Củng cố niềm tin
Như vậy, theo giáo lý Nguyên thủy, sử dụng Tứ Thánh đế mà chủ yếu là 37 trợ đạo phẩm để dẹp sạch vô minh, phiền não, nghiệp chướng.
Tinh thần này được Đức Phật nhắc lại trong kinh Pháp Hoa qua thí dụ rằng những người mù từ thuở nhỏ không thấy ánh sáng, không phân biệt được màu sắc, nhằm chỉ cho hàng ngoại đạo tà giáo đương thời luôn sống với mê tín dị đoan. Vị đạo sư xót thương họ, mới lên núi tìm bốn loại cỏ thuốc là Tứ Thánh đế để chế ra loại thuốc là 37 trợ đạo phẩm, chữa khỏi bệnh mù cho họ, giúp họ sáng mắt.
Trên bước đường tu, Phật giáo Đại thừa cũng dạy chúng ta ứng dụng 37 trợ đạo phẩm, từ Tứ niệm xứ quán cho đến Thất Bồ đề phần và Bát chánh đạo, chúng ta sẽ được sáng mắt, vô minh tan mất và thấy được chân lý; như thế cũng là nhờ Đạo đế mà chứng được Diệt đế, không còn phiền não trần lao, ra khỏi sinh tử.
Vì vậy, chúng ta quy y Pháp là suy nghĩ về lời Phật dạy, nhận thấy đúng và áp dụng trong cuộc sống cũng gặt hái được kết quả tốt đẹp; từ đó, chúng ta mới tin pháp Phật, chứ không phải nghe nói là tin liền.
Thứ ba là tin Tăng, nghĩa là tin vào trí tuệ tập thể. Khi Phật tại thế, Ngài có trí tuệ siêu tuyệt, vượt trên hiểu biết của tất cả mọi người. Vì thế, những gì Phật nói đều là chân lý, không sai lầm, cho nên chúng ta tin lời Phật một cách tuyệt đối. Niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật được thể hiện qua lời khẳng định của Ngài A Nan với Đức Phật rằng dù cho mặt trăng nóng lên, mặt trời lạnh lại, nhưng lời nói của Như Lai không bao giờ sai.
Tuy nhiên, Đức Phật e ngại sau khi Ngài nhập diệt, người ta sẽ sử dụng giáo pháp một cách cứng nhắc, không thích hợp với thời đại, không thích hợp với quốc độ, hoặc không thích hợp trình độ của nhiều người; như vậy sẽ dẫn đến hành động sai lầm. Cho nên, Đức Phật mới huyền ký rằng tuy là lời Phật nói, nhưng qua thời kỳ khác, quốc độ khác, nếu không thích hợp, thì đại chúng cần phải tập hợp để có quyết định chung nhất của toàn thể chư Tăng, nghĩa là căn cứ vào trí tuệ tập thể để có quyết định đúng đắn, vì một người không đủ sáng suốt bằng nhiều người cùng kiến giải, cho nên nhiều người quyết định đúng hơn. Vì vậy, trong Phật giáo luôn lấy trí tuệ tập thể để giải quyết mọi vấn đề, không phải là cá nhân quyết định.
Xây dựng trên tinh thần Phật dạy như vậy, tất cả mọi việc của Giáo hội chúng ta đều tuân thủ theo Nghị quyết của Đại hội Phật giáo 5 năm tổ chức một lần và mỗi năm có Đại hội thường niên để có thể điều chỉnh, thay đổi những gì không thích hợp với hoàn cảnh.
Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, trở thành nước Việt Namxã hội chủ nghĩa; cho nên sinh hoạt của Phật giáo chúng ta cũng phải đổi khác. Vì vậy, tập thể chư Tăng tại đất nước chúng ta đã đồng lòng quyết định rằng để có thể tồn tại, Phật giáo Việt Namcần được thống nhất. Từ đó mới tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1981 và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cho thích hợp với xã hội thời bấy giờ. Nhưng 5 năm sau, nước Việt Nam chủ trương đổi mới, thì kinh tế cũng đổi mới, chính sách tôn giáo cũng đổi mới v.v… ; cho nên Hiến chương của Giáo hội chúng ta cũng theo đó thay đổi. Và đến Đại hội Phật giáo lần thứ IV, thứ V, chúng ta đều luôn có những chỉnh sửa để thích hợp với hoàn cảnh xã hội; nhưng tất cả mọi đổi thay này đều do tập thể quyết định.
Quy y Tăng là quy y với trí tuệ tập thể, lấy tập thể làm thầy hướng dẫn chúng ta, để cuộc sống thích hợp với từng lúc, từng nơi khác nhau, chúng ta mới có được sự an lạc, hạnh phúc cho bản thân và cho gia đình. Riêng tôi, niềm tin đối với Tam bảo càng ngày càng mạnh mẽ hơn, không phải chao đảo, hôm nay tin điều này, ngày mai lại tin cái khác. Mỗi lúc niềm tin của tôi hướng về Tam bảo vững chắc hơn, vì áp dụng lời Phật dạy trên bước đường tu hành, nhận thấy có kết quả tốt đẹp hơn và nghiệp chướng tan biến dần, cho tôi cái nhìn chính xác hơn, tâm hồn an lạc hơn.
Và từ đó, nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn, sẽ nhận thấy rõ từ Ấn Độ, Phật giáo phát triển lên phía Bắc và phía Nam, tạo thành Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo với những sinh hoạt khác nhau nhưng đều thích hợp với nền văn hóa bản địa để tồn tại. Như vậy, chúng ta phải biết đó là phương tiện, là trí tuệ tập thể của từng nơi khác nhau; không nên bài bác, chê trách lẫn nhau. Vì Phật giáo truyền xuống phía Nam, tức Nam truyền Phật giáo phải tiếp thu nền văn hóa khác với Phật giáo hoằng truyền về phía Bắc, nơi đó đã có nền văn minh của Trung Đông truyền sang, tức văn minh cổ Hy Lạp được kết hợp với văn minh Ấn Độ để sản sanh ra tư tưởng Đại thừa, mới thích hợp với trào lưu tư tưởng đương thời của vùng này. Nhưng khi Phật giáo đến Trung Quốc, thì hội nhập với triết lý Khổng Mạnh Lão Trang là những tư tưởng chủ đạo của đất nước đó; cho nên Phật giáo Trung Hoa hoàn toàn khác với Phật giáo Thái Lan, Tích Lan. Nhận thức rõ tinh thần tùy duyên của chư vị Tổ sư trên bước đường hoằng truyền Chánh pháp, các Ngài đã ứng dụng tinh ba giáo pháp một cách hết sức linh động để có thể sinh hoạt hài hòa với cuộc sống của từng đất nước, thì mọi sự phê phán lẫn nhau theo nghiệp thức đều sai lầm mà hàng đệ tử Phật không nên phạm phải.
Có thể hiểu rõ rằng trí tuệ Bồ đề của Như Lai là một, nhưng để sinh hoạt Phật giáo được tồn tại và phát triển thích hợp với từng nơi khác nhau, các nhà sư theo Nam truyền Phật giáo đã khéo léo vận dụng giáo lý của Phật giáo phù hợp với nền văn hóa của Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia v.v… Cũng như chư Tăng theo Bắc truyền Phật giáo đã kết hợp nhuần nhuyễn Phật pháp với nền văn hóa đương thời của Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam… hình thành những tư tưởng Phật giáo phóng khoáng, siêu tuyệt, sống mãi với thời gian.
Tóm lại, niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức, nhưng phải là niềm tin chân chánh. Phải tin đúng việc, đúng chỗ, đúng người, không phải bạ đâu tin đó, nghe gì cũng tin, sẽ hành động sai lầm dẫn đến phiền não khổ đau trong cuộc sống. Khi có được nhận thức đúng đắn như đã giải thích ở phần trên, chúng ta vững niềm tin nơi Tam bảo hơn, vững niềm tin ở đạo Phật hơn; vì đạo Phật siêu việt, vượt lên trên tất cả sinh hoạt Phật giáo được khu biệt trong từng quốc gia ở Á châu hay Âu châu. Phật giáo đã tổng hợp một cách sâu sắc các nền văn minh Á Âu và hình thành nên cây Bồ đề ở thế kỷ 21.
Thiết nghĩ cây Bồ đề của chúng ta ngày nay không khác cây Bồ đề thời Đức Phật, cả hai cây Bồ đề vẫn là một. Thật vậy, ở thời đại chúng ta, cần phải ứng dụng những pháp phương tiện khác, để thích hợp với cuộc sống trong thời văn minh đương đại; nhưng khi chứng đắc Vô thượng Bồ đề, chúng ta và tất cả đệ tử Phật đều thâm nhập dòng thác trí tuệ của ba đời mười phương chư Phật, dòng thác trí tuệ đó muôn đời là một, không khác và mãi mãi là ánh đuốc soi đường cho nhân loại ra khỏi biển khổ sinh tử.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm