Con chưa về được mẹ ơi
Đại dịch Covid 19 lại một lần nữa hoành hành trên đất nước ta. Mẹ ở nhà, lo lắng nhiều vô kể. Thương đứa con đi học xa nhà bơ vơ nơi đất khách. Sài Gòn giãn cách, mẹ gọi điện giục con về với mẹ.
Về đi con, về quê có mẹ có ba. Về nhà mình cho mẹ cha yên tâm nhìn con ngày ngày khỏe mạnh. Về đi, chờ khi hết dịch, con lại trở lại thành phố đi tiếp con đường chinh phục ước mơ.
Giãn cách. Lúc đầu chỉ lẻ tẻ một vài khu dân cư, nhưng dịch bùng phát ngày một nhanh. Những con số người nhiễm virut Sars covi 2 chưa có dấu hiệu giảm xuống, vài nghìn ca một ngày là điều mà trước đây chúng ta từng cho là không tưởng. Nhưng giờ đây, đó là sự thật. Rồi dần dần, chỉ thị giãn cách của chính phủ được áp dụng cho toàn thành phố. Người người ở nhà, nhà nhà đóng cửa. Im lặng. Mọi dấu hiệu của sự ồn ào, náo nhiệt, sôi động của một thành phố hoa lệ trước đây đã hoàn toàn biến mất. Thành phố lặng câm. Mẹ ở nhà, ngày ngày đọc, nghe tin về tình hình dịch bệnh cả nước và của riêng thành phố mà lòng thêm xa xót. Thương người dân cơ khổ, lao đao trong đại dịch; thương những cán bộ tuyến đầu ngày đêm giành giật với tử thần từng hơi thở bệnh nhân; thương cả những chiếc xe cấp cứu lao nhanh cùng với tiếng hú dài gấp gáp trong thênh thang đại lộ. Mẹ lo nhiều lắm, biết đến bao giờ thành phố khỏe lại đây?
Mẹ lại gọi điện bảo về đi con, về cùng với bao người trên chuyến bay của tỉnh nhà trong kế hoạch đón những người con xa quê trở về trong đại dịch. Họ về nương náu quê nghèo với niềm an ủi rau cháo nuôi nhau. Họ về tránh dịch? Quê nhà cũng dịch đấy thôi, tuy chưa nhiều nhưng cũng chưa có ngày nào không có thêm ca nhiễm mới. Nhưng những con người mưu sinh nơi đất khách vẫn mong muốn được trở về, được đặt chân lên đất mẹ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình với suy nghĩ rất giản đơn: Nếu chẳng may bị dương tính với Covid 19, nếu chẳng may không qua khỏi thì cũng coi như lá rụng về cội. Chỉ nghe vậy thôi mẹ đã khóc thật nhiều. Nước mắt của sự cảm thông, của niềm ta thán, từ đâu nên nỗi điêu linh?
Vu Lan của người chiến sĩ thầm lặng
Mỗi lần mẹ con trò chuyện qua điện thoại, mẹ đều nhắc con trở về. Vườn rau mẹ trồng vẫn luôn tươi tốt, đàn gà ba nuôi vẫn lớn hàng ngày. Dịch bệnh thế này con còn ở lại làm chi? Về bên mẹ ba cho vui ấm cửa nhà. Lời mẹ khi nỉ non, lúc dỗ dành khuyên nhủ. Mẹ sững sờ khi nghe con ngập ngừng nói nhỏ: Con không về được mẹ ơi! Nước mắt mẹ cứ rơi theo những lời con kể. Con và các bạn cùng phòng ở lại, xin vào đội tình nguyện tiếp tế lương thực cho những người dân ở khu phong tỏa, những khu công nhân cả trăm người, những con hẻm đã và đang cưu mang bao mảnh đời đến từ tứ xứ. Họ cũng ở đây, họ cũng không về được. Thành phố bệnh rồi, lẽ nào con bỏ mặc nơi đã dang rộng vòng tay đón mình ba năm về trước, lẽ nào con quay lưng với nơi mình đã gắn bó bấy lâu nay?!
Nếu về quê lúc này, con sẽ không cam lòng bởi cảm giác như mình đang trốn chạy. Con ở lại góp phần nhỏ bé của mình cùng anh em trong đội trao tay bịch rau xanh, chục trứng, vài kí gạo cho những người đang cần. Con cảm nhận được ánh mắt họ như bừng sáng, đôi môi họ mỉm cười sau lớp khẩu trang, họ nhẹ cúi đầu thay lời cảm ơn những tấm lòng nghĩa tình khi khốn khó. Bởi vậy, con chẳng thể bỏ lại thành phố để về. Cha mẹ hãy yên tâm, chúng con vẫn luôn thực hiện đúng 5K, không chút lơ là mọi lúc mọi nơi, sẽ luôn ăn nóng, uống sôi, súc rửa mũi họng hàng ngày. Lại thêm ba ngày một lần, chúng con đều thực hiện test nhanh Covid, nên sẽ không sao đâu, mẹ đừng lo lắng quá lại ốm o sinh bệnh.
Trong một lần test nhanh, kết quả cho dương tính, nghe thông báo mình đã bị nhiễm Covid 19 rồi mà chân tay con rụng rời. Con nhanh chóng được đưa đi cách ly, anh em trong đội tình nguyện cũng trở thành F1. Sáng mẹ gọi, trưa mẹ gọi, tối mẹ lại gọi. Con không dám bắt máy. Con không biết phải nói với mẹ làm sao, không biết có giữ được bình tĩnh khi nghe lời mẹ nói. Chắc chắn con sẽ khóc khi nhìn thấy những giọt nước mắt xót thương của mẹ. Con nhắn tin nói dối rằng mình đang bận. Vào khu cách ly rồi con mới thấy hoang mang thực sự. Ở đây nhiều người bệnh lắm mẹ ơi, họ đang từng giây từng phút chiến đấu với tử thần. Có những người bị bệnh nền, có những ông bà lớn tuổi sức khỏe yếu ra đi ngay trước mắt con. Xót xa vô cùng. Cuối cùng con cũng không thể giấu mẹ. Con cần một nơi dựa để niềm tin lớn mạnh, để có thể chiến thắng con Covid đáng ghét kia.
Mùa Vu lan an lành trong làn sóng dịch Covid-19
Sau phút bàng hoàng khi nghe con “thú thật”, mẹ không khóc mà trở nên bình tĩnh, khuyên con giữ niềm tin, sự lạc quan để nhanh khỏi bệnh. Đừng lo lắng, đừng nghĩ suy. Nhiệm vụ của con bây giờ là ăn, ngủ điều độ và thực hiện đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Hàng ngày mẹ vẫn đọc kinh, niệm Phật cầu bình an cho gia đình, cho hết thảy mọi chúng sinh. Những lúc rảnh mẹ đều nghe và nhẩm theo kinh Phật qua chiếc đài nhỏ. Bao nhiêu công đức tích góp được của mẹ kiếp này đều dành hết cho con. Con lặng nghe lời mẹ để lấy lại tinh thần, con sẽ nhanh khỏe lại thôi. Mẹ nói vậy và con cũng tin là vậy. Con phải nhanh khỏe lại để giảm bớt lo lắng, mệt nhọc cho y bác sĩ nữa, để ở quê nhà ba mẹ được yên tâm.
Mười lăm ngày. Ngày nào mẹ cũng gọi điện động viên con. Ngày nào mẹ cũng hỏi con đỡ hơn mấy phần? Rồi cũng đến ngày con nói được câu mình hằng mong mỏi “Con khỏi rồi”, con đã chiến thắng Covid rồi. Nhưng mẹ ơi, con chưa thể về được. Sau bao ngày được điều trị trong bệnh viện dã chiến, con chứng kiến mọi điều. Con thực sự đã trải qua để hiểu những khổ sở của bệnh nhân, những vất vả của y bác sĩ, những khó khăn trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh. Con thấy được cả những mất mát chia lìa âm dương cách biệt. Con xin lỗi vì chưa thưa ba mẹ trước đã tự ý quyết định ở lại bệnh viện để giúp những bệnh nhân yếu, không thể tự chăm sóc, lau rửa bản thân. Con viết đơn xin ở lại làm tình nguyện viên và đã được chấp thuận. Cha mẹ đừng giận con nhé và cũng đừng lo. Chỉ cần cha mẹ luôn khỏe mạnh, bình an là con như được tiếp thêm sức mạnh.
Ngày Vu Lan, con đã không thể về bên cha mẹ để quây quần bữa cơm gia đình, để cùng mẹ lên chùa nghe tiếng chuông ngân, nghe mùi nhang trầm bảng lảng. Mẹ yên tâm, sẽ sớm thôi, đất nước lại bình yên khi qua cơn đại dịch. Lúc đó, con sẽ lại về nhà mình, gối đầu vào lòng mẹ để thấy mình nhỏ lại. Cảm ơn mẹ cha thật nhiều vì đã ban cho con sự sống, đã luôn quan tâm, lo lắng cho con hơn chính bản thân mình. Cảm ơn cuộc đời đã đón nhận con bằng tất cả những khó khăn, vui buồn, đớn đau và hạnh phúc. Trong cơn đại dịch, con càng thấu hiểu hơn vật chất chẳng thể là mãi mãi, chỉ có tình người luôn lan tỏa và ngày càng thấm đượm hơn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đối diện với cái chết của người thân
Góc nhìn Phật tử 15:10 23/11/2024Nhìn thấy người thân qua đời cũng là lúc ta nhận ra sự vô thường và tạm bợ trong cuộc sống. Cái chết khiến ta hiểu rõ hơn về giá trị của từng giây phút sống và tình yêu thương xung quanh mình. Nó khơi dậy những suy tư về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và những ước mơ ta muốn thực hiện.
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Xem thêm