Có một bài kinh không bao giờ quên
Từ khi biết đến Phật pháp, đi chùa, học giáo lý tụng đủ thứ kinh, lúc thì chùa tụng Pháp Hoa cả tháng, rồi Dược sư, Di Đà, Phổ Môn. Lâu lâu, đến mùa quý Tăng Ni nhập hạ, thì lạy Lương Hoàng sám.
Tháng bảy Vu lan thì tụng Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, Thủy sám, Địa tạng… nói chung các kinh Đại thừa Bắc tông cơ bản đều tụng cả, nhưng không đều. Chỉ có bài Tâm kinh Bát nhã thì bất cứ tụng kinh gì cuối cùng đều phải tụng. Thế là tôi không muốn thuộc cũng tự nhiên thuộc, có muốn quên cũng không quên. Đọc riết. Đọc hoài. Mà sao không thấy ngán. Kinh nào đọc cũng ngán, còn Bát nhã tụng đến già vẫn thấy đã!
Chưa nói về nội dung mà âm điệu hán việt nghe đã đã rồi. Nào là “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Nào là “thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh”. Nào là “vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận”. Hoặc là “dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quải ngại, vô quải ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng…” âm vận trầm bổng bằng trắc nhịp nhàng ăn khớp, khiến già không biết chữ, trẻ chưa học, đọc truyền miệng riết rồi cũng thuộc. Đọc kinh như đang đọc bài vè, bài thơ, bài ca, bài chú... Dù chưa hiểu được nghĩa, nhưng cũng đủ để tâm dễ an định khi đọc lên. Đó là một sự lợi lạc không nhỏ chút nào.
Đến khi các vị Hòa thượng dịch ra Việt ngữ, là một điều rất tốt cho người tu Phật hiểu được nghĩa kinh. Tuy nhiên, bản dịch đọc hoài, thậm chí cố học thuộc mà cũng khó thuộc, chưa kể tụng dường như tôi không “cảm ứng đạo giao” bằng bản Hán Việt. Còn về nghĩa thì cũng lõm bõm, lơ mơ. Nào là “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc” Nào là “không có vô minh cũng không có cái hết vô minh”...
Tôi bỗng nhớ đến khi xưa, ngài Huyền Trang mang hơn ngàn bộ kinh từ Ấn Độ về Trung Hoa dịch, ngài đã đề ra 5 tiêu chuẩn không dịch nghĩa từ chữ gốc Phạn, mà chỉ phiên âm. Gọi là “Ngũ trùng bất phiên”:
1. Không dịch mật chú: vì tính bí mật. Chẳng hạn như chú Đại bi chúng ta đang tụng là phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn. Muốn hiểu nghĩa thì có các bản sớ giải, còn để đọc, tụng, trì thì để nguyên. Khi đọc sẽ có tác dụng dễ dẫn tâm chuyên chú an định.
2. Không dịch những từ gốc vốn nội hàm nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn chữ Bà Già Phạm, Cồ Đàm, Nam mô…
3. Không dịch những từ ở xứ Trung Quốc không có. Chẳng hạn Diêm phù đề, Sa la… là tên các loại cây ở Ấn Độ.
4. Không dịch lại những từ trước đã dịch, mà đã quen sử dụng. Chẳng hạn như A Nậu đa la tam miệu Tam bồ đề, Thích Ca, A Di Đà…
5. Không dịch nghĩa mà chỉ phiên âm, vì khi người đọc, tụng sẽ phát sinh thiện tâm, hoan hỷ, kính trọng… Chẳng hạn Bát nhã, Niết bàn, A la hán. Chưa kể còn mang tính thanh nhã. Ví dụ, Xá lợi nghĩa là xương cốt. Nói xá lợi Phật là hiểu mà nghe có vẻ linh thiêng kính trọng. Dịch xá lợi Phật thành xương cốt Phật hoặc Chùa Xá lợi thành chùa Xương cốt nghe thật khiếm nhã và thô thiển vô cùng!
Thế mới hiểu tại sao đọc “Tâm kinh Bát nhã” Hán Việt có cái thú vị của nó! Các sư Nam tông vẫn đọc những câu “Namo Tassa bhagavato Arahato Sammā sambuddhassa” có mấy người Phật tử hiểu đúng nghĩa, mà sao ai cũng thuộc, và đọc rất thành kính, sâu lắng?! Hoặc câu “Án ma ni bát di hồng…”… các sư Tây Tạng đọc âm không đọc nghĩa mà mang đầy uy lực của bi - trí - dũng?!
Nói như thế không phải tôi bảo thủ Kinh Hán Việt, hay mật chú… mà tôi muốn nói đến “Tâm kinh” do hơn mười vạn chữ, Bộ Bát Nhã 600 quyển rút gọn thành một bài hơn trăm chữ, thì phải chăng đọc, tụng bằng “cái tâm không dính mắc”? Ngài Huyền Trang đến phần chú “Yết đế, yết đế…” dư sức hiểu và dịch mà không dịch là có lý do.
Còn muốn hiểu nghĩa thì biết bao Luận giải của các Tổ xưa như Long Thọ có Đại Trí Độ luận 100 quyển, hoặc diễn giải của các vị tiền bối, cho đến nay biết bao bút mực phân tích, thậm chí phê bình hay dở, thiếu đủ v.v… thì cứ tha hồ tìm hiểu. Còn tụng thì cứ cần cái lợi lạc tịnh tâm là đủ rồi!
Tuy nhiên, kinh Phật ngoài đọc tụng, cần phải hiểu, phải suy nghĩ, mà thực hành thì lợi lạc mới trọn đủ. Một thời gian sau khi mò mẫm trong đống kinh sách, bỗng một hôm đọc được bài kệ của ngài Long Thọ viết:“Chúng nhân duyên sanh pháp, Ngã thuyết tức thị không, Diệc danh vi giả danh, diệc danh Trung đạo nghĩa” (Pháp do nhân duyên sanh, ta nói chính là Không, cũng gọi là giả danh, cũng là Trung đạo nghĩa), tôi mới thấy ra lối vào nhà Tánh Không, căn bản từ lý Duyên sanh. Cái thân này chỉ do 5 thứ: xác thân, cảm xúc, tri giác, tâm tư và nhận thức duyên lại mà thành. Chúng đã không thật thì cái tên gọi làm sao thật. Bản thân đã không thật thì không có tự tánh. Cho nên sắc là duyên sinh, mà duyên sinh tức là sắc. Nó tương tức mà lại tương sinh. Có sắc mới có không, có không mới có sắc. Tuy vậy, cái biết của tôi chỉ là một mớ lý thuyết rỗng tuếch vô hồn.
Rồi, một cơn bệnh nặng ập đến, đối diện với cái chết trước mắt, nằm trên bàn mổ dưới chụp đèn vàng lỗ chỗ, trong đầu tôi bỗng hiện ra “Tâm kinh Bát nhã” và thiếp dần đi chẳng biết gì. Mở mắt ra đã thấy nằm ở phòng hồi sức, tay chân còn bị trói. Lúc đó, tôi chợt hiểu ra thế nào Sắc là không, Không là sắc. Có rồi không, Không rồi có. Tôi ngộ ra Tâm Kinh Bát nhã muốn hiểu phải trải nghiệm cuộc đời, thực tế, nếu không chỉ là cái biết trên sách vở mà thôi.
Lời đức Phật dạy thật không sai: “Đến để mà thấy”, “thiết thực hiện tại”, “không có thời gian”. Và Tâm kinh muốn hiểu, đúng là phải đến trải nghiệm, phải đối diện với thực tại cuộc đời thăng trầm, vinh nhục, được mất, có rồi không, không rồi có, như nước thủy triều lúc lên lúc xuống, và không có thời gian, vì bài học Tâm kinh chính là bài học cuộc đời theo ta mãi mãi không thể nào quên, cho đến khi nhắm mắt vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm