Bài pháp thoại đầu tiên của năm Mậu Tuất tại chùa Tương Mai có chủ đề: “Bí quyết để thành công”. Đây là chủ đề trước đó Thượng tọa cũng đã đề cập trong rất nhiều bài giảng nhưng lần này Thượng tọa khai thác chuyên sâu hơn về phần nội dung. Có thể mỗi người đều có những quan niệm khác nhau về thành công, nhưng dưới cái nhìn của đạo học, Thượng tọa đã đưa ra một số gợi ý cụ thể. Ví dụ như: Những bí quyết thành công được đúc kết từ kinh nghiệm của những người đã và đang thành công cho mọi người thực hành, nhằm tạo nên những thay đổi lớn trong đời. Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên vì những đạo lý Thượng tọa chia sẻ sẽ đem đến sự thay đổi cách nhìn đối với việc thay đổi bản thân, trong đó ấn tượng nhất là làm sao ta thắng được thói xấu ghen tị trước tài năng hay thành công của người khác, để nâng cuộc sống của mình lên tầm cao mới.
Điều gì tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời của mỗi người? Hoặc tại sao người khác lại thành công nhanh hơn?
Đầu tiên, Thượng tọa thuật lại câu chuyện có thật của một phật tử trẻ đang du học ở nước ngoài là đệ tử của Thượng tọa, vừa đạt được thành tích không ngờ trong học tập, vì em ấy luôn thực hành nghiêm túc lời dạy của Thầy mình. Tức lúc nào cũng hỗ trợ giúp đỡ bạn bè, lúc nào cũng mong cho người khác thành công một cách chân thành, thật lòng. Và điều không ngờ là chính em lại rất thành công. Em đã xuất sắc nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ ngành tâm lý học do đại học Mỹ cấp. Và còn rất nhiều người khác đã thành công bằng con đường này. Từ cảm hứng đó, Thượng tọa đã thuyết giảng đề tài: “Bí quyết để thành công” để mọi người mà nhất là các bạn trẻ được trải nghiệm học hỏi, ở những tấm gương đã nỗ lực hết mình để thành công theo đúng đạo lý Phật dạy.
Chúng ta hay nghe nhiều người nói rằng: “Thất bại là mẹ của thất vọng”. Thượng tọa cho rằng câu nói này có vẻ khôi hài nhưng rất đúng, bởi trừ những người cực kì ý chí, bản lĩnh mới lấy được kinh nghiệm từ lần thất bại trước và gặt hái được thành công sau này, còn lại thường khi gặp thất bại liên tiếp rồi chúng ta không còn vốn để sống trên đời nữa. Vốn ở đây là tiền bạc, sức khỏe, trí lực, tuổi trẻ, sự hỗ trợ của người khác, v.v… Vì vậy ai cũng khát khao thành công: phải tìm được công việc mơ ước, đạt được địa vị mong muốn, cưới được người bạn đời ưng ý… Nói chung, thành công là điều gì đẹp đẽ, thiêng liêng, quý giá trong cuộc đời mỗi người.
Tuy nhiên, chỗ đứng cho sự thành công quá ít mà người chen nhau lại rất đông. Đất nước chỉ có một Thủ tướng; phường chỉ có một Chủ tịch; công ty chỉ có một Giám đốc v.v… trong khi ai cũng khao khát được ngồi vào vị trí cao, nên người ta thường cạnh tranh với đồng loại, thường kèn cựa, tranh đoạt thay vì hỗ trợ nhau. Đó là nghiệp nhân xấu, làm chúng ta cứ liên tiếp gặp thất bại, mà cũng là lý do khiến thế giới này đau khổ hơn.
Theo quan điểm của Thượng tọa: Chỉ những người rất trí tuệ, rất đạo đức, rất liều lĩnh thì mới lật ngược khuynh hướng đó lại, chấp nhận giúp cho người khác thành công trước mình. Và bản thân họ không ngờ rằng đó chính là bí quyết để thành công. Điều kì diệu là vậy, nhưng rất đúng với nhân quả.
Hiểu được nguyên tắc này rồi, chúng ta chấp nhận thay đổi tư duy của mình. Nếu trước đây ta đi tìm thành công bằng con đường hơn thua tranh giành thì hôm nay ta tìm sự thành công bằng cách giúp người thành công trước. Nếu trước đây ta phấn đấu, lao động, rèn luyện vì mình thì giờ đây ta phấn đấu, rèn luyện vì để giúp người thành công. Tư duy này là một cuộc cách mạng ngoạn mục trong tâm hồn, nó thay đổi đời sống, thay đổi tâm tình của chúng ta, mà cũng là sự thay đổi rất lớn cho cả một dân tộc.
Nhân đây, sẽ có câu hỏi đặt ra, ví dụ có người đã hết lòng hỗ trợ cho bạn mình được thăng tiến lên vị trí cao, phần mình vẫn là nhân viên bình thường như cũ, vậy thành công ở đây là gì? Chúng ta chưa thể trả lời ngay, vì để điều nhiệm màu đến thì cần kiên nhẫn. Nhưng hãy tin rằng nếu ta sống với triết lý đó thì trời đất không phụ lòng người, trời đất vẫn còn rất nhiều vị trí cho mình. Mà trước mắt, nếu ta thật sự cao thượng thì phần thưởng chính là một nội tâm thanh thản hạnh phúc. Đó là phần thưởng lớn nhất.
Hãy tin rằng nếu sống cao thượng, chúng ta luôn nhận được sự gia hộ từ các vị chư Thiên, hay những Thần thánh trên cao. Ví dụ, thỉnh thoảng có những ý nghĩ chợt xuất hiện trong đầu không phải là của mình, mà do ơn trên mách bảo, dìu dắt, tác ý để ta tránh được tai họa, hay lựa chọn quyết định sáng suốt nhất… Những vị có quyền uy khi nhìn thấy ai có thiện tâm thì các vị tự nhận bổn phận phải giúp đỡ lại con người đó. Các vị luôn đi tìm sự công bằng, thiết lập sự công bằng, thực hiện sự công bằng. Thần Thánh là như vậy.
Cũng vậy chư Thiên, chư Bồ Tát cũng là những người thực hiện sự công bằng cho cuộc đời này. Quan sát thế gian thấy chúng sinh nào tin nhân quả, có lòng từ, thường giúp người thì các Ngài không bỏ mặc, mà luôn che chở, giúp đỡ. Có những lúc ta phải đền trả ác nghiệp nào đó từ quá khứ, các Ngài vẫn để ta trả cho hết nghiệp, mặc dù vẫn dõi theo, dìu dắt. Vì vậy,chúng ta hãy yên tâm về chư Phật, chư Bồ Tát để sống một đời vị tha, giúp nhau thành công.
Chúng ta giúp nhau từ việc vụn vặt cho đến việc lớn hơn như giúp nhau trong sức khỏe, trong danh dự, trong kiến thức, trong nghề nghiệp, trong cơ hội… Tuy nhiên đừng giúp nhau tìm kiếm tình yêu, tức là đừng mai mối. Vướng vào cái nghiệp mai mối, hoặc nếu trong tâm thường muốn kẻ khác dựng vợ gả chồng, đó chính là cái nhân cho sau này ta bị nặng về ái dục, rất khổ sở.
Chúng ta đã nói rằng, nếu cả nhóm giúp nhau thành công thì cả nhóm đều thành công, nếu một dân tộc giúp nhau thành công thì cả dân tộc đều thành công. Ngược lại nếu phá hoại nhau, người này cản người kia, người kia kiềm người nọ thì cái tội của chúng ta rất nặng vì đã góp phần kiềm hãm cả đất nước. Từng con người hãm hại, ganh tị nhau đều ngăn chặn sự tiến bộ của đất nước này.
Có câu chuyện vui về ba người cùng rơi xuống hố. Chuyện kể rằng nếu đó là ba người Nhật, họ sẽ giúp nhau để tất cả đều lần lượt leo lên cả. Còn nếu là ba người Việt Nam thì người này vừa leo lên, người khác đã kéo xuống, cuối cùng cả ba đều chết dưới hố. Câu chuyện này có lẽ xuất phát từ người Việt, ngầm ý tự nhận rằng tinh thần đoàn kết của mình không bằng người Nhật. Khi có rất nhiều người ganh ghét, kiềm hãm nhau như thế thì đất nước không thể nào bay lên được.
Nhìn chung trên cuộc đời sự cạnh tranh, hơn thua về quyền lợi là vô cùng khốc liệt, khiến người ta sẵn sàng làm những điều hết sức tàn độc, không màng nhân quả. Chính vì vậy chúng sinh cứ tạo nghiệp và đi trong luân hồi mãi. Sống trên đời, nếu ta cứ mưu hại, cản trở sự thành công của người khác thì sẽ không lường được quả báo sau này ta đi về đâu, thậm chí có thể đọa làm súc sinh.
Nhân đây, Thượng tọa nhắc nhở mọi người từ bây giờ hãy thiết lập khuynh hướng giúp người thành công trong tâm mình, bằng cách mỗi ngày quỳ trước Phật, xin Phật cấy vào trong mình một hạt giống, một khuynh hướng, một quan điểm vững chắc là luôn muốn giúp cho người thành công hơn.
Khuynh hướng này có hai mức độ: Mức độ thứ nhất là trở thành “thói quen”; mức độ thứ hai là trở thành “bản năng”. Bản năng thì mạnh mẽ hơn, nằm thẳm sâu trong tâm hồn từ kiếp này cho đến vô lượng kiếp sau.
Người có ‘thói quen’ giúp kẻ khác thành công hơn mình thì được gọi là “bậc hiền”. Còn người có ‘bản năng’ muốn giúp kẻ khác thành công thì được gọi là “bậc Thánh”. Bậc hiền có thói quen làm điều thiện, còn bậc Thánh có bản năng làm điều thiện - điều thiện đã trở thành bản năng, bản chất của các Ngài. Cũng vậy, chúng ta phải làm sao biến thói quen giúp người thành công trở thành một bản năng, bằng những lời phát nguyện mạnh mẽ trước Phật và bằng sự huân tập thường xuyên.
Có hai cách giúp, một là công khai, hai là giúp âm thầm. Giúp âm thầm, không cần người biết đến mình thì rất cao thượng, vì không đòi hỏi người khác phải nhớ, phải biết đến mình.
Có ba trường hợp giúp đỡ, một là giúp người kém hơn, hai là người ngang bằng, ba là người cao hơn mình. Ví dụ có người phật tử chuẩn bị thức ăn, số người khác thì sắp xếp bàn ghế, và có người chuẩn bị âm thanh cho buổi thuyết giảng của một vị giảng sư. Mặc dù vị giảng sư có vai trò cao hơn, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của phật tử thì buổi giảng cũng không thành. Đó là hỗ trợ cho người cao hơn mình. Hoặc người giám đốc thường đào tạo nhân viên, mong cho nhân viên giỏi lên, vượt lên.
Nói chung, với người kém hơn ta dìu dắt; với người ngang mình ta đẩy cho họ vượt hơn mình; và với người giỏi hơn ta tìm cách ủng hộ cho họ phát huy thành công rực rỡ. Đó là ba trường hợp giúp đỡ.
Ở đây, có những trường hợp khó, ví dụ với Phật là đấng Giác ngộ, ta giúp Ngài bằng cách nào? Phải hiểu rằng đại nguyện của đức Phật là giáo hóa chúng sinh, làm cho chúng sinh đều giác ngộ. Cho nên, mỗi người giúp Phật hoàn thành đại nguyện này bằng cách chính mình tu tập, giúp người biết đạo để cùng tu tập.
Hoặc con cá kém hơn mình thì ta giúp nó bằng cách gì? Đây là bài toán khó, trong phạm vi bài này chúng ta chưa đủ thời gian để phân tích. Nhưng thật sự, nếu chúng ta đủ lòng thì không sợ thiếu cơ hội để giúp đỡ chúng sinh. Nên nhớ, suốt cuộc đời còn lại ta chỉ sống để tử tế, yêu thương, nâng đỡ, hỗ trợ cho chúng sinh mà thôi, không đòi hỏi gì cho mình nữa. Và đó chính là hạnh phúc.
Tuy nhiên, Thượng tọa lưu ý rằng: Không phải giúp ai cũng có phước như nhau. Vì sao vậy, vì nếu người được ta giúp đỡ là kẻ vô đạo đức, là mối họa cho đời thì xem như chính mình cũng có một phần tội. Cho nên, giúp người thành công là một niềm vui, một khuynh hướng đẹp trong cuộc đời ta, nhưng mang đến đạo đức cho họ lại là trách nhiệm nặng nề đi kèm theo.
Đạo đức trước hết là tin nhân quả, sau là kính ngưỡng Thần thánh, có trái tim yêu thương con người, yêu nước, yêu cả thế giới này… Và tột đỉnh của đạo đức là vô ngã. Việc mang lại đạo đức cho một người từ chỗ chưa biết gì cho đến chỗ tin nhân quả, yêu được chúng sinh, yêu đất nước, yêu thế giới, hướng về thiền định, hướng về vô ngã… là một quá trình lâu dài, không hề dễ dàng, nhưng nếu có cách ta vẫn lay động được tâm hồn người khác.
Đặc biệt trong thời đại này thì tâm linh, đạo đức đã trở thành nỗi bức xúc lớn, khi nền văn minh loài người đã bước đến giai đoạn “trí tuệ nhân tạo”. Khắp nơi trên thế giới, tất cả các quốc gia đều bí mật thiết lập phòng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo dường như đang trở thành một giống loài giỏi hơn con người.
Có những giống loài khi phát triển đến mức độ nào đó sẽ thúc đẩy môi trường tạo ra một giống loài khác cao hơn nó. Con người cũng vậy, lẽ ra chúng ta sẽ tạo ra một giống loài cao hơn mình một cách tự nhiên bằng con đường tâm linh, nhưng ta đã vội vã tạo ra một giống loài khác bằng kĩ thuật, bằng công nghệ, đó là robot. Và sau này chúng sẽ quay lại thống trị con người, đó là viễn cảnh hoàn toàn logic, bởi theo quy luật tự nhiên giống loài cao hơn luôn quay lại thống trị giống loài thấp hơn nó.
Ai sẽ thoát khỏi thân phận nô lệ? Đó là những người có tâm linh, thiền định, có trực giác cao siêu - những điều mà máy móc không bao giờ có được.
Chính vì nền văn minh của loài người đã đi đến giai đoạn này rồi, chúng ta mới thấy sự bức xúc, sự cần thiết phải tu tập thiền định, phải thăng tiến về tâm linh để không bị robot thống trị, không bị gạt ra khỏi thế giới này.
Nền văn minh đi đến giai đoạn trí tuệ nhân tạo, cho chúng ta cơ sở để thuyết phục loài người cùng tu tập. Vì vậy, dù chúng ta giúp nhau từ những việc rất nhỏ cho đến việc rất lớn là công danh, sự nghiệp, nhưng đừng quên giúp nhau cùng tu tập thiền định để thăng tiến tâm linh, đó là công đức lớn nhất.
Cuối cùng, Thượng tọa đúc kết lại nội dung bài giảng như sau:
Thứ nhất, bí quyết của sự thành công là giúp người thành công trước.
Thứ hai, hãy làm sao cho khuynh hướng muốn giúp người thành công trở thành khuynh hướng mạnh mẽ trong lòng mình, thành ‘thói quen’, rồi dần dần thành ‘bản chất’.
Và khi giúp người thành công thì buộc ta gánh trách nhiệm nặng nề là cung cấp thêm đạo đức cho họ, mà đỉnh cao là tâm linh thiền định hướng về vô ngã.
Thật sự, sống trên cuộc đời nhiều khăn khó này, ai cũng khao khát thành công, mà thành công của mỗi người là viên gạch đắp xây cho quê hương, cho đạo pháp. Nhưng trên con đường đi đến thành công, rất nhiều khi chúng ta đã vô tình để lại những dấu chân của tội lỗi và ác nghiệp.
Qua bài pháp thoại này, Thượng tọa đã chỉ ra một con đường cao thượng dẫn đến thành công, trên đó ta cứ thanh thản giúp người thành công trước, vượt hơn mình, rồi thành công sẽ tự tìm đến dù bản thân mình không mong cầu. Đây quả thực là sự độc đáo, sâu sắc trong triết lý đạo Phật. Hy vọng bài Pháp thoại này sẽ giúp ích được cho nhiều người.
Thiết nghĩ, sự học hỏi không bao giờ có giới hạn. Hàng ngày mọi việc diễn ra trong cuộc sống luôn mang tới cho con người những ý tưởng và nguồn cảm hứng. Nếu chúng ta đi đúng con đường và luôn luôn sẵn sàng vượt qua chính mình thì sớm muộn con đường thành công của mình sẽ rộng lớn hơn rất nhiều.
Tuệ Đăng