Chữ Hiếu trong truyện Kiều
Công ơn sâu nặng của hai đấng sinh thành được Đức Phật dạy rất cụ thể và chi tiết: “Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy đã bú khi lang thang trong ba cõi luân hồi còn nhiều hơn là nước trong bốn Đại dương”.
Hiếu đễ là một tiêu chí hàng đầu trong những tiêu chí đạo đức của Xã hội phương Đông. Cổ nhân nói: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (Trong nhiều nết tốt của con người thì hiếu thảo đứng hàng đầu). Hai tôn giáo lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với xã hội phương Đông nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng là Nho giáo và Phật giáo đều đề cao vai trò chữ Hiếu và xem đó là nền tảng căn bản của đạo đức làm người. Cuốn sách đầu tiên và cơ bản của Nho gia dạy về chữ Hiếu là “Hiếu kinh”, ngay ở phần đầu quyển sách, Khổng Tử viết: “Phù hiếu, đức chi bổn dã, giáo chi sở do sanh dã” (Hiếu là cái gốc của Đạo đức, mọi việc giáo dục con người đều phát sinh từ cái gốc này).
Riêng với Phật giáo, rất nhiều kinh điển đề cập đến chữ Hiếu. Công ơn sâu nặng của hai đấng sinh thành được Đức Phật dạy rất cụ thể và chi tiết: “Này các Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các Thầy đã bú khi lang thang trong ba cõi luân hồi còn nhiều hơn là nước trong bốn Đại dương” . Hay như trong kinh “Hiếu Tử”, Phật dạy: “Thân chi sanh tử, hoài thai thập nguyệt, thân vi trọng bệnh, lâm sanh chi nhật mẫu nguy, phụ bố kỳ tình nan ngôn” (Cha mẹ sanh con, mười tháng mang thai như thân mang bệnh nặng, ngày sanh con thì mẹ nguy hiểm cận kề, cha lo sợ nói sao cho xiết).
Công ơn cha mẹ lớn lao như thế nên làm con, phận sự báo đền thâm ân ấy là điều hiển nhiên, là đạo lý căn bản trước tiên của đạo làm người. Với đạo Phật, hiếu có hai loại: Hiếu thế gian và Hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian là lo chuyện phụng dưỡng chăm sóc cho cha mẹ khi sanh tiền miếng ăn giấc ngủ, làm cho cha mẹ an vui trong đời sống vật chất và tinh thần. Trong cách báo đáp công ơn cha mẹ cho tròn niềm hiếu đạo này, Phật dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi xa nghìn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện trên vai mình đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu. Các Thầy phải hiểu rằng ân mẹ cha nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc cho ta trưởng thành. Vì thế mà phải biết ân đó rất khó trả. Này các Tỳ Kheo, có hai việc làm cho phàm phu được công đức lớn, được quả báo lớn đó là phụng sự cha và phụng sự mẹ”. Và trong rất nhiều kinh điển khác của đạo Phật cũng đề cập đến chữ Hiếu trong đạo làm người như thế.
Nội dung truyện Kiều là một chuỗi những đau khổ tận cùng Thúy Kiều gặp phải và chịu đựng suốt mười lăm năm của cuộc đời mình mà khởi nguyên của quãng đời đoạn trường đau đớn ấy là từ lòng hiếu thảo của nàng. Kiều là một người con gái đa tình, đa cảm nhưng không yếu đuối, ít ra là trong phương diện báo hiếu của nàng. Trước cảnh cha và em bị bọn quan lại sai nha đánh đập hành hạ bởi “Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền” [Truyện Kiều câu 598], trong Kiều đã nghĩ:
Sao cho cốt nhục vẹn tuyền,
Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao.
Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?
[Truyện Kiều câu 599 –602]
Mối tình sâu nặng với Kim Trọng vừa bắt đầu, lòng còn vấn vương nỗi niềm thương nhớ, nặng lời hẹn biển thề non. Kiều biết bán mình chuộc cha thì ắt phải lỗi hẹn với tình yêu, trọn đời phụ tình với Kim Trọng. Trước cảnh hoạn nạn của gia đình, nàng phải đối trước một sự chọn lựa quá khắc nghiệt giữa chữ Tình và chữ Hiếu để rồi trong khoảnh khắc phải quyết định:
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.
[Truyện Kiều câu 603 – 606].
Thử hình dung một người con gái vừa đến tuổi “cập kê”, đang sống trong cảnh “êm đềm trướng rủ màn che”, lại vừa ước hẹn một mối tình đầu nồng nàn tươi đẹp trong niềm tin trao thân gửi phận sau này, bổng dưng phải có một quyết định táo bạo và đau lòng dường ấy, để thấy lòng hiếu của Kiều lớn biết dường nào. Khi đã nói đến hai chữ “bán mình”, hẳn Kiều đã đoán trước được con đường phía trước của cuộc đời nàng sẽ ra sao! Trong tình cảnh bi đát của gia đình, Kiều không còn nghĩ đến thân mình nữa, chỉ mong cứu được cha:
Vẻ chi một mảnh hồng nhan,
Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành.
[Truyện Kiều câu 669 – 670]
Lòng hiếu thảo của Kiều qua hành động bán mình cứu cha không phải là một tình cảm bất chợt, bộc phát trước cảnh tan cửa nát nhà mà là một tình cảm sâu nặng trong trái tim đa cảm của nàng. Hơn thế, lý trí Kiều đã ý thức:
Hổ sinh ra phận má đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong.
[Truyện Kiều câu 877- 878]
Thế nên, sau này trên bước đường lưu lạc, chịu bao nỗi đoạn trường suốt mười lăm năm của đời mình, trong Kiều luôn canh cánh nỗi lòng nghĩ về cha mẹ. Khi ở lầu Ngưng Bích của Tú bà, trong cảnh cô độc đầu tiên nơi đất khách quê người, nàng nhớ về cha mẹ trong niềm lo lắng:
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc Tử đã vừa người ôm.
[Truyện Kiều câu 1043 –1046]
Rồi những tháng ngày quằn quại, xót xa ê chề khi phải tiếp khách trong lầu xanh của Tú Bà, “khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” [Truyện Kiều câu 1233], cha mẹ vẫn là điểm tựa, là nỗi nhớ thương trong lòng nàng thiếu nữ họ Vương bạc mệnh:
Nhớ ơn chín chữ cao sâu,
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà.
Dặm ngàn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe đôi chút thơ ngây,
Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?
[Truyện Kiều câu 1253 – 1258]
Khi trở thành vợ Từ Hải, Từ Hải ra đi theo tiếng gọi “động lòng bốn phương”; bên song cửa chờ đợi Từ Hải trở về, nàng càng nghĩ về cha mẹ. Kiều thương cha mẹ giờ đã già yếu đi nhiều vì từ ngày cách biệt đến giờ đã mười năm có lẽ:
Xót thay huyên cỗi thung già,
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi.
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương.
[Truyện Kiều câu 2237 – 2240]
Như vậy, Thúy Kiều xứng đáng là “một người con hiếu thảo đáng kính, đáng mến…” như lời một nhà Nho xưa nhận xét. Hành động bán mình chuộc cha là điểm đỉnh của lòng hiếu thảo ấy. Ở đây người viết không quá võ đoán để kết luận rằng: Nhà thơ núi Hồng Lĩnh thấm nhuần tinh thần “Hiếu tâm tức Phật tâm” của nhà Phật để xây dựng chữ Hiếu cho nhân vật Thúy Kiều, nhưng tinh thần chữ Hiếu trong đạo Phật đã thấm sâu vào tâm hồn dân tộc Việt Nam, trở thành đạo lý truyền thống cao đẹp trong bản sắc văn hiến việt Nam. Và đạo lý ấy hiển nhiên có ảnh hưởng, trong chừng mực nào đó, đến những người “cư Nho, mộ Thích” như Nguyễn Du. Điều cần nói là chữ Hiếu trong truyện Kiều, biểu hiện cụ thể ở nàng hiếu nữ họ Vương mang đậm nét giáo lý nhà Phật ở tinh thần Vô ngã vị tha. Ta không tìm thấy quan niệm “lập thân hành đạo, dương danh hậu thế, dĩ hiếu phụ mẫu” của Nho gia mà là sự hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả cho cha mẹ được yên vui, dù sự hy sinh đó là cái giá quá đắt, phải trả bằng cả cuộc đời mình. Thế nên, dù ai có khắt khe trong lễ giáo phong kiến Nho gia, hẳn cũng đồng tình khi Tố Như kết luận:
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
[Truyện Kiều câu 3119 – 3120]
Thế nên, có nhà nghiên cứu về truyện Kiều đã viết: “truyện Kiều là truyện của nàng hiếu nữ họ Vương” có lẽ thật chính xác và không phải quá lời vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm