Cái duyên với đạo Bụt
“Nam-mô Đại-bi Hội-Thượng Phật Bồ-Tát. Thiên thủ thiên nhãn, vô ngại Đại-bi tâm đà-la-ni…”- đây là câu khởi đầu của câu chú mà con đã đọc suốt hơn 10 năm qua.
Phải, đó là thần chú Đại bi mà người Phật tử hoặc ai tìm hiểu Đạo Phật ít nhiều sẽ nghe đến. Nhà con từ lâu đã có tín ngưỡng Đạo Phật, những ngày Tết, ngày rằm hay Lễ Phật Đản thì nhà con đều đi chùa, cúng Phật. Do đó mà con có duyên lành được tiếp xúc với Đạo Phật từ nhỏ. Thuở nhỏ con chưa hiểu thế nào là Phật, là Bồ-tát, con chỉ nghe lời cha mẹ là phải biết tôn kính chư Phật, các vị Bồ tát và thắp nhang cầu nguyện mỗi ngày, có như vậy thì con sẽ được tai qua nạn khỏi và những điều tốt đẹp sẽ đến với con.
Khi con lên lớp 8, con thấy ở nhà có quyển chú Đại Bi, con được nghe là chú Đại Bi linh nghiệm lắm, cầu gì là được đó. Hồi trước, chuyện con quan tâm nhiều nhất là điểm số trong lớp. Thế là con quyết tâm trì tụng chú Đại bi 5 biến mỗi ngày để cầu cho điểm số của con đạt được như mong muốn. Với lòng tin và sự kiên trì, con đã trì tụng ngày qua ngày và thuộc lòng chú đại bi. Các bài kiểm tra trong lớp đều được số điểm mà con mong muốn, kể cả các kỳ thi cấp tỉnh và thành phố con cũng đạt được thành tích như mình mong muốn. Lên lớp 10, cha con bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, con phát tâm trì tụng chú Đại Bi để cầu cho cha con khỏi bệnh. Nhưng kết quả cuối cùng cha con cũng không qua khỏi, đó là lần đầu tiên con cảm thấy chú Đại Bi không có linh nghiệm. Thời gian sau đấy, con vẫn duy trì thói quen trì chú Đại Bi mỗi ngày nhưng có vẻ niềm tin có phần bị lung lay.
Vào năm nhất đại học, con có duyên đọc được sách Đường Xưa Mây Trắng của thầy Thích Nhất Hạnh. Kể từ đó, sự hiểu biết về Đạo Phật của con có sự thay đổi và ngày càng tinh tấn hơn trên con đường tu tập. Đây cũng có thể nói là một quyển sách làm thay đổi cuộc đời con. Đạo Phật không mê tín, chỉ có chúng ta đưa những điều mê tín vào Đạo Phật. Đạo là con đường, Phật là tỉnh thức và Đạo Phật là con đường tỉnh thức. Con xem Đức Phật là một người thầy chứ không phải một vị thần linh có thể ban phước giáng họa. Đạo Phật đến để tự mình thấy, chứ không phải ai nói gì cũng tin. Bắt đầu hiểu hơn về Lý duyên khởi, con bắt đầu thực hành để nhìn sâu vào một sự vật sự việc nào đấy. Khi con tập nhìn vào bàn tay của con, con thấy được những điều kiện giúp đôi tay ấy được biểu hiện ra. Con thấy được mặt trời, đám mây, cơn mưa; con cũng thấy được cha mẹ con, ông bà con và nhiều nhân duyên khác đang giúp đôi tay này được biểu hiện. Khi thấy được những điều đấy, con cảm thấy cuộc sống thật màu nhiệm. Thời gian dần trôi qua, con cảm nhận được bản thân mình đã thay đổi rất nhiều. Con dễ ý thức được cảm xúc và ý niệm của bản thân hơn, nhìn nhận các vấn đề đa chiều và tính cách cũng trầm ổn hơn. Mỗi ngày con tập cách sống chậm một chút và luôn cố gắng duy trì sự chánh niệm của bản thân trong từng hơi thở và hành động. Con chạy xe trong chánh niệm, con quan sát mọi người và tự hỏi sao mọi người vội vã quá? Có những lúc chỉ còn vài giây là hết đèn đỏ nhưng những tiếng kèn in ỏi của mọi người đã vang lên. Con từng chứng kiến những tai nạn giao thông diễn ra trước mắt con và cảm thấy sự vô thường luôn diễn biến trong từng giây phút. Con cảm thấy buồn khi nhiều người không ý thức được điều này.
Con còn thấy được nhiều vấn đề khác nữa, con phần nào hiểu được tại sao khi trước con trì tụng chú Đại Bi để cầu mong điểm số cao thì hiệu nghiệm nhưng cầu mong cha khỏi bệnh thì lại không. Con thấy được bên cạnh sự linh ứng của chú Đại Bi thì luật Nhân Quả cũng song hành. Khi còn trì tụng chú Đại Bi để cầu mong điểm như ý thì con cũng đã nỗ lực học tập hết mình, con đã gieo nhân nỗ lực học tập và điểm số là quả tất yếu mà con nhận được, còn cha con có thể đang phải trả những nghiệp xấu mà cha đã tạo hoặc cha đã tích những nhân duyên gây ung thư đủ nhiều nên khó lòng khỏi bệnh. Gần đây, con đọc quyển “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” của thầy Thích Nhất Hạnh, con lại càng hiểu thêm về ý niệm “sống” và “chết”, khi con có chánh niệm thì cha con vẫn luôn có mặt bên con bất cứ giây phút nào, từ đó con cũng vượt qua được nỗi buồn khi mất cha. Bên cạnh đó, con cũng trả lời được những câu hỏi mà con trăn trở khi còn nhỏ như “Tôi là ai?”, “Tôi được sinh ra để làm gì?”,…
Con còn hiểu được trì tụng kinh mà lòng còn mong cầu thì chưa đúng với Đạo Phật. Đã từ lâu, con không còn đọc kinh để cầu xin một phước lành đến với con nữa, thay vào đó con nguyện hồi hướng công đức khi đọc kinh đến tất cả các loài hữu hình và vô hình. Khi chú nguyện bằng tất cả tâm thành, con cảm nhận được một sự rung động khó tả.
Con xin chia sẻ một bài thơ của tác giả có tên Facebook là Nguyễn Quốc Hiệu mà con có duyên đọc được, bài thơ dựa trên câu chuyện có thật về thiền sư Ajahn Brahm:
Một phóng viên kia gọi điện
Phỏng vấn sư Ajahn Brahm
Phóng viên mở đầu câu chuyện
Hỏi một câu chẳng nể nang:
"Nếu có ai đem kinh Phật
Ném vào một chiếc bồn cầu
Rồi giật nước cho trôi mất
Ngài sẽ phản ứng ra sao?"
Nhà sư chẳng hề do dự:
"Nếu ai đó làm việc này
Việc tôi làm ngay sau đó
Gọi thợ thông ống cống ngay
Họ có thể phá tượng Phật
Giết hại vô số tăng ni
Phá sập bao nhiêu chùa miếu
Nhưng "đạo" chẳng thể mất đi
Quyển kinh phải đâu tôn giáo
Chỉ là đồ chứa mà thôi
Phẩm hạnh của người tu sĩ
Mới là thứ sống muôn đời
Quyển kinh nếu trôi đi mất
Có thể in lại về sau
Lòng từ bi mà biến mất
Tôn giáo trôi xuống bồn cầu"
Dù biết năng lực tu tập của bản thân con còn nhiều hạn chế nhưng con xin phép chia sẻ bài viết này, hy vọng sẽ phần nào tăng thêm niềm tin yêu của mọi người đối với Đạo Phật.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Huỳnh Nhựt Hòa; địa chỉ: 149/5 Nguyễn Trung Trực – phường 2 – TP Sa Đéc – tỉnh Đồng Tháp.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Cuộc đời màu nhiệm của cô gái 9x Hà thành
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:00 05/10/2024Tôi biết tác giả Thanh Cầm qua một nhóm những người yêu văn chương và rất ấn tượng với những truyện ngắn em viết cho thiếu nhi. Ngôn từ đẹp, cách xây dựng nhân vật gần gũi và nội dung luôn mang những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn.
Xem thêm