Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 05/04/2021, 14:25 PM

Cơ sở xã hội của Thiền học thời Trần

Dẫu cho việc thống nhất các tông phái và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm dưới triều Trần có những màu sắc chính trị, nhằm khẳng định sự thống nhất về tư tưởng thì đối với sự phát triển của Thiền học, đó vẫn là những sự kiện có ý nghĩa và là những thành tựu hết sức rõ rệt.

Nhà Trần sau khi giành được thiên hạ, bên cạnh những hành động tức thời nhằm củng cố và khẳng định quyền bính (chỉnh đốn thể chế phân phong, thực hiện chế độ nội hôn, tổ chức hội thề Đồng Cổ…) dường như họ đã ý thức rất rõ nhu cầu xác lập một hệ tư tưởng của triều đại. Sự kiện vua Trần Thái Tông nửa đêm bỏ lên núi Yên Tử gặp Phù Vân quốc sư được ghi trong chính sử cho thấy quyết định của nhà vua trong việc lựa chọn một ý thức hệ cho quốc gia dân tộc.

Buổi đầu lập quốc và nhu cầu xác lập hệ tư tưởng

Mong muốn khẳng định Phật giáo trở thành Quốc giáo của Đại Việt được thể hiện rõ hơn trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam của vua Trần Thái Tông:

“Trẫm thiết vị: Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu; tính hữu trí ngu, đồng tư giác ngộ. Thị dĩ dụ quần mê chi phương tiện, minh sinh tử chi tiệp kinh giả, ngã Phật chi giáo dã; Nhậm thùy thế chi quyền hành, tương lai chi quỹ phạm giả, tiên thánh chi trọng trách dã. Cố Lục Tổ hữu ngôn vân: “Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt”; tắc tri ngã Phật chi giáo, hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dã. Kim trẫm yên khả bất dĩ tiên thánh chi nhiệm vi kỉ chi nhiệm, ngã Phật chi giáo, vi kỉ chi giáo tai”.

(Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của Tiên thánh. Cho nên Lục tổ có nói: “Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau”. Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ Tiên thánh mà truyền lại cho đời; thế thì nay trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình ư).

thiền phái trúc lâm

Tư tưởng thiền học trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông

Cũng giống như nhà Lý, việc xác lập một hệ tư tưởng của nhà Trần trong buổi đầu lập quốc nhằm thống nhất về mặt tư tưởng, củng cố và khẳng định quyền thống trị của nhà nước chuyên chế. Kéo thần quyền lại gần vương quyền, theo hướng nhất thể để tăng sức mạnh cho vương quyền. Xác định sự độc lập về tư tưởng của một chính thể nhà nước, của một quốc gia độc lập. Làm nền tảng cho việc xác định và giải quyết các mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, đồng thời giải quyết các vấn đề trong xã hội như cố kết nhân tâm, xây dựng đoàn kết dân tộc. Hoặc dùng Phật giáo để giáo hóa dân, hướng tới bình trị. Việc xác định hệ tư tưởng có ý nghĩa phân định và khẳng định rõ ràng sự độc lập của vương triều trong tương quan đối trọng với triều đình phương Bắc.

Như vậy, sự tồn tại của một hệ tư tưởng trước hết gắn liền với việc khẳng định độc lập và xây dựng một thiết chế nhà nước. Tại thời điểm đó, Phật giáo đang phát triển cực thịnh ở Việt Nam, do vậy không ngạc nhiên khi nó trở thành trục tâm của ý thức hệ nhà Trần. Các vị vua thời kỳ đầu của triều đại đều là những người sùng bái Phật pháp. Nó cho thấy phương thức tư duy về quyền lực rất phổ biến ở phương Đông. Đó là hai quá trình diễn ra song song và thống nhất ở mục đích: Phật giáo hóa thể chế và thể chế hóa Phật giáo.

Điều này thể hiện rõ nét nhất ở Trần Nhân Tông. Ông vừa là vị vua thế tục nhưng cũng là một vị Phật hoàng. Giấc mơ về đức Biến Chiếu Tôn được ghi trong chính sử thực chất là một sự thần hóa (Phật hóa) vị vua chuyên chế. Nó hợp lý hóa vai trò giáo chủ của Trần Nhân Tông. Trên thực tế cả hai vai trò đều được ứng xử khá linh hoạt. Sự kiện được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành với tư cách là một nhà tu hành, nhưng lại gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân với mục đích chính trị cho thấy rõ nét mẫu hình chính giáo hợp nhất ở đời nhà Trần. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến Phật giáo thời kỳ này. Nhìn từ hướng của Phật giáo, đó là xu hướng tự điều chỉnh của Phật giáo (Thiền học) cho phù hợp với yêu cầu của thể chế. Tuy nhiên, Phật giáo lại không phải là một học thuyết chính trị – xã hội khuôn phép như Nho giáo. Nghĩa là học thuyết này không đưa ra hệ thống lý luận về xây dựng nhà nước và xác lập các thiết chế xã hội – một nhu cầu bức thiết đối với triều đại mới. Tình hình đó, cho thấy trên thực tế, Phật giáo chỉ giữ vai trò lãnh đạo ở phần “đạo”. Ở các phương diện khác, đặc biệt là việc tổ chức bộ máy chính quyền trung ương, cần phải có học thuyết khác.

Phật hoàng trần nhân tông

Tư tưởng thiền học của Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng trong tác phẩm Thiền tịch phú

Trong hệ thống các học thuyết tư tưởng Trung Hoa, chỉ có Nho gia và Pháp gia là những học thuyết chính trị – xã hội khả dĩ đáp ứng những yêu cầu nêu trên. Các triều đại thời Lý – Trần đã có ngay một khuôn mẫu về mặt tổ chức nhà nước của triều đình ở phương Bắc, nơi Nho giáo đang giữ vai trò thống trị, để học hỏi và áp dụng trong thực tiễn. Điều đáng lưu ý là, trong bối cảnh nhà Trần, Nho giáo chưa thực sự phát triển. Trong xã hội, những người nắm giữ những kiến thức, kinh điển, thậm chí giữ vai trò truyền dạy chữ Hán và tri thức Nho học lại là các nhà sư trong các trường học nhà chùa. Trên phương diện tư tưởng, Phật giáo (hay Thiền học) thời Trần tự điều chỉnh và dung hợp cùng tư tưởng Nho gia nhằm giải quyết những nhu cầu thời sự của đất nước. Đó là một kiểu dung hợp có chính phụ, “dĩ Nho nhập Thích” [1], hay nội Nho ngoại Phật là biểu hiện của hiện tượng dung hợp Tam giáo thời nhà Trần. Hiện tượng này sẽ góp phần làm nên diện mạo và tính chất của Thiền học.

Ngoài Nho giáo, tư tưởng Lão Trang cũng được tiếp nhận và dung hợp với Thiền học trong tương quan Tam giáo. Trong đời vua Trần Thái Tông, triều đình đã nhiều lần tổ chức thi tam giáo. Đại Việt sử ký chép: “Đinh Hợi, năm thứ 3 (1927) (Tống, Bảo Khánh năm thứ 3). Thi con các nhà tam giáo (Nghĩa là những người nối nghiệp các nhà Nho giáo Đạo giáo Thích giáo)” [2]. “Mùa thu, tháng 8, thi các khoa thông tam giáo, Ngô Tần (Tần người ở Trà Lộ), Đào Diễn, Hoàng Hoan (đều người Thanh Hóa), Vũ Vị Phủ (người châu Hồng) đỗ ất khoa” [3]. Ngay từ trước thời Trần đã có nhiều thiền sư thông Tam giáo. Điều khác biệt với Nho gia là Lão Trang chỉ ảnh hưởng tới Thiền học trên phương diện tư tưởng. Bởi sự tồn tại của yếu tố Lão Trang trong cội nguồn triết học của Thiền học đời Trần, cùng với các yếu tố của Nho giáo (chủ yếu là tâm tính học) đã góp phần tạo nên tinh thần nhập thế rất đặc trưng của Thiền học giai đoạn này.

Như vậy, xuất phát từ một nhu cầu thực dụng nhằm lựa chọn một hệ tư tưởng cho triều đại mới, các nhà tư tưởng thời Trần trong khi coi Phật giáo là trục tâm cũng đồng thời tích hợp những yếu tố khả dụng trong học thuyết của các học phái khác, tạo nên hiện tượng Tam giáo đồng nguyên khá nổi bật trong lịch sử Đại Việt. Ở một phương diện khác, cách làm đó đã góp phần định tính cho Thiền học đương thời (ở đây là Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử). Hơn nữa, với tư cách là một học thuyết của chính quyền trong việc điều hành đất nước và bảo vệ độc lập, bản thân Thiền học cũng có những điều chỉnh nhất định. Chính những nhân tố trên đã tạo nên bối cảnh tư tưởng Thiền học thời kỳ này.

Tư tưởng thiền học trong kinh Kim Cang

Tuệ Trung Thượng sĩ trong “hai lần giặc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình”.

Tuệ Trung Thượng sĩ trong “hai lần giặc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình”.

Yêu cầu bảo vệ nền độc lập và tác động đến Thiền học

Thiền học xuất hiện ở nước ta vào khoảng thế kỷ thứ VI với sự hiện diện của thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, và từ đó trở thành dòng chính trong các tông phái Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, khi đất nước đang dưới quyền thống trị của thế lực phong kiến phương Bắc, các Thiền sư thường lựa chọn tu tập ở những nơi hẻo lánh, truy cầu giải thoát cho riêng mình. Do vậy, Thiền học chưa thật sự gây được ảnh hưởng rộng rãi trong quần chúng. Nhưng từ triều Đinh, Tiền Lê, người ta bắt đầu thấy những dấu ấn đậm nét của các Thiền sư trong các quyết sách của nhà nước cũng như trong việc tổ chức nền độc lập của quốc gia dân tộc. Các Thiền sư thường xuyên được mời vào nơi cửa khuyết giữ vai trò “cố vấn” cho nhà vua trong các sự kiện hệ trọng. Những Thiền sư như: Khuông Việt (933-1011), Đỗ Pháp Thuận (925-990), Thiền sư Vạn Hạnh (?-1025) đều tham gia vào chính sự [4]. Xét trên phương diện tư tưởng, mặc dù các thiền sư chỉ hành động trên tinh thần phá chấp (họ chỉ vào triều khi được mời), nhưng cũng đã tác động nhất định tới xu hướng nhập thế của Thiền học thời Lý – Trần.

Không chỉ có “quân và dân” nhà Trần tham gia kháng chiến chống Nguyên – Mông mà có thể có cả các Thiền sư. Những lãnh tụ của các cuộc chiến tranh: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cũng đều là những nhà lãnh tụ Thiền học. Thượng sĩ hành trạng cho biết Tuệ Trung Thượng sĩ trong “hai lần giặc xâm lăng, có công với nước, lần hồi được thăng chuyển giữ chức Tiết độ sứ vùng biển trại Thái Bình”. Tất nhiên, việc các Thiền sư triều Trần tham gia vào công việc thế tục không có nghĩa là Thiền học đời Trần hoàn toàn nhập thế, hoặc vượt ra ngoài những ranh giới của giáo lý Phật pháp. Nhưng trong bối cảnh cần phải bảo vệ độc lập, với vai trò là hệ tư tưởng của một triều đại, có lẽ, thiền học thời kỳ này cũng có những điều chỉnh nhằm đáp ứng những yêu cầu hết sức ngặt nghèo đó. Và như vậy, cũng tạo ra một diện mạo khá đặc trưng cho Thiền học.

Thiền học Sơ tổ Trúc Lâm trong công cuộc vận động xã hội Đại Việt

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tham thiền nhập định giữa bao la hùng vĩ của núi rừng Yên Tử có trọng lượng 138 tấn, là pho tượng đồng nguyên khối trên núi lớn nhất Việt Nam.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế tham thiền nhập định giữa bao la hùng vĩ của núi rừng Yên Tử có trọng lượng 138 tấn, là pho tượng đồng nguyên khối trên núi lớn nhất Việt Nam.

Một nền Phật giáo thống nhất

Trước đời Trần, ở nước ta tồn tại ba Thiền phái là: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thiền phái Thảo Đường. Tới đời Trần, trước nhu cầu thống nhất hệ tư tưởng, cùng với việc lựa chọn Phật giáo làm trục tâm, Thiền học cũng dần đi đến thống nhất để trở thành một Thiền phái duy nhất: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thời kỳ này được gọi là thời kỳ “Phật giáo nhất tông, tức là thời đại của một phái Phật giáo duy nhất” [5].

Xét về nguồn gốc, người có vai trò khởi đầu cho sự tổng hợp của ba tông phái, theo Nguyễn Lang đó là Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203). Thường Chiếu và các vị đệ tử: Thông Thiền, Thần Nghi, và Hiện Quang cùng các thế hệ cuối cùng của Thiền phái Vô Ngôn Thông đều có những đóng góp quan trọng cho thời kỳ Phật giáo nhất tông. Hiện Quang là Thiền sư khai sơn núi Yên Tử đặt nền móng cho Thiền Trúc Lâm và nền Phật giáo đời Trần. Tuy nhiên, những người có ảnh hưởng trực tiếp hơn tới sự ra đời của một Thiền phái duy nhất của thời kỳ này là vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Cả hai vị đều là những nhân vật có những ảnh hưởng quan trọng xét trên phương diện tư tưởng. Tuệ Trung Thượng sĩ chính là người thầy có công khai mở cho Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và được Đệ nhất Tổ hết sức coi trọng. Thượng sĩ hành trạng cho biết: “Sau khi nối đạo, những lúc lên đàn thuyết pháp, ta tự nghĩ có bốn điều ân nặng, sữa pháp khó đền, nên sai thợ vẽ bức chân dung của người (Tuệ Trung thượng sĩ) để dâng cúng”.

Như thế, có thể thấy vị trí của tư tưởng Thiền học Tuệ Trung không chỉ với Trần Nhân Tông mà toàn bộ Thiền phái Trúc Lâm.

Đối với sự tồn tại của nền Phật giáo nhất tông, người có vị trí quan trọng chính là Trần Nhân Tông. Ông không chỉ là một vị lãnh tụ của một dân tộc về mặt chính trị, mà còn là một vị Phật hoàng. Việc Phật hoàng trực tiếp tổ chức Giáo hội, lựa chọn người truyền thừa, xây dựng cơ sở cho Trúc Lâm Yên Tử, thuyết pháp trong dân gian, phá bỏ dâm từ… về phương diện tôn giáo đã tạo ra một Thiền phái lớn mạnh có sức ảnh hưởng lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc, nhưng mặt khác lại không thể phủ định những mục đích chính trị rõ rệt. Xây dựng một Thiền phái có tính chất Giáo hội nhằm vào bốn mục tiêu: Tự mình phân biệt với Thiền tông ở Trung Quốc biểu lộ tính độc lập dân tộc; Thay đổi một phần nội dung tiêu cực và thân ngoại quốc của các phái khác của Thiền tông; Vượt lên trên sự khác biệt của tất cả các tông phái Phật giáo cũng như các tín ngưỡng phi Phật giáo để thống nhất ý thức hệ [6].

Nhưng, dẫu cho việc thống nhất các tông phái và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm dưới triều Trần có những màu sắc chính trị, nhằm khẳng định sự thống nhất về tư tưởng thì đối với sự phát triển của Thiền học, đó vẫn là những sự kiện có ý nghĩa và là những thành tựu hết sức rõ rệt. Đặc điểm đó tạo nền tảng cho một sự phát triển chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng làm nổi bật lên đặc tính của Phật giáo thời Trần.

Vườn tháp Huệ Quang, nơi có Tháp Tổ lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng hơn 40 bảo tháp đặt dưới chân chùa Hoa Viên.

Vườn tháp Huệ Quang, nơi có Tháp Tổ lưu giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng hơn 40 bảo tháp đặt dưới chân chùa Hoa Viên.

Chú thích:

[1] Trần Ngọc Vương (2010), Thực thể Việt, Nxb Tri thức, tr.423.

[2] Ngô Sĩ Liên (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin, tr.269

[3] Sđd, tr.278.

[4] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam phật giáo sử luận (trọn bộ), Nxb Văn học, tr.136.

[5] Sđd, tr.205.

[6] Nguyễn Duy Hinh (1981), Tìm hiểu ý nghĩa xã hội của phái Trúc Lâm thời Trần, in trong Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb Khoa học xã hội, tr.649 – 650.

Tài liệu tham khảo:

1.Nhiều tác giả (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb Khoa học xã hội.

2.Nhiều tác giả (1988), Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng), Nxb Khoa học xã hội.

3.Nguyễn Lang (2011), Việt Nam phật giáo sử luận (trọn bộ), Nxb Văn học

4.Ngô Sĩ Liên (2011), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin.

5.Lê Tắc (2009), An Nam chí lược, Nxb Lao Động.

6.Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm (1968), Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII, Nxb Khoa học xã hội.

7.Trần Ngọc Vương (2010), Thực thể Việt, Nxb Tri thức.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm