Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 09/05/2017, 11:19 AM

Chú giải kinh Nhân Quả Phước Đức (Phần cuối)

Đứng trước dòng thác lũ của cuộc đời với muôn vàn sự sai khác, tốt xấu, nên hư, thành bại, đều do mình tạo lấy, mình làm lành hưởng nhiều phước báo cõi Trời Người, mình làm ác chịu quả khổ đau trong 3 đường dữ: địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Ai khôn ngoan, sáng suốt, biết học hỏi và thường xuyên quán chiếu, tu tập, thì sẽ quyết tâm tránh xa không làm các việc xấu ác.

Kinh Phước Đức tiếp theo

Sống làm người có nhân cách đạo đức

Phương pháp thứ sáu là: 
Tránh không làm điều ác,
Không say sưa nghiện ngập,
Siêng năng làm việc lành,
Là phước đức lớn nhất.

Vậy thế nào là việc ác? Cái gì có tính cách hại người, hại vật thì đó là việc ác, như giết hại, trộm cướp, lường gạt, quan hệ bất chính với vợ chồng người khác, nói dối gạt người, nói lời dụ dỗ hại người, nói lời cộc cằn thô lỗ, nói lời gây mất đoàn kết làm hai bên hiểu lầm nhau và uống rượu say sưa, nghiện ngập, hoặc dùng các chất kích thích như xì ke, ma túy. Nói chung, cái gì làm tổn hại cho nhau trong hiện tại và mai sau thì đó là việc ác.

Đứng trước dòng thác lũ của cuộc đời với muôn vàn sự sai khác, tốt xấu, nên hư, thành bại, đều do mình tạo lấy, mình làm lành hưởng nhiều phước báo cõi Trời Người, mình làm ác chịu quả khổ đau trong 3 đường dữ: địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Ai khôn ngoan, sáng suốt, biết học hỏi và thường xuyên quán chiếu, tu tập, thì sẽ quyết tâm tránh xa không làm các việc xấu ác.

Trong cuộc sống giao tiếp, lễ nghĩa là điều không thể thiếu trong quan hệ tình người với nhau, nên “miếng trầu, men rượu là đầu câu chuyện” để nối kết giao dịch trong làm ăn, sinh sống với nhau. Để giữ mình không say sưa, nghiện ngập mà sống giữa dòng đời nghiệt ngã không phải là chuyện dễ làm. Rượu chè, cờ bạc, đàn điếm, hút xách là những thứ có sức quyến rũ hấp dẫn chúng ta lạ thường. Chỉ có người thấm nhuần đạo lý, tin sâu nhân quả mới có thể vượt qua những thứ này mà biết cách làm chủ bản thân.

Phước đức hình thành và tăng trưởng nhanh nhất khi chúng ta biết siêng năng làm các việc thiện lành, tốt đẹp. Khi ta phát nguyện làm các việc có ích cho nhân loại, thì ta sẽ không bao giờ làm các việc xấu ác. Làm việc thiện lành, tốt đẹp luôn giúp cho ta an vui trong chính pháp, sẵn sàng dấn thân phục vụ vì lợi ích tha nhân không biết mệt mỏi, nhàm chán.

Khi ta tạo phước đức cho bản thân bằng cách làm các việc bố thí cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ cho người bất hạnh, thì ta tuyệt nhiên không bị sự chi phối của say sưa và nghiện ngập bê tha. Trong quan hệ giao dịch làm ăn, thói quen của người đời thường lấy ăn uống làm phương tiện đối tác, nhất là rượu bia.

Việc làm ăn càng thành đạt thì việc say sưa trong rượu chè là điều khó tránh khỏi; nhưng đã là phật tử chân chính, ta quyết tâm khắc phục thói quen say sưa, nghiện ngập để được sống tốt hơn mà làm tròn trách nhiệm, bổn phận cho gia đình, và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Một con người thường xuyên say sưa, nghiện ngập thì không bao giờ có tín tâm để làm các việc thiện lành, tốt đẹp.

Khi người ta giàu lên thì dễ sinh tật say sưa, đam mê các dục vọng thấp hèn. Ta thường hay đổ thừa, quy kết cho người nghèo là nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội.

Thế nhưng, khi con người phát triển, văn minh tiện nghi vật chất càng cao thì có khi lại gia tăng thêm tệ nạn xã hội, như tình trạng của đất nước ta hiện nay. Trẻ em phạm pháp ngày càng nhiều, có những vụ án hết sức nghiêm trọng và dã man quá mức. Nạn suy đồi nhân cách con người do mất phẩm chất đạo đức, trình độ hiểu biết và nhận thức của chúng ta không theo kịp đà tiến bộ xã hội, nên ta đã tự đánh mất mình trong si mê, lầm lạc mà làm khổ đau cho nhân loại. Khi có tiền trong tay, nhất là con cái của nhà giàu có, vì đua đòi ăn chơi trác táng theo bè bạn để chứng tỏ đẳng cấp con nhà quý tộc mà hưởng thụ trụy lạc, vui chơi trong các vũ trường, quán nhậu, quán ba, dẫn đến sa đọa bắt đầu kể từ đó.

Tiền của cha mẹ chúng làm ra dễ dàng vì những phi vụ bất chính nên sinh ra đủ thứ tật xấu, ăn nhậu, chơi bời, cờ bạc, hút chích, gái gú … Như vậy, giàu có mà không nhân cách đạo đức thì thật là nguy hiểm vô cùng, nên hậu quả là nhiều gia đình tan vỡ, đổ nát, mất hạnh phúc chỉ vì lòng si mê tham muốn hưởng thụ quá đáng.

Ý thức được sự sống trên thế gian này là phải nương nhờ lẫn nhau, ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không dệt vải nhưng vẫn có áo mặc, cho đến các nhu cầu cần thiết trong đời sống của ta hằng ngày cũng phải như thế. Nhiều người không quan tâm, chú ý đến khía cạnh này, nên đôi khi ta quá chủ quan, không cảnh giác, để rồi đánh mất mình khi lỡ sa đà vào say sưa, nghiện ngập.

Nói cách khác, say sưa và nghiện ngập là 2 yếu tố quan trọng khiến ta tổn giảm phước đức nhanh chóng vì tinh thần si mê, ám độn. Quả báo hiện đời là tinh thần tán loạn, mê mờ, làm khổ gia đình, người thân và xã hội, dính vào vòng tù tội. Do đó, ta phải thường xuyên gần gũi bạn lành, lánh xa kẻ xấu ác, phát nguyện gieo trồng phước đức, làm việc tốt vì lợi ích nhân loại, nhờ vậy ta lúc nào cũng bình tĩnh, sáng suốt, làm chủ bản thân mà vượt qua cạm bẫy cuộc đời.

Ai có nhân duyên lớn mới có cơ hội đọc tụng và hành trì theo kinh Nhân Quả Phước Đức, nhờ vậy chắc chắn sẽ gặt hái được phước báo thiện lành, tốt đẹp trong hiện tại và mai sau, nên không mắc phải những sai lầm đáng tiếc mà sống bình an, hạnh phúc.

Khiêm tốn để trưởng thành 

Phương pháp thứ bảy là:
Biết khiêm cung lễ độ,
Để học hỏi điều hay.
Nhớ ơn và biết đủ,
Là phước đức lớn nhất.

Người xưa nói “tiên học lễ, hậu học văn”, ta phải biết khiêm tốn thấp mình thưa hỏi, biết kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo để học hỏi điều hay lẽ phải. Tâm khiêm tốn, lễ độ giống như biển cả mênh mông thấp mình chờ đợi, khiến trăm sông cao vót đem nước về biển cả bao la. Do đó, khiêm tốn để học hỏi là một nhân cách cao thượng đối với vị thầy của ta, nhờ thấp mình thưa hỏi đạo lý nên ta biết hóa giải phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Ngược lại với tâm khiêm tốn là cống cao ngã mạn. Người đời thường hay chấp trước ở địa vị và bằng cấp, nếu muốn học đạo mà ta nghĩ vị thầy đó còn dốt hơn mình, rồi coi thường, khi dễ, nên bỏ lỡ cơ hội học đạo Thánh hiền. Ai sinh ra chỗ ti tiện, thấp kém, đều từ tâm ngã mạn mà ra. Khi ta khiêm tốn thì tâm cống cao ngã mạn biến mất, không có chỗ để nó dung thân. Ta biết thưa hỏi và lắng nghe lời chỉ dạy của thầy để biết cách tu tập, từng bước vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà được an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Tăng Pháp Đạt chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa nhưng đến lễ Tổ mà đầu không sát đất, bèn bị tổ quở, “trong tâm ông ắt chứa vật gì nên mới có tâm không khiêm tốn như thế”. Pháp Đạt thưa, “con tụng kinh Pháp Hoa 3000 bộ”. Tổ mới bảo, “dù ông tụng đến muôn vạn bộ kinh, hiểu ý kinh và thông đạt hết các pháp mà chẳng cho là hơn người ắt cùng ta sánh vai. Nay ông chấp trước tụng kinh nhiều mà không biết lỗi, ông hãy lắng lặng lòng mà nghe ta nói kệ:

Lễ để cốt chặt cờ ngã mạn,
Tại sao đầu ông không sát đất?

Có ngã thì tội liền sinh,
Quên công thì phước bao la không cùng.

Lễ lạy là mục đích để tỏ lòng tôn kính đối với vị thầy của mình và ta khiêm tốn, thấp mình thưa hỏi để biết được điều hay lẽ phải trong cuộc sống mà dẹp bỏ tâm cống cao, ngã mạn của mình. Pháp Đạt vì còn thấy mình hơn Tổ nên lạy đầu không sát đất, bị Tổ quở “nếu thấy mình còn hơn người, vậy đến đây học đạo làm chi cho mất công vô ích”. Như chúng ta đã biết, người ngồi nhận lễ là tạo nhân duyên tốt cho người học đạo, nhờ vậy dẹp bớt được tâm cống cao, ngã mạn. Người tu mà không biết thấp mình thưa hỏi thì làm sao học được đạo giác ngộ, giải thoát? Tăng Pháp Đạt liền lễ lạy cầu xin sám hối, mong Tổ tha thứ cho. Pháp Đạt nhờ thế mà nhận ra yếu chỉ tu hành, từ đó Ngài phát tâm tụng kinh nhiều hơn nữa.

Ta học đạo của bậc hiền Thánh trước tiên cần có tâm khiêm tốn, tha thiết vì cầu giải thoát sinh tử; muốn được như vậy ta cần phải “muốn ít biết đủ”, không tham cầu quá mức, sống đơn giản, không tích chứa tài vật riêng tư. Điều quan trọng hơn hết là ta phải biết nhớ ơn để đền ơn thầy tổ bằng cách siêng năng tu học và làm lợi ích chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán; nhờ vậy ta người cả hai đều được lợi lạc. Nhớ ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, người học đạo chân chính lúc nào cũng phải khắc cốt ghi tâm, nương theo lời dạy của bậc thiện hữu tri thức mà cố gắng hành trì để đạt được đỉnh cao của sự giác ngộ, giải thoát. Sống đơn giản, biết tiết chế trong việc ăn uống, điều hòa trong mọi sinh hoạt và làm chủ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động bằng sự định tĩnh sáng suốt. Nhờ vậy, hành giả dễ dàng chuyển hóa những tâm tư mê muội, tham lam, ích kỷ, ganh ghét, hận thù thành trong sáng, hiện thực mà tan hòa vào hư không.

Siêng năng tu học nơi bậc giác ngộ 

Phương pháp thứ tám là:
Biết kiên trì phục thiện,
Thân cận bậc hiền Thánh,
Siêng năng cùng tu học,
Là phước đức lớn nhất.

Đi chùa làm công quả, nghe lời Phật dạy, sám hối, tụng kinh, hoặc làm từ thiện để giúp đỡ mọi người và quán chiếu tham thiền v.v… chính là những việc làm cao thượng, có ích cho mình và người, mang lại phước đức cho hiện tại và mai sau. Có nhiều vấn đề mà tiền bạc không thể mua được, danh vọng không đánh đổi được và uy quyền không lung lạc được, và chỉ có học đạo, tham thiền mới có thể chuyển hóa được phiền muộn, khổ đau thành an vui, hạnh phúc thật sự. Ngày xưa ở Ấn Độ, thái tử Sĩ Đạt Ta phải bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để tìm cầu chân lý nhờ vậy chứng đạo quả Vô thượng. Tại Việt Nam chúng ta vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng để tìm ra chân lý; nhờ siêng năng, tinh cần tu hành nên các Ngài dễ dàng buông xả các chấp mắc ở đời, để rồi cuối cùng thành tựu đạo pháp. Khi tâm đã định tĩnh sáng suốt thì chúng ta thấy thế giới đều bình an và chỉ có chuyên tâm học đạo mới có thể thành tựu phước đức viên mãn.

Trong đời có 2 hạng người: người thứ nhất chưa từng vấp phải lỗi lầm, luôn sống tốt và hoàn thiện chính mình về mọi mặt; người thứ hai như đa số chúng ta, vì si mê chấp ngã nhiều đời nên ta sống dễ làm tổn hại cho người và vật. Đối với bậc thiện hữu tri thức, nếu ta có duyên được gần gũi để học đạo giác ngộ giải thoát thì ta phải siêng năng, kiên trì, bền bỉ, dứt khoác buông xả các thói quen xấu ác nhiều đời. Ngoài việc kiên trì học đạo, ta còn phải ra công làm việc, đóng góp, phục vụ đại chúng không biết mệt mỏi; nhờ vậy thói quen xấu dần hồi được tiêu trừ và phước đức tự thân càng thêm tăng trưởng.

Ở Thường chiếu, mỗi thiền sinh phải lao động cùng tu học như cái đỉnh ba chân. Học để hiểu lời Phật dạy, lao động để cảm thông được nỗi nhọc nhằn của đàn na tín thí mà chúng cố gắng tu cho tốt. Thiền sinh nào áp dụng thuần thục đầy đủ 3 điều kiện trên thì trước sau gì cũng sớm mau thành tựu đạo pháp. Thường xuyên gần gũi, thân cận bậc hiền Thánh, siêng năng tu học và kiên trì bền bỉ trong việc gạn lọc thân tâm; nhờ vậy tâm tham lam, ích kỷ được tiêu trừ; tâm ganh ghét, tật đố, nóng giận được chuyển hóa; tâm si mê, chấp trước thành vô lượng trí tuệ, từ bi.

Biết nhìn lại chính mình

Phương pháp thứ chín là:
Sống tinh cần tỉnh thức,
Biết quay lại chính mình,
Để sống đời giải thoát,
Là phước đức lớn nhất.

Trong quá trình hướng nội, thanh lọc thân tâm thì chứng đạt Niết bàn là phước đức lớn nhất. Sự siêng năng, chuyên cần tu tập, duy trì sự tỉnh thức thường xuyên là những nhân tố quan trọng để thành tựu đạo quả. Niết bàn là sự giải thoát khỏi tất cả những ràng buộc, phiền não, khổ đau, là ánh sáng phá tan bóng tối si mê để chấm dứt khổ đau của luân hồi sinh tử. Việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống rồi, hành giả thong dong, tự tại làm đẹp cuộc đời bằng cách dấn thân phục vụ tha nhân không biết mệt mỏi, nhàm chán với tinh thần vô ngã, vị tha.

Bản hoài của chư Phật là muốn cho chúng sinh được hoàn toàn giác ngộ và giải thoát; muốn vậy ta phải siêng năng, tinh cần gạn lọc thân tâm, phải kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động, không để cho chúng phát sinh trái phép. Người mới tu thì chăn giữ con khỉ ý thức của mình bằng 2 loại thiền Chỉ và Quán. Cái gì nương vào một chỗ thì ta gọi là chỉ, như niệm Phật hay quán hơi thở chẳng hạn. Quán là dùng nhận thức của mình xem xét, soi rọi để thấy rõ thân này và vạn vật luôn vô thường biến đổi. Thân thì 4 chất đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại mà thành nên phải sinh-già-bệnh-chết. Vũ trụ, thiên nhiên thì thành-trụ-hoại-không. Cho nên, không có cái gì là thực thể cố định cả.

Trong đạo Phật có hai loại thiền Chỉ và Quán là phương pháp đối trị ban đầu. Chỉ nhiều thì được định. Nếu không có trí tuệ soi sáng thì hành giả dễ rơi vào si định. Quán nhiều sinh trí tuệ nhưng ta lại lăng xăng, không định tĩnh. Mỗi hành giả ứng dụng hai pháp Chỉ, Quán này thuần thục rồi thì ta quay lại pháp trung đạo, dùng tính biết sáng suốt của mình nương nơi mắt thấy biết rõ ràng mà không phân biệt đẹp xấu, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Đó là phước đức lớn nhất.

An nhiên tự tại trước cuộc đời

Phương pháp thứ mười là:
Làm việc cùng mọi người,
Tâm không hề thay đổi.
Não phiền dứt, an nhiên,
Là phước đức lớn nhất.

Với tâm giải thoát tự tại, hành giả an nhiên, bất động trước vô vàn biến động của cuộc đời như được mất, khen chê, tốt xấu, khổ vui, mà tự tại vào ra trong sinh tử để cứu độ chúng sinh. Làm đẹp cuộc đời, trang nghiêm đạo pháp như là tâm nguyện của các vị Bồ tát, đây không chỉ là phước đức vẹn toàn cho một người mà tất cả chúng sinh cần phải biếp áp dụng, hành trì. Nhờ vậy, con người được nâng cao trình độ hiểu biết, xã hội giảm bớt tệ nạn xấu ác, cá nhân được tăng trưởng phước đức, gia đình sẽ sống trên thuận dưới hòa, và nhân loại được sống trong bình yên, hạnh phúc.

Thật rõ ràng xuyên suốt nội dung bản kinh, Thế Tôn chỉ dạy cách thức làm phước và chuyển hóa nội tâm mà không hề có chuyện xin xỏ phước đức. Cho nên, trong đạo Phật có chủ trương cầu nguyện, mà tuyệt đối không có cầu xin ban phước, giáng họa. Ta mỗi ngày có quyền cầu nguyện cho tất cả chúng sinh được sống bình an, hạnh phúc, cùng nhau chia vui sớt khổ, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Đức Phật là vị thầy dẫn đường, chỉ dạy cho ta biết được điều hay lẽ phải, tốt xấu, nên hư, thành bại trong cuộc đời, còn làm được hay không là do ta, ta phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chính pháp. Khi mê thì Phật độ, khi biết được nguyên nhân dẫn đến luân hồi sinh tử thì ta phải tự tu tự độ. Phật không trực tiếp ban phước cho ta được bình yên, hạnh phúc. Ngài chỉ dạy phương pháp để chuyển hóa rồi chúng ta phải tự thực tập, hành trì để tạo ra phước đức vẹn toàn cho bản thân.

Mong ước được sống an vui, hạnh phúc chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa từ 3 nghiệp thân-miệng-ý theo hướng thiện lành, tốt đẹp. Do đó, bình an và hạnh phúc có thể tạo dựng ngay tại đây và bây giờ mà chẳng phải tìm cầu đâu xa. Phước huệ song tu là con đường dẫn đến thành Phật viên mãn. Tu phước không tu huệ, kiếp sau tuy giàu có nhưng lại bị ngu si. Tu huệ không tu phước, kiếp sau tuy thông minh nhưng lại bị nghèo khó. Phước huệ đều song tu thì thành Phật trong tương lai.

Cho nên, trong đạo Phật có 3 mục đích để chúng ta hướng đến tùy theo tâm tư, nguyện vọng của mọi người mà ta có quyền chọn lựa cho phù hợp với hoàn cảnh sống trong hiện tại. Mục đích thứ nhất là sống trong cõi Trời Người có phước báo, chấp nhận có khổ có vui mà cùng sống chung với mọi người. Mục đích thứ hai là thoát khỏi luân hồi sinh tử để được Niết bàn an vui vĩnh viễn. Mục đích thứ ba là giáo hóa chúng sinh để được thành tựu phước trí viên mãn, hay còn gọi là phước huệ song tu, đó là con đường hành Bồ tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi.

Người cư sĩ bước đầu cần tu phước trước để ổn định đời sống gia đình, khỏi phải bận bịu lo toan cơm áo gạo tiền, nhờ vậy ta có thời gian quán chiếu, tham thiền. Gia đình là nền tảng của xã hội, không có gia đình thì xã hội cũng phải phế bỏ, nên tùy theo hoàn cảnh của mọi người mà ta biết áp dụng phước huệ song tu sao cho được vuông tròn, tốt đẹp. Ngày xưa có vị thầy giới luật trang nghiêm, tu hành tinh tấn, không lơ là giải đãi một ngày, do đó đã chứng quả giác ngộ giải thoát. Vì chỉ siêng tu trí tuệ cho riêng mình mà không giúp đỡ một ai, trong khi thầy đã thọ nhận của đàn na tín thí quá nhiều; do nhân quả như thế nên hiện đời thầy sống trong thiếu thốn, mỗi ngày chỉ khất thực được chút ít sống qua ngày. Bởi nghiệp lực quá khứ không gieo trồng nhân chia sẻ nên quả báo hiện đời không bao giờ có một ngày no đủ. Cho nên, nhân quả rất công bằng và bình đẳng, gieo nhân nào thì gặt quả nấy là vậy. Ngày nay, các phật tử đến chùa ít ai có lòng tin nhân quả sâu sắc, mà chỉ một bề cầu xin thì nhiều. Cho đến bây giờ, tập tục cúng sao giải hạn ở các chùa vẫn cứ thịnh hành, vì quý thầy quá từ bi sợ phật tử bỏ chùa không đến ủng hộ. Đại đa số phật tử đến chùa cầu xin Phật, Bồ tát gia hộ nhiều hơn mà không biết gieo nhân nào để được gặt quả tốt.

Cũng đồng với vị thầy nói trên, một người bạn vì ham làm phước với quan niệm mong được giàu có để hưởng thụ mọi nhu cầu cần thiết, nên hiện tại bị đọa làm con voi trắng trong cung vua. Voi ta được trang sức lộng lẫy bằng thất bảo, chỉ để chở nhà vua và hoàng hậu đi mà thôi. Cuối cùng, một người nhờ có trí tuệ mà được giác ngộ giải thoát, nhưng vì không giúp ai nên cả đời đều chịu khó khăn, thiếu thốn. Người kia vì ham làm phước mà không chịu siêng tu trí tuệ, nên bị đọa làm con voi trắng trong cung vua. Chính vì thế, Phật dạy chúng ta phước huệ song tu để đi theo con đường Bồ tát đạo mà cùng nhau chia vui, sớt khổ trên tinh thần vô ngã, vị tha.

Phước huệ song tu viên mãn

Sau khi Phật chỉ dạy 10 phương pháp để hành trì phước đức viên mãn, cuối cùng Phật khẳng định:

Ai sống được như vậy
Ở đâu cũng hạnh phúc
An nhiên và tự tại
Vì phước đức vẹn toàn.

Muốn được như thế thì mỗi hành giả phải phước huệ song tu. Làm phước để có cơ hội giúp đỡ mọi người, tu huệ để biết cách chuyển hóa 3 nghiệp tham-sân-si làm tổn hại người và vật thành vô lượng trí huệ, từ bi với tinh thần vô ngã, vị tha.

Để cho dễ hiểu, chúng tôi tạm thời phân ra làm hai vế phước đức và công đức. Làm phước là việc làm đóng góp, giúp đỡ bên ngoài về phương diện vật chất từ lời nói cho đến hành động. Công đức là cái tốt do tu tâm, khi làm việc giúp đỡ người khác mà ta bị bêu xấu, hủy nhục, nhưng vẫn bình tĩnh, thản nhiên, không hề có ý niệm phiền muộn phát khởi trong tâm. Ta nghe những lời chỉ trích vu khống đó như gió thoảng qua tai. Chúng ta cần phải thực hiện đầy đủ cả hai mặt phước đức, ta cần phải có tâm làm lợi ích cho người, và khi làm tâm ta không hề dính mắc vào việc gì. Đây là con đường của các vị Bồ tát đang ứng dụng và hành trì để được thành Phật trong tương lai. Nhờ vậy, ta lần hồi gội rửa bớt tâm tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, tâm ganh ghét, tật đố, tị hiềm, sân hận, tâm si mê, bám víu vào cái ta không thực thể.

Trên thực tế, ta dường như thấy phước và đức tách biệt hẳn nhau, nhưng sự thật người có tâm hồn cao thượng mới dám bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia và ngược lại. Khi làm việc phước mà ta không chấp trước, dính mắc vào việc làm đó vì đã thanh lọc được tâm tư trong sạch, nên làm mà không thấy mình làm, tu mà không thấy mình tu, chỉ tùy duyên tùy thời mà làm phước tu tâm. Chính vì sự liên hệ mật thiết của việc làm phước và tu tâm giúp các vị Bồ tát ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình, làm phước để có cơ hội giúp đỡ người, tu tâm để chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành an vui, hạnh phúc. Ta muốn thành Phật thì không có con đường nào khác hơn là làm phước và tu tâm; nhờ vậy khi bố thí cúng dường ta chuyển hóa được tâm ích kỷ, tham lam, bỏn sẻn, keo kiết, tâm sân hận, si mê được giải trừ, để tâm từ bi, hỷ xả được lan tỏa khắp mọi nơi. Việc làm phước và thanh lọc nội tâm rất cần thiết cho hàng phật tử chúng ta tùy theo hoàn cảnh của mọi người mà chúng ta biết cách áp dụng sao cho phù hợp, để phước và đức của tự thân ngày càng được tăng trưởng.

Ở đây, Phật chỉ dạy chúng ta rất cụ thể, rõ ràng. Trước tiên, ta muốn tu tâm dưỡng tính thì phải biết thân cận người hiền, lánh xa kẻ xấu ác, tôn kính bậc đáng kính. Kế đến, ta biết chọn môi trường tốt để làm các việc thiện lành, tốt đẹp; hay siêng năng học hỏi và giỏi nghề nghiệp chuyên môn nhờ biết gìn giữ đạo đức từ ý nghĩ, lời nói, cho đến hành động đều hướng thượng; biết hiểu thảo với cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, biết chọn lựa nghề nghiệp chân chính, thích hợp; rồi đến sống vui vẻ, biết bố thí, giúp đỡ bình đẳng, không phân biệt mọi thành phần giai cấp trong xã hội; muốn vậy ta phải siêng năng làm các việc lành, tránh xa việc xấu ác, nhờ đó ta không say sưa, nghiện ngập, nên lúc nào cũng khiêm tốn, thấp mình học hỏi điều hay, lẽ phải; nhờ thông hiểu Phật pháp, ta biết “muốn ít biết đủ”, hài lòng với hoàn cảnh hiện tại và luôn nhớ ơn thầy tổ mà ráng cố gắng duy trì phước huệ song tu để thành tựu Phật đạo viên mãn.

Bất cứ tông phái nào trong đạo Phật cũng đều phải phước huệ song tu và hành Bồ tát đạo cho đến khi thành Phật viên mãn mới thôi. Mỗi hành giả đều có sự hiểu biết chân chính như thế thì con đường tu học và dấn thân làm việc của mình sẽ đi đúng lời Phật dạy là phước huệ song tu.

(HẾT)
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm