Có nên dùng bùa ngải trấn yểm mồ mả khi cải táng không?
Việc trấn yểm hay đi tìm thầy xem ngày giờ chôn cất hay lấy cốt, nếu có tốt xấu hung kiết thế nào, đạo làm con ta phải tìm cách báo ân mẹ cha cho hả dạ, dù có khổ bao nhiêu cũng không nên mướn thầy trấn yểm cha mẹ.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Hỏi: Ông bà nội ngoại của con được an táng ở một nghĩa trang gần nhà. Nghĩa trang theo con được biết hiện có khoảng hơn hai ngàn ngôi mộ. Tuy nhiên, thành phố vừa ra quyết định là chuẩn bị đóng cửa nghĩa trang và yêu cầu các gia đình phải cải táng di dời mộ. Gia đình đang phân vân không biết làm thế nào cho đúng. Con nghe nói việc bốc mồ mả nếu không làm đúng trình tự sẽ bị vong nhập, bị ma chướng phá hoại, gia đình bị tai nạn làm ăn không được tốt. Các mồ mả ông bà hiện trong khu nghĩa trang đến gần 20. Gia đình không thể cải táng đến nơi khác nhưng hỏa táng thì không làm được vì có thể giờ tất cả đã tiêu tán cả. Có người bảo hốt cốt rồi đem vào chùa thờ như vậy có được không?
Nếu gia đình phải tổ chức cải táng thì chúng con nên làm như thế nào cho đúng? Có phải gia đình nên mời một vị thầy đến để lo việc này không? Có người còn khuyên nên nhờ cả thầy bùa để trấn yểm mồ mả, trấn yểm cõi âm để họ không phá mình như vậy có đúng không? Xin Sư giải thích cho con được rõ.
Đáp:
I. Ý nghĩa thờ cúng ông bà
Trước nhất xin nói về việc thờ cúng ông bà. Theo đạo lý làm người của Việt Nam thì tiền nhân ta rất coi trọng việc thờ cúng ông bà từ nhà thờ ra đến mộ, trong nhà thì không ai phá tán, ngoài nghĩa trang thì không được đụng chạm đến mồ mả ông bà. Đến ngày giỗ chạp người người háo hức, nhà nhà trong ngóng trông đợi chờ, gia phong họ hàng thân quyến chuẩn bị trở về lại ngôi nhà chung để cúng ông bà. Cúng ông bà trên trước thì gọi cúng húy kỵ, cúng ông bà cha me gọi cúng lễ kỵ, lễ giỗ, cúng anh chị hay người nhỏ tuổi thì gọi là cúng cơm thường nhưng tất cả vẫn phải cúng. Dù ở xa muôn vạn dặm, ở nước ngoài cũng không bao giờ quên, ở trong nước nếu có phương tiện đi lại thì về ngay, đây là điểm đặc biệt của người Việt Nam. Đến ngày giỗ chạp dù có hao tốn bao nhiêu cũng không nản lòng, không suy nghĩ miễn sao làm tròn bổn phận của người có trách nhiệm giữ ngôi nhà chung hay con trai trưởng nam chịu trách nhiệm giỗ chạp cửu huyền thất tổ cũng thế.
Ở xứ sở ta, người thân chết, đối với ông bà cha mẹ thì gọi là “Quá vãng, từ trần, qua đời, đã qua, ông bà đi xa hồi nẵm, quy tiên”. Trong nhà nói chuyện với nhau hay nhắc lại những mẫu chuyện kỷ niệm về cha mẹ, tiếc thương người thân, nhớ nhung người quá cố, có sự nuối tiếc nào đó thì gọi là khuất núi, không còn, đi xa theo Trời theo Phật. Nói về mồ mả ông bà dù giàu hay nghèo cũng luôn được gìn giữ thật chu đáo, người con tốt bụng có đất đai thì không tiếc tiền của, xây kim tĩnh thật lớn để cất giữ xác ông cha, bà mẹ, xây nhà mồ để che mồ mả ông bà không bị sương khuya lạnh lẽo. Thời xưa, nhất là người dân ở Huế, người con đi xa làm ăn kiếm tiền thật nhiều đem về xây mồ mả ông bà cha mẹ cho to cho bằng được với mọi người giàu có, nhìn mồ mả mọi người đánh giá nhà ta là nhà “Trâm anh thế phiệt”, gia đình có bề thế. Đó cũng là nhằm nói lên con cháu giàu có và có hiếu đạo, biết lo xa và giữ gìn gia phong vọng tộc cho con cháu hiện tai và tương lai.
Ngược lại ngày nay cũng có những gia đình đào mồ cuốc mả ông bà, lấy cốt đem gởi vào chùa, mới nghe qua tưởng là con cháu có hiếu đạo, nhưng không ngờ họ đào xới mồ mả cho trống để bán đất cất nhà to. Trường hợp nầy hiện nay xảy ra không ít trên cả nước và cuối cùng nghèo vẫn là nghèo. Có tiền mà không biết kinh doanh làm ăn, khi xài hết tiền thì chỉ có nghèo là thế.
Việc di dời mồ mả
Mả là mộ người chết, một cụm đất đắp lên xác chết dưới ba thước đất, nơi yên nghỉ cuối cùng của đời người. Mồ mã cũng là nơi nói lên giá trị của đạo đức con người, của dòng họ. Con cháu có hiếu hay không mọi người nhìn vào mồ mả ông bà là hiểu biết rõ nhất. Hiện nay có nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh chôn cất xác ông bà cha mẹ cùng một chỗ trong các nghĩa trang tập thể, nghĩa trang công lập. Theo chủ trương Nhà nước muốn có đất cho dân ở, tìm đất xây chung cư, thiết lập công viên cho dân vùng đô thị thưởng ngọan, xây dựng công viên làm lá phổi cho thành phố, thị xã, thị trấn...nên có chủ trương lấy cốt trong các nghĩa trang lớn, cải táng ra vùng ngọai ô hay những nghĩa trang tư nhân, lấy cốt ông bà cha mẹ gởi vào chùa, hay nhà chung, từ đường dòng họ. Trường hợp nầy bắt buộc phải thực hiện việc lấy cốt. Việc di dời mồ mả xưa là việc trọng, nên trong gia tộc của người qua đời phải tới chùa nhờ coi ngày giờ bốc mộ cải táng về đất nhà, bốc mộ lấy cốt gởi vào chùa, bốc mộ lấy tro cốt đem rải dòng sông, rải trên không, rải xuống biển.
Tiết Thanh minh và lễ hội đạp thanh
Duy có điều mọi người suy nghĩ chưa dúng về việc cải táng bốc mộ vào ngày thanh minh (Tiết trời man mát trong trẻo vào tháng 3 âm lịch). Thường thì mọi người trong đó có Phật tử muốn bốc mộ, cải táng mộ ông bà cha mẹ lại chờ đúng ngày thanh minh mới thực hiện, nếu chờ ngày thanh minh mới thực hiện như vậy là sai. Trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh, của thi hào Nguyễn Du có câu:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
“Thanh minh” trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là “đạp thanh”...
Tiết thanh minh ở mỗi quốc gia có khác, ở Việt Nam có thể vào tháng ba, như năm nay Đinh Dậu rơi vào ngày mùng Tám tháng Ba âm lịch (4/4/2017) thời điểm đó mọi người thân Phật tử, nam thanh, nữ tú, giới trí thức nhân sĩ, người quý phái, bình dân các nơi hội tụ đến nghĩa trang tảo mộ (Đi dẫy mả), dự lễ hội đạp thanh (Dậm trên thảm cỏ xanh, du ngoạn trong lễ hội), dâng hương tưởng niệm ông bà, những người đã dày công xây dựng tổ ấm gia đình, gia phong vọng tộc hưng long. Những việc làm như thế cho chúng ta thấy ngày thanh minh không phải là ngày làm việc đào mộ, cải táng hài cốt ông bà. Chúng ta phải làm việc này trước đó mười ngày, nửa tháng hay một tháng làm cho tròn xong thờ phượng đâu đó thật trang nghiêm rồi mới làm lễ thanh minh.
Là Phật tử xem việc bốc mộ chẳng có gì phải rườm rà, đừng để bị coi là làm đám tang lần thứ hai thì không tốt lắm. Không nên để bị bắt buộc làm cho quy mô cúng kiến cho linh đình, có khi còn phải nghe lời xúi giục đi tới lui hết chùa nầy tới chùa khác, chỉ có việc xem ngày giờ bốc mộ, làm cho hao tốn tiền của vô lý. Nếu làm không đủ không tốt không đúng thì lo sợ bị vong nhập, vong quấy phá làm ăn thất bại. Ý tưởng nầy thuộc mê tín dị đoan, coi như con cháu vô tình đổ lỗi cho ông bà mà không hay biết.
Việc vong nhập là việc không có, nếu có là với người nhẹ dạ, tâm ý quá nhạy cảm, hiện tượng lừa bịp tâm linh, vừa nghe người khủng bố tinh thần là sợ. Đây chính là vong “Sợ sệt” nhập rồi đó, chứ không có ông bà nào nhập vào xác ai cả. Ngoài kia chỉ còn nắm xương tàn, hoặc mảnh đất khô căn sỏi đá trơ vơ mênh mông giữa đất trơi, hoặc chỉ là vũng bùn đen đúa vậy thôi, còn thân ngũ uẩn thì tan theo đất nước lửa, gió, thần thức thì đi theo nghiệp tái sanh mất rồi còn ai mà nhập xác? Lấy cốt cải táng thì cứ thực hiện cho trọn vẹn, không nên suy đi nghĩ lại làm khổ cho ông bà dưới nấm mồ vô tội kia, trong Giác Quang thi tập II có câu:
Ta đã đi nhiếu kiếp thu qua
Tái sanh lên xuống dưới trăng tà
Khi Ông, Con, Bố, khi Bà, Mẹ
Dưới mộ có còn thân xác không?
(Giác Quang thi tập II)
Chúng ta lên án những người vì lợi danh ham tiền của, cườp tài sản của ông bà, làm việc đào mồ cuốc mả ông bà cha mẹ, đem đất của ông bà bán cho thiên hạ, vướng tội bất hiếu với dòng họ tổ tông. Những người đó mới bị vong “Tham lam” nhập xác chuyên làm việc bất nhân. Có gia đình cha vừa chết còn đang làm lễ tang thì chuẩn bị cho việc cấu xé làm tan nát gia đình, thưa kiện nhau lên tòa để dành đất chia đất. Ai là người có hiếu ai bất hiếu, chẳng lẽ người dành được nhiều đất để lo cúng ông bà là có hiếu? Người không còn miếng đất cắm dùi không có phương tiện cúng ông bà là bất hiếu chăng?
II. Cải táng
Cải táng tức là chôn lại, chôn lại một lần nữa, cũng là phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số mạn Bắc miền Bắc Việt Nam. Đối với người Việt, việc cải táng hài cốt ông bà đem chôn lại là việc làm bất lợi cho gia đình trong môi trường mới, như phải làm lễ tang thứ lần thứ hai, hao tốn tiền của vô lý, không thuận lợi cho con cháu sau nầy, phải tiếp tục cải táng mãi. Lý do trở ngại là do xứ ta đất ít dân đông, rất cần thiết đất đai dành cho dân trú. Có những việc làm theo Phật pháp, nên đem hài cốt ông bà thiêu hóa, đưa vào hủ cốt (Bằng sành, sứ hay đá), điền tên tuổi cho kỹ, nếu xác chết không còn, thì vái nguyện ông bà rồi hốt một ít đất tượng trưng đưa vào hộp cốt gởi vào chùa là thích hợp, hợp vệ sinh môi trường. Như vậy có lẽ hài cốt ông bà được trọng thị hơn, ngày sau con cháu hiển vinh. Từ đó về sau vĩnh viễn không ai động chạm hài cốt, chỉ có người dâng hương cúng nước cúng cơm mà thôi. Việc đem hài cốt thiêu hóa rồi rải trên không trung, xuống sông hồ, xuống biển là việc làm tốt, đúng với hiện đại, nhưng không phù hợp đạo đức phong tục tập quán người Việt Nam.
Tại Việt Nam hiện nay trong 10 gia đình có 6 gia đình ông bà qua đời, không an táng mà đem hỏa thiêu, cũng như đối với việc cải táng xưa nay vẫn là việc trọng. Các gia đình khắp ba miền Bắc Trung Nam vẫn còn giữ nguyên vẹn tấm lòng của mình đối với ông bà, cửu huyền thất tổ, thường thì không làm đơn giản. Gia đình xem như việc cúng lễ kỵ giỗ là phương tiện để họ hàng con cháu, hợp mặt đông đủ một lần, sau thời gian ông bà đi xa. Đối với gia đình Phật tử thì có thỉnh quý Sư, quý Thầy đến tụng niệm, nếu là cải táng thì mướn người ở trại hòm giúp lấy cốt đưa vào áo quan thứ hai, gọi là “Quách” (Quan tài nhỏ), rồi đem chôn lại ở đất nhà, đất hương hỏa, đất thổ mộ.
Xây dựng Nhà Từ đường
Hiện nay tại Việt Nam, nhất là miền Trung, các gia đình có tài sản dồi dào, giàu có, họ nghĩ là nhờ đức của ông bà nên giàu, mặc dù ông bà đã qua, họ lúc nào cũng nghĩ ngay đến việc lập Nhà từ đường, nhà thờ họ, tập hợp hài cốt, ông bà cha me, người thân xa gần cùng dòng họ để thờ chung, thờ các hương linh, lập bài vị, điêu khắc long vị tổ tiên, dòng họ gởi vào Nhà Từ Đường thờ cúng, trong kiến họ cử một gia đình lo việc thờ cúng ông bà.
Cúng Hiệp kỵ
Hiệp kỵ là ngày giỗ chung, nhiều lễ giỗ trong năm gộp lại cúng kính một lần qua sự ưng thuận của bà con những người sanh tiền, hậu duệ của dòng họ. Nông thôn Việt Nam hay bày vẻ cúng giỗ linh đình hơn ở thành thị, mỗi năm có gia đình có thể cúng cả năm sáu lễ giỗ. Có gia đình mỗi tháng đều có giỗ chạp cúng linh đình, làm heo làm gà vịt mắc tội sát sanh thêm rất tốn kém. Có gia đình lo giỗ chạp đến nghèo mà vẫn lo, không dám than vãn cùng ai, sợ có lỗi với ông bà. Nhiều gia đình đến gặp Sư xin tư vấn cho ý kiến. Sư hướng dẫn nên họp mặt thân quyến, xin ý kiến người lớn tuổi, những vị có trách nhiệm trong dòng họ, nên kết họp nhiều ngày lễ giỗ trong năm chỉ còn một lễ giỗ lớn, mỗi năm cúng giỗ một lần gọi là “Họp kỵ” hay “Hiệp kỵ”. Nên chọn một ngày vào tháng chạp hay một tháng nào đó thích họp đễ làm lễ giổ
III. Việc hốt cốt 20 mộ phần
Lễ giỗ hiệp kỵ làm được, thì cũng có thể cải táng 20 mộ phần như Bạn vừa kể, là việc phải làm. Mỗi phần mộ khi được hốt cốt nếu xương thịt còn thì đem hỏa thiêu, để tro tàn vào hộp cốt, mộ nào không còn xương thịt người chết thì hốt một mớ đất làm tượng trưng, tất cả có khắc tên tuổi, pháp danh vào hộp cốt. Sau đó đem 20 hộp cốt đưa vào chùa xin gởi phượng thờ và mỗi năm đến ngày tết, giỗ chạp, ngày lễ thanh minh đến chùa tụng kinh cúng kính. Hoặc trong gia đình có nhà từ đường, nhà thờ họ thì đem vào đó tôn trí thờ phượng. 20 mộ phần như trên đã nói không nên cải táng chôn lai bất cứ nơi nào, dù đó là đất nhà, vì sẽ bất lợi cho con cháu mai sau, phải cải táng một lần hay nhiều lần nữa. Đồng thời không nên làm chuyện đem tro cốt rải ra sông, biển, vào hư không...như thế là đem văn hóa mới làm ngược lại phong hóa người Việt.
Hiện nay có một số gia đình Phật tử còn đất đai, đất vườn nhà xây một tháp phổ đồng nhỏ không quy mô như ở chùa, hoặc nhà cốt có đủ phương tiện để nhiều hộp hài cốt cửu huyền thất tổ của gia đình, hằng ngày có dâng hương cúng cơm cúng nước. Việc làm nầy rất tiện lợi với Phật tử. Người biết thờ cúng, tháp không đụng chạm nhà kế bên, không lấn đất người, các cơ quan, hay gia đình hàng xóm cũng không động chạm đến nhà thờ ông bà cha mẹ nhà ta.
Trấn yểm
Trấn yểm là việc bày vẽ, “Trấn” là ngăn chận, chôn chặt, “yểm” là dập xuống không cho đi đâu. Người chết ngày xấu, thầy bùa có thể làm cho người chết không đi đâu cả, mà vẫn ở một chỗ ở cõi âm để học đạo cho mau chóng đầu thai kiếp khác. Nếu người dương thế dù là con cháu, mà động đến mồ mả người chết, làm cho cõi âm khiếp sợ nhập vào xác người nầy người kia, làm việc bất thiện nên phải trở lại tu thêm nữa mới được đi đầu thai. Do phạm quy luật cõi âm, người dương thế bị bệnh, hoặc nạn tai xảy ra đến bản thân hoặc gia đình. Do đó người chết nếu rơi vào ngày xấu cung xấu phải chôn người chết thật kỹ thật chặt, ý nghĩa của trấn yếm là vậy.
Bạn ơi! Cha mẹ là người sanh ta ra, thuở bé lúc nào người cũng mong cho ta nên người, khi con bệnh cha mẹ lo thuốc thang, không tiền thì đi vay mượn tiền của nhà hàng xóm lo bệnh cho ta. Cha mẹ nuôi ta lớn khôn giúp cho ta ăn học, thành danh chi mỹ. Ngược lại khi cha mẹ già qua đời nhằm ngày “trùng nhựt trùng tang” thì ta lo sợ nơm nớp, sợ người chết hại ta, gia cang của ta. Thay vì rước quý Sư đến tụng kinh Địa Tạng cầu cho người chết siêu sanh lạc quốc lai đi rước thầy bùa tìm cách trấn ếm vong hồn người chết, mướn thầy bùa đóng đinh vào chân, vào sọ người thân, chẳng còn gì là đạo đức nghĩa nhân. Những người con như thế không xứng đáng làm chủ hộ gia đình, không còn xứng đáng với hậu duệ dòng họ nhà ta. Như ở Bến Tre, gia đình Ông Trần V... C...lúc mẹ chết xem lịch số đúng vào ngày “Trùng nhựt, trùng tang”, Ông C...mướn tẩn liệm rồi để khống, không cúng cơm, không dâng hương. Quý Sư đến hộ niệm ông cũng không cho và chỉ để một ngày rồi đem chôn mẹ. Việc làm như thế để nói lên với bà con là ta đây hiểu biết phong thủy trấn yểm. Ông quên việc nhà đang có tang tóc thật đau buồn, đối xử tệ với mẹ già, mọi người góp ý nhưng ông cũng không nghe.
Trời sanh những thứ vô nghì
Những đồ bất hiếu làm gì nên thân
Ông bà cha mẹ là người ân nghĩa với ta rất lớn, ta phải đối xử cho trọn đạo làm con cháu mới toại nguyện tấm lòng người sau, không nên tự cao tự đại chê bai mẹ cha quê mùa dốt nát mà mắc tội lỗi trời không tha, đất không dung, thật là vô nghì vô nghĩa lắm vậy, có bài thơ tưởng nhớ cha mẹ đã khuất núi:
Đông sang rồi và mẹ đã đi xa
Cũng chín năm trời cha không còn nữa
Gần thập kỷ tưởng chừng như mấy bữa
Đông sang rồi mẹ cha giữa hoang vu!
Thơ Trần Quân
Việc trấn yểm hay đi tìm thầy xem ngày giờ chôn cất hay lấy cốt, nếu có tốt xấu hung kiết thế nào, đạo làm con ta phải tìm cách báo ân mẹ cha cho hả dạ, dù có khổ bao nhiêu cũng không nên mướn thầy trấn yểm cha mẹ. Thay vào đó, ta nên tự mình phát tâm tụng kinh niệm Phật cầu cho hương linh mẹ cha siêu thoát. Ngoài ý nghĩa trên, trấn yểm còn có nghĩa là trù dập người đã qua. Trấn yểm cha mẹ chính là con cháu bất hiếu bất nghĩa với mẹ cha, trấn yểm là “Dằn mặt, dằn đầu” mẹ cha đó.
Khắp khuyên mọi người, mọi gia đình khi an táng, cải táng, chôn cất, thiêu hóa, không nên tín ngưỡng thầy trấn yểm ông bà cha mẹ, người thân. Thay vào đó, nên tin vào quy luật Phật cho thanh thản Bạn nhé!
Hiếu hạnh là đạo làm con
Tu mi nam tử phải tròn nghĩa nhân
Dù cho xây tháp chín tầng
Không bằng hiếu đạo trọn phần mẹ cha.
>> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Quan điểm của Phật giáo về các loại bùa chú
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm