Câu chuyện về mê đắm sắc của tôn giả Nan Đà và sự thức tỉnh
Khi Ðức Phật còn ở đời, em ruột cùng cha khác mẹ của Ngài là ông Nan Ðà, con người bảnh trai lịch thiệp phong lưu, tham ái đa tình.
Nhờ lịch thiệp bảnh trai, lại là hoàng tử, nên Nan Ðà đã sớm giao du với mọi người trong hoàng thân quốc thích, dự không biết bao nhiêu cuộc yến tiệc rượu nồng, cung phi mỹ nữ trẻ đẹp, đờn địch hát xướng.
Lửa tình sớm đốt cháy nơi lòng, Nan Ðà đã sớm thành hôn với thiếu nữ trẻ đẹp tên Tôn Ðà Lợi. Từ đó Nan Ðà đắm đuối bên vợ suốt ngày đêm. Chàng cảm thấy dường như vẻ đẹp của hoa lá, cùng hương trời sắc nước của trần gian như đã tô điểm thêm vẻ đẹp cho vợ mình. Nan Ðà rất thích những buổi yến tiệc của hoàng tộc để chàng có dịp dắt vợ khoe giữa đám đông. Vui thích được nghe mọi người chúc tụng khen tặng vợ mình trẻ đẹp, đồng thời cũng không muốn vợ tiếp xúc giao thiệp với người khác.
Chàng thương yêu vợ đáo để không rời xa một bước, Lòng ham muốn dục tình trong người Nan Ðà như than hầm rực đỏ nung cháy trong lòng. Suốt ngày chỉ suy tính đến chuyện yêu đương ân ái giàu sang hưởng thụ cho thỏa tình. Nhưng lòng tham dục của kẻ không biết thiểu dục tri túc có bao giờ đủ đâu? Cho nên kẻ tham dục luôn luôn rơi vào hưởng thụ ích kỷ như người khát uống nước biển, càng uống càng cảm thấy khát!
Theo thời gian, tâm trí và năng lực của Nan Ðà chỉ biết cung phụng cho ái ân bạc tiền. Ðức Phật thương ông sẽ trôi lăn triền miên trong vũng bùn ngũ dục (tài, sắc, danh, ăn, ngủ) vô tình đem đốt rụi đời mình trong đống lửa tham vọng dục tình, để rồi chuốc lấy nghiệp ác kéo lôi với đôi bàn tay trắng khi tắt thở lìa đời. Mãnh lực yêu thương và niềm hy vọng sẽ được kế ngôi vị quốc vương đã làm cho Nan Ðà mù quáng không còn thấy được tia sáng chân lý cuộc đời.
Sự thành đạo giác ngộ của thái tử Tất Ðạt Ða; sự hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sanh của Ðức Phật Thích Ca; sự xuất gia theo Phật tu hành của Kiều Ðàm Di Mẫu, công chúa Da Du Ðà La, La Hầu La và năm mươi hoàng tử trong hoàng tộc, cùng dân chúng và hoàng thân quốc thích ai nấy lo tu đức cúng dường Tam Bảo, làm việc từ thiện bố thí, những sự kiện dồn dập này đã làm cho Nan Ðà suy nghĩ về cuộc đời, về kiếp sống của con người, về sự tu nhân tích đức. Nhưng sự suy nghĩ đó chỉ thoáng hiện qua trong đầu óc của Nan Ðà như đóm sao rơi giữa bầu trời dày đặc tăm tối!
Ðức Phật thương hại Nan Ðà vì danh lợi ái tình mà ngày ngày đốt thiêu tiêu phí oan uổng năng lực tâm trí, điều quý giá nhất của kiếp người là thì giờ, tâm trí và năng lực. Nhưng hoa quý đâu thường nở, trẻ đẹp đâu mãi còn, già bệnh chết không hẹn với người.
Sau những lúc ái ân, vào những lúc tàn canh yến tiệc, khi vợ chồng bất hòa, hoặc khi thân thể bệnh hoạn rã rời, lúc đó Nan Ðà cảm như tử thần bên cạnh.
Mỗi lần đến tinh xá Kỳ Hoàn thăm Phật, được nghe Phật thuyết về lý vô thường, tứ đế, nhân quả, từ bi, hỷ xả, đạo quả giác ngộ Niết Bàn và trước tướng mạo trang nghiêm, dung nghi hỷ xả thanh thoát của Ðức Phật, Nan Ðà đã say sưa ngưỡng mộ về đức tướng trang nghiêm của Phật, tự so sánh mình và vẻ đẹp trần tục của vợ không nhằm vào đâu. Chẳng bao lâu Nan Ðà đã nghe theo lời khuyên của Ðức Phật, phát tâm xuất gia thọ giới tu hành. Nhưng với Nan Ðà thì thân tuy xuất gia, mà tâm chưa vào đạo, nên lòng lúc nào cũng nghĩ đến vợ, đến nhà và trông có dịp là chạy về thăm vợ. Lửa lòng chàng nung cháy hẩy hừng. Nhớ thương vợ bứt rứt cầm lòng không đặng, lắm lúc Nan Ða muốn xả giới để hoàn tục, hoặc đánh liều lén Phật về thăm rồi tới đâu thì tới.
Một hôm, trước khi lên đường đến xứ Ma Kiệt Ðà thuyết pháp giáo hóa, Ðức Phật gọi Nan Ðà đến căn dặn: “Hôm nay ta đáp lời thỉnh cầu của vua Tần Bà Ta La, ta đến thuyết pháp cho vua và hoàng tộc nghe và ta cùng đại chúng thọ trai cúng dường nơi đó, đến chiều mới về. Vậy ông ở nhà nhớ xách nước đổ cho đầy lu, rồi sau đó ông muốn làm gì tùy ý”.
Nan Ðà nghe Phật nói thế, lòng rất đỗi vui mừng, nghĩ bụng rằng, ta sẽ múc nước đổ đầy lu trong chốc lát, rồi ta thong dong về thăm Tôn Ðà Lợi, người vợ thương yêu của ta. Lâu ngày không gặp nhau, khi ta về thăm, chắc nàng mừng lắm!
Ðức Phật và Tăng chúng vừa ra khỏi tinh xá Kỳ Hoàn, Nan Ðà vội vã làm công việc múc nước đổ vào lu, cứ thế đổ mãi đến gần trưa, nhưng nước chỉ tới hai phần lu, không tăng thêm được nữa, dù ông cố sức chạy xách nước đổ vào lu cách nào, mực nước trong lu cũng chỉ thế chứ không đầy. Lấy làm lạ, Nan Ðà bực mình quăng thùng nước, lật lu xem có phải lu nứt bể hay không? Nhưng hình thái lu vẫn còn tốt, không có một dấu vết nào nứt lủng. Ông lại lật ngửa lu lại để ngay ngắn và bắt đầu dồn dập gấp rút hơn trước, xách nước múc đổ vào lu. Nhưng mực nước cũng chỉ đến nửa lu rồi ngừng. Dù ông ra sức xách nước đổ vào thế nào đi nước, mực nước trong lu cũng chỉ thế thôi. Không nhẫn nại được nữa, Nan Ðà quăng đôi thùng, nghĩ bụng rằng, Phật và Tăng chúng chiều tối mới trở về. Tốt hơn ngay bây giờ ta về nhà thăm nàng Tôn Ðà Lợi trước, rồi sau đó trở lại gánh nước đổ đầy lu cũng chẳng muộn gì. Vả lại Phật đâu có biết ta lén về.
Nan Ðà vừa bước vô nhà thì Ðức Phật hiện ra trước cửa. Nan Ðà thấy Phật giựt mình thất sắc, mồ hôi toát ra như tắm, vội vàng quỳ lạy ăn năn, thú thật nước chưa đầy lu.
Ðức Phật ôn tồn bảo: “Nước chưa đầy lu, sao con đến đây làm chi?”. Nan Ðà hổ thẹn, cúi đầu lặng thinh không nói nên lời. Ðoạn rồi Phật dẫn Nan Ðà trở về tinh xá và hết lời khuyên nhủ để cho tâm trí ông mở mang và kiên nhẫn tu hành.
Quán biết được cõi lòng của Nan Ðà đang bị lửa tham ái ầm ĩ đốt thiêu, nên Ðức Phật dùng phương tiện để độ ông kẻo tội nghiệp. Ðức Phật dẫn Nan Ðà vào rừng, thấy con khỉ cái già, lông lá rụng hết, bày trơ lớp da sần sùi, gầy gò tanh hôi, Ngài hỏi Nan Ðà:
– Con khỉ già này có đẹp bằng nàng Tôn Ðà Lợi vợ ông không?
Nan Ðà nhăn mặt lắc đầu:
– Bạch Thế Tôn, làm sao lại có thể so sánh được với nàng Tôn Ðà Lợi. Bởi nàng trẻ đẹp dịu dàng, da thịt mịn màng như nhung gấm thêu hoa, như trăng tỏa sáng, như mặt nước hồ thu.
Ðức Phật lặng thinh theo dõi dáng điệu lộ vẻ không bằng lòng của Nan Ðà. Ngài càng thương hại cho ông không hiểu thân người bất tịnh, lại bị lý vô thường phá hủy tạo thành sanh diệt huyễn ảo của kiếp người và vạn vật trên đời này. Con người và vạn vật ngày ngày lặng lẽ trôi về trạng thái già nua suy tàn. Nhưng Nan Ðà cũng như khắp trong thiên hạ có được mấy ai tỉnh ngộ?
Ngài lại dùng thần thông dắt Nan Ðà lên cõi trời thứ ba mươi ba. Trước cảnh trí ngời sáng huy hoàng, cỏ hoa thơm ngát, thông reo thác đổ, cùng các tiên nữ diễm lệ hương sắc tuyệt trần đang dạo chơi thưởng hoa ngắm bướm, vừa thấy Phật, các nàng tiên hân hoan vây quanh mừng vui kính lễ chào Ngài. Nan Ðà bỗng nhiên được sống trong cảnh trí hương sắc của tiên giới, cùng với những nàng tiên trẻ đẹp lộng lẫy tuyệt trần, lòng ông phấn khởi ngây ngất quên đi cõi trần thế, quên cả nàng Tôn Ðà Lợi, người vợ thương yêu của ông. Không cầm lòng được, bất giác Nan Ðà hỏi Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn, ở đây cảnh trí sao quá đẹp, người sao quá diễm lệ tuyệt trần?”.
Ðức Phật hỏi Nan Ðà:
– Ông thấy thế nào về vẻ đẹp của các tiên nữ so với nàng Tôn Ðà Lợi? Và vẻ đẹp của nàng Tôn Ðà Lợi cùng với con khỉ cái già lông lá rụng hết, da thịt nhăn nheo kia?
– Bạch Thế Tôn! Cả hai không khác gì nhau. Vẻ đẹp của nàng Tôn Ðà Lợi so với các tiên nữ ở đây cũng như con khỉ đột già kia so với vẻ đẹp của nàng Tôn Ðà Lợi. Bạch Ðức Thế Tôn, con muốn quên đi cõi trần thế để được ở luôn nơi đây. Cúi xin Ðức Thế Tôn từ bi thương xót cho con được toại nguyện ở lại đây.
Thấy Nan Ðà mà thương hại, Ðức Phật ôn tồn bảo:
– Nếu muốn ở lại dây, thì ông nên trực tiếp đến hỏi các tiên nữ kia.
Nan Ðà vui mừng, lòng tràn đầy hy vọng, liền lẹ chân hướng về các tiên nữ mở lời:
– Thưa các cô, tôi thấy cảnh thấy người nơi đây tự nhiên lòng tôi sanh cảm mến lạ thường. Tôi ước ao xin ở lại nơi dây, không biết có được chăng?
Các tiên nữ đáp: Muốn ở lại đây phải là những người ở cõi trần đã có tâm trì trai giới hạnh tu hành, biết làm nhiều việc phước thiện, lòng đã dứt tình ái ân.
– Nhưng sao ở đây không thấy người nam nào hết, thưa các cô? Nan Ðà hỏi.
– Chị em chúng tôi đang chờ mong ông Nan Ðà, em của Phật đang ở cõi trần, biết phát tâm tinh tấn trì giai giới hạnh tu hành, khi công đức đầy đủ sẽ sanh lên đây, làm chủ nhân ông sống cùng với chị em chúng tôi hưởng thú vui hạnh phúc.
Nan Ðà mừng quá reo lên:
– Nan Ðà chính là tôi đây!
Các tiên nữ đáp;
– Nhưng bây giờ chưa phải lúc được ở chốn này, vì Nan Ðà còn kém tu, phước duyên chưa đủ, tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo!
Nghe thế, Nan Ðà thất vọng não nề. Sau đó Ðức Phật lại dẫn Nan Ðà xuống cảnh giới địa ngục. Trước cảnh tượng tội nhơn bị qủy sứ đầu trâu mặt ngựa hành hạ, tra kẹp, gông cùm, thiêu đốt, máu chảy thịt rơi v.v… thốt ra những tiếng thất thanh từ nơi ngục lạnh, hầm chông biển lửa, Nan Ðà khiếp đảm sợ run, bám sát lấy Phật. Phật dẫn Nan Ðà đi khắp từ địa ngục này tới địa ngục khác, chứng kiến biết bao thảm trạng thống khổ hãi hùng của tội nhơn. Nan Ðà nãy giờ cúm rúm lặng thinh theo sát chân Phật. Có lúc ông phải nhắm mắt lại, không dám nhìn cảnh tượng hãi hùng rùng rợn chật ních tội nhơn: Kẻ thì bị cưa xẻ quăng vào vạc dầu sôi; kẻ bị ngồi trên bàn chông sắc lửa đỏ hừng hực cháy; kẻ bị trói vào trụ đồng nung lửa đỏ; kẻ bị quỷ dữ đuổi vào biển lửa cháy cong queo v.v…
Ðến một nơi khác thấy vạc dầu sôi sùng sục mà không có tội nhơn, ba con quỷ đầu trâu mặt ngựa cầm chỉa ba mắt to lờm lờm gầm gừ trong tư thế sẵn sàng đâm tội nhơn ném vào vạc dầu sôi. Thấy vậy, Nan Ðà bạch Phật: “Bạch Ðức Thế Tôn, nãy giờ con thấy địa ngục nào cũng chật ních tội nhân bị hành hạ. Nhưng sao vạc dầu sôi này lại không có người?”
– Ðức Phật bảo Nan Ðà: Ông nên đến hỏi quỷ chủ ngục.
Nan Ðà vừa bước đến, ba quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa há miệng như máu, răng tóc tua tủa như chông sắt, đồng thanh đáp:
– Nơi đây chưa có tội nhơn là vì chờ Nan Ðà, em của Phật không chịu giữ giới tinh tấn tu hành, chết sẽ đọa vào đây!
Vừa nghe, Nan Ðà hoảng hốt rú lên thất thanh, hồn bay phách tán, toát mồ hôi dầm dề, quỳ lạy Phật cầu xin mau mau dẫn ra khỏi nơi khủng khiếp này.
Sau khi Ðức Phật dùng thần thông đưa ông Nan Ðà trở lại cõi thế gian, ông hoàn hồn hồi tưởng lại những cảnh hãi hùng vừa đã chứng kiến, ông thành tâm nghe lời Phật khuyên nhủ, dứt khoát bỏ vọng tâm danh lợi ái ân, dốc chí theo Phật một lòng tinh tấn chuyên tâm tu hành, chẳng bao lâu, ông chứng thánh quả.
Nhưng thưa quý vị! Suy nghĩ kỹ, đâu phải nào chỉ có tâm trạng của Nan Ðà tham đắm lợi danh, đam mê ái dục, lòng nặng ích kỷ hưởng thụ? Nếu tôi không lầm trong mỗi con người chúng ta đều mang tâm trạng ấy một cách nặng nề sâu vào cốt tủy, làm hủy diệt biết bao khả năng thánh thiện của chúng ta. Tôn giả Nan Ðà đã hơn người đời ở chỗ là biết hổ thẹn ăn năn sám hối. Ông đã kịp thời tỉnh thức lương tri, nghe lời Phật dạy gắng công tu hành.
Sau khi được Phật phương tiện khai thị, ông đã hùng dũng đoạn trừ tất cả lòng tham ái lợi danh, khai nguồn tuệ giác, và cuối cùng Nan Ðà đã trở thành bậc thánh thiện giác ngộ. Còn chúng ta thì sao? Có ai dám thành tâm tự nhận rằng tôi yếu kém xấu xa thua người. Hay chỉ thích vạch lá tìm sâu, phê bình nói xấu, thêu dệt thêm thắt lỗi lầm của người khác? Ai đã dám dứt khoát từ bỏ danh lợi ái ân, thực sống với chính mình, tự nhận mình quá ư phàm tục, để dõng mãnh phát tâm nguyện sống đời từ bi hỳ xả vị tha, để thánh thiện theo hạnh Phật, để lợi ích cho mình và cho người. Hay chỉ quanh quẩn trong vòng tình cảm tham vọng hạn hẹp?
Chính điều này tuy không thấy có hình thức, nhưng là cội nguồn của buồn khổ, của tội lỗi, của đọa đày bất an cho suốt đời mình và vạn loại sinh linh.
Chừng nào biết dứt bỏ tình danh lợi, thì chừng ấy mới thực sự sống gần ánh đạo vàng giải thoát:
Ðắm đắm say say chuyện thế gian,
Lợi danh tình ái khéo đa mang,
Bao giờ dứt bỏ tình danh lợi,
Là bước gần bên ánh đạo vàng.
Thưa quý vị! Ðạo Phật là đạo từ bi giác ngộ, là đạo độ đời giải thoát mọi phiền lụy khổ đau. Mục đích của đạo Phật là thức tỉnh người đời sống thực với lòng mình và nhìn thẳng vào cuộc đời để nhận chân mình và hiểu rõ mọi hiện tượng thịnh suy thành bại của cuộc đời. Thực chất của thân người là sanh, già, bệnh, chết, khổ và không. Thực chất của cuộc đời là danh lợi, ái dục. Con người và cuộc đời được xây dựng trên tham lam, sân hận, si mê, ích kỷ và tất cả đều giả tạm. Con người suốt đời quanh quẩn đắm chìm trong vòng tranh chấp thị phi. Do đó, bi quan, lạc quan, thành bại, ái ân của tình đời được tô điểm lên lớp tự kỷ, mỹ hóa, nhưng thực chất của mọi hiện trạng vẫn là ích kỷ, tham, sân, si, ái dục, danh lợi, khổ và không.
Ðức Phật nhận thấy chúng sanh đắm chìm trong hư giả mộng huyễn, liên miên chụp bắt chấp trước rồi sanh ra tranh chấp tạo đau khổ cho nhau, nên động lòng thương mà thuyết giảng hướng dẫn để cho người đời tỉnh thức. Kinh Lăng Già nói: “Thế gian ly sanh diệt, du như hư không hoa. Trí bất đắc hữu vô, nhi hứng đại bi tâm. Viễn ly ư đoạn thường, thế gian hằng như mộng”. Nghĩa là: Nếu thế gian lìa sanh diệt thạnh suy vinh nhục hơn thiệt thì giả huyễn như hoa đóm giữa hư không. Nhưng chúng sanh không nhận rõ điều đó, nên đắm đuối khổ lụy. Vì vậy Phật động lòng từ bi mới giảng thuyết giáo pháp để cho chúng sanh thấu rõ vạn sự thế gian là mộng, đừng dong ruổi, nên gắng tu để giác ngộ, chứng chân thật giải thoát.
Ðể tránh rơi vào cái khổ tâm thao thức triền miên của kiếp người bất an, Ðức Phật khuyên con người nên sớm tu tỉnh. Muốn tu tỉnh thì trước nhất phải mở rộng lòng ra, biết tri túc, hỷ xả, bố thí, thương giúp người, biết phản tỉnh tự tâm, biết rõ ta từ lòng mẹ ra đời với hai bàn tay trắng và ngày từ giã cõi đời này cũng chỉ với hai bàn tay trắng. Tình ân ái vợ chồng con cái quyến thuộc có thương tiếc kéo níu lại cũng không được. Dẫu giàu có tiền kho bạc biển cũng không mua chuộc được với tử thần. Quỷ vô thường đến dắt đi không thể hẹn. Mạng sống của đời người chỉ trong hơi thở. Thở ra mà không hít vào là kết liễu mạng sống. Sớm còn tối mất nào có chắc gì? Nếu chúng ta không biết tĩnh tu, suốt tháng năm, suốt cả cuộc đời cứ chạy theo hy vọng hảo huyền, để cho lòng tham lam, ái dục, ích kỷ lôi cuốn, một mai nhắm mắt lìa đời, có ân hận mình sao vụng tu thiếu phước cũng chẳng kịp.
Trích từ Pháp Ngữ Lục của Hòa thượng Thích Đức Niệm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào là viên tịch, tân viên tịch và thuận tịch?
Kiến thức 09:00 25/12/2024Nhân có học Tăng, khi đọc bài viết bàn về chữ "Tân viên tịch" không hiểu chắc là nói như vậy đúng hay sai....Chúng tôi cũng thấy cần nói rõ.
Luân hồi trong thần chú Lăng Nghiêm: Năng lực thần chú
Kiến thức 08:46 25/12/2024Thần chú Thủ Lăng Nghiêm còn gọi là Phật Đỉnh Quang Minh Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra hay Bạch Tán Cái tức chỉ cho cái thể dụng rộng lớn của bản lai tự tánh. Bạch là trí tuệ. Tán cái là lòng từ bao la rộng lớn.
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Xem thêm