Cần học tập và phát huy Phật giáo Trúc Lâm qua mộc bản kinh chùa Vĩnh Nghiêm
Những truyền thống văn hóa Phật giáo có tính đặc trưng riêng biệt đặc sắc Việt Nam nói trên có giá trị to lớn, là cơ sở tinh thần cho đường lối mở cửa, hội nhập với thế giới, cho phương châm sống hòa hợp với thiên nhiên...
1. Đặt vấn đề
Trên tinh thần giác ngộ và giải thoát, từ xa xưa, khi đạo Phật vừa truyền bá vào nước ta, đã không tách rời thế sự mà nhập thế tích cực phục vụ chúng sinh. Các Thiền sư “Cư trần lạc đạo”, có ý thức vươn lên làm tròn bổn phận với đất nước, với nhân dân, với thế giới mình đang sống; nhiều người tích cực tham gia triều chính, gánh vác công việc quốc gia đại sự. Nhưng đối với họ, đời người, công danh phú quý như kiếp phù du bé nhỏ trước “diễn trình vận hành bao la của vũ trụ”, như bóng chớp có rồi không (“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” – Vạn Hạnh Thiền sư). Các vị chân tu chẳng bận lòng giành và bảo vệ giáo quyền như ở một số tôn giáo khác, mà chăm lo cho sự tồn vong của đạo pháp trong sự tồn vong dân tộc, gắn đạo pháp với dân tộc. Đây là một đặc điểm riêng đặc sắc, tạo nên truyền thống quý của Phật giáo Việt Nam. Nhờ có đặc điểm này, Phật giáo, không trở thành mối đe dọa đối với thế quyền, trái lại, trở thành nét văn hóa tốt đẹp, là công cụ đắc lực hỗ trợ cho quá trình củng cố và xây dựng nền độc lập, chống lại sự xâm lăng và quá trình đồng hóa của ngoại bang, thành động lực phát triển của xã hội. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Phật giáo mau chóng hòa nhập với tinh thần dân tộc, phát triển mạnh mẽ, làm nảy sinh biết bao giá trị vật chất và tinh thần; đặc biệt, làm nảy nở cả kho báu văn hóa Phật giáo đặc sắc. Phật giáo và văn hóa Phật giáo thực sự đã là bộ phận cấu thành quan trọng, hòa quyện cùng văn hóa dân tộc. Bản sắc của văn hóa Phật giáo thấm nhuần trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, trong cuộc sống hàng ngày của con người.
Những truyền thống văn hóa Phật giáo có tính đặc trưng riêng biệt đặc sắc Việt Nam nói trên có giá trị to lớn, là cơ sở tinh thần cho đường lối mở cửa, hội nhập với thế giới, cho phương châm sống hòa hợp với thiên nhiên, tôn trọng lẽ tự nhiên và giữ gìn môi trường, tôn trọng nhân tố con người, tôn trọng trí tuệ, tri thức và tinh thần sáng tạo của chúng ta ngày nay, có tác dụng giáo dục sâu sắc, lâu dài.
Thêm nữa, những kinh sách, những bài thuyết pháp của các vị Quốc sư, những bài kệ – thi phẩm Thiền, những văn bia ở các chùa, các Thiền viện, những lễ hội Phật giáo được tổ chức hàng năm ở rất nhiều chùa chiền trên khắp đất nước, cũng như phép ứng xử chan hòa, bao dung và lối sống thanh sạch, cần kiệm, khiêm cung của những Phật tử chân tu, đều là những di sản văn hóa Phật giáo phi vật thể, nằm trong kho báu mà tổ tiên chúng ta để lại, rất cần được gìn giữ, kế thừa. Những tác phẩm bất hủ biệt truyền hiện vẫn còn đang lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm là những tác phẩm vô giá, cần được đem ra để giảng dạy tại các trường học viện, cao đẳng, trung cấp trong cả nước. Ngoài ra cần được giới thiệu phổ biến tới quý cư sĩ, những bậc tri thức, bạn bè trong nước và ở nước ngoài.
2. Nguồn gốc tư liệu mộc bản kinh chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván khắc kinh. Theo sách nhà chùa để lại, “Tàng kinh các” rộng tới 10 gian nhà, nơi lưu giữ những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là Mộc thư khố, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng quản lý 72 chốn tùng lâm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn, thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm trước tác truyền lại.
Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu thấy rằng, những mộc bản này đều do chính các nghệ nhân vùng Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương tổ chức khắc trong nhiều khoảng thời gian khác nhau. Vật liệu dùng làm bản khắc là gỗ thị và hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ thường được dùng để làm bản khắc in vì gỗ mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong vênh, khó nứt vỡ.
Các mộc bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm với kỹ thuật khắc ngược , đây là một kĩ thuật rất khó và tinh vi để khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt khắc tương ứng với 2 trang sách. Kiểu chữ rất chân phương và sắc nét. Điều đó chứng tỏ các nghệ nhân người Việt xưa không chỉ giỏi về mặt kỹ thuật mà còn là những người rất am hiểu về cách thức tổ chức văn bản, cũng như thông thạo về chữ Hán và chữ Nôm, một loại hình chữ viết cổ có cấu tạo rất phức tạp của người Việt. Các mộc bản có kích thước không đồng đều. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15x20cm. Qua quan sát, người ta thấy rằng, bề mặt các ván in được phủ một lớp màu đen bóng, đó chính là dấu vết của mực in còn sót lại trên bề mặt bản khắc sau những lần in ấn. Và cũng chính nhờ có lớp mực in này bảo vệ nên các bản khắc vẫn tồn tại bền bỉ qua thời gian mà không hề bị mối mọt, ẩm mốc phá hỏng.
Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao Tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam…
Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, giờ đây kho Mộc thư khố này được coi là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, trong phiên họp chiều 16/5/2012 tại Bangkok (Thái Lan), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
3. Phương thức truyền bá.
3.1. Phương thức tham quan du lịch.
Trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Bảo tàng và phát huy các giá trị di sản văn hóa Lý – Trần tỉnh Bắc Giang” năm 2011, các tác giả đã làm rõ giá trị di sản văn hóa Lý – Trần trên địa bàn Bắc Giang. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch và văn hóa tâm linh vùng Yên Tử” (Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, 2015) khẳng định vai trò và giá trị của các di tích Phật giáo thời Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, mà gắn liền là chùa Vĩnh Nghiêm – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mang đậm màu sắc Phật giáo thuộc Phật giáo Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Những nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc của các di tích Phật giáo thời Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, gắn liền với việc quảng bá, phát triển du lịch tâm linh Tây Yên Tử, trong Hội thảo này, Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch đã đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm phát triển du lịch, văn hóa tâm linh của khu vực Tây Yên Tử. Nhiều người cho rằng, cần có sự gắn kết, phục hồi Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, gắn liền với các cụm di tích Trúc Lâm nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Việc phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Trúc Lâm cần gắn liền với việc phát triển “ẩm thực Trúc Lâm”, đây được xem là nét đặc sắc nhằm làm sống lại tinh thần văn hóa ẩm thực Trúc Lâm ở thế kỷ XIII, XIV.
3.2. Phương thức giáo dục, đào tạo.
Đưa những tư liệu quý vào dạy đào tạo thành môn học trong hệ thống giáo dục đào tạo Tăng Ni. Thường xuyên tổ chức những chương trình tham quan, ngoại khóa giúp Tăng Ni có những dịp và cách tiếp cận thực tế với tư liệu mộc bản, giúp Tăng Ni có ý thức trong vai trò phát huy và bảo tồn những giá trị cao quý của mộc bản.
Tổ chức hoằng pháp thuyết giảng về những lời dạy của bậc Tổ sư Trúc Lâm, đồng thời hướng đạo cho các Phật tử về lối sống lành mạnh, giản dị và hòa đồng để chuyển hóa những vấn nạn khổ đau trong cuộc sống hàng ngày.
4. Kết luận.
Giá trị của Phật giáo thời Trần nói chung và Phật giáo Trúc Lâm thời Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng, được tiếp cận trên nhiều khía cạnh, từ triết học, lịch sử, văn hóa học, tôn giáo học, chính trị học, kiến trúc, Hán nôm… Khi đánh giá về giá trị của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần nói chung và Phật giáo Trúc Lâm thời Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng, đa phần các tác giả đã đồng tình với quan điểm cần nhìn nhận những giá trị của Phật giáo trên các phương diện như: giá trị lịch sử, giá trị tư tưởng, giá trị kiến trúc nghệ thuật, giá trị văn học, giá trị kinh tế, xã hội. Khi bàn về những giá trị đạo đức của Phật giáo thời Trần và ảnh hưởng tới lối sống của người dân. Các công trình đều nhấn mạnh đến những giá trị tích cực như từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, hướng thiện, tránh ác, sống có hoài bão, có lý tưởng, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ theo đúng giáo lý của nhà Phật. Những vấn đề về thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo cũng như việc truyền bá tư tưởng, nội dung tinh thần Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, hình thành những giá trị đạo đức, hành vi của đại bộ phận nhân dân là biểu hiện rõ nét của quá trình giáo dục con người. Do đó, nhận thấy vai trò của Phật giáo Trúc Lâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong quá trình hình thành nhân cách, tình cảm đạo đức cũng như lối sống của nhân dân trong điều kiện cả nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Hơn thế nữa, việc phát huy những giá trị văn hóa và tiềm năng du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gắn liền với Phật giáo Trúc Lâm thời Trần cũng là một trong những điểm sáng được các nhà nghiên cứu, quản lý quan tâm.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Xem thêm