Cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi gặp mùa xuân (1)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" và cả cuộc đời ông đã hoạt động không ngừng nghỉ để kêu gọi hòa bình, đưa Phật giáo Việt Nam vươn ra thế giới.
Trên cốc Ngồi Yên nơi Xóm Thượng
Tấm hình thầy năm 16 thơ ngây
Ngày thầy chưa biết gì về tương lai
Chỉ biết ngọn lửa “muốn tu và muốn đem đạo Bụt ra làm đẹp cho cuộc đời”…
Là một nguồn năng lượng lớn
Nhức nhối trái tim xanh! (2)
Thấm thoắt bóng thời gian
Những dòng sông khi đầy khi cạn
Khói lửa chiến tranh tạc giữa nhân gian ngàn hố sâu tội ác
Hoa sen trong biển lửa sáng ngời
Khổ đau trong đời
Như những đường vân trên bàn tay ta 5 ngón
Người ta cố vùi mình trong những lãng quên và giấc mơ lẩn tránh
Trốn chạy khó khăn của chính mình không nên là một lựa chọn
Trở về hiện tại, đối diện, chọc thủng khổ đau để đi vào trái tim của sự sống
Mới thực sự cần cho mỗi chúng ta! (3)
Thực tại đẹp hơn cả giấc mơ
Cần quay về nương tựa
An trú bây giờ
An trú ở đây…
Có mặt bên nhau đã là những giây phút nhiệm màu
Ngồi thật yên, thân và tâm quyện hòa trong nhau
Hạnh phúc liền có mặt
Ta không cần chạy đi tìm hạnh phúc
Gieo từng hạt nhỏ, vườn hạnh phúc lớn ắt đơm hoa
Ngồi thật vững chãi – chuyện gì cũng qua (4)
Ngày thầy chuẩn bị đi xa
Rời quê hương, đi vận động hòa bình cho nòng súng chiến tranh không còn hướng về nhân dân cùng khổ
Đêm giữa năm 1966, Sư ông Thanh Quý Chân Thật
Tâm đăng trao truyền:
“Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành
Hành đương vô niệm diệc vô tranh
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể
Diệu pháp Đông Tây khả tự thành” (5)
Và thầy đi về hướng mùa xuân…
97 năm – giấc mộng trần
72 hạ lạp – hải đăng soi đường (6)
Thầy còn trong mỗi chúng con
Hơi thở chánh niệm, bàn chân an hòa
Trong từng chiếc lá nụ hoa
Ru con tỉnh thức dưới mái nhà tăng thân.
Cùng thầy đi gặp mùa xuân
Tổ tiên huyết thống, tâm linh tìm về
Bụt, thầy nâng bước con đi
Ngàn năm mây trắng tìm về tạ ơn!
Theo chân thầy, con đi về phía mùa xuân…
Chú thích:
(1): Viết từ cảm xúc khi đọc bài viết “Đi gặp mùa xuân” được ghi chép lại từ pháp thoại ngày 3/3/1996, tại thiền đường Nến Hồ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
(2) Trong bài Pháp thoại của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh bắt đầu câu chuyện bằng tấm hình thầy chụp năm 16 tuổi đặt ở cốc Ngồi Yên nơi Xóm Thượng. Thiền sư tư nhận mình ở thời điểm này đang còn “khờ khạo, ngây thơ, chưa biết gì về con đường tương lai, cũng chưa biết được bản chất của Phật pháp, cũng không biết rằng sau này lớn lên mình sẽ tu học như thế nào và hành đạo ra sao”, “chỉ có một năng lượng rất lớn ở trong lòng: muốn tu và muốn đem đạo Bụt ra làm đẹp cho cuộc đời. Ý niệm muốn tu và muốn đem đạo Bụt ra làm đẹp cho cuột đời rất mạnh ở trong lòng chú bé mười sáu tuổi. Tu như thế nào thì chưa biết, làm đẹp cho cuộc đời như thế nào thì chưa biết, nhưng năng lượng ấy rất lớn ở trong trái tim chú bé ngày xưa”.
(3): Nguyên văn lời pháp thoại của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Trở về giây phút hiện tại, chọc thủng giây phút đó để đi vào trái tim của sự sống, đó là sự thực tập của chúng ta. Tại Mai Thôn đạo tràng, chúng ta không chạy theo con đường mà đa số đang chạy theo là tìm tòi sự lãng quên, nương náu vào những giấc mơ để quên đi đau khổ, quên đi những khó khăn hiện thực của cuộc sống…. Thực tại đẹp hơn bất cứ giấc mơ nào mà mình có thể mơ tưởng."
(4): Hiện pháp lạc trú – một phương pháp thực tập tại Làng Mai, “nghĩa là sống từng giây, từng phút có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Căn bản của sự thực tập là những mầu nhiệm của sự sống, những điều kiện của hạnh phúc đã có sẵn trong ta và xung quanh ta. Nếu ta biết ngồi yên, nếu ta biết thực tập đem thân và tâm về một mối, thì tự nhiên ta có thể tiếp xúc với những điều kiện đó của hạnh phúc và ta có hạnh phúc ngay tức khắc. Ta không cần phải chạy đi tìm hạnh phúc ở đâu nữa. Từ hạnh phúc nhỏ, chúng ta đi tới hạnh phúc lớn. Hạnh phúc lớn không thể có mặt ngoài những hạnh phúc nhỏ”
(5) Bài kệ truyền đăng được Sư ông Thanh Quý Chân Thật ban cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong đêm truyền đăng năm 1966 – trước khi Thiền sư xuất ngoại đi vận động chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành: Đi về một hướng thôi: gặp được mùa xuân và đạt tới một thế đi vững chãi.
Vô niệm tức là không để bị kẹt vào ý niệm. Vô tranh nghĩa là không có óc hơn thua, ganh tỵ với người. Trong hành động, chúng ta phải có tự do, phải vô niệm, phải vô tranh thì hành động đó mới là hành động đích thực.
Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể: lấy ngọn đèn tâm mà soi rọi trở lại cái bản chất, cái thể tính của mình. Làm được như vậy thì: Diệu pháp Đông Tây khả tự thành. Cái chánh pháp mầu nhiệm tự động được thành tựu thôi, dù ở phương Đông hay phương Tây.
(6): Sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, vào lúc 01:30 ngày 22 tháng 01 năm 2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư pháp hiệu trước Nhất sau Hạnh, Niên Trưởng Trú trì Tổ đình Từ Hiếu đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm, trụ thế 97 tuổi và 72 hạ lạp.
16h00, 2/2/2022 (Mùng 2 Tết Nhâm Dần)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm