Phật thuyết pháp môn niệm Phật các vua cõi trời cũng đến nghe Phật thuyết pháp rồi y giáo phụng hành.
Các bạn đồng tu thân mến!
Nhiều người đến chùa từ bé mà cho đến giờ vẫn thắc mắc có phải chết là hết không? Nếu chết không phải là hết thì con người sẽ lại đi về đâu? Câu hỏi này rất hay, tôi xin trả lời bạn như sau đây.
Có phải chết là hết?
Các bạn có thấy quả cam, hay hạt lúa hay bất kì quả gì ở trên cây đó không? Khi quả hay hạt rụng xuống đất thì sẽ ra sao? Quả hay hạt sẽ tan hoại và hạt lại cắm vào đất chờ có duyên lành là nước và ánh nắng để rồi lại lên cây cam, cây lúa. Vậy nó già rụng nó đâu có chết mà lại thành một cây khác.
Con người ta khi già nua hay khi ốm đau, thân thể này tan hoại nhưng thần thức (người ta vẫn gọi là linh hồn) vẫn còn đó, nó lại bắt đầu một cuộc sống mới qua 6 ngả sau:
Nếu có phước, nó sinh vào ba đường:
1. Đầu thai làm một thân hình khác.
2. Được sinh lên cõi trời làm Tiên, Thánh.
3. Làm loài A-Tu-La.
Nếu khi sống làm việc ác thì đọa vào ba đường là:
4. Bị là loài Ngạ-quỷ (tức quỷ đói).
5. Làm loài Sức sinh (đầu thai làm loài thú vật).
6. Bị đọa trong Địa ngục.
Tất cả 6 đường này cứ tiếp diễn đi, tiếp diễn lại nên gọi đó là lục đạo luân hồi, còn nếu tu hành giữ giới thì thành:
* Với hàng tu Tiểu thừa thì quả vị cao nhất là: các bậc Thanh Văn là A Na Hàm, A La Hán; với bậc Duyên Giác (Tích Chi Phật).
* Với hàng tu Đại thừa thì thành Bồ tát, thành Phật.
Để các bạn dễ hiểu, dễ tự quán chiếu, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện các nhà sư vẫn kể cho nhau nghe để các bạn tự quán xét nhé.
Ngày xưa, ở trong một ngôi chùa cổ, có một vị sư già sinh sống cùng một số hòa thượng trẻ tuổi. Một hôm, có một thanh niên trẻ tuổi đi vào chùa với vẻ mặt u sầu, buồn bã. Vị sư già hỏi anh ta: “Phải chăng thí chủ đang có tâm tư gì buồn phiền?”
Người thanh niên trẻ tuổi nói: “Cha của con bị bệnh vừa qua đời. Con cảm thấy vô cùng đau khổ. Cha con là người tốt, vì sao mà không thể sống lâu hơn được chứ?”. Vị sư già ân cần nói: “Chẳng phải thí chủ vẫn thường đến đây nghe kinh sao?”. Người trẻ tuổi nói: “Đúng vậy! Mỗi lần thầy mở lớp giảng kinh, con đều đến nghe!”
“Nếu đã thế thì hẳn là thí chủ từng nghe ta giảng qua về “sinh, lão, bệnh, tử”, đạo lý nhân sinh vô thường (không ổn định, luôn thay đổi). Con người đến thế gian này, tuổi tác là có hạn!”.“Những điều thầy giảng con đều hiểu. Nhưng con vẫn cảm thấy cha con ra đi khi tuổi còn chưa phải là già”.
Vị sư già nói: “Độ dài ngắn của sinh mệnh, không phải lấy tuổi mà xác định được, mà là xem duyên của người ấy ở nhân gian được bao nhiêu thì sinh mệnh dài bấy nhiêu. Nếu hết duyên thì phải ra đi một phút một giây không thể ở lại, nếu con duyên thì dù già yếu như ngọn đèn leo lắt mà chẳng tắt”.
Người trẻ tuổi lại hỏi: “Thưa thầy! Thầy xem cha con ra đi, sẽ được lên thiên đường hay phải xuống địa ngục! Xin thầy hãy gia trì cầu nguyện cho cha con, giúp ông được vãng sinh đến thiên đường, nếu không con sẽ rất khổ sở, không thể an tâm”.
Vị sư già cảm thấy giờ phút này ông có nói cho người trẻ tuổi kia bao nhiêu đạo lý cũng là vô dụng, bởi vì phiền não đã chiếm hết tâm trí của anh ta rồi. “Người con vừa có hiếu lại có tâm như thí chủ đây thật là hiếm có. Ta nhất định sẽ gia trì cầu nguyện giúp cho cha của thí chủ, nhưng thành tựu hay không là nhờ vào phước báo của ông và sự hiếu thảo của thí chủ. Giờ về nhà, thí chủ phải làm đúng như lời ta dặn thì mới được”.
Người thanh niên trẻ tuổi vui vẻ đồng ý. Vị sư già bảo người thanh niên trẻ lấy hai chiếc nậm đến. Sau đó ông đổ đầy dầu vào một chiếc nậm và một chiếc nậm khác thì đựng đầy đá, rồi nói: “Được rồi! Giờ chúng ta cùng ra bờ sông, thí chủ hãy về gọi thêm một số người thân thích và họ hàng đến cùng”. Người thanh niên trẻ tuổi mừng rỡ, lập tức về gọi hàng xóm và người thân ra bờ sông. Vị sư già mang hai chiếc nậm thả xuống dòng sông, sau đó lại đập vỡ hai chiếc nậm ấy.
Sau khi bị đập vỡ, chiếc nậm đựng đá liền vỡ ra thành từng mảnh và cùng với đá chìm xuống đáy biển. Chiếc nậm đựng dầu sau khi vỡ ra thì những mảnh vỡ chìm xuống biển, còn dầu lại nổi lên trên mặt nước. Vị sư già nói với mọi người: “Bây giờ chúng ta cùng thành tâm cầu nguyện cho những viên đá kia nổi lên trên và dầu chìm xuống dưới nước”.
Lời vừa dứt, mọi người ai nấy nhìn nhau vừa khó hiểu vừa buồn cười. Bởi vì họ biết rằng, cho dù có cầu nguyện đến bao giờ đi nữa thì đá cũng không thể nổi lên trên mặt nước và dầu chìm xuống dưới được.
Giữa lúc mọi người đang bàn luận sôi nổi, vị sư già mỉm cười nói: “Làm việc thiện giống như thả dầu trên mặt nước hồ, làm việc ác giống như ném đá xuống hồ vậy. Khi sinh mệnh kết thúc, thiện nghiệp sẽ thăng lên mà đi, ác nghiệp sẽ chìm xuống đáy. Đây là đạo lý không thể thay đổi. Nếu con thụ trì Kinh Niệm Phật Ba La Mật, con sẽ thấu rõ điều này qua lời Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy.
Hãy tụng kinh này và cha thí chủ còn trong giai đoạn rất quan trọng của 49 ngày, thí chủ hãy giữ gìn chay giới, không được sát sinh, thực hành phóng sinh thú vật, in kinh, đúc tượng Phật, cúng dường tịnh tài hay công sức để xây pháp dường, hoằng dương Phật pháp làm lợi ích cho mọi người rồi đem tất cả công đức đó mà hồi hướng cho ông. Nếu làm được như thế, như Phật dạy trong Kinh Địa Tạng chắc chắn cha thí chủ không bị đọa vào ba đường ác mà kém nhất cũng được tái sinh làm người trong nhà quyền quí, giàu có; hoặc phước hơn là được sinh lên cõi Trời nhập vào hàng Tiên, Thánh.
Nếu trong đời ông đã quy y Tam Bảo, trì danh niệm Phật A Di Đà thì sẽ được Phật đến tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc, sinh trên sen báu mà tu hành thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật con nhé! Người thanh niên nghe lời thầy nói hoan hỉ hứa về nhà sẽ y giáo phụng hành lời thầy đã chỉ bảo.
Các bạn đồng tu thân mến!
Con người ai cũng có nghiệp riêng của mình đã tạo ra khi còn sống và sẽ theo nghiệp đó mà đi. Con người chỉ có thể thay đổi vận mệnh nghiệp của mình thông qua những việc làm công đức như in ấn kinh điển, tu bổ chùa chiền, xây cất pháp đường cho người khác đến học tập giáo lý kinh điển để tu hành cầu giải thoát. Những việc làm đó là đầy trí tuệ, nó như dầu được tích chứa trong nậm sành, để khi nếu có vỡ thì bình nậm vỡ, bị hủy hoại mà dầu vẫn cứ nổi trên nước.
Làm việc công đức tốt chính là tạo ra phước báo để khi mãn báo thân, thân này có mất thì thần thức được về cảnh giới lành dù thân tứ đại sẽ bị hủy hoại. Nhưng chúng ta nên nhớ là khi về cảnh giới chư thiên hưởng phước báo, nhưng khi phước báo hưởng hết lại phải chịu đầu thai cõi nhân gian, lại phải chịu sinh tử luân hồi như thường. Vì thế, phải biết kết hợp việc làm công đức với việc tu hành, trì danh niệm Phật để cầu pháp xuất thế gian mà về với Phật A Di Đà, tu hành mau thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật mới là pháp rốt ráo.
|
Hồn lìa khỏi xác xuất hiện khi con người rơi vào trạng thái thái cận tử nghiệp. |
Nếu bạn làm việc công đức, lại tinh tấn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc, thì khi mạng chung Phật A Di Đà cùng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát cùng hàng Thánh chúng đến tiếp dẫn bạn về Tây Phương Cực Lạc, sinh trên sen báu, tu hành một đời thành Bồ Tát, thành Phật. Như thế người tu Tịnh độ khi mạng chung là họ sống mà đi, chứ không phải chết mà ra ngoài đồng nằm dưới hai mét vuông đất như người không tu hành.
Để chứng minh điều này với các bạn, tôi xin trích dẫn một đoạn trong phẩm Duyên Khởi của Kinh Niệm Phật Ba La Mật mà Cư sĩ Diệu Nguyệt đã thay chúng ta hỏi Phật về những vấn đề trên đây như sau, để các bạn tự đối chiếu nhé.
Kinh Niệm Phật Ba La Mật, Phẩm Duyên Khởi
Chính tôi được nghe như thế này: Một thuở nọ, đức Phật kiết hạ tại núi Kỳ Xà Quật, gần thành Vương Xá với chúng đại Tỳ kheo một muôn hai nghìn người. Đó là các vị trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, La Hầu La, Phú Lâu Na, A Nan, A Nan Đà, Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Gia Du Đà La v.v...
Lại có tám muôn vị Đại Bồ Tát ở khắp mười phương cùng đến tham dự. Đó là các ngài: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát, Diệu Âm Bồ Tát, Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Bồ Tát, Đà La Ni Tự Tại Công Đức Lâm Bồ Tát, Trang Nghiêm Vương Bồ Tát... Tất cả đều có năng lực thâm nhập vô lượng tam muội môn, tổng trì môn, giải thoát môn, đã chứng pháp thân, đắc ngũ nhãn, biện tài vô ngại, thần thông du hý, biến hiện đủ loại thân tướng khắp các quốc độ để cứu vớt chúng sinh.
Lại có vô lượng Đại Phạm Thiên Vương, Tự Tại Thiên Vương, Đế Thích Thiên Vương, Đâu Suất Thiên Vương, Đao Lợi Thiên Vương cùng vô số quyến thuộc dự hội.
Lại có Long Vương: Khẩn Na La Vương, Càn Thát Bà Vương, A Tu La Vương, Ca Lâu La Vương... cùng vô số quyến thuộc câu hội.
Lại có quốc mẫu Vi Đề Hy hoàng thái hậu và vua A Xà Thế cùng hoàng tộc, quần thần câu hội.
Lại có hơn năm trăm vị Trưởng giả Cư sĩ của thành Vương Xá cùng vô số quyến thuộc câu hội. Tất cả đại chúng đều cung kính cúi lạy dưới chân Phật, rồi lui ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, trong hàng Ưu bà tắc có một vị trưởng giả tên là Diệu Nguyệt, trú ngụ tại thành Vương Xá, từng quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới cấm, cùng đến dự pháp hội. Vị trưởng giả này từ vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp quá khứ từng gần gũi thừa sự cúng dường vô lượng vô biên muôn ức hằng hà sa đức Phật, y theo chánh pháp mà tu hành. Hiện tại làm thân cư sĩ, vợ con đông nhiều, nhà cửa nguy nga, kho đụn đầy rẫy.
Tuy ở giữa cảnh ràng buộc mà vẫn trưởng dưỡng tâm trí giải thoát. Tuy hưởng dụng ngũ dục thế gian, nhưng vẫn hoài bão đại nguyện độ sinh của chư đại Bồ tát.
Tuy ở trong chốn bùn lầy dơ bẩn mà vẫn sẵn sàng xả ly thân mạng tài sản, quyến thuộc để gieo trồng hạt giống Bồ đề. Tuy ở trong căn nhà lửa chập chùng hiểm nạn mà vẫn thực hành tuệ giác vô lậu, hết lòng thương tưởng chúng sinh như con một, thể hiện pháp thí oán thân bình đẳng.
Trưởng giả Diệu Nguyệt từ trong đại chúng bước ra, đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng, rồi đến trước Như Lai, chắp tay quỳ xuống, gối bên hữu chấm sát đất, cung kính bạch với đức Phật rằng: - Hi hữu Thế Tôn! Hi hữu Thế Tôn! Được làm thân người là khó, như con rùa gặp bộng cây nổi, nhưng được gặp Phật ra đời còn khó gấp muôn phần. Gặp Phật ra đời đã khó, nhưng được nghe chánh pháp lại còn khó gấp muôn phần. Được nghe chánh pháp đã khó, nhưng làm thế nào để nương theo giáo nghĩa (1) tu tập lại còn khó gấp vô lượng phần.
Bởi vì sao? Theo chỗ con xét nghĩ thì trong tám muôn bốn ngàn pháp màu mà Như Lai đã chỉ dạy, nhằm đưa hết thảy chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, phải có một pháp màu cứu vớt những hạng chúng sinh tội khổ, mê đắm, xấu ác. Hôm nay, con phụng vì hết thảy chúng sinh tội khổ nơi thời mạt pháp, cũng như phụng vì các bậc trưởng giả, cư sĩ, Bà la môn, Sát đế lợi, Thủ đà la (2) tại thành Vương Xá này mà khẩn cầu đức Thế Tôn rủ lòng thương xót ban cho chúng con một cách thức tu hành thật dễ dàng để giải thoát, một con đường thật vắn tắt để hoàn thành Phật trí.
Như đức Thế Tôn từng chỉ dạy, đời mạt pháp các chúng sinh trong cõi Diêm Phù Ðề cang cường, ngỗ nghịch, tâm tạp, nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục, không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính sư trưởng, không thực lòng quy y Tam Bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi chuyện tệ ác, phỉ báng thánh nhân v.v...
Cho nên con suy ngẫm như thế này: phải có một môn tu thật giản đơn, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để tất cả những chúng sinh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân chuyển sinh tử khắp ba cõi, được thọ dụng pháp lạc, sớm bước lên địa vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Vì sao như vậy? Sau khi Như Lai diệt độ khoảng 1000 năm trở đi, đó là thời kỳ chánh pháp cuối cùng, các kinh điển dần dần ẩn mất, chúng sinh căn cơ hạ liệt, ám độn, ngã chấp sâu dày, tâm tưởng thô trệ, tà kiến lan tràn, say sưa làm các nghiệp ác để tự vui. Do đó tự nhiên chiêu cảm động đất, đói kém, tật dịch, binh đao, bão lụt, mất mùa, gió bão, thời tiết viêm nhiệt bức não. Thánh nhân lại không xuất hiện. Tuổi thọ giảm dần. Nếu ai phát khởi tâm chí tu hành cũng không thể tu tập các môn Giới luật, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát vô lậu. Không thể tu tập Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Ðạo, Tứ Chánh Cần.
Không thể tu tập Tứ Vô Lượng Tâm, không thể tu tập sáu Ba La Mật, hoặc là Bố Thí Ba La Mật, nhẫn đến Trí Huệ Ba La Mật. Không thể tu tập bằng các phương tiện của Quán Trí để ngộ nhập Phật tri kiến. Không thể chứng đắc Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Không thể chứng nhập Sơ Thiền nhẫn đến Tứ Thiền. Không thể chứng nhập Niết Bàn diệu tâm. Không thể vào sâu vô lượng tam muội, thần thông du hí của chư Bồ tát, nhẫn đến không thể thâm nhập cảnh giới thù thắng trang nghiêm của chư Phật, hoặc rải cỏ nơi đạo tràng, đánh rền trống pháp hàng phục ma quân.
Vì lý do như vậy mà đệ tử chúng con xét nghĩ nên phát khởi Vô Thượng Bồ Ðề Tâm. Con khẩn cầu đức Thế Tôn chỉ dạy giáo pháp nhiệm mầu, mong lợi lạc hết thảy tội khổ chúng sinh ở thời kỳ cuối cùng của chánh pháp.
Trưởng giả Diệu Nguyệt vừa dứt lời thưa thỉnh thì bỗng đại địa chấn động mãnh liệt. Khắp hư không, hoa Mạn đà la, hoa Ma ha mạn đà la, hoa Mạn thù sa, hoa Ma ha mạn thù sa tuôn rắc như mưa. Từ phương Tây, xuất hiện vô lượng vô số hằng hà sa đám mây ngũ sắc, mây chiên đàn hương, mây y phục cõi trời, mây âm nhạc cõi trời, mây hoa sen báu trắng bạch v.v... Trong những đám mây ấy phát ra tiếng sấm lớn, đồng một lúc chầm chậm bay về, nhóm lại phía trên đỉnh núi Kỳ Xà Quật. Tất cả đại chúng đều vui mừng, hớn hở, tự biết ấy là điềm lành chưa từng có.
Bấy giờ, quốc mẫu Vi Đề Hy hoàng thái hậu từ trong đại chúng, bước ra trước Phật đảnh lễ xong, bèn chắp tay thưa:
- Bạch đức Thế Tôn, vì duyên cớ gì mà hiện điềm lành này?
Liền khi ấy, đức Như Lai từ nơi tướng lông trắng chặng giữa chân mày phóng ra hào quang chiếu khắp vô lượng vô biên vi trần số thế giới mười phương mà nói lời này:
- Lành thay! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nay Ta vì lời thưa thỉnh của Ưu bà tắc Diệu Nguyệt và của Ưu bà di Vi Đề Hy, lại nương theo bản nguyện của vô lượng vô số bất khả thuyết chư Phật mà tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi diệu tối thắng đệ nhất nhằm cứu độ hết thảy chúng sinh ở trong thời kỳ Phật pháp cuối cùng.
Giáo nghĩa này, chư Phật quá khứ đã nói, chư Phật hiện tại đang nói và chư Phật vị lai sẽ nói. Tất cả chúng sinh đời mạt pháp sẽ nương nơi giáo nghĩa này mà được giải thoát rốt ráo, mãi mãi xa lìa các đường ác, hiện đời an ổn, sau khi mạng chung được sinh về cõi Phật, chứng ngôi vị Bất Thối, dần dần tu tập cho đến khi đắc A nậu Đa la Tam miệu tam Bồ Đề.
Này Cư sĩ Diệu Nguyệt, hãy chăm chú lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói: Diệu Nguyệt! Tất cả các loại chúng sinh chết ở nơi đây, rồi sinh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng.
Chúng sinh nào sống thuần bằng tư tưởng (3) thì bay lên hóa sinh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng lại gồm cả phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sinh về Tịnh độ.
Chúng sinh nào tình ít, tưởng nhiều thì vào hàng phi tiên (4), bay đi nhẹ nhàng nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng. Chúng sinh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sinh vào cõi người (5). Bởi vì sao như vậy? Bởi tưởng là thông sáng, tình là mê tối. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không bay lên và cũng không đi xuống. Chúng sinh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào bàng sinh (6), nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy.
Chúng sinh nào có bảy phần tình và ba phần tưởng sẽ bị đọa làm thân ngạ quỷ (7), thường chịu nóng bức, đói khát trải qua trăm ngàn kiếp dài lâu. Chúng sinh nào có chín phần tình và một phần tưởng thì sẽ đọa vào địa ngục. Nhẹ thì vào nơi địa ngục hữu gián, nặng thì sẽ đọa vào ngục Đại A Tỳ (8).
Nếu ngoài cái tâm thuần tình ấy còn kiêm thêm các trọng tội như hủy giới cấm của Phật, khinh báng Đại Thừa, thuyết pháp sai lầm, đắm tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính và phạm vào thập ác, ngũ nghịch thì sẽ chiêu cảm quả báo luân chuyển sinh về các ngục Vô Gián (9) ở khắp mười phương.
Này Diệu Nguyệt cư sĩ! Trong thời kỳ chánh Pháp diệt tận, chúng sinh nơi cõi Diêm Phù Ðề tình nhiều tưởng ít, tâm địa bỏn sẻn, tham lam ghét ganh, các căn lành phước báo kém cỏi. Lúc sinh tiền thọ nhận đủ loại nghiệp dữ, sau khi mạng chung sẽ chịu các quả báo đau khổ trong ba nẻo ác dữ với hạn kỳ lâu dài.
Vì thế mà chư Phật khắp mười phương xót thương vô cùng, luôn luôn tìm cách cứu trừ khổ não cho các hạng chúng sinh kia. Các đức Như Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chính là không chỉ tuyên dương diệu pháp bí ảo sâu xa cho những bậc thánh giả, hiền nhân mà mục tiêu khẩn thiết nhất vẫn là nhằm cứu vớt các loại chúng sinh tội khổ, nặng về tình, nhẹ về tưởng.
Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sinh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sinh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sinh khởi chẳng rời sát na tâm sinh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát na tâm sinh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sinh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp Niệm Phật.
Diệu Nguyệt cư sĩ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được 10 niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng tam muội (10) của đức A Di Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh độ Tây Phương; vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sinh tử luân hồi. Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ lúc ấy nhẫn đến về sau vượt qua Thập Ðịa, chứng Vô Thượng-Giác (11).
Diệu Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất (12) mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sinh. Đây thật là môn tu thích đáng, khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết Bàn tại thế, thành Phật trong một đời (13). Đây là môn tu đại oai lực, đại phước đức mà chư Phật giúp chúng sinh vượt thắng thân phàm phu mà thâm nhập cảnh giới chân thường (14).
Đây là môn tu đại Bát Nhã (15), đại Thiền Ðịnh (16) mà chư Phật dùng làm thuyền bè đưa hết thảy chúng sinh qua thấu bờ bên kia, không còn sinh già bệnh chết, hoàn toàn hưởng dụng pháp lạc.
Đây là môn tu đại trang nghiêm, đại thanh tịnh mà chư Phật dùng để đưa hết thảy chúng sinh vào giới luật, nhiếp chúng sinh vào oai nghi, an ổn khoái lạc (17).
Đây là một môn tu đại nhu hòa, đại nhẫn nhục mà chư Phật giúp hết thảy chúng sinh tự tại giữa khổ và vô thường mà thành tựu Tri Kiến Phật (18). Đây là môn tu đại Bồ Ðề, đại siêu việt mà chư Phật dùng làm cứu cánh để giúp hết thảy chúng sinh thành Phật như Phật ngay trong một kiếp (19).
Đây là môn tu đại từ bi, đại dũng mãnh mà chư Phật dùng để giúp chúng sinh có được cái tâm bằng tâm chư Phật, có được cái nguyện bằng nguyện chư Phật, mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng pháp thân từng phần (20).
Lại nữa, trong quá khứ vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nhẫn lại đến nay, chư Phật cũng chỉ dùng một pháp Niệm Phật này để độ khắp chúng sinh. Trong hiện tại cũng có vô lượng vô biên hằng hà sa chư Phật ở mười phương cũng đang thuyết giảng giáo nghĩa Niệm Phật này để rộng cứu vớt chúng sinh.
Trong đời vị lai, tất cả chư Phật nếu muốn cứu vớt hết mọi chúng sinh thì cũng phải do nơi pháp Niệm Phật này. Do đó mà Như Lai bảo rằng Niệm Phật là vua của tất cả các Pháp (21).
Này Diệu Nguyệt cư sĩ, hãy một lòng tin nhận lời dạy của Như Lai. Hãy ghi nhớ kỹ lời dạy của Như Lai. Hãy thực hành theo lời dạy của Như Lai, và hãy chứng đắc pháp nhẫn tối tôn, tối diệu, đệ nhất này mà Như Lai đã ban cho(22).
Vì sao vậy? Vì pháp của Như Lai là chân thật, là giải thoát, là an vui, là thuận theo sở cầu, sở nguyện của mọi chúng sinh. Vì pháp của Như Lai là vắng lặng, không dính mắc, vô cấu nhiễm, thuận theo tình và tưởng của chúng sinh mà vẫn giúp chúng sinh thành tựu địa vị Phật Đà, không bị hư hoại, cho nên chẳng cần phải chán ghét lìa bỏ thế gian, ở trong chỗ ràng buộc mà tâm vẫn tự tại, thọ dụng pháp lạc; và sau khi lâm chung được sinh về cõi Phật A Di Đà (23).
Ảnh Pháp sư Cư sĩ Quảng Tịnh dự lễ An vị tượng Phật A Di Đà ở chùa An Phúc, Thủy Nguyên Hải Phòng tháng 6 năm 2016.
Các bạn đồng tu thân mến!
Tôi chúc các bạn vừa làm việc công đức, lại tinh tấn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thì khi mạng chung Phật A Di Đà cùng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát cùng hàng Thánh Chúng đến tiếp dẫn bạn, kẻ trước người sau đều được về Tây Phương Cực Lạc sinh trên sen báu, tu hành một đời thành Bồ tát, thành Phật.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, thùy từ chúng giám.
Ngày 04 tháng 05 năm 2017.
Chú giải: Phẩm thứ nhất Duyên Khởi, Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
1. Được nghe chánh pháp đã khó, nhưng làm thế nào để nương theo giáo nghĩa tu tập lại còn khó gấp vô lượng phần:
Ở đây ngài Diệu Nguyệt nhắc lại lời dạy của Phật, trì tụng kinh là phải đi sâu vào từng câu, từng chữ, từng dòng, đọc thật rõ ràng để tâm thâm nhập vào ý nghĩa của kinh, lời nói của Phật, chứ không phải tất cả đọc như con vẹt rồi không hiểu đoạn kinh Phật nói cái gì. Làm như vậy thì tu cả đời cũng chẳng thành tựu, vì tụng như vậy như nước đổ tầu lá khoai, tu từ trẻ đến già cũng không hiểu kinh điển.
Đức Phật rất phê phán kiểu tụng kinh đại khái này và khuyến thỉnh mọi người phải tụng kinh từ tốn, có thể một người tụng đọc, người khác lắng nghe theo dõi rồi thâm nhập. Sau mỗi buổi tụng kinh là đàm luận Phật pháp để đoạn kinh văn đó ý nghĩa ra sao? Phật nói gì và áp dụng ra sao trong đời sống hàng ngày. Đó mới đúng với ý nghĩa trì tụng kinh, còn đọc ào ào là đọc không phải trì. Đọc như đọc truyện vậy, tu hành đây không phải là đọc kinh kiểu đọc truyện, đây không phải là phương pháp tụng kinh.
Khi xưa các vị chân tu thường thích tụng kinh một mình, không thích tụng đông người, tụng xong họ ghi lại những gì mình hiểu và điều chưa hiểu để hỏi Phật hay các bậc thiện tri thức giảng giải cho mình. Cách tu này rất hiệu quả nên thời đó nhiều người chứng đắc.
Nhưng nếu các vị sư, tăng, ni, hay phật tử nào hàng năm vào học hạ, đã được nghe các vị Bồ tát, các vị Pháp sư, Thiện tri thức giảng thấu đáo kinh này rồi thì mọi người như thế có thể cùng nhau đồng tụng bình thường.
2. Bậc trưởng giả, cư sĩ, Bà la môn, Sát đế lợi, Thủ đà la:
Ở Ấn Độ chia theo tầng giai cấp như sau:
- Sát đế lợi: là tầng lớp vua chúa, quý tộc, hoàng tộc.
- Bà la môn: là hàng tu sỹ, các vị thầy làm việc thờ cúng.
- Trưởng giả: là hàng thương nhân giàu có, có thế lực.
- Thủ đà la: là giai cấp lao động như nông dân.
Cư sĩ là người tu hành tại gia. Hàng này giữ giới mà học thâm sâu kinh điển, hoằng dương Phật pháp thì gọi là Pháp sư Cư sĩ, còn xuất gia thì gọi là Hòa thượng.
3. Chúng sinh nào sống thuần bằng tư tưởng thì bay lên hóa sinh nơi các cõi Trời:
Sống bằng tư tưởng: Ở đây tức là Phật chỉ những người sống có trí tuệ, tu hành pháp xuất thế gian, cầu thân báo chứ không chỉ nghĩ cầu phước báo, luôn biết quan sát bản chất của các pháp, của các sự vật, sự việc một cách bản chất, đúng với chân lý của nó, biết áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và vào việc tu hành, để thoát ly sinh tử luân hồi, độ mình và mong muốn hóa độ chúng sinh.
Nếu trong sự thuần tưởng lại gồm cả phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sinh về Tịnh độ: Đây là chỉ những người có trí tuệ, có chí tu hành xuất thế gian nhưng lại biết làm các công đức lành, tạo phước báo cho mình như in ấn kinh, xây chùa, dựng tháp, cứu giúp người nghèo khó v.v...
Tịnh nguyện: là nguyện vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, để mau chóng thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật, lại phát nguyện về mười phương thế giới để hóa độ chúng sinh, đem những gì mình đã tu được làm lợi ích cho chúng hữu tình.
4. Chúng sinh nào tình ít, tưởng nhiều thì vào hàng phi tiên, bay đi nhẹ nhàng nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng:
Phi tiên: trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói: "Thuần là Tưởng thì sinh từ cõi Đao Lợi trở lên, có tịnh nguyện thì sinh cõi Tịnh Độ. Chín phần Tưởng thì làm Phi Tiên; tám phần Tưởng thì làm Đại Lực Quỷ Vương. Bảy phần Tưởng thì làm Phi Hành Dạ Xoa. Sáu phần Tưởng làm Địa Hành La Sát. Bởi vì Tưởng trội vượt nên chỗ đi không ngăn ngại vậy".
Kinh Phật nói hàng Phi tiên là hàng A Tu la, là các vị thần, Thánh trên trời, họ có phước như trời mà đức kém trời thường bay đi khắp nơi, thường hộ trì Phật pháp, làm công đức nhưng tính tình hung hăng nóng giận. Loài này cũng có nhiều hạng, loài nào phúc báo nhiều thì thường sinh lên cõi trời, bay lại tự tại, loài ít phước thì sống dưới đất làm các vị Thổ thần, Thổ địa, thần sông, thần núi, thần cây v.v... loại kém nữa thì làm quỷ sống trên cây, hay hang hốc. Người khi sống kể cả có tu phước, nhưng ít tu huệ, tính tình thường hay nóng giận nhiều thì khi lâm chung thường sẽ sinh vào loài này.
Vì vậy trợ duyên cho người sắp lâm chung, lúc cận tử nghiệp, nhất quyết không để những người vốn khi sống hay làm cho người nằm đó giận dữ, buồn rầu thì nhất quyết không cho vào kể cả là người thân như con cái, anh em, thậm chí cả vợ hay chồng, khi sống thường chống trái nhau, thậm chí thù oán nhau thì không nên gặp mặt. Vì sao? Vì khi gặp lúc sắp lâm chung, người nằm đó đáng lẽ được sinh vào cảnh giới lành hay được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ, nhưng vì sân hận trỗi lên là dễ đọa vào cảnh giới này.
5. Chúng sinh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sinh vào cõi người:
Đây là chỉ những người mà trong kinh gọi là tạo tội thường thường, những người thực hành năm giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối. Giữ được năm giới này không dễ, cho nên Phật nói được làm thân người là khó, khi sống mà không tu tâm, dưỡng tính, không thực hành giới luật, trì danh niệm Phật cầu vãng sinh thì được sinh lại làm người là như không tưởng, sẽ tùy nghiệp gây ra mà bị dẫn vào các cảnh giới đang nói ở đây.
6. Chúng sinh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào bàng sinh, nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy:
Bàng sinh là loài sinh ra từ trứng như gà, vịt, cá sấu, rắn, rồng v.v… Trong loại này thì loại sống tưởng nhiều thì bay lên như các loài rồng, chim muông, loài nặng làm thú chạy như cá sấu, thằn lằn, ba ba, rùa v.v... và sau đó là lợn, gà, chó, mèo, chuột, rắn v.v... là các loài thú: Những người sống không có trí tuệ, không thụ trì kinh điển, không giữ giới, sống buông thả, hay tà dâm thường sinh vào loài này.
7. Chúng sinh nào có bảy phần tình và ba phần tưởng sẽ bị đọa làm thân ngạ quỷ, thường chịu nóng bức, đói khát trải qua trăm ngàn kiếp dài lâu:
Ngạ quỷ: còn gọi là loài quỷ đói. Như trong kinh mô tả loài này đầu to, bụng ỏng, chân tay như que sậy, cái cổ nhỏ như cây đũa. Vì thế, ăn mà thức ăn không xuống được dạ dày nên thấy đói khát suốt ngày. Những người sống keo kiệt bủn xẻn, tiền của nhiều, đồ ăn thức uống ăn không hết mà không nỡ đem bố thí người nghèo sau khi mạng chung thường sinh làm loài này.
8. Chúng sinh nào có chín phần tình và một phần tưởng thì sẽ đọa vào địa ngục. Nhẹ thì vào nơi địa ngục hữu gián, nặng thì sẽ đọa vào ngục Đại A Tỳ:
Địa ngục: hay gọi là âm ty, Âm phủ, địa phủ… những người khi sống không tu hành thiện, không tu Phật đạo thì khi lâm chung sau 49 ngày trước tiên phải xuống địa ngục chịu sự phán xét của Diêm Vương. Địa ngục có 18 tầng, tùy theo tội nặng hay nhẹ mà đọa vào các ngục này.
Địa ngục hữu gián: Là địa ngục mà ở đó phạm nhân cũng bị giam cầm, tra khảo nhưng có gián đoạn, lúc hành lúc nghỉ, gián đoạn nên nói là Hữu gián (có gián đoạn). Đây dành cho kẻ phạm tội nhẹ.
9. Nếu ngoài cái tâm thuần tình ấy còn kiêm thêm các trọng tội như hủy giới cấm của Phật, khinh báng Đại Thừa, thuyết pháp sai lầm, đắm tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính và phạm vào thập ác, ngũ nghịch thì sẽ chiêu cảm quả báo luân chuyển sinh về các ngục Vô Gián ở khắp mười phương:
Địa ngục Đại A Tỳ: hay còn gọi là địa ngục Vô gián. Nơi đây giam cầm những người khi ở nhân gian phạm các tội nặng như giết người, giết cha mẹ, hại sư trưởng, giết A La Hán, làm thân Phật chảy máu, phỉ báng kinh điển, gây mất đoàn kết làm chia rẽ tăng đoàn v.v... Phạm nhân bị giam nhưng chân tay luôn bị trói buộc, bị tra tấn không gián đoạn. Nơi ngục cuối cùng sâu nhất, ánh sáng mặt trăng, mặt trời không chiếu tới này là địa ngục Đại A Tỳ.
10. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc.
Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng tam muội của đức A Di Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh độ Tây Phương; vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sinh tử luân hồi và nếu có hạnh nguyện mà sinh về nhân gian hay đi khắp mười phương hóa độ chúng sinh, dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, phiền não, ô trược vẫn không bị suy sụp đạo hạnh mình đã chứng.
Trái lại, vì có tâm Đại thừa, phát khởi lòng đại từ bi cứu độ chúng sinh thì đạo hạnh lại ngày càng tăng trưởng cao hơn lên. Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển hay trong kinh nói đó là hàng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Phổ Đẳng Tam Muội: Trong kinh này, việc hành giả được thấy Phật trong khi nhập định chính là đại nguyện thứ bốn mươi lăm của Phật A Di Ðà: “Trong Định cúng Phật”.
Lời nguyện như sau: “Các chúng Bồ Tát trong các cõi Phật mười phương nghe danh hiệu của Ta rồi đều đạt được Phổ Ðẳng tam muội thanh tịnh, giải thoát, các tổng trì sâu, trụ Tam ma địa; cho đến khi thành Phật, trong Định thường cúng vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, chẳng mất Định ý”.
Sách Bình Giải giảng: “Phổ Ðẳng tam muội là thâm định môn. Tam muội này do trí nguyện của Phật A Di Ðà tạo thành, rất sâu không bờ đáy, nên gọi là thâm Thiền Định, đều thấy trọn khắp".
Các vị Bồ Tát, các phật tử ngày ngày công phu niệm danh hiệu Phật, thực hành liên tục không gián đoạn sáu chữ Hồng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật một lòng cầu nguyện vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, thường cúng dường Tam Bảo, cúng dường các chư vị Phật nên đều đắc Phổ Ðẳng tam muội v.v… Người đắc Phổ Đẳng Tam muội được các chư vị Phật gia trì: trong Định cúng dường vô lượng chư Phật. Do đến mười phương cõi Phật để cúng dường Phật, nhất định thấy Phật, nên nói là “đều thấy vô lượng chư Phật”.
Phật Thích Ca dạy: "Bồ Tát nơi cõi nước thế gian này niệm Nam mô A Di Ðà Phật. Do chuyên niệm nên được thấy. Liền hỏi:
- Trì pháp gì thì được sinh sang cõi ấy?
Đức A Di Ðà Phật bảo rằng:
- Muốn sinh về đó thì hãy thường niệm danh hiệu Ta”.
Do vậy, niệm Phật tam muội được gọi là Bảo Vương Tam muội. Vì thế, môn Thiền Ðịnh thậm thâm thấy được chư Phật đều hoàn toàn quy trọn về Niệm Phật tam muội. Cho nên nói, công đức trì danh niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn, Nhất Thừa nguyện hải chẳng thể nghĩ bàn. “Trong khoảng một niệm, qua khắp hết thảy cõi Phật”.
Một niệm chỉ cho khoảng thời gian thật ngắn ngủi, còn như trong một sát na hay một niệm mà có thể qua khắp các cõi Phật thì chính là nguyện thứ 11 của Phật A Di Ðà: “Trong khoảng một niệm, chẳng thể vượt qua ức na do tha trăm ngàn cõi Phật, đi giáp khắp tất cả các chốn cúng dường chư Phật thì chẳng lấy Chánh Giác”.
Do bởi niệm Phật được sinh Cực Lạc, liền có thể nương vào sức gia bị phát xuất từ nguyện thứ 11 trong Nhất Thừa nguyện hải của A Di Ðà Như Lai mà xuất hiện thần thông diệu dụng chẳng thể nghĩ bàn như vậy, trong khoảng một niệm qua khắp các cõi Phật. Ðó chẳng phải là điều mà hàng Nhị Thừa có thể thấu hiểu được nổi.
Nói tóm lại: Phổ Đẳng Tam Muội là sự gia trì của Phật mà hành giả khi đã thực hành công phu niệm Phật đạt được qua Tín - Hạnh - Nguyện ngày đêm trì niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật mà cảm ứng đạo giao với Phật A Di Đà mà được vào trong Tam muội này, lập tức mà được tiếp dẫn về với Phật, về Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà như con lại về với mẹ, như ta lại về căn nhà mình vẫn hằng nguyện ước.
11. Quả vị Bất Thối Chuyển:
Bất chữ Hán nghĩa là không. Thối là thối chí, bỏ cuộc. Bất Thối chuyển tức là khi chứng quả vị này thì tâm không thối chuyển, mọi thứ phiền não không làm suy sụp đạo hạnh, như sen kia sinh trong bùn nhơ mà không nhiễm ô, vẫn tinh khiết tỏa hương. Người chứng quả vị này cũng vậy, dù có nguyện sinh về nhân gian hoá độ chúng sinh, sống giữa bụi trần mà không nhiễm, đã vậy vì lòng từ bi lớn, phát tâm Đại thừa giáo hóa lợi ích chúng sinh nên đạo hạnh càng cao. Những người như vậy kinh Phật gọi là Bồ Tát Bất Thối hay còn có danh xưng là Bồ Tát Ma Ha Tát.
Từ lúc ấy nhẫn đến về sau vượt qua Thập Ðịa, chứng Vô Thượng Giác: Thập Địa: là quả vị cao nhất của hàng Bồ Tát, như địa vị của các ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Đại Hạnh Phổ Hiền v.v... Vô Thượng Giác: hay còn gọi là quả Phật.
12. Diệu Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sinh:
Vi diệu: là từ Hán Việt, "vi" có nghĩa là nhỏ bé, tinh vi; ở đây có nghĩa là này; còn "diệu" tức là tuyệt diệu, tuyệt vời không có gì hơn, tuyệt đến cùng cực nhất không chi sánh bằng. Pháp: là chỉ các giáo lý, kinh điển của Phật, mà cũng có nghĩa nữa là chỉ các sự vật và sự việc.
Pháp vi diệu: là nói đến là giáo lý tinh hoa của Phật không gì tôn quý hơn.
Thù thắng: Cũng là từ Hán, thù là đặc thù, cái tính chất riêng, đặc trưng riêng của cái gì đó, không lẫn lộn được.
Thắng: cũng chính là thắng diệu, không gì hơn nó.
Đệ nhất: tức là số một; đã là số một thì tức không hai hay ba, bốn v.v...
Ở đây đức Phật muốn nói pháp môn niệm Phật là pháp môn đứng thứ nhất, tuyệt điệu bậc nhất, mang đặc thù riêng không có pháp nào hơn. Nếu muốn cứu vớt chúng sinh thời mạt pháp thì không gì hơn là phải dùng pháp môn này. Vì thế nói pháp môn niệm Phật không có gì sánh bằng, là tiện lợi, là con đường tắt, hiệu quả nhất để đưa chúng sinh thoát ly sinh tử luân hồi, mau chóng tu hành thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật. Đức Phật cũng nói rõ là niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật, không nói niệm bốn chữ.
13. Đây thật là môn tu thích đáng, khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết Bàn tại thế, thành Phật trong một đời:
Thích đáng: Thích là thích hợp, đáng là đáng lấy đó để tu hành.
Khế hợp: Khế là khế cơ, căn cơ, trình độ. Hợp là nói nó phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi, cả cho người nam, kẻ nữ, giàu cũng như nghèo, quan cũng như dân v.v... nó hợp với mọi hoàn cảnh, điều kiện xã hội.
Dời nẻo khổ: đó là chỉ dời ba đường ác là địa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh là dời sinh, già, bệnh, chết, dời khỏi mọi ràng buộc phiền não.
Chứng đắc Niết Bàn tại thế: Tại sao nói vậy? Vì hai lý do sau đây:
1. Vì người tu hành pháp môn Tịnh Độ luôn lấy việc niệm danh hiệu Phật để tiêu diệt phiền não, lấy gương của Phật mà tu hành đó là phước trí vẹn toàn, giàu đức từ bi, vì mọi người mà phục vụ không cần mời thỉnh, diệt trừ tham, sân, si là nhân của sinh tử luân hồi ngay tại đời này nên nói là chứng đắc Niết Bàn tại thế.
2. Người niệm Phật thực hành Tín, Hạnh, Nguyện theo đúng lời nguyện của Phật A Di Đà nên cảm ứng được Phật và chư đại Bồ Tát, nên khi sắp lâm chung được Phật A Di Đà cùng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và hàng Thánh chúng đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc mau chóng thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật, nên đó là sống mà đi, chứ không phải chết mà đi. Nên nói là chứng đắc Niết Bàn tại thế là vì vậy.
14. Đây là môn tu đại oai lực, đại phước đức mà chư Phật giúp chúng sinh vượt thắng thân phàm phu mà thâm nhập cảnh giới chân thường:
Pháp môn đại oai lực: Vì là pháp môn vi diệu, hợp với khế cơ mọi hoàn cảnh của người thế gian, lại chứng được Niết Bàn tại thế nên có sức ảnh hưởng, thu hút được đa số phật tử tham gia. Ở Việt nam có tới 90% phật tử tu theo pháp môn này. Đó chính là cái oai lực của pháp môn này mà không có pháp môn nào có thể sánh bằng.
Đây là pháp môn đại phước đức: Vì người tu hành pháp môn Tịnh Độ vừa tự trang nghiêm thân mình, lại vừa phải độ người, lại làm công việc đem kinh điển giáo lý này mà chia sẻ cho người khác được lợi ích, nên phát triển trí huệ đôi đường đều hoàn thiện, nên nói là pháp môn đại phước đức.
Trong quá trình tu hành niệm Phật, tâm được thanh tịnh, lại có đức từ bi, phát tâm đại thừa nên hành giả tuy sống giữa đời thường mà từ phàm phu chuyển thành Bồ Tát lúc nào không hề hay biết. Đúng như Phật nói: "vượt thắng thân phàm phu mà thâm nhập cảnh giới chân thường".
Cảnh giới chân thường là cảnh giới của Bồ Tát, của Phật. Mỗi chúng ta đều có tính Phật thường hằng, nhưng do vô minh che đậy nên không thể hiển lộ ra. Nay tu theo pháp môn nay là chúng ta trở về bản tính A Di Đà của chính mình. Vì thế chúng ta dần dần thâm nhập vào cảnh giới của Phật A Di Đà lúc nào không biết. Đó cũng là vi diệu của pháp môn này vậy.
16, 17. Đây là môn tu đại Bát Nhã, đại thiền định:
Bát nhã tức là trí tuệ. Vậy tu theo pháp môn này hành giả phải giữ tâm mình thanh tịnh trong sạch. Lấy sáu chữ Hồng danh Nam mô A Di Đà Phật mà xua tan đi vô minh tham, sân, si, tà tri, tà kiến. Vì tâm thanh tịnh mà sinh ra trí tuệ, biết xét soi mọi vấn đề một cách chính xác, biết phân tích cái đúng, cái sai.
Cái đúng thì làm, cái sai thì bỏ. Không để trần cảnh dục vọng tiền tài lôi kéo nên sinh trí tuệ đại Bát Nhã. Tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý không để nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc lôi kéo. Tất cả đều không nên nói là đại Bát Nhã, Đại Thiền Định mà chúng đắc quả vị Bồ Tát ngay tại đời này. Các chư Phật đem pháp môn này làm thuyền bè chở chúng sinh qua sông sinh tử đến bờ giải thoát.
Đây là môn tu đại trang nghiêm, đại thanh tịnh mà chư Phật dùng để đưa hết thảy chúng sinh vào giới luật, nhiếp chúng sinh vào oai nghi, an ổn khoái lạc:
Như đã nói ở phần chú giải trên, người tu hành pháp môn niệm Phật luôn lấy sáu chữ Hồng danh Nam mô A Di Đà Phật để trì niệm sáu thời, tâm xả bỏ tất cả để không dính nhiễm trần cảnh dục vọng tầm thường bên ngoài, giữ giới, từ bi với tất cả, cho nên là pháp môn đại trang nghiêm, uy nghi tấn chỉ và thân hình ngài càng biến đổi từ trong ra ngoài, nên nói pháp môn này là đại trang nghiêm, đại thanh tịnh mà chư Phật dùng để đưa hết thảy chúng sinh vào giới luật, nhiếp chúng sinh vào oai nghi, an ổn khoái lạc.
18. Đây là một môn tu đại nhu hòa, đại nhẫn nhục mà chư Phật giúp hết thảy chúng sinh tự tại giữa khổ và vô thường mà thành tựu Tri Kiến Phật: (Đây là một đề tài lớn và quan trọng rất cần cho mọi người nghiên cứu và thực hành nên chúng tôi xin trình bày thành một bài sau đây để chúng ta nhận thức tốt và thực hành)
Nhẫn nhục là gì? Nhẫn là nhịn chịu; nhục là tổn thương sỉ nhục vì việc làm hay lời nói của kẻ khác với mình; chịu đựng tổn thương trước những cảnh, sự việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt.
Với người tu pháp môn Tịnh độ thì ai khen hay chê đều không làm lòng mình xao xuyến, lời nói bao giờ cũng dịu hòa, thân ái, ai chửi cũng cứ A Di Đà Phật nên tâm thanh tịnh hoàn toàn. Nhẫn là nhịn, là chịu đựng phần kém, phần thiệt thòi về mình.
Nhẫn nhục là nhận chịu những điều người khác làm cho mình khổ não, trong tâm mình không những không tức giận mà còn không nghĩ tưởng tới việc sẽ báo oán, trả thù.
Tại sao cần phải nhẫn nhục? Nhiều người là quan chức, là ông chủ hay sinh trong gia đình được bố mẹ nuông chiều được người ta nể trọng thì lại tưởng mình là hay là nhất, càng ngày càng tỏ ra “khinh người”, rồi đâm ra nói năng hành động qúa trớn, lời nói thô tục, không biết kẻ trên người dưới, dáng vẻ kệch cỡm khệnh khạng.
Có kẻ vì cao mạn, thường có tính “cả vú lấp miệng em” át giọng người khác, cho người khác là ngu là dốt không bằng mình. Lại có người ngu si điên đảo cho rằng “ta đây là nhất” không ai bằng mình nên lấn lướt, hống hách. Họ thường là người có chút chức vụ, tiền của nên coi mình hơn người, coi ta có cái quyền lãnh đạo và người khác phải tuân thủ họ.
Tất cả những người như thế đều là người do bị vô minh che lấp, dù người đó có bằng cấp ở thế gian nhưng không có sự hiểu biết về Phật pháp, nên thường cho mình hơn người, có quyền lấn át người khác, khệnh khạng nghênh ngang, ăn nói và việc làm hành vi đối xử không đúng với người khác.
Họ không biết về nhân quả, không biết rằng việc làm đó của họ đã làm cho uy tín, phẩm giá của họ bị hạ thấp, mọi người xung quanh coi thường, thậm chí phải chịu quả báo xấu ở đời này và đời tiếp theo là sinh ra trong dòng hạ tiện, chẳng được coi trọng. Bởi vậy khi bị những người ấy sỉ nhục, mắng nhiếc, đánh đập tàn nhẫn, chúng ta nên coi việc đối xử như thế là do không hiểu sự thật, cần phải kiên nhẫn giải thích sự việc.
Nhưng có người vì không dằn được cơn tức giận mà sinh ra đỏ mặt tía tai, quát tháo ầm ĩ, đá bàn quăng ghế, buông ra những lời cộc cằn chửi rủa tục tằn, hành hạ đánh đập người một cách tàn nhẫn. Có kẻ nổi cơn thịnh nộ đâm, chém, bắn người khác gây ra án mạng mà phải ân hận suốt đời.
Lại có những việc rất nhỏ nhặt trong gia đình hay ngoài xã hội chỉ vì một câu nói không đáng kể, hay một cử chỉ nhỏ nhặt, mà người không kiên nhẫn đã gây ra biết bao buồn phiền đau khổ cho người và cho mình. Ở đây có thể nói người không kiên nhẫn đối với các việc nhỏ nhặt là người nóng nảy, vì nhân một việc bé xé ra to, nên là người tạo ác.
Vợ chồng vì thế sinh ra xa lìa nhau. Người sinh hoạt trong đoàn thể, tăng đoàn vì không nhẫn được nhiều người thối lui, bỏ cuộc tu hành. Nhẫn nhục được gắn liền với chữ “bình tĩnh, kiên nhẫn, chịu đựng”, những người nóng nảy hay mất bình tĩnh, mất kiên nhẫn, không tự chủ được những nghịch cảnh khó khăn nan giải, nên nói năng hành động vội vàng nông nổi thiếu suy nghĩ.
Trong gia đình mà mọi người đều không kiên nhẫn sẽ đưa đến mất hạnh phúc và dễ tan vỡ. Đối với xã hội mọi người đều không kiên nhẫn sẽ đưa tới xáo trộn hay gây ra thù hằn, đánh cãi, chửi nhau và không vững bền. Người học đạo cũng vậy, khi gặp nghịch cảnh không nhẫn nhục sẽ làm cho tâm luôn luôn dao động, thối chí bỏ cuộc, có khi còn bị đọa vì không nhẫn nhục mà làm các việc ác.
Trong Tứ Diệu Đế có nói: "Vì một chút sân hận, có thể đốt đi một rừng công đức đã làm", do đó tại sao chúng ta phải học và thực hành nhẫn nhục là vậy. Các loại nhẫn nhục: Có ba loại:
a. Thân nhẫn: Là sự chịu đựng của thân trước các nghịch cảnh không vừa ý, như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát. Chỗ ở nơi nằm không được tiện nghi, hoặc bị hành hạ đánh đập thân thể. Trước những nghịch cảnh như thế, người nhẫn nhục không hé răng mở miệng phàn nàn hay chống cự đánh trả, mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc và chịu đựng.
b. Khẩu nhẫn: Là sự im lặng của miệng trước các nghịch cảnh không vừa ý, như có người chửi mắng, nói lời vu oan, đâm thọc, không nói có, có nói không, nói thêm bớt, nói bóng nói gió, nói thêu dệt v.v… Trước những lời nghịch tai như thế, người nhẫn nhục chỉ nói lời giải thích chân thật ôn hòa. Nếu không được nghe thì giữ yên lặng, chứ không nổi giận, dùng những lời ác mà đối chọi lại, hoặc gây thành chuyện lớn, sinh cãi nhau, đánh lộn, giết chóc v.v...
c. Ý nhẫn: Là sự nhẫn nhục của tâm ý, trong lòng người nhẫn nhục trước nghịch cảnh của thân không có ý nghĩ than trời trách đất về sự nóng lạnh bệnh tật, không than thân trách phận về sự thiếu thốn. Người nhẫn nhục trước cảnh bị hành hạ xác thân hay bị vu oán giá họa, nhục mạ đủ điều, cũng đều nhẫn cả. Chỉ giải thích một cách chân thật, không hề có ý nghĩ tức giận, trong lòng không nổi lên oán hận căm hờn sẽ trả thù sau này v.v…
Trong ba loại nhẫn nhục, ý nhẫn là quan trọng nhất, vì có khi thân chịu đựng được những bất nghi, đau đớn, nhưng miệng còn thì thầm lẩm bẩm ca cẩm nguyền rủa. Có khi miệng không nói năng chi cả, nhưng vẫn tức giận trong lòng rằng: “ngày nay ta không thể ăn tươi nuốt sống ngươi, ngày sau ta sẽ trả thù này”. Bên trong ý thức không nhẫn nhục được thì thế nào cũng có ngày sự giận dữ thù hằn sẽ hiện ra, không ở hành động, cũng ở lời nói.
Khi lòng tức giận, hận thù được lắng xuống trước mọi nghịch cảnh, sự nhẫn nhục mới thật sự là kiên cố rộng lớn (Ba La Mật). Nhẫn nhục như thế nào? Có hai thứ nhẫn nhục:
a. Nhẫn nhục chấp tướng: Là nhẫn nhục vì danh lợi, vì có người khen, vì sợ uy quyền, vì chưa đúng lúc, chưa có đủ đều kiện trả thù, vì coi rẻ khinh bỉ đối thủ v.v… Đó là nhẫn nhục chấp tướng, chưa phải là nhẫn nhục thực sự, vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy chi phối.
Ví dụ: mình là cấp dưới, là người làm thuê nên phải nhẫn chịu khi cấp trên hay chủ xúc phạm vì sợ bị đuổi việc, mất quyền lợi.
b. Nhẫn nhục vô tướng: Là khi nhẫn nhục không chấp vào tướng như nêu ở trên. Người nhẫn nhục luôn luôn tự hỏi: “Ta có làm điều gì sai quấy không? Nếu có, ta bị sỉ nhục là phải, ta không nên tức giận mà phải cám ơn. Nếu ta không làm điều gì sai quấy, sau này sẽ được chứng minh, vì vàng bao giờ cũng là vàng, không thể vàng mà là đồng được. Hoặc ta không làm điều gì quấy, những sự sỉ nhục ấy chẳng dính líu gì tới ta, nên ta không cần khổ tâm suy nghĩ đến”.
Nhẫn nhục còn là người đó không muốn hơn thua, được mất, vinh nhục, khen chê, đây là tám thứ gió bão quật ngã mọi người. Không tranh đua chèn ép người khác để đạt mục đích. Không tranh cãi phải trái, đúng sai, hay dở, tốt xấu, tranh chấp này nọ. Không muốn đời là bãi chiến trường thù hận, thế giới là một lò lửa ngụt cháy. Người nhẫn nhục còn tiến tới có lòng từ bi hỉ xả rốt ráo.
Người tu hành muốn hành hạnh nhẫn nhục, kiên cố phải quán chúng sinh và mình cùng đồng một bản thể mới không thấy ta bị nhục và người làm nhục mình.
Thí dụ như tay phải làm việc cầm con dao hay cái búa, cắt đồ vật hay đóng đinh, rủi cắt hay đập phải ngón của bàn tay trái làm chảy máu hay sưng vù lên đau đớn. Bị thương tổn như thế, nhưng tay trái tự nhận tay phải cùng với mình (tay trái) đồng một thân thể, nên tay trái không thấy tay phải làm nhục hay làm hại mình. Nhẫn nhục như thế mới là nhẫn nhục rốt ráo Ba La Mật.
Còn nếu không nhẫn chịu thì tay trái nếu dùng dao lại chém đứt tay phải, vì nó đã làm cho mình đau đớn thì hậu quả là thân thể mất đi một cách tay, tay trái phải làm hết mọi thứ và có khi thân thể sau khi tay phải bị chém lìa, sinh nhiễm trùng, mất máu nhiều sẽ chết thì tay trái cũng chết theo.
Lợi ích của nhẫn nhục:
Đối với cá nhân, người nhẫn nhục tâm được an ổn, sự nghiệp bền vững, mọi người gần gũi, đối với gia đình được sum họp, bạn bè gắn bó, xã hội yên ổn thanh bình. Vì nhận thấy sự lợi ích của nhẫn nhục nên Phật đã dạy:
Người hơn gây oán hận,
Kẻ thua lòng không yên,
Hơn thua đều buông bỏ,
An ổn ngủ ngon lành.
Chúng ta nên biết, những tu hành làm nhiều công đức nhưng không tu tâm kiến tính, ăn nói lỗ mãng khiến người khác bị tổn thương thối chí, là phạm vào giới cấm và hậu quả là dù có tu hành, làm nhiều công đức như núi thì nhẹ cũng đọa vào làm loài A Tu La, nặng là đọa địa ngục như thường, đó là luật nhân quả. Nếu bất kính với Sư trưởng còn bị đọa vào địa ngục A Tỳ. Cho nên phải rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình.
Người chịu nhẫn nhục không thối chí tu hành thì phẩm chất càng cao, khi lâm chung được về với Phật và lại ở phẩm vị cao trên Liên đài. Người tu pháp môn Tịnh độ thì ai khen hay chê đều không làm lòng mình xao xuyến, lời nói bao giờ cũng dịu hòa, thân ái, ai chửi cũng cứ A Di Đà Phật nên tâm thanh tịnh hoàn toàn. Vì tâm thanh tịnh nên sinh ra trí tuệ, hàng ngày tụng kinh niệm Phật nên thâm nhập vào được kinh điển, vào được tri kiến của Như Lai.
19. Đây là môn tu đại Bồ Ðề, đại siêu việt mà chư Phật dùng làm cứu cánh để giúp hết thảy chúng sinh thành Phật như Phật ngay trong một kiếp:
Để được Phật tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc, người tu theo pháp môn Tịnh Độ ngoài việc phải tinh tấn không ngừng nghỉ trì danh niệm Phật A Di Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh Tây phương Cực Lạc, mà phải kết hợp những điều quan trọng, đó là phát tâm Bồ Đề nguyện làm Phật, để hóa độ chúng sinh ở khắp mười phương.
Ngay ở đời này phải phát tâm Đại thừa chăm lo hoằng pháp lợi sinh, giúp đỡ họ cũng được lợi ích như mình. Người niệm Phật lại luôn biết sám hối những tội lỗi đã gây ra từ vô thỉ đến nay cho chúng sinh bằng việc làm vô ý và hữu ý và nguyện không mắc lại, phát nguyện làm các việc công đức lành. Vì thế, khi lâm chung chắc chắn người như thế sẽ được Phật A Di Đà cùng đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Khi về đó nghiễm nhiên nhờ vào uy phong thần lực, sự gia trì của Phật và của các chư đại Bồ Tát, nhờ vào ánh sáng hào quang của Phật, của cây Bồ Đề Đạo tràng, vào ánh sáng trong hoa sen, nhờ uống nước, tắm ao Thất bảo tám công đức v.v... mà nhanh chóng mọi vô minh phiền não nhanh chóng dứt sạch thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật ngay trong một đời, đúng như trong kinh ta vẫn luôn trì tụng: đó là "đồng thân pháp tính" có 32 tướng hảo như Phật A Di Đà, không khác.
20. Đây là môn tu đại từ bi, đại dũng mãnh mà chư Phật dùng để giúp chúng sinh có được cái tâm bằng tâm chư Phật, có được cái nguyện bằng nguyện chư Phật, mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng pháp thân từng phần:
Như trên đã nói, hành giả tu theo pháp môn niệm Phật thì luôn phải phát tâm Bồ Đề, mở lòng từ bi muốn hóa độ chúng sinh, tâm nhẫn nhục như đất, không dính như tuyết, xả bỏ tham, sân, si, không mắc vào tà tri, tà kiến v.v... nên ngay tại đời này, giữa chốn phàm phu mà như sen nở trên bùn hôi mà không nhiễm ô, vẫn thanh tịnh ngát hương.
Cứ hàng ngày thay đổi tâm mình nên nói là mau chóng vượt qua địa vị phàm phu và tự chứng pháp thân từng phần, chuyển dần tư cách từ phàm lên Thánh mà không chờ phải về Tây phương Cực Lạc mới thay đổi tâm này. Đây chính gọi là tự giác giác tha, tự lợi lợi tha, giác hạnh viên mãn.
21. Niệm Phật là vua của tất cả các Pháp:
Như đã phân tích ở trên thì pháp môn niệm Phật này là vi diệu đệ nhất, hợp với một hoàn cảnh, căn cơ trình độ, tuổi tác, thành phần, giới tính và nếu ai quyết định lấy đây y giáo phụng hành, ngày đêm tinh tấn tu hành thì chắc chắc quyết định thành tựu nên Phật khẳng định nó là vua của các Pháp. Mười phương chư Phật, quá khứ, hiện tại cùng vị lai đều dùng pháp môn này để cứu giúp chúng sinh thoát ly sinh tử luân hồi, mau chóng một đời tu hành thành Bồ Tát Bất Thối, thành Phật.
Vậy hỏi còn có pháp môn nào thù thắng hơn thế? Cho nên nói đây là vua của các pháp là vì đạo lý này.
22. Này Diệu Nguyệt cư sĩ, hãy một lòng tin nhận lời dạy của Như Lai. Hãy ghi nhớ kỹ lời dạy của Như Lai. Hãy thực hành theo lời dạy của Như Lai và hãy chứng đắc pháp nhẫn tối tôn, tối diệu, đệ nhất này mà Như Lai đã ban cho:
Đây là Phật muốn nhắc ngài Diệu Nguyệt và chúng ta phải có lòng tin chắc vững chắc không chuyển lay vào lời dạy của Phật. Sông kia có thể cạn, núi kia có thể mòn, lời tin vào này không bao giờ thay đổi. Như ngài A Nan đã nói: "Mặt trời, mặt trăng còn có thể rơi, lời của Phật không bao giờ hư dối, vì thân khẩu lý ba nghiệp của Phật đã tuyệt đối thanh tịnh".
Điều quan trọng đó là từ tin tưởng sâu sắc rồi chúng ta muôn thành tựu thì phải biết lấy đó y giáo phụng hành lời Phật dạy. Đó là ta chứng đắc Pháp nhẫn tối tôn, tối diệu đệ nhất này mà Như Lai đã cho.
23. Vì sao vậy? Vì pháp của Như Lai là chân thật, là giải thoát, là an vui, là thuận theo sở cầu, sở nguyện của mọi chúng sinh. Vì pháp của Như Lai là vắng lặng, không dính mắc, vô cấu nhiễm, thuận theo tình và tưởng của chúng sinh mà vẫn giúp chúng sinh thành tựu địa vị Phật Đà, không bị hư hoại, cho nên chẳng cần phải chán ghét lìa bỏ thế gian, ở trong chỗ ràng buộc mà tâm vẫn tự tại, thọ dụng pháp lạc; và sau khi lâm chung được sinh về cõi Phật A Di Đà:
Như Phật Thích Ca Mâu Ni và đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền đã chỉ dạy trong kinh, pháp môn này là pháp môn không bị ràng buộc vào bất kỳ cái gì của ngoại cảnh, nên người ta chẳng phải cứ đến chùa, phải xuất gia mới tu hành thành tựu. Điều quan trọng đó là hành giả tu hành pháp môn này phải thực hành ba điều Tín, Hạnh, Nguyện mà chứa đựng trong những lời dạy của Phật như đã nói ở trên.
Thắng hay thua, được hay mất, thành tựu hay không là do chính chúng ta tự quyết định. Người niệm Phật phải sáu thời công phu trì niệm tha thiết sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật tiếp nối không dứt, thành khối, thành dòng để sáu chữ hồng danh ấy thâm nhập vào trong A nại da thức, để khi lâm chung như Phật nói hành giả vẫn tiếp nối niệm Phật được mười niệm danh hiệu Nam mô Phật A Di Đà để vào được Phổ Đẳng Tam muội, để được Phật và chư các vị đại Bồ Tát đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Vì sợ công phu không đạt tới điều này nên các Làng Phổ Đà hay các Đạo tràng Liên Hoa Tịnh Độ sinh ra là để các phật tử trợ duyên cho nhau lúc sắp mạng chung để duy trì niệm danh hiệu Phật này tiếp nối, để chắc chắn quyết định được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn vãng sinh về Tây phương Cực Lạc. Cho nên, các tổ chức Phật giáo này phải giữ giới, đoàn kết thương yêu nhau, hết lòng trách nhiệm vì nhau để kẻ trước người sau đều được vãng sinh về với Phật A Di Đà.
Với những ai không thể giữ giới, không có tâm nhu hòa, phẩm chất kém thì tốt nhất là tu ở nhà hay ở nơi khác, khỏi làm ảnh hưởng đến người khác tu hành và nhất là để không cản trở họ lúc cận tử nghiệp quan trọng, để vãng sinh về với Phật. Chọn lọc người vào đây là phải rất cẩn trọng, giới luật phải giữ nghiêm.
Quảng Tịnh Cư sĩ