Chuỗi giác ngộ: Vẻ đẹp của tràng hạt
Lần tràng hạt là việc quan trọng của thực hành và nghi lễ Phật giáo trên khắp châu Á và hơn thế nữa.
Mặc dù ban đầu tràng hạt thường được xem là công cụ để hỗ trợ người tu đếm lời cầu nguyện, thần chú, niệm chú và lặp lại tên của các vị Thánh, tràng hạt này có thể là một thứ được chế tác tinh xảo nhất trong nghệ thuật Phật giáo.
Được làm bằng các vật liệu đa dạng như: gỗ, pha lê, đá quý và xâu chuỗi lại với nhau với nhiều kích cỡ, số lượng hạt khác nhau, chuỗi cầu nguyện Phật giáo hoặc tràng hạt mang vẻ tuyệt mỹ và đầy uy lực. Là biểu tượng cho các khái niệm quan trọng của Phật giáo, những hạt này không chỉ đóng vai trò trong các nghi lễ, mà còn nổi bật trong các tác phẩm hội họa và điêu khắc về các đạo sư và vị Thánh Phật giáo.
Hạt cầu nguyện, hoặc mala trong tiếng Phạn có lẽ du nhập vào Phật giáo sớm trong lịch sử từ các thực hành tôn giáo nguyên thủy Ấn Độ đầu tiên ở Nam Á. Một số tràng hạt Phật giáo nhỏ được làm để đeo quanh cổ tay hoặc cầm trên tay. Tuy nhiên, nhiều nhà sư đeo tràng hạt dài như đeo dây chuyền, điển hình là trong các truyền thống bí truyền của Tây Tạng và Nhật Bản. Đối với các nhà sư và cư sĩ Phật tử, các hạt là tượng trưng cho giáo lý Phật giáo về cấu trúc, số lượng hạt và vật liệu được sử dụng.
Trước khi thắt nút, chuỗi được xâu một hạt trung tâm lớn và hai hạt nhỏ hơn. Ba hạt này giữ cho các hạt khác ở đúng vị trí và chỉ dấu sự hoàn thành của một chu kỳ đếm. Chúng cũng tượng trưng cho Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Sợi dây ẩn đi qua các hạt tượng trưng cho sức mạnh xuyên thấu của chư Phật.
Theo truyền thống, tràng hạt Phật giáo có 108 hạt, đại diện cho số lượng đam mê trần tục và ham muốn làm mù quáng, mê hoặc chúng ta, khiến chúng ta bị mắc kẹt trong chu kỳ đau khổ, tái sinh hay luân hồi. Con số này còn đại diện cho 108 hình tướng mà Bồ tát Quán Thế Âm có thể đảm đương để giúp đỡ tín đồ. Người ta cũng nói rằng con số này được chọn để hành giả lặp lại danh hiệu thiêng liêng của Đức Phật 100 lần, các hạt thêm vào cho phép bất kỳ bỏ sót nào do lơ đãng khi đếm hoặc làm mất hoặc vỡ hạt.
Trong các chuỗi tràng hạt nhỏ hơn, số lượng hạt thường chia hết cho 3, ví dụ: 21, 42 hoặc 54 hạt. Nhiều chuỗi tràng hạt Trung Quốc, hay shu zhu, chỉ có 18 hạt, mỗi hạt tượng trưng cho mỗi vị trong 18 vị Thánh Phật giáo, được gọi là Arhat (A-la-hán) trong tiếng Phạn và Luohan (La-hán) trong tiếng Trung Quốc. Đôi khi chuỗi tràng hạt rất dài được dùng trong các nghi lễ đặc biệt tổ chức để tôn kính những vị thần đặc biệt. Ví dụ, mỗi mùa hè ở Kyoto (và một số nơi ở Nhật Bản), trẻ em tham dự một buổi lễ để tôn kính Bồ tát Jizo (tiếng Phạn: Kshitigarbha), một vị Bồ tát giám hộ trẻ em trong niềm tin Phật giáo Nhật Bản. Những đứa trẻ ngồi thành một vòng tròn và đi theo một chuỗi hạt cầu nguyện dài vòng quanh, tiếng Nhật là juzu, trong khi các nhà sư tụng kinh cầu nguyện vị Bồ tát. Bằng cách chạm và di chuyền theo các hạt (tiếng Nhật: juzu-kuri), những đứa trẻ nhận tượng trưng phước đức và sự bảo vệ của Bồ tát Jizo.
Các hạt thường làm bằng gỗ, chẳng hạn như gỗ đàn hương hoặc gỗ thiêng từ cây Bồ đề (Ficus religiosa), mà theo lịch sử, Đức Phật chứng ngộ khi ngồi dưới tán cây đó. Đá quý hoặc bán quý cũng có thể được sử dụng, gồm: ngọc trai, hồng ngọc, hổ phách, san hô hoặc ngọc bích, cũng như vàng và các kim loại quý khác. Trong thực hành Phật giáo Tây Tạng, mặc dù mala làm bằng gỗ hoặc hạt giống từ cây Bồ đề đều có thể sử dụng cho bất kỳ loại thần chú nào, tuy nhiên một số câu thần chú cần các hạt đặc biệt liên quan đến mục đích sử dụng.
Để an bình thần chú, các hạt trong suốt như vỏ hoặc pha lê được sử dụng vì chúng giúp thanh lọc tâm và dọn sạch những chướng ngại như bệnh tật, nghiệp xấu và rối loạn tinh thần. Tuy nhiên, những câu thần chú uy lực được sử dụng để thuần hóa bằng các phương tiện mạnh mẽ và để khuất phục các năng lượng có hại, đòi hỏi kỹ năng lớn lao với tâm từ bi phải cần đến một chuỗi 108 hạt làm từ hạt rudraksha của cây Elaeocarpus(chủ yếu là Elaeocarpus ganitrus).
Như là dụng cụ then chốt trong các nghi lễ và thực hành Phật giáo, hạt thường thể hiện lòng sùng kính các vị thần, các nhà sư hoặc trưởng lão Phật giáo. Với hình ảnh đó, nhà sư Nhật Bản thế kỷ thứ X Ryogen, hay Ganzan Daishi, được miêu tả ngồi trên bục mặc áo choàng lụa thêu lộng lẫy, ngón tay lần tràng hạt pha lê, hàm ý nhà sư định tâm ở giữa một câu thần chú hoặc lời cầu nguyện. Trong khi bục mạ vàng được nâng lên và áo choàng đắt tiền ám chỉ vị trí quan trọng của nhà sư trong dòng truyền thừa Tendai của Phật giáo Nhật Bản, tràng hạt là một sự nhắc nhở về thực hành tâm linh mạnh mẽ và lòng sùng kính đối với niềm tin Phật giáo.
Tràng hạt cũng được tin là vật thuộc tính thiêng liêng. Đức Phật A Di Đà từ bi đôi khi được miêu tả cầm tràng hạt, nhưng Bồ tát Quán Thế Âm thường cầm tràng hạt nhiều nhất. Trong nhiều bức tranh và tác phẩm điêu khắc, Bồ tát Quán Thế Âm cầm một bông sen, một bình tịnh thủy và một tràng hạt gồm 108 hạt, tượng trưng cho lời thệ nguyện giúp người tín tâm chinh phục 108 dục vọng và đạt giác ngộ, với 108 hình tướng mà Ngài đảm nhận cho mục đích này. Một trong những hình tướng bí truyền, Cintamanichakra Avalokiteshvara (Như Ý Luân Quan Âm), là vị thần có sáu cánh tay, mỗi cánh tay biểu trưng cho một lời thệ nguyện cứu độ chúng sinh ở một trong lục đạo tái sinh và giữ một thuộc tính tượng trưng; bàn tay cầm một chuỗi hạt cầu nguyện tượng trưng cho cõi thú.
Cũng như các hạt cầu nguyện của nhiều truyền thống tâm linh trên toàn thế giới, mala là một trong những đồ vật chế tác đẹp nhất được các hành giả Phật tử sử dụng. Tràng hạt cũng là một trong những công cụ mật thiết nhất được nhiều Phật tử sử dụng trong thực hành tâm linh. Được cầm trong tay và lần từng hạt với lòng sùng kính của nhà sư cũng như những hành giả cư sĩ, những tràng hạt này dự phần vào một trong những thử thách nhất của thực hành Phật giáo – đó là định tâm trong khi tụng kinh cầu nguyện, khi niệm thần chú và niệm hồng danh chư Phật, chư Bồ tát. Bằng cách lần tràng hạt, hành giả nương theo cầu nguyện và tu tập trên con đường dài hướng tới giác ngộ.
Chú thích:
Nguyên tác: “Strings of Enlightenment: The Beauty of Buddhist Prayer Beads”, tạp chí mạng Buddhist Door Global, 17/2/2017.
Tác giả Meher McArthur là một nhà quản trị nghệ thuật châu Á, nhà văn và nhà giáo dục với chuyên môn về nghệ thuật Nhật Bản. Bà là Giám đốc Nghệ thuật và Văn hóa của Nhà Nhật Bản Los Angeles (Mỹ). Bà đã quản trị hơn 20 triển lãm về các khía cạnh của nghệ thuật châu Á cho các bảo tàng và phòng trưng bày ở Mỹ. Bà sáng tác và xuất bản nhiều tác phẩm về nghệ thuật Phật giáo.
Cao Huy Hoá dịch
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm