Cụ ông 90 tuổi ăn chay trường bán lạc làm từ thiện
Cứ chập choạng tối, ông Lưu Bình, ở phường Quyết Thắng, TP Kon Tum dắt xe đạp rời khỏi nhà, yên sau chở cái thúng đựng lạc luộc. Cả gia đình ông theo đạo Phật, riêng ông ăn chay trường.
Mặt trời dần ngả về Tây. Ở khoảng sân chật chội, cụ Bình hối thúc đứa cháu nội nhanh tay chuẩn bị cho buổi bán tối nay. Ngồi trước đống lạc hơn 10 kg đã luộc xong một giờ trước, người cháu đong đầy lon rồi đổ vào từng bì nhỏ. Cụ Bình ngồi bên, hăm hở cột và gom vào trong rổ.
Xong xuôi, ông dắt chiếc xe đạp cũ ở trong góc nhà ra, bưng thúng lạc đặt lên yên sau, dùng dây thun cột chặt. Ông nhìn lên đồng hồ một lần nữa, thốt lên "thôi chết, trễ quá", rồi vội vàng đẩy xe đi, hướng về bờ kè - đường Bạch Đằng. Từ Bạch Đằng, ông vòng qua Trần Phú, rẽ vào Nguyễn Đình Chiểu... nơi nào có quán nhậu, quán ăn ông cũng ghé vào bán. Công việc này ông lặp đi lặp lại suốt 20 năm qua.
Ông Bình quê ở Bình Định. Năm 1970, ông đưa cả gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Thời gian đầu nơi vùng đất mới, hai vợ chồng làm quần quật nuôi bảy người con khôn lớn. Năm 2000, do sức khỏe giảm sút, không thể cầm cuốc được nữa nên ông chuyển qua đi bán lạc dạo.
Cụ Bình bán một ngày hai buổi, sáng từ 7h đến trưa, tối từ 6h đến khuya. Mỗi buổi bán được hơn 500 nghìn đồng. Trong thời gian bán lạc dạo, gặp nhiều mảnh đời còn khó khăn, bất hạnh, hơn mình, ông đều giúp đỡ.
Ông Bình kể lại, có lần đã bán hết đậu sớm, trên đường về gặp một nữ "đồng nghiệp", áo quần rách rưới, ngồi thiểu não ở vỉa hè, hỏi mới biết người này không bán được, ế hơn 5 kg lạc. Thương cảm, cụ Bình liền mang đống lạc, tiếp tục rong ruổi khắp các ngõ hẻm, bán giúp người phụ nữ kém may mắn.
"Chỉ trong vòng hơn một giờ là bán hết, chị ấy đã trả ơn bằng cách mua nước ngọt mời tao uống, nhưng tao từ chối", ông Bình nói và cho biết, cả gia đình theo đạo Phật, riêng ông ăn chay trường nên cứ thấy người ta đói rách là thương.
Sau hôm đó, ông Bình quyết định chuyển sang làm từ thiện. Được vợ (mất năm 2010) và các con ủng hộ, nhưng họ chỉ đồng ý cho ông bán mỗi buổi tối. Ông dành một nửa số tiền bán được mỗi đêm để giúp đỡ những người nghèo khổ, còn lại đưa con trai mua giống, phân... trồng tiếp vụ lạc mới.
Cảm thấy chưa đủ, bảy năm trước, cụ Bình bỏ tiền thuê đóng một tủ kính rồi đặt gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Hàng ngày, ông mua khoảng 100 ổ bánh mì, cho vào tủ để bệnh nhân nghèo, duy trì đến bây giờ.
Một năm trở lại đây, việc buôn bán trở nên thuận lợi, thỉnh thoảng ông mua thêm 10 kg gạo chuyển cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Hễ nghe nơi nào có người nào ốm đau, không có tiền thuốc men, cụ đều tìm đến hỗ trợ từ một đến hai triệu đồng.
Nghe tiếng ông Bình bán lạc làm từ thiện, người dân ai thấy ông cũng thương, mua ủng hộ vài ba bịch. Ông bảo: "Tao bán loáng cái là xong, thấy vậy mấy đứa nhỏ cũng xúm vào nhờ tao bán giùm".
Những lúc trời mưa, người con trai thứ 4 của cụ Bình, Lưu Văn Đức, 60 tuổi, khuyên ngăn bố ở nhà nghỉ ngơi, nhưng ông không nghe, quyết đi bán cho bằng được. Thấy bố vất vả, những hôm thảnh thơi, người con phụ luộc và chăm sóc vườn lạc 2 sào (1.000 m2), giúp bố có lạc bán quanh năm. Thời gian còn lại vợ chồng người con trai trồng thêm rau, khổ qua... vừa đủ lo cho cả gia đình và đứa con gái đang học ở Sài Gòn.
Nhiều buổi sáng, ở nhà thấy tù túng trong người, cụ Bình lại chở rau quả đi bán giúp con, "được bao nhiêu tao đưa hết cho vợ chồng nó, lo cho đứa cháu ăn học". "Bây giờ còn khỏe, mỗi đêm tao đi bộ cả chục cây số vẫn không thấm mệt, nên cố gắng giúp đời, giúp con cháu được bao nhiêu thì giúp", cụ Bình nói.
Trong căn nhà xây khá rộng rãi, tiếng tụng kinh liên tục phát ra từ chiếc radio đặt ở đầu giường. Con trai ông Bình trầm tư, nhắc lại lời bố dặn, "của cải làm ra ba phần, một phần ăn, một phần tạo ra của cải, phần còn lại chia sẻ cho cộng đồng", nên cố gắng làm việc thiện, chết có mang của cải theo được đâu. Nhờ vậy, người con gái ông Đức, là Lưu Thị Phước, 20 tuổi, đang là thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ tình nguyện khoa y, Đại học Y dược TP HCM.
Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, cho biết hiện cụ Bình sống với con trai, kinh tế không dư dả. Việc cụ bán lạc làm từ thiện được nhiều người dân biết đến, nên gặp ông là họ mua ủng hộ ngay. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết cụ ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho hộ nghèo của phường và có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội. "Cụ rất tốt bụng, những việc làm của cụ rất đáng được tuyên dương", bà Loan nói.
Theo: VnExpress.vn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Bệnh nhân đột quỵ chết não hiến tạng cứu 4 người
Gieo mầm thiện 23:05 28/10/2024Sau 9 ngày các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhân 36 tuổi vẫn không qua khỏi do xuất huyết não nặng, gia đình hiến tạng anh cứu 4 người.
Cảm phục với bếp cơm chay miễn phí của vợ chồng U.90
Gieo mầm thiện 16:00 27/10/2024Gần 3 năm nay, trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xuất hiện một quán cơm chay miễn phí đặc biệt, chủ quán cơm là vợ chồng người miền Tây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm với đôi lưng đã còng.
5 học sinh dũng cảm lao xuống dòng nước chảy xiết cứu sống 2 em nhỏ
Gieo mầm thiện 12:00 25/10/2024Trước dòng nước chảy xiết, 5 học sinh dũng cảm tại một huyện miền núi Quảng Bình đã cứu sống được 2 em nhỏ đang bị nước cuốn.
Xuyên đêm lấy tạng từ người chết não để hồi sinh cho 4 cuộc đời
Gieo mầm thiện 15:50 24/10/2024Rạng sáng 24/10, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ phẫu thuật lấy tạng từ người hiến sau khi chết não, ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân suy thận. Tim và gan được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để ghép cho 2 người bệnh khác, đánh dấu thành công trong việc tận dụng tạng hiến để cứu sống nhiều bệnh nhân.
Xem thêm