh); Huyền Thiên cổ quán (nay là chùa Quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai); Đồng Thiên quán (nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành); Đế Thích quán (nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên).
Am là gì?
Hiện được coi là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của Am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia.
Với người Việt, am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây…) cũng có khi am là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân.
Miếu thờ thần linh ở các làng hoặc miếu cô hồn ở bãi tha ma cũng gọi là am.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm