Cuộc sống là một sự cầu nguyện
Khi ta có chánh niệm khi đi, khi ngồi, khi nấu ăn, rửa bát thì ta không phung phí sự sống. Ta sống sâu sắc từng giây phút. Cuộc sống của ta trở thành một sự cầu nguyện. Sống được như vậy ta sẽ có nhiều hạnh phúc và bình an.
Làm thế nào để tránh rơi vào cái bẫy của cầu nguyện theo thói quen hay hình thức?
Khi ta tụng kinh cũng như khi nghe tụng kinh, ta cần phải hợp nhất thân và tâm. Làm được như vậy, ta có niệm, có định; ta hòa vào tăng thân và trở thành một với tăng thân, như một dòng sông.
Ta không còn tồn tại như một cá nhân mà trở thành dòng sông tăng thân. Tâm lúc nào cũng phải có mặt với thân. Đó là lý do tại sao đi trong chánh niệm có thể được coi là sự cầu nguyện. Ta cầu nguyện bằng đôi chân; và khi đi trong chánh niệm ta có thể tiếp xúc được với nước Chúa, với Tịnh độ của Bụt. Và ta có thể thấy được hiệu quả của sự cầu nguyện ngay lập tức.
Khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, đó mới là thở thật sự. Thân và tâm về một mối. Thật đáng tiếc nếu ta chỉ cầu nguyện bằng cái miệng – đọc một cái gì đó, trong khi tâm ta rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai, hoặc nghĩ tới một dự án nào đó. Đó không phải là cầu nguyện, bởi vì ta không có chánh niệm, không có định và không có tuệ. Nền tảng của cầu nguyện là niệm, định và tuệ. Trong truyền thống Cơ Đốc giáo, có những người có khả năng cầu nguyện như thế, với niệm, định và tuệ. Họ gọi đó là sự nguyện cầu của trái tim. Cầu nguyện với thân và tâm nhất như mà không chỉ chắp tay rồi tụng một cái gì đó. Khi lên tụng kinh, nếu trong khi tụng mà ta nghĩ ngợi về một điều gì đó, ta phải quay về tự hỏi mình: “Mình đang làm gì đây? Mình đang trình diễn chứ không phải là đang thực tập. Mình đang trình diễn một bài kinh. Mình đang không thực tập, mình không hề cầu nguyện”.
Những thành viên khác trong tăng thân là tiếng chuông chánh niệm, nhắc nhở ta bằng cách họ tụng kinh, cách họ thực tập, và ta phải giúp tăng thân thực tập như vậy. Thân luôn luôn có mặt với tâm, như thế ta mới tránh được cái bẫy của sự thực tập hình thức. Cái bẫy này rất phổ biến; nó có thể xảy ra trong đạo Bụt, trong đạo Cơ Đốc, trong bất kỳ một tôn giáo nào. Ta biết nếu thực tập như thế thì chẳng có hiệu quả gì. Ta không có Thiên quốc, cũng chẳng có Tịnh độ, bởi vì ta không có niệm, định và tuệ.
Đôi khi tôi có nhắc nhở tăng thân trước những bữa ăn chung, tôi nói rằng: “Mời đại chúng thở như thế nào để chúng ta trở thành một cơ thể”. Chúng ta cần phải tìm cách đọc kệ ngũ quán trước khi ăn như thế nào để sự thực tập đó không trở thành một cái lệ, trở thành hình thức. Ta cũng có một bài kệ để đọc thầm trước khi ăn: “Ăn cơm nơi tích môn/ Nuôi sống cả tổ tiên/ Mở đường cho con cháu/ Cùng tìm hướng đi lên.” Nếu tăng thân được nhắc nhở trước khi ăn, mọi người sẽ có cơ hội thực sự thực tập mà không chỉ ở hình thức. Khi lạy xuống trước bàn thờ trong một buổi lễ, ta lại có một bài kệ khác: “Trong thể tính chân như/ Không chủ thể đối tượng/ Đệ tử kính lạy Bụt/ Trong tương cảm nhiệm mầu”. Vì thế ta cần được nhắc nhở qua nhiều cách thức khác nhau, khuyến khích, thúc đẩy một cách thường xuyên để chúng ta không rơi vào cái bẫy hình thức. Ta phải khéo léo, nghệ thuật trong việc tìm ra những cách thức giúp cho sự thực tập của ta sống động. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nói những lời sách tấn đại chúng trước khi bắt đầu buổi thiền hành hoặc thiền tọa.
Xin Thầy chia sẻ về mối quan hệ giữa thiền tập và cầu nguyện trong sự đời sống tu tập của chính Thầy.
Trong tinh thần của đạo Bụt, khi làm bất cứ việc gì mà có niệm, định, tuệ thì có thể xem đó là một sự cầu nguyện. Khi ta uống trà trong thất niệm, sự sống sẽ không có mặt. Ta không thực sự sống bởi vì ta không có mặt, không có chánh niệm và không có định. Giây phút đó không có sự thực tập. Chỉ là một giây phút bình thường. Nhưng khi ta bắt đầu nâng ly trà trong tay với chánh niệm và định tâm, và khi ta uống trà hoàn toàn trong chánh niệm và sự định tâm thì cũng như ta đang thực hành một nghi lễ tôn nghiêm. Và đó đã là một sự cầu nguyện. Khi ta đi, nếu ta thưởng thức từng bước chân, nếu mỗi bước chân nuôi dưỡng và đem lại cho ta sự chuyển hóa, thì mỗi bước chân chính là một lời cầu nguyện.
Cho nên trong giáo lý và sự hành trì của truyền thống đạo Bụt, thực sự không có sự phân biệt giữa thiền tập và cầu nguyện, bởi vì khi ta có niệm định tuệ, ta có thể tiếp xúc được với cõi Bụt, với Bụt và với Tăng. Khi ta thật sự cầu nguyện, ta tiếp xúc với Chúa Jesus, với Thiên quốc. Tiếp xúc được như thế thì sự trị liệu và chuyển hóa chắc chắn sẽ xảy ra. Khi có niệm, định và tuệ thì sẽ không có sự phân biệt giữa người cầu nguyện và người mà sự cầu nguyện đang hướng tới. Nhờ đó sự truyền thông trở nên toàn hảo và sâu sắc; sự chuyển hóa và trị liệu hẳn nhiên sẽ xảy ra.
Khi đi tại sân bay, mỗi bước chân của ta có thể trở thành một lời cầu nguyện. Ta đang thực sự sống, ta không bỏ phí thời gian, bỏ phí sự sống. Khi ta ngồi trong vững chãi, thảnh thơi, khi ta thở vào thở ra trong chánh niệm, khi ta tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm, thì đó là thiền tập mà cũng là cầu nguyện. Trong sự cầu nguyện đích thực, không còn sự phân biệt giữa người cầu nguyện và người được cầu nguyện. Những người bạn đạo Cơ Đốc của chúng ta nói: “Sống mỗi giây mỗi phút trong sự hiện diện của Thượng đế”. Nếu ta sống trong niệm định tuệ, ta sẽ không bao giờ rời xa Thượng đế, ta luôn luôn tiếp xúc với Thượng đế, trong sự hiện diện của Thượng đế. Khi ta sống từng giây từng phút của đời sống hàng ngày trong sự hiện diện của Thượng đế nghĩa là cuộc sống hàng ngày của ta là một sự cầu nguyện. Có những người có khả năng làm được như vậy.
Trong đạo Bụt, có những cách rất cụ thể giúp ta chế tác năng lượng của niệm, định và tuệ. Và sự thực tập của ta là sự thực tập chế tác những năng lượng này. Nếu những năng lượng này có mặt, thì không còn sự phân biệt giữa người đang cầu nguyện và người được cầu nguyện. Khi ta có chánh niệm khi đi, khi ngồi, khi nấu ăn, rửa bát thì ta không phung phí sự sống. Ta sống sâu sắc từng giây phút. Cuộc sống của ta trở thành một sự cầu nguyện. Sống được như vậy ta sẽ có nhiều hạnh phúc và bình an.
Trích "Vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh"
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ngồi thiền có bị vong nhập?
Hỏi - Đáp 17:45 02/11/2024Tôi có tham gia một khóa thiền 10 ngày. Trong thời gian ngồi thiền, có lúc tôi cảm thấy hơi thở của mình trở nên nặng nhọc, khó thở. Có lúc tôi thấy cơ thể mình có hiện tượng lắc lư nhẹ theo hướng ngả về trước hoặc sau. Xin hỏi, các hiện tượng đó xảy ra trong lúc ngồi thiền có bình thường không?
Bạn phải là người đủ đầy trước
Hỏi - Đáp 10:36 01/11/2024Hỏi: Thầy ơi, tại sao mối quan hệ của con với người yêu luôn căng thẳng, mâu thuẫn và ngột ngạt. Mà chia tay người ấy thì con cảm thấy cô đơn. Thầy giúp con với!
Người Phật tử không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó?
Hỏi - Đáp 08:30 31/10/2024Hỏi: Có phải những người theo Đạo Phật (Phật tử) thì phải ăn chay, không nên ăn thịt và không được ăn thịt chó? Xin hỏi quan niệm này xuất xứ từ đâu?
Vì sao phải nói Tam quy y khi phóng sanh?
Hỏi - Đáp 16:15 30/10/2024Hỏi: Tại sao khi thực hiện phóng sanh phải nói Tam quy y cho loài vật đó?
Xem thêm