Chuyện chân thật về chú bé ở Nepal 6 tháng nhập định, không ăn uống

"Ðọc hết toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy do Phật dạy, các bạn có thấy bài kinh nào đức Phật dạy ngồi thiền nhập định không ăn uống không?", HT Thích Thông Lạc.

Hỏi: Kính thưa Thầy! Xin cho phép chúng con được hỏi: “Có một thanh thiếu niên 16 tuổi người Ấn Ðộ ngồi thiền 6 tháng không ăn uống đã làm chấn động cả thế giới.

Hiện giờ mọi người muốn biết loaị thiền mà cậu bé đang nhập đó là loại thiền gì? Và thiền đó có phải là của Phật giáo hay không? Ngưỡng mong Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ. Chúng con xin gửi cho Thầy một bản thông tin được rải đi khắp nơi trên thế giới như sau.

Tường thuật của báo chí về cậu bé ở Nepal ngồi thiền 8 tháng không ăn uống gì 

Chuyện của chú bé Nepal 6 tháng không ăn uống

“Ram Bahadur Bamjan, tên cậu thiếu niên 16 tuổi, người Nepal, đã ngồi thiền định theo kiểu kiết già trong khu rừng Bara thuộc quận Katmandu trong 6 tháng mà theo lời đồn là không ăn uống gì cả và được nhiều người gọi là Phật, cuối cùng đã nói: “Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trên đường thành Phật”. Hiện hàng ngày có hàng trăm người từ nhiều nơi trên thế giới đã đến khu rừng nói trên - cách thủ đô Katmandu 300 cây số và cách xa lộ 8 cây số đường bộ gồ ghề - để tận mắt chứng kiến hiện tượng lạ này với một câu hỏi giống nhau: Làm sao một người có thể không ăn uống trong 6 tháng mà vẫn bình thường? Các viên chức địa phương Katmandu đã yêu cầu các nhà khoa học của Viện Khoa học Hoàng gia Nepal và các nhà nghiên cứu Phật Giáo điều tra về hiện tượng này, nhưng cho đến nay chưa có kết luận nào được đưa ra. Những chi tiết về cuộc đời tu của cậu

Có thể kể đến thiếu niên 16 tuổi này: Xuất gia từ năm 11 tuổi, được tu tập ở nhiều nơi từ Nepal đến Ấn Ðộ, và sau 5 tháng trở về quê nhà, cậu thiếu niên này đã ngồi kiết già thiền định trong rừng, không ăn uống gì cả trong 6 tháng qua. Theo người anh của Ram Bahadur Bamjan, nhiều nhân chứng cho biết là sau vài ngày thiền định, hào quang đã phát sáng trên trán và tay của Ram Bahadur Bamjan, nhưng những gì mà một số phóng viên thấy là cậu ngồi thiền định bình thường theo kiểu kiết già và chiếc áo nâu sòng đã trở nên bẩn thỉu.

Những học giả Phật giáo (Buddhist gurus) cho biết là họ có thể xác định cậu thiếu niên này có thật sự thiền định sâu không, nhưng gia đình của Ram Bahadur Bamjan và dân làng tuyên bố không để ai đụng vào cậu, vì tu sĩ trẻ này cần ngồi thiền trong 6 năm. Về phía mình, Chính phủ Nepal tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra, nhưng cho đến nay chưa thấy bắt tay vào việc và cũng không có biện pháp gia tăng an ninh nào cho hiện tượng kỳ lạ này.

Tuy các nhà khoa học và các học giả Phật giáo không được dân làng và gia đình cho phép đụng chạm vào thể xác của Ram Bahadur Bamjan trong lúc cậu đang thiền định, nhưng các nhà khoa học đang tìm cách nghiên cứu tu sĩ này từ một khoảng cách xa mà không nhất thiết phải đụng vào cơ thể của cậu.

Theo những nhân chứng có mặt tại chỗ, trong thời gian 6 tháng thiền định vừa qua, Ram Bahadur Bamjan chỉ bị can thiệp có một lần (kéo dài trong vài phút) và cậu nói: “Tôi đang thiền định sâu (deep meditation) vì sự bình an của nhân thế. Vì vậy, đừng gọi tôi là Phật. Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trênđường thành Phật. Vì thế, xin vui lòng để yên cho tôi thiền định trong 6 năm”.

Trưởng lão Hoà thượng Thích Thông Lạc trả lời

Kính thưa quý Phật tử! Tin tức này Thầy đã được đọc trên báo chí, nhưng Thầy không thấy có gì là lạ lùng, mà chỉ đáng thương cho cậu bé ấy mà thôi, chỉ uổng phí cuộc đời tu tập thiền định của cậu mà chẳng có lợi ích gì cho bản thân và người khác. Nhất là hiện giờ làm hại mọi người phải tốn hao tiền bạc và bỏ công sức kéo đến chiêm ngưỡng như tình tiết nầy: “theo phóng viên đài địa phương thì mỗi ngày có khoảng 10 ngàn người kéo đến chiêm ngưỡng”. Như vậy số tiền chi cho xe cộ và công sức của 10 ngàn người trong một ngày sẽ hao tốn biết là bao nhiêu ,xin quý Phật tử tính thử.

Ðây cũng là một hiện tượng mê tín thần thông. Những hiện tượng này thường xảy ra khắp nơi trên thế giới, nay ở nước này, mai ở nước khác “Chuyện lạ có thật”. Phần nhiều những chuyện lạ có thật này không thể giải thích bằng ý thức được. Vì thế, có một số người nhẹ dạ cả tin mà không tự quán chiếu, soi xét thấy biết những hiện tượng xảy ra rõ ràng có phải như thật không? Ðừng để tưởng thức đánh lừa; đừng để tâm tham đắm, mê mệt thần thông làm mờ mắt, mờ tri kiến; đừng để tâm vì tin vào thần quyền linh thiêng mù quáng, mà bị những người khác lợi dụng tưởng lừa dối, lường gạt.

Hiện tượng của chú bé ngồi thiền không ăn uống là một hiện tượng lường gạt của những loại thiền định không đúng của Phật giáo.

Thiền định không ăn uống 6 tháng, một năm hay nhiều hơn nữa, đó cũng chỉ là một loại thiền ức chế tâm. Khi người tu thiền ức chế tâm đều lọt vào trạng thái không tưởng, từ không tưởng lưu xuất ra nhiều trạng thái tưởng trong đó có trạng thái không đói khát, không muốn ăn uống, cho nên mọi người thấy không ăn uống mà sống thì cho đó là một trạng thái kỳ lạ. Kỳ lạ đối với ý thức của con người (thế gian), chứ không kỳ lạ đối với người có trí tuệ Tam Minh.

Ý thức con người không thể hiểu những trạng thái kỳ lạ tưởng đó, cho nên nó dễ thu hút những người có tính hiếu kỳ; có tính ham mê thần thông; có tính mù quáng tin có thế giới siêu hình, có thần thánh, có ma quỷ, có linh hồn người chết, v.v... Vì thế làm hao tiền tốn của, phí công sức của mọi người rất lớn.

Trên đời này những hiện tượng kỳ lạ, những loại thần thông mà ý thức chúng ta không thể hiểu và suy lường được như trên đã nói, đó là do tưởng uẩn của chúng ta hoạt động. Tưởng uẩn hoạt động là do ý thức chúng ta ngưng hoạt động.

Ý thức ngưng hoạt động xảy ra có hai trường hợp:

1- Do tai nạn xảy ra khiến thần kinh tưởng hoạt động.

2- Do tu tập Khí công, nhân điện, Yoga và các loại thiền ức chế ý thức, v.v...

Một loại thiền ngồi sáu, bảy tháng hay một, hai ba, bốn năm không ăn uống là một loại thiền tưởng như trên đã nói. Đây là thiền của ngoại đạo. Thiền để biểu diễn những trò lạ mắt; những trò kỳ đặc để thu hút và lôi cuốn mọi người, như cậu bé Ram Bahadur Bamjan này chẳng hạn.

Thiền tưởng gồm rất nhiều loại: Thiền Ðại Thừa, Thiền Ðông Ðộ, Thiền Công Án, Thiền Tham thoại Ðầu, Thiền Tối Thượng Thừa, Thiền Yoga, Thiền Xuất Hồn, Thiền Vô Vi, Thiền Lục Diệu Pháp Môn, Thiền Quán Sổ Tức, Thiền Minh Sát Tuệ, Mật Tông, Tịnh Ðộ Tông, Pháp Hoa Tông, v.v...

Thiền Tưởng mà xưa kia đức Phật đã nhập Không Vô Biên Xứ Tưởng, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Khi nhập xong Đức Phật cảm nhận không có giải thoát nơi thân tâm của mình thì Ngài liền ném bỏ như ném bỏ một chiếc giày rách không hề tiếc công khó nhọc của mình. Còn bây giờ chúng ta lại đi lượm mót những thứ thiền đồ bỏ này sao?

Cậu bé bị lừa bởi thiền tưởng, một loại thiền mạo danh thiền của Phật giáo. Sự thật không phải vậy. Cậu bé đã lầm nên mới bảo với mọi người: “Tôi chưa phải là Phật. Tôi đang trên đường thành Phật”. Cậu có biết con đường thành Phật là con đường nào không mà dám khẳng định như vậy? Phật không hề tu thiền không ăn uống như cậu đâu? Thiền của Phật là ly dục ly ác pháp, chứ không phải nhập định tưởng không ăn uống như cậu đã nhập định 6 tháng nói trên.

Bốn mươi chín ngày tu tập dưới cội bồ đề để chứng đạo, đức Phật có ngồi thiền không ăn uống như cậu không? Ðức Phật đã bỏ thiền không ăn uống. Cậu có biết không? Ðức Phật ném nó như ném một chiếc áo rách không còn mặc được nữa. Muốn biết rõ Đức Phật tu tập như thế nào thì cậu nên nhờ một vị có Tam Minh sẽ xác định cho cậu biết. Nếu cậu không tìm được một người có Tam Minh thì cậu nên đọc lại Ðại Kinh Saccaka: “Và này Aggivessana, sau khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại. Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái do ly dục sanh hỷ lạc, có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên  nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”. (Kinh Trung Bộ, tập I, trang 540 Đại Tạng kinh Việt Nam). Cậu có nghe lời dạy này không? Ðức Phật nhập bốn Thiền đâu có dạy không ăn uống bao giờ. Như vậy cậu đã tu sai mà muốn thành Phật thì làm sao thành Phật được phải không cậu?

Cho nên Đức Phật dạy: “Tâm định tĩnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, nhập thiền định không có khó nhăn, không có mệt nhọc”. Vậy nhập định như cậu ấy sao mà khó khăn, mệt nhọc quá vậy, 6 tháng không ăn uống mà chưa thành Phật, nếu cậu ấy không biết thì nên đọc tiếp đoạn kinh Ðại Bát Niết Bàn kinh thuộc Trường Bộ, tập I, trang 665 Đại Tạng kinh Việt Nam: “Rồi Thế Tôn nhập Sơ thiền. Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền”.

Như vậy trong 49 ngày tu tập dưới cội bồ đề đức Phật chỉ chuyên tu tập ly dục ly bất thiện pháp trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Và cuối cùng Ngài chứng đạo. Còn bây giờ cậu có ly dục ly ác pháp không mà cậu dám bảo rằng cậu ấy đang đi trên đường thành Phật?

Kính thưa quý Phật tử! Chúng ta không còn lạ gì với các hệ phái Phật giáo hiện giờ khắp nơi trên thế giới mọi người đang tu tập thiền tưởng, nhất là khi đọc kinh sách Ðại Thừa và Thiền Ðông Ðộ đều gán cho đạo Phật có tám mươi bốn ngàn pháp môn. Cho nên, pháp môn ngồi thiền không ăn 6 tháng cũng là pháp môn của Phật. Thật là oan cho Phật, thiền không có lợi ích cho mình, cho người như vậy (như thiền của cậu bé Nepal - BTC chú thích) mà vẫn gán cho Phật giáo. Thế mà các nhà nghiên cứu Phật học không lên tiếng đính chính hay các Ngài cũng chưa hiểu cho đó là thiền Phật giáo? Hiện giờ các học giả Phật giáo họ đều thông suốt giáo lý Nguyên thuỷ nhất là các nước tôn thờ Phật giáo, lấy Phật giáo làm quốc giáo như: Campuchia, Thái Lan, Miến Ðiện, Tích lan, v.v...

Ðọc hết toàn bộ kinh sách Nguyên Thủy do Phật dạy, các bạn có thấy bài kinh nào đức Phật dạy ngồi thiền nhập định không ăn uống không?

Trước những hiện tượng kỳ lạ thường xảy ra mà ý thức con người không giải thích được, Thầy đều hiểu biết rất rõ ràng, nhưng bàn luận chuyện thiên hạ để làm gì? Ai tu thế nào thì duyên của họ như thế nấy. Ở đây, tại sao lại có bài viết về cậu bé Nepal này?

Ðầu tiên, chúng tôi đọc báo biết được tin tức này, kế đó được người mang đến Tu viện Chơn Như gửi cho chúng tôi một tờ bích chương cũng nói về chú bé này và cuối cùng trên trang web của chúng tôi lại cũng được một thông tin này nữa.

Ba thông tin này chúng tôi biết chắc quý Phật tử đang chờ đợi sự trả lời của chúng tôi, nếu chúng tôi làm thinh tức là chúng tôi đã chấp nhận thiền định của cậu bé này là của Phật giáo. Vì thế, chúng tôi xin trả lời ngắn gọn để quý Phật tử hiểu biết tường tận rõ ràng đâu là thiền của Phật và đâu không phải là thiền của Phật.

Bài viết trả lời ngắn gọn của chúng tôi là để những hiện tượng kỳ lạ xảy ra khắp nơi trên thế giới không còn làm cho quý Phật tử ngạc nhiên nữa.

Trưởng lão Hoà thượng Thích Thông Lạc

Vấn đáp Phật học vào ngày 15 tháng 01 năm 2006.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Lâm chung niệm Phật vãng sanh, độ được nhiều oan hồn đến đòi mạng

Nghiên cứu 15:30 25/12/2024

Ni sư Phổ Kiết, người Đài Loan. Lúc còn tại gia, bà thích ác khẩu mắng người, gieo duyên không lành với nhiều người.

Nhân quả kỳ lạ và uy thần công đức của Kinh Địa Tạng, chú Đại Bi

Nghiên cứu 12:00 25/12/2024

Tôi kể câu chuyện có thực này ra là mong các đệ tử Phật sớm buông bỏ hết mọi ân oán cá nhân, đừng do dự nữa. Vì một khi vô thường tới, những ân oán chưa kết thúc này sẽ biến thành chướng ngại mạnh mẽ ngăn cản bạn ra khỏi tam giới.

Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu

Nghiên cứu 23:14 20/12/2024

Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.

Nguyện giải thoát ngay hiện tiền

Nghiên cứu 13:41 18/12/2024

Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.

Xem thêm