Có mấy loại mạn trong Phật giáo?
Trong kinh điển Phật giáo thường nêu ra có bảy loại mạn: 1. Mạn, 2. Quá mạn. 3. Mạn quá mạn. 4. Tăng thượng mạn. 5. Tà mạn. 6. Ty liệt mạn. 7. Ngã mạn.
> Giải đáp những thắc mắc về kiến thức Phật học
Hỏi: Kính bạch thầy, con thường nghe quý thầy giảng pháp hay đề cập đến vấn đề ngã mạn. Ý nghĩa của hai chữ ngã mạn thì con biết sơ qua, nhưng ngoài ra, con không biết còn có những loại mạn nào khác nữa không? Nếu có, thì xin thầy hoan hỷ nêu ra và giải thích cho con được hiểu. Con kính trọng ơn thầy.
Đáp: Trong kinh điển Phật giáo thường nêu ra có bảy loại mạn: 1. Mạn, 2. Quá mạn. 3. Mạn quá mạn. 4. Tăng thượng mạn. 5. Tà mạn. 6. Ty liệt mạn. 7. Ngã mạn.
Trong quyển Hán Việt Tự Điển của cụ Thiều Chửu giải thích chữ mạn có nghĩa là tràn đầy, luông tuồng không tự kiềm chế, gọi là tản mạn.
1. Mạn: Mình bằng người mà cho mình hơn người. Hoặc người hơn mình mà mình cho người đó thua mình. Tâm lý nầy đều gọi là mạn.
2. Quá mạn: Mình thua kém người ta ở một phương diện nào đó, nhưng mình vẫn không chịu thua và còn cho mình là bằng người. Hoặc giả trình độ hiểu biết của mình ngang hàng người ta mà mình vẫn tự hào cho rằng mình hiểu biết hơn người ta. Nghĩa là lúc nào mình cũng nâng cao mình lên hơn người một bậc, đó gọi là Quá mạn.
3. Mạn quá mạn: Hạng người này lúc nào cũng tự cho mình là hơn người. Tự cho mình tài giỏi hơn người đến hai bậc. Do ỷ mình như thế nên sanh tâm khinh thường kẻ khác. Hạng người nầy gọi là Mạn quá mạn.
4. Tăng thượng mạn: Hạng người này mới được một ít cho là đủ. Họ là hạng người luôn luôn tự mãn không bao giờ chịu học hỏi với ai. Thậm chí họ tu hành chẳng ra chi, mà cứ tự hào khoe khoang với mọi người là họ đã ngộ như thế nầy và chứng quả như thế kia. Họ chỉ là một kẻ phàm phu tục tử vậy mà dám cả gan tự xưng mình là chứng Thánh. Đây là hạng người Tăng thượng mạn vậy.
5. Tà mạn: Những hạng người mang nặng hạt giống ngoại đạo, hành theo tà đạo rồi chấp vào định kiến của mình mà chê bai kích bác người khác, dù người đó đang thật hành đúng theo chánh lý. Do bảo thủ tư kiến của mình mà họ rơi vào con đường tà kiến khi nào không hay biết. Họ tự cho họ là người sống đúng theo chơn lý, nhưng thực tế họ là người đang thật hành theo tà đạo. Họ chấp chặt vào tà nhơn, tà quả, rồi tự thị vào tà nhơn, tà quả đó mà khinh thường những người khác. Đó là hạng người tà mạn vậy.
6. Ty liệt mạn: Hạng người nầy dù thua thấp kém hơn người rất nhiều, nhưng họ vẫn tự thị cho họ là thua kém chút ít thôi. Có đôi khi họ tự biết là mình thấp hèn, nhưng vẫn cứ bảo thủ không chịu phục tùng học hỏi với bất cứ ai. Hạng người nầy thật là đáng thương hơn đáng trách.
7. Ngã mạn: Tâm lý ngã mạn này hầu hết không một ai tránh khỏi. Chỉ có thể khác nhau trên cường độ bảo thủ chấp ngã và ngã sở nặng hay nhẹ mà thôi. Mọi sự khổ đau của nhơn loại, gốc cũng từ nơi chấp ngã nầy mà ra. Vì chấp ngã nên không chịu khuất phục thua sút ai. Từ đó gây ra biết bao thảm trạng chiến tranh sát hại lẫn nhau không chút gớm tay. Dù ở địa vị nào, ở trình độ nào, con người luôn luôn là bảo thủ chấp ngã. Ai cũng thấy mình là cái rốn của vũ trụ nên không cho ai có quyền vượt trội hơn mình. Kẻ nào hơn mình là kẻ đó phải chết. Ai cũng tự cao tự đại như thế, cho nên cái ngã này phải đụng với ngã kia. Vì mãi đụng nhau như thế thì thử hỏi nhơn loại làm sao có thể sống chung hòa bình cho được? Do vì không hiểu được chơn lý vô ngã nên nhơn loại mới gây ra biết bao thù hận đấu đá chém giết lẫn nhau. Tranh chấp sát hại, hẹp thì từ cá nhân với cá nhân, rộng hơn một chút, thì từ đoàn thể với đoàn thể và rộng ra là cả thế giới, tất cả cũng chỉ vì chấp ngã mà ra. Cho nên cái tâm lý ngã mạn này rất là độc hại. Người có chí thiết tu hành thì diệt trừ được lòng ngã mạn chút ít. Bởi do vô minh si mê nên mới chấp ngã, chấp pháp. Thế gian bị điên đảo đại loạn bất an và con người luôn bị khổ đau trong vòng sanh tử, tất cả cũng bởi do hai thứ chấp ngã này mà ra.
Khi biết rõ tai hại của bảy loại mạn nói trên để từ đó chúng ta cố gắng quán chiếu thật sâu biết rõ hành tướng của mỗi loại tâm lý nầy hầu để tìm cách chuyển hóa chúng. Có thế thì đời ta mới hết khổ đau vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bạn phải là người đủ đầy trước
Hỏi - Đáp 10:36 01/11/2024Hỏi: Thầy ơi, tại sao mối quan hệ của con với người yêu luôn căng thẳng, mâu thuẫn và ngột ngạt. Mà chia tay người ấy thì con cảm thấy cô đơn. Thầy giúp con với!
Người Phật tử không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó?
Hỏi - Đáp 08:30 31/10/2024Hỏi: Có phải những người theo Đạo Phật (Phật tử) thì phải ăn chay, không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó? Xin hỏi quan niệm này xuất xứ từ đâu?
Vì sao phải nói Tam quy y khi phóng sanh?
Hỏi - Đáp 16:15 30/10/2024Hỏi: Tại sao khi thực hiện phóng sanh phải nói Tam quy y cho loài vật đó?
Có thể sửa đổi vận mệnh được không?
Hỏi - Đáp 16:00 30/10/2024Hỏi: Thưa Thầy, vận mệnh con người trong đời này có sửa đổi được không?
Xem thêm