Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 08/05/2024, 15:30 PM

Nhành sen trên chiếc áo lam

Lễ Phật trở về, tôi xếp ngay ngắn chiếc áo lam rồi vuốt phẳng phiu để cất vào ngăn kéo. Tay tôi chạm khẽ chi tiết thêu tay, nhành hoa sen trắng lấp lánh như có ánh hào quang chiếu rọi.

Giữa đống rác bẩn thỉu,

Vất bỏ bên đường hoang,

Hoa sen thơm ngào ngạt,

Đẹp lòng khách qua đàng.

(Kinh Pháp cú 58)

Giữa chốn thiền môn tĩnh lặng, hồn tôi chu du theo từng họa tiết hoa sen trên các kiến trúc Phật đường. Từ phù điêu, đá tảng, bệ tượng Phật đến các dáng gốm và họa tiết trang trí đều sử dụng hình tượng hoa sen làm trọng điểm. Chiếc hồ sen nhỏ đang mùa nở rộ, từng cánh sen trắng lẫn sen hồng, theo gió từ nhành dương liễu đung đưa. Tôi quỳ dưới chân Đức Phật trong chiếc áo lam có thêu nhành hoa sen, nương nhờ sự thanh khiết và thánh thiện của hoa sen cho hồn thanh tịnh. Đức Phật tọa trên một tòa sen rộng, từng cánh hoa như dập dìu giữa chốn Bồng Lai, trong phút chốc người Phật tử như thoát khỏi tục trần, không còn phiền não.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Không biết từ bao giờ, hoa sen và chiếc áo lam đã đến với đạo Phật, gắn liền với những người con Phật. Đối với tôi, chiếc áo lam và cành hoa sen không thể thiếu trong đời sống tâm linh, là niềm tin, là nơi nương náu cho tâm hồn, để quên đi những lo âu và muộn phiền trong cuộc sống. Khi khoác vào chiếc áo lam ấy, tôi cảm thấy như có một tình thương thầm lặng chở che. Hình ảnh hoa sen thanh cao, vươn lên từ bùn lầy, như giục giã, thôi thúc tôi vượt qua nghịch cảnh.

Chúng ta có thể thấy hoa sen ở khắp nơi, có nhiều giống và màu sắc. Nhưng bất cứ khi nào ta cầm lên đóa hoa sen, ta lại nhớ những đóa hoa sen dưới bước chân Đức Phật khi Ngài mới chào đời, hình ảnh Ngài đứng lên một tòa liên hoa như ăn sâu vào tâm trí. Những cánh sen nở dưới chân Đức Phật như chính những hạt mầm yêu thương nở rộ trong tâm hồn, niềm an lạc đâm chồi, nảy lộc. Hoa sen như là một phép màu, là một biện pháp chữa lành vi diệu. Khi đối diện với loài hoa của Phật này, dường như mọi sân si đều tan biến và lòng người trở nên bình thản.

Ai sinh sống trên đời,

Hàng phục được tham ái,

Khổ đau sẽ vuột khỏi,

Như nước trượt lá sen.     

(Kinh Pháp cú 336)

Hoa sen còn tượng trưng cho những người không bị ô nhiễm, vẩn đục bởi cuộc đời. Trần thế lắm ưu phiền và tục lụy, rồi cũng như nước trượt khỏi lá sen, nhường lại một mùi hương thanh nhã. Hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Hoa sen còn biểu trưng cho trí tuệ siêu việt, thể hiện niềm khao khát giác ngộ. Vì thế, hoa sen được đưa vào khắp các họa tiết thờ cúng như nhắc nhở những điều này với người con Phật. Nếu có một loài hoa vừa hữu hình vừa vô hình thì đó chính là hoa sen. Chúng ta có thể sờ những cánh hoa mềm, có thể cảm nhận hương hoa thơm, nhưng đồng thời cũng có thể gieo trồng, nuôi dưỡng nó trong tâm hồn cho đến ngày nở ra những bông hoa chánh niệm.

Có thể nói, hoa sen là loài hoa của Phật giáo vì đã có mặt từ lâu trong các kiến trúc chùa, tháp. Hoa đã đi vào tâm thức mọi người, trở thành hình tượng nghệ thuật, kiến trúc và điêu khắc. Đối với Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho vẻ đẹp thần bí, huyền ảo và tư tưởng sâu kín. Hoa sen xuất hiện nhiều trong các sản phẩm trang trí, thờ tự, điêu khắc. Hình tượng hoa sen còn được dùng để làm cái hũ đựng hài cốt, thể hiện  niềm tin được tái sinh vào cõi cực lạc hay một kiếp sống không còn khổ đau trần thế.

Hoa sen ảnh hưởng rất lớn trong tâm thức Phật giáo, xuất hiện rất nhiều trong kinh Phật, danh hiệu Phật và danh hiệu kinh như “Diệu Pháp Liên Hoa” – bộ kinh nổi tiếng bậc nhất của Phật giáo Đại thừa, dùng những đặc tính đặc biệt của hoa sen để nói về pháp. Pháp ấy dạy cho chúng ta hiểu được con người cũng giống như những hoa sen kia, tuy vẫn còn ngụp lặn chốn hồng trần, còn bị phiền não chi phối nhưng khi gặp mặt trời diệu pháp thì đều an nhiên, trong sạch, thơm mát và thanh cao.

Những triết lý tưởng chừng siêu thực và không gần gũi với cuộc đời trần thế lại có nguồn gốc từ những khổ đau của chúng sanh. Đức Phật đã từng nói, như nước đại dương chỉ có một vị mặn, giáo lý của Như Lai cũng chỉ có một vị là giải thoát. Vị giải thoát đó cởi trói cho những ràng buộc, khổ đau, cố chấp, bám víu… của chúng ta trong cuộc đời. Như hoa sen lấy chất liệu là bùn nhơ, nước đục nhưng hương sắc làm ấm áp lòng người.

Lễ Phật trở về, tôi xếp ngay ngắn chiếc áo lam rồi vuốt phẳng phiu để cất vào ngăn kéo. Tay tôi chạm khẽ chi tiết thêu tay, nhành hoa sen trắng lấp lánh như có ánh hào quang chiếu rọi. Tôi vẫn hay hoài niệm lúc mặc chiếc áo lam có thêu hoa sen này, quỳ dưới ngôi tam bảo khấn nguyện, giây phút dâng bó sen trắng lên cúng dường, hương sen cùng với hương trầm thơm phảng phất chốn thiền môn.  

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền và tập tạ

Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024

Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Xem thêm