Chợ Tam Bảo – một nét đẹp làng xã Việt Nam
Đâu đó, ẩn giữa cây xanh, ngói rêu của chùa chiền, đình miếu nơi làng quê cũ là cái chợ nhỏ, mái rạ lợp vội vàng và sinh hoạt buôn bán cũng vội vàng: đấy là chợ Tam Bảo. Nghe cái tên đã lạ, chợ Tam Bảo là chợ gì? Sao lại gọi là chợ Tam Bảo!?
Thì ra là do chợ gần chùa. Mà nếu nói chợ gần chùa mà gọi là Tam Bảo thì cũng lạ. Tên rõ là Tam Bảo, lấy tên từ chữ Tam Bảo như cái từ Tam Bảo chỉ ban Phật trong việc thờ tự, hay Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, thì đây Tam Bảo chỉ cái chợ ở cạnh chùa mà thôi. Thế nên, Tam Bảo chỉ là tên gọi khác cho cái chợ gần chùa, nên hoặc gọi là chợ chùa đó, như chợ chùa Sủi, chùa Hôm… Chợ Tam Bảo sinh hoạt theo phiên, cũng như bao cái chợ phiên ở Việt Nam trong những năm 80 thế kỉ XX về trước. Phiên, lại lấy ngày Rằm, ngày mồng Một làm chính phiên, nên việc tín ngưỡng ở chùa, cũng lấy ngày đấy là chính. Chợ Tam Bảo cũng vì thế đượm màu sắc tín ngưỡng. Chợ cóc, lụp xụp các túp mái lều nối vào nhau, buôn bán nông sản trong làng, bánh trái hoa quả, vàng mã các thứ…. Được cái tiện, dân làng muốn đem lễ vật, cúng dàng Tam Bảo, từ gạo đến khoai rau, các thứ hương hoa quả trà, được dân cúng dàng dâng chư Phật, cầu quốc thái dân an, bảo hộ làng xã…
Hương vị an lạc chốn thiền môn
Chợ Tam Bảo có từ bao giờ?
Đến nay, căn cứ theo văn bia kiểu “Tam Bảo thị” còn lại, chúng ta được biết chợ Tam Bảo hình thành khoảng thời Mạc, thế kỉ XVI, nhưng thịnh dần lên vào đầu thế kỉ XVII. Điều này cũng phù hợp với sự phát triển của kinh tế làng xã và sự phục hưng Phật giáo ở Đại Việt triều Lê. Đầu thế kỉ XVII, nhà Mạc hoàn toàn sụp đổ, triều đình Lê Trung Hưng khôi phục lại Bắc Việt, chúa Trịnh phát triển mạnh kinh tế các vùng, xã hội phát triển mạnh về kinh tế. Kinh tế làng xã vì thế cũng nhiều thay đổi. Chùa chiền tông giáo được xây dựng. Văn bia Tân tạo Ngũ hành Tam bảo thị bi, ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) được dựng vòa năm Hoằng Định thứ 16 (1615); Cổ tích thị thí Tam bảo bi ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa) dựng năm Vĩnh Tộ 9 (1627); Tu tạo Tam Bảo thị bi ở Đông Anh (Hà Nội) dựng năm Khánh Đức 2 (1650); Hoa Lâm Tam Bảo thị bi ở Từ Sơn (Bắc Ninh) dựng năm 1656….đều ghi chép lại quá trình dựng chùa và chợ. Như bia Hoa Lâm Tam Bảo thị bi ghi “Chợ nằm giữa chùa và miếu nên dân quê tôn phụng được linh ứng ngầm giúp. Giữa chợ có đường cái quan qua lại, người người tụ hội. Đúng là chỗ tốt đẹp hàng đầu vậy. Cũng bởi từ xưa, kể cả những ngày họp chợ mỗi tháng sáu phiên cho chí mùng một ngày rằm, người ta đều cúng dàng chốn dấu xưa đó, cho nên chợ mới được gọi tên lành là chợ Tam Bảo”. Hoặc Tu tạo Tam Bảo thị bi: “sân chùa đất bằng phẳng, có thể lập được khu chợ. Vì thế người xưa đã chọn, định ra mỗi tháng vào 6 ngày mồng bốn, mười bốn, hai bốn, mồng chín, mười chín, hai chín là ngày phiên chợ. Bốn phương tụ về, ngày sóc vọng thì cúng dàng, chùa Tam Bảo đã thành chợ Tam Bảo”. Đã ghi rõ vì sao lại gọi chợ Tam Bảo, cũng như khuôn viên văn hóa của chợ cũng như thời gian họp chợ theo phiên và cúng dàng vào chùa thờ Phật.
Tìm về tinh hoa nguồn cội và tinh thần hiếu sinh qua lễ phóng sinh
Về sau, gần như khắp miền Bắc, thường xuất hiện các chợ Tam Bảo và đương nhiên có lập bi kí ghi quá trình xây dựng. Có chùa đã xây dựng rồi mới có chợ, có chùa trùng tu thì có chợ. Nhiều chợ Tam Bảo được bảo trợ xây dựng bởi các quan lại, văn bia được soạn bởi văn nhân, tiến sĩ… Thường thì khuôn viên chùa rộng rãi, làng xã họp bàn dựng chợ ngay trong khuôn viên đó, trước là chợ tạm, sau thành chợ Tam Bảo. Chợ là chợ phiên và tính lấy ngày mồng một ngày rằm làm cán cân chia đều ngày họp trong tháng theo ngày chẵn hay lẻ. Chợ Tam Bảo hình thành từ đó, và kéo dài cho đến ngày nay.
Cũng phải nói, chợ Tam Bảo không phải được lập ở những chùa lớn, thường gọi là chùa Quan hay chùa Vua. Chùa có lịch sử lâu đời cũng hiếm có chợ Tam Bảo. Đa phần, các chợ Tam Bảo được lập ở những chùa nhỏ, mang tính chất làng xã, sinh hoạt vùng miền một khu vực nhỏ hẹp. Vì thế, chợ Tam Bảo chủ yếu phục vụ trao đổi kinh tế làng xã ở phạm vi hẹp là một vùng nhỏ.
Chợ Tam Bảo ngày nay
Lịch sử mấy trăm năm, đến nay ở miền Bắc Việt Nam còn lưu đến gần trăm cái bia ghi chép về chợ Tam Bảo. Tuy nhiên, số chợ có thể nhiều hơn số bia hiện còn rất nhiều. Đến nay chợ Tam Bảo cũng không còn nhiều, đâu đó lãng thảng trong làng xã, vẫn còn những chợ trước cổng chùa như chợ chùa Sủi (Hà Nội), chợ chùa Nôm (Hưng Yên), chợ chùa đình Thổ Hà (Bắc Giang), chợ chùa Mía (Sơn Tây – Hà Nội), chợ Chùa Chuông (Thanh Oai – Hà Nội), chợ Chùa Kiên Trung (Nam Định), chợ chùa Vẽ (Đông Ngạc)… Tuy rằng chợ Tam Bảo không còn nhiều như xưa nữa, có cái còn cái mất, nhưng hoạt động buôn bán ngày càng sầm uất hơn trong thời kinh tế thị trường.
Ngày nay, kinh tế làng xã đã khác, chợ phiên cũng gần như tuyệt tích, chợ Tam Bảo vì thế thành chợ hàng ngày. Chợ Tam Bảo vẫn cạnh chùa, nhưng quy mô cũng khác, rộng lớn hơn và cách biệt hoàn toàn với chùa chiền. Ngày Rằm, mồng Một, dân chúng làng xã vẫn mua hoa hương, đem vào chùa thành kính dâng chư Phật, cầu ngày tháng an bình. Tính chất tín ngưỡng và văn hóa của chợ Tam Bảo gần như không thay đổi, có chăng thời thế đã khác, kinh tế hàng hóa cũng khác nhiều, nhưng đâu đó vẫn còn những dấu ấn từ mấy trăm năm kéo về, bảo lưu, gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong làng xóm cho hậu thế. Chợ Tam Bảo dù là chợ thị trường, nhưng cạnh chùa, vẫn là cái gì đặc biệt trong quần thể văn hóa làng xã, lọt trong sự phát triển của kinh tế thị trường và sự năng động, biến động và chuyển động của con người thời hiện đại.
Mấy trăm năm qua đi, chợ Tam Bảo gắn liền với lịch sử văn hóa dân tộc. Chợ chùa, cũng như cây đa giếng nước, sân đình, thành dấu ấn văn hóa, mang màu sắc tâm linh ghi trong tâm hồn người Việt. Để rồi, đi qua mỗi vùng miền, cảm nhận văn hóa người Việt, ta lại gặp đâu đấy sự đầm ấm, sầm uất, kín kẽ và tâm linh của cái chợ chùa, chợ Tam Bảo…
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hùng Vĩ – Nguyễn Văn Thanh: Tấm bia “Hoa Lâm tam bảo thị” (1656) Thêm một tư liệu đáng tin cậy về Lý Công Uẩn và vùng Mai Lâm.
2. Lê Hồng Khánh: Chợ chùa và chợ phiên Tam Bảo.
3. Đỗ Bích Tuyển: Giới thiệu một bài văn bia Tam Bảo.
4. Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, nxb Hải Phòng.
5. Trịnh Khắc Mạnh chủ biên: Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia, Nxb KHXH, 2016.
Tác giả: TS Phạm Văn Tuấn Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2019
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Xem thêm