Thứ tư, 03/01/2024, 08:48 AM

Tôn giả Mục Kiền Liên – Thần thông đệ nhất

Mục Kiền Liên là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là “phục lai căn,” còn dịch là “thái thúc thị”. Tên của Tôn giả là “Câu Luật Đà”, vốn là tên của một loại cây.

Sự chào đời của Tôn giả cũng có một nhân duyên như Tôn giả Đại Ca Diếp vậy – Tôn giả Đại Ca Diếp là do cha mẹ cầu khẩn dưới cây mà sinh ra; thì Tôn giả Mục Kiền Liên cũng vậy, cũng do cha mẹ cầu tự dưới cây Câu Luật Đà mà sinh ra, cho nên lấy tên của cây nầy đặt tên cho con.

Mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên tuy cầu Thần linh, nhưng không tin Phật, không tin Pháp, không tin Tăng. Bà chẳng những không tin Tam bảo, lại còn hủy báng, phá hoại Tam bảo, nói nào là Tam bảo không tốt, nào là không đáng để tin theo…, cho nên sau khi chết, bà liền bị đọa vào địa ngục. Đợi đến sau khi Tôn giả Mục Liên chứng quả vị La Hán, đắc được lục thông, Tôn giả liền quan sát khắp các cõi giới để tìm mẹ; vừa nhìn đã thấy bà đã bị đọa vào địa ngục. Vì Tôn giả đã khai mở được Phật nhãn, Pháp nhãn, huệ nhãn, đắc được ngũ nhãn lục thông, nên nhìn thấy được mẹ mình đang chịu khổ nơi địa ngục, cơm cũng không có mà ăn; thế là Tôn giả liền đi xin một bát cơm để mang đến cho mẹ.

Tôn giả Mục Kiền Liên

Tôn giả Mục Kiền Liên

Vào đến địa ngục, Tôn giả dâng bát cơm cho mẹ. Bà mẹ của Tôn giả lúc còn sanh tiền vì tâm tham quá nặng nề, cho nên dù bị đọa làm ngạ quỷ nhưng vẫn không dứt bỏ được tâm tham. Bà một tay đỡ lấy bát, dùng vạt áo của tay kia che lại, rồi vội vàng chạy đến chỗ không có các ngạ quỷ, đem bát cơm ra len lén ăn một mình. Vì sao bà phải che bát cơm lại? Vì bà sợ các ngạ quỷ khác đến giành giật, nào ngờ cơm vừa đưa đến miệng thì liền hóa thành lửa. Đây là lý do gì? Đây là vì nghiệp chướng của bà quá nặng nề, nghiệp tội quá sâu dày, cho nên dù là thức ăn có ngon đến mấy, bà cũng không thể ăn được!

Tôn giả Mục Liên tuy là thần thông đệ nhất, nhưng bây giờ thì hết cách, không còn chú để niệm, không thể thi triển thần thông, không còn cách nào khác - đành đi tìm sư phụ thôi: “Những khả năng đệ tử học được, đến nơi đó đều trở nên vô dụng!” Thế là Tôn giả trở về tinh xá Kỳ Hoàn, tìm đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thưa rằng: “Mẹ của con bị đọa vào địa ngục, con mang cơm đến cho mẹ, nhưng mẹ vừa bốc ăn thì cơm liền hóa thành lửa. Xin Phật hãy nói cho con biết nên làm thế nào? Đức Thế Tôn từ bi, xin hãy cứu mẹ của con!”

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni liền đưa ra một phương cách giúp Tôn giả cứu mẹ, đó là cách gì? Phật bảo: “Vì mẹ của ông hủy báng Tam bảo, tội nghiệp quá nặng; bây giờ sức của một mình ông không thể nào giải cứu được đâu. Muốn cứu được mẹ ông thì vào ngày rằm tháng bảy, là ngày chư Phật hoan hỷ, cũng là lúc chư Tăng tự tứ, ông hãy thiết lễ Vu lan bồn, đây là lễ cúng “giải đảo huyền” (giải cứu cái khổ bị treo ngược). Trước tiên, ông hãy cúng dường mười phương Tăng; khi mười phương Tăng chưa thọ dụng những thức ăn này thì ông cũng chưa được dùng. Ông trước hết là phải cúng Phật, Pháp và Tăng, sau đó mới có thể thọ dụng những phẩm vật dâng cúng. Vào ngày này, ông thiết trai cúng dường Tam bảo thì mẹ của ông sẽ lìa khổ được vui!”

Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên y theo phương cách này, thiết bày pháp hội Vu lan, lễ cúng Vu lan bồn. Cho nên mỗi năm đến ngày này, các chùa đều tổ chức pháp hội Vu lan bồn, siêu độ cho cha mẹ trong bảy đời quá khứ và cha mẹ hiện đời. Có người hỏi rằng: “Cha mẹ của tôi hiện còn tại thế, vậy tôi nên làm gì?” Cha mẹ hiện đời vẫn còn sống thì hãy siêu độ cho cha mẹ trong bảy đời đã qua; siêu độ cho cha mẹ trong quá khứ thì cha mẹ hiện đời cũng sẽ được tăng thêm phước báu, kéo dài tuổi thọ.

Thần thông của Tôn giả Mục Kiền Liên là đệ nhất, vô cùng quảng đại. Có một lần, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp,  trên đường đi, lúc băng qua núi Tu di, Đức Phật gặp một con rồng độc. Con rồng độc này ganh tỵ với Phật, nói rằng: “Sa môn như Ngài mà lại muốn lên trời thuyết pháp à, tôi không cho Ngài đi!” Rồng bèn phun cát độc từ trong miệng ra, muốn dùng nọc độc giết chết Đức Phật, nhưng Tôn giả Mục Kiền Liên đã dùng thần thông biến cát độc thành những bông gòn mềm nhuyễn, không còn tác dụng độc hại nữa.

Rồng độc liếc nhìn: “Thì ra vị sa môn này có thần thông, đã hóa giải hết cát độc của ta!” Thế là rồng độc liền hiện thành một thân to lớn, quấn quanh núi Tu di ba vòng; quý vị thấy có lợi hại không! Rốt cuộc là núi Tu di lớn bao nhiêu? Núi Tu di lớn không thể diễn tả được - bốn bộ châu lớn của chúng ta đều nằm ở bốn bên của núi Tu di. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mục Liên cũng hiện ra thân hình to lớn, lớn hơn cả thân của rồng độc - thân của rồng độc quấn núi Tu di được ba vòng, thì Tôn giả Mục Liên lại hiện ra một thân hình to lớn, quấn quanh núi đến chín vòng. Rồng độc vừa nhìn thấy: “A! Tôn giả lợi hại hơn tôi như thế!” Nhưng rồng độc vẫn chưa chịu thua.

Bấy giờ, Tôn giả Mục Liên lại biến thành một con trùng nhỏ, chui vào trong bụng của rồng độc cắn xé ruột của nó khiến nó vô cùng đau đớn. Rồng độc biết mình không có được thần thông quảng đại như vậy, nên liền quy y theo Phật! Bởi vậy nên nói thần thông của Tôn giả Mục Liên vô cùng quảng đại.

Tôn giả Mục Liên là vị nào? Chính là “Bồ tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương” mà bây giờ chúng ta thường gọi. Bồ tát Địa Tạng Vương vì nhìn thấy mẹ mình phải chịu khổ, Ngài không chỉ không nỡ nhìn cảnh mẹ mình chịu khổ, mà cũng không nỡ nhìn thấy mẹ của tất cả chúng sanh chịu khổ, cho nên Ngài phát nguyện làm Địa Tạng Vương đi vào địa ngục, trông coi tình hình ở địa ngục. Đây là nhân duyên của Tôn giả Mục Kiền Liên.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm