Cậu bé ăn xin trả ơn “người chị Bồ tát” sau 21 năm
Khi Hà Vinh Phong gặp lại Đới Hạnh Phần, anh lập tức viết một tấm séc trị giá một triệu tệ, tặng, nhưng 'người chị Bồ Tát' đã từ chối.
Một buổi sáng năm 2014, cô Đới Hạnh Phần, chủ một quán ăn ở Chiết Giang nhận được cuộc gọi của người đàn ông lạ, nói muốn gặp để trả ơn.
Người phụ nữ 45 tuổi bối rối không biết người này là ai. Vài ngày sau, một người đàn ông tứ tuần cao lớn xuất hiện và nói: "Chị ơi, em là Hà Vinh Phong, đứa trẻ ăn xin được chị giúp đỡ 21 năm trước".
Đới Hạnh Phần nhớ lại câu chuyện xảy ra năm 1993, khi cô mới 24 tuổi, trên đường từ huyện về nhà tại làng Dương Phủ, huyện Tiên Cư, thành phố Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, phát hiện có ba thiếu niên bám theo mình. Sợ quá, cô đi nhanh về trước nhà rồi vớ lấy chiếc cuốc giơ lên hỏi: "Các người định làm gì?".
Cảnh giới cao nhất của sự khôn ngoan là lòng tốt
Ba đứa trẻ bị dọa sợ, ngồi sụp xuống. "Chị ơi, chúng em không phải người xấu. Chúng em bị mất trộm tiền, nên đi theo chị muốn xin chút đồ ăn".
Ba đứa trẻ kể từ Du Dương, Trùng Khánh đến nhà người quen ở Ô Lĩnh, Chiết Giang để làm việc. Khi vừa xuống tàu ở Hàng Châu, cách Ôn Lĩnh khoảng 300 km, họ bị trộm sạch tiền. Ba thiếu niên vừa đi bộ vừa xin ăn hơn 10 ngày.
Cô Đới dẫn chúng về nhà, kể lại câu chuyện cho bố mẹ. Cả nhà chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn nhất có thể cho ba đứa trẻ đang trong cơn đói lả. Nhìn thấy Hà Vinh Phong, đứa trẻ nhỏ bé 17 tuổi, đi đôi giày bong đế, chân sưng lên, cô Đới còn đun nước nóng cho cậu ngâm chân và bôi thuốc mỡ lên vết thương. Cô tìm đôi giày tươm tất đưa cho cậu.
Sáng hôm sau, trước khi chia tay, cô Đới đã chuẩn bị đồ ăn khô và chia đều 30 tệ (nửa tháng lương của cô khi đó) cho cả ba, cùng những lời dặn dò của một người chị: "Khi đi làm xa, hãy sống thành thật và giữ chữ tín. Có uy tín mới kiếm được tiền".
Hà Vinh Phong kể rằng năm 13 tuổi, cha cậu đã làm mất 8.000 tệ tiền bán lợn của nhiều người cùng góp. Đây là số tiền lớn thời đó khiến gia đình Hà Vinh Phong rơi vào hoàn cảnh khó khăn, suốt ngày bị đòi nợ. Điều này gây ra một bóng đen tâm lý cho cậu. Những ngày lang thang xin ăn, cậu chịu đủ sự lạnh lùng và khinh bỉ.
"Cho đến khi gặp chị Đới, tôi mới bắt đầu tin trên đời này vẫn còn nhiều người tốt", anh Hà nói.
Khi đến Ôn Lĩnh, Hà và hai người bạn tìm người quen, song không tìm được việc làm như ý, phải tiếp tục lang thang. Nghe nói ở Thẩm Dương có nhiều người Tứ Xuyên làm việc, họ tiếp tục đi về phía bắc, ngủ qua đêm ở nhà ga. Làm ở đây được nửa tháng, họ lại bị một đồng hương lừa đến đồng xu cuối cùng.
Trong những ngày vô vọng, Hà Vinh Phong từng vài lần suýt lạc lối, nhưng lời dặn "phải thành thật" của cô Đới đã giúp cậu giữ được sự lương thiện. Cuối cùng, cậu đã tìm được nhận học việc tại một xưởng sản xuất nội thất.
Khi ổn định, cậu nhớ lời dặn báo tin vui cho Hạnh Phần. Nhưng do nhớ sai địa chỉ nên nhiều lần gửi thư đều bị trả lại. Sau này, dù là đi làm hay khởi nghiệp, dù đạt được thành tựu nào, Hà Vinh Phong đều ghi nhớ và báo tin vui cho người chị trong nhật ký.
Với sự chăm chỉ và không ngừng nỗ lực, Hà Vinh Phong từng bước từ một cậu bé ăn xin trở thành một người làm thuê, rồi thành chủ một nhà máy. Anh cho biết vì tuân thủ nguyên tắc trung thực và giữ chữ tín nên đã bị một số kẻ phá đám, hãm hại, có lần bị đánh phải nhập viện. Song cũng nhờ nguyên tắc làm người này, anh được tin tưởng, sự nghiệp càng ngày càng thăng tiến.
Sau 10 năm, Hà Vinh Phong trở thành một doanh nhân có tiếng. Mỗi khi gặp được khách hàng từ Chiết Giang hay Thẩm Dương, anh đều nhờ họ giúp tìm kiếm thông tin về Hạnh Phần. Đến tận năm 2014, một khách hàng đã giúp anh tìm ra ân nhân.
Hóa ra, Đới Hạnh Phần đã rời làng Dương Phủ từ nhiều năm trước. Cô cùng chồng mở một quán ăn nhỏ ở Lâm Hải. Và tên mà anh Hà ghi nhớ cũng bị sai khiến công việc tìm kiếm trong nhiều năm không có kết quả.
Khi Hà Vinh Phong gặp lại Đới Hạnh Phần, thấy cửa hàng nhỏ của chị chỉ có vài chiếc bàn, biết việc làm ăn không dễ dàng. Vì vậy, anh lập tức viết một tấm séc trị giá một triệu tệ, tặng cho "người chị Bồ Tát".
"Lúc đó tôi nghĩ rằng đây là việc nên làm. Bao nhiêu năm qua tôi tìm chị ấy chỉ để báo ơn", anh chia sẻ.
Nhưng Đới Hạnh Phần lập tức từ chối. "Em đã thành đạt, chị rất vui. Em nhớ tình nghĩa của chị còn quý hơn tấm séc này".
Tấm lòng của chị làm Hà Vinh Phong càng thêm trân trọng. Anh quyết định tặng số tiền đó cho các tổ chức từ thiện và còn sản xuất bộ phim "Một đời chị em", lấy cảm hứng từ câu chuyện này để lan tỏa lòng tốt trong cộng đồng.
Từ đó, mỗi dịp lễ tết, Hà Vinh Phong đều cùng vợ đến Chiết Giang thăm gia đình Đới Hạnh Phần. Hơn cả ơn nghĩa, họ như người thân ruột thịt.
Biết ơn, trả ơn mới là con Phật!
Theo QQ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyển hóa người chồng ngoại tình nhờ oai thần từ bi của Địa Tạng Bồ tát
Phật pháp và cuộc sống 11:41 03/01/2025Cách đây khoảng 2 tháng, thấy chồng có những hành động khác thường, tôi âm thầm theo dõi, phát hiện ra chồng ngoại tình.
Bồ tát ở đâu?
Phật pháp và cuộc sống 17:45 02/01/2025Thiếm thương yêu và chăm sóc tôi như con trong nhà, chưa lần kể công với một ai. Người chẳng phải là mẹ, chẳng bà con họ hàng, vậy mà phải mang trọng trách ấy. Có phải người là Quán-thế-âm?.
Rồi khi ba má mình già…
Phật pháp và cuộc sống 16:29 02/01/2025Mình tệ quá, tệ vì quên rằng ba má đâu còn trẻ, hai bàn tay ngày xưa từng dắt mình qua những ngày giông gió giờ đã run run...
Nhân duyên đi chùa và trở thành Phật tử
Phật pháp và cuộc sống 14:23 02/01/2025Chú vốn làm nghề xe ôm, thu nhập chỉ đủ nuôi sống bản thân và đứa con trai, con của người bạn thân, đã qua đời sau trận lụt ở quê năm hai ngàn. Từ khi chú có Minh (con của chú) thì chú bắt đầu biết đi chùa.
Xem thêm