“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”
Đức Phật dạy “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Biết điều này, khi được là con Phật, ta sẽ thấy mình thật hạnh phúc vì bản thân vừa có được thân người, lại biết Phật pháp, hiểu và hành theo để chuyển hóa khổ đau, kiến tạo hạnh phúc.
Ngày hôm nay đẹp lắm
Có thể xem đây là “thần chú” giúp mình tỉnh ra. Thi thoảng ta vẫn hay có tâm trạng không vui vì những chuyện bất như ý. Ta trách ông trời, trách người này người nọ vì muốn đổ lỗi cho những đối tượng không phải là ta đó. Nhưng rồi nhờ thần chú ấy, ta giật mình, cuộc sống của ta và xung quanh ta đâu tới nỗi nào. Đó là chưa nói, những biểu hiện này, nguyên nhân chính từ ta. Hơn nữa, thậm chí đó không phải là nguyên nhân từ mình thì việc không tốt ấy xảy đến cũng dạy mình nhiều điều, chẳng hạn nó nhắc mình về sự vô thường vẫn tồn tại hiển nhiên và luôn luôn. Không có gì là mãi mãi, không gì là chắc chắn cả để ta phải chấp chặt vào và xem đó là cái của tôi hoặc biến nó thành cái tôi khó ăn khó ở.
Ngày hôm nay đẹp lắm. Ta niệm niệm và nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà mình còn đang có được. Một đôi mắt sáng, một cánh tay còn linh hoạt, một đôi chân còn vững chãi, một cái đầu còn minh mẫn… Chúng ta có những giá trị quý giá như vậy nhưng mình thường không biết tận hưởng cho đến khi nó không còn hiện diện với mình. Ta cứ đinh ninh những thứ ấy sẽ còn hoài bên mình nhất là khi ta còn khỏe, còn trẻ.
Không ít người nhận ra, có sức khỏe sẽ có tất cả, đến khi sức khỏe không còn thì ta chỉ mong mỗi một điều: là sức khỏe. Đại dịch Covid-19 đã lắng, cuộc sống trở lại bình thường nhưng mỗi khi nhớ lại những tháng ngày đầu của đại dịch người ta vẫn khó quên vì sự khốc liệt của nó.
Rất nhiều người, nhiều gia đình đã phải trải qua thống khổ của “sanh ly tử biệt”, một trong tám cái khổ căn bản của con người được Đức Phật dạy trong bài pháp đầu tiên về bốn sự thật. Cả thế giới được thức tỉnh và nhiều người đã thay đổi thái độ trước cuộc sống. Họ biết trân quý sức khỏe hơn, kết nối với người thân người thương nhiều hơn (thay vì lên mạng, xôn xao nơi thế giới ảo). Ở khía cạnh này, cơn đại dịch cũng như một vị pháp sư đã giảng về vô thường và giá trị của cuộc sống hữu hạn nơi Ta-bà này.
Được là người thật khó, “như con rùa mù lặn trong biển mênh mông, suốt trăm năm mới ngoi lên mặt nước và đầu chui vào đúng bộng cây mục vô tình trôi ngang qua”. Thật hy hữu. Thế mà, nhiều người lại không trân quý cơ hội được làm người quá khó đó để sống có chất liệu bình an, hạnh phúc hơn. Rồi vô tình đưa mình vào địa ngục ngay khi còn hiện tướng con người.
Theo đó, thay vì để mình sống làng nhàng cho qua ngày đoạn tháng, chờ chết, làm những điều hại mình hại người, quằn quại với sân si đố kỵ thì ta có thể kiến tạo những giá trị tương ứng với năng lực bản thân. Bằng việc phát nguyện làm những việc tích cực, tử tế trong khả năng, ta có thể cùng chung tay với những vị Phật, Bồ-tát, Thánh hiền nâng mình lên, giúp người bớt khổ, thêm niềm vui.
“Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo” (kinh Pháp cú, phẩm Song yếu) Đức Phật đã nhấn mạnh điều này. Khi khởi ý “ngày hôm nay đẹp lắm”, ta sẽ bắt đầu thấy mùa xuân, nắng lên trong lòng mình và làm những điều tích cực, để lòng biết ơn dâng trào. Thực ra, khi biết nuôi dưỡng lòng biết ơn, ta sẽ nghĩ đến việc đáp đền, nguyện sống xứng đáng với những gì mình đã nhận, đang vay để những thọ nhận từ cuộc đời trở nên giá trị, từ đó bản thân “có lãi”.
Xuân không có mùa
Khi trái tim mình đủ rộng rãi, ta sẽ dung chứa được nhiều thứ hơn, nghĩ về và lo cho người được nhiều hơn. Hòa thượng Thích Quang Đạo, vị Giáo phẩm Chứng minh Phật giáo Đồng Nai từng nói “tâm rộng cảnh rộng”. Ý pháp ấy hòa trong chiều sâu của lời Phật dạy xuyên suốt: “nhất thiết duy tâm tạo”, “tướng từ tâm sinh”. Nhìn nhân tướng và hoàn cảnh sống, con người và năng lượng xung quanh một người, một tổ chức ta có thể phần nào biết được tâm-ý của họ.
Người thế gian thường đợi mùa xuân về - hòa theo cảnh vật đầy sắc hương ấy để vui. Nhưng người học đạo thì phải kiến tạo được mùa xuân trong bốn mùa. Hay nói cách khác là mùa xuân ngay hiện tại, luôn luôn. Để làm được điều mầu nhiệm này đương nhiên từ bên trong tới bên ngoài, ta phải thấm sâu ý đạo, tỉnh thức, chánh niệm để không dính mắc lại trước được mất, hơn thua, thị phi và mỉm cười được trong tất cả mọi sự mọi việc đến với mình.
Trong phẩm Ngàn, Pháp cú 110, Đức Phật dạy: “Dầu sống một trăm năm/ Ác giới, không thiền định/ Tốt hơn sống một ngày/ Trì giới, tu thiền định”. Lời dạy này giúp ta nhận diện được giá trị của giáo pháp - là con đường sáng, là cánh cửa mở để ta bước vào cõi an tịnh. Đức Phật qua đó cũng đề cao con đường hiểu và thương, thấy rõ quy luật, bản chất cuộc đời của một người biết đạo, hiểu đạo.
Thật vậy, giá trị của một người không phải ở chỗ sống bao lâu mà sống có chất lượng, có an vui, hỷ lạc không. Và muốn có được những giá trị của hỷ và lạc thì phải thực tập thiền định, khai tâm mở trí. Hành giả có học và hành con đường giác ngộ sẽ thấy mỗi phút giây được sống đều là phút giây ý nghĩa, an ổn, tỏa ra được từ trường hỷ lạc.
Học pháp chúng ta sẽ thọ nhận được thức ăn mầu nhiệm cho tâm, như thể uống nước cam lồ khiến đất tâm liền từ lửa đỏ hóa hoa sen vậy. Quan sát những người đã được chuyển hóa nhờ học Phật ta sẽ thấy được giá trị này. Thậm chí, có những người từ một đối tượng cả xã hội sợ hãi, muốn loại bỏ đã thành người hữu ích, mang lại nhiều cảm hứng sống tử tế cho người khác.
Ánh sáng Phật pháp soi chiếu làm cho bóng đêm nơi tâm một người tan biến, con đường và bước chân của họ sẽ sải về phía ánh sáng. Ai cũng có thể có cơ hội “cải tà quy chánh”, trở về với chân tâm, Phật tánh. Ngài Vô Não thời Phật còn tại thế đã chứng minh điều này, khi từ một người mê muội, sát nhân, được hóa độ và thành vị Tỳ-khưu, Tôn giả trong hàng Thánh tăng.
Mùa xuân và năng lượng tích cực trong mỗi người có tính lây lan. Theo đó, ta có thể sẽ chữa lành và khơi dậy lương thiện nơi những tâm hồn rách nát khác nếu mình làm được điều kỳ diệu: đi qua cơn mê.
Trong bài pháp đầu tiên, Đức Phật đã dạy về khổ. Cõi Ta-bà vốn đầy tham-sân-si, tâm ta cũng còn nhiều độc tố này, nhưng niềm tin về sự thay đổi (vô thường) sẽ biến ta thành người khác, từ phàm lên thánh, từ đó ta sẽ nguyện đi và tinh tấn. Qua đêm dài rồi sẽ tới bình minh. Có mùa xuân nào đến mà không trải qua một mùa đông băng giá tưởng chừng như vô tận?
Cuộc đời ngắn nhưng cũng mầu nhiệm vô cùng, chỉ cần ta thay đổi hơi thở, từ vô minh sang tỉnh thức, chánh niệm là cả một mùa an vui dần hiện ra rõ ràng cho ta, trong ta…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiết lập một đời sống an lành
Sống an vui 09:22 23/11/2024Trong cuộc đời đầy biến động, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng ao ước một cuộc sống an lành, nơi tâm hồn không còn bị cuốn theo những lo toan, phiền muộn. Là một Phật tử, tôi nhận ra rằng an lành không phải điều gì quá xa vời.
Bình yên của hiện tại
Sống an vui 08:08 23/11/2024Sau những cơn bão đời, khi tâm hồn tôi dường như chẳng còn gì ngoài những vết thương chằng chịt, tôi mới nhận ra một điều: bình yên chẳng nằm ở đâu xa, mà là trong chính giây phút hiện tại này.
Bạn đối xử tốt với ai?
Sống an vui 07:30 23/11/2024Sống ở đời, chờ người khác biết điều với mình, chi bằng tự biết điều với mọi người, và cả với bản thân mình trước.
Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch
Sống an vui 16:50 22/11/2024Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.
Xem thêm