Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 19/06/2022, 00:06 AM

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Một nhân cách văn hóa lớn của Phật giáo Việt Nam đương đại

Cả đời của Đại sư chọn nơi chùa quê thôn dã, xa lánh chốn thị phi, chuyên tâm tu hành, phạm hạnh thanh tịnh, tham cứu tham nhập tam tạng đến chỗ uyên áo và tận tâm tận lực hoằng dương chánh pháp, phụng sự chúng sanh không mệt mỏi.

Trong các vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam đương đại, khi nhắc đến đức đệ tam Pháp chủ Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thì chúng ta đã nghe những lời ca tụng, tôn vinh, tán thán trí tuệ, công hạnh tu hành của ngài như: Phật Thích Ca thời hiện đại của Việt Nam; Cuộc đời của ngài là hiện thân của kinh điển; Bậc thánh tăng chân tu phạm hạnh sáng ngời; Bậc tùng lâm thạch trụ của Giáo hội; Nhà sư chân quê thông tuệ và giản dị; Nhà giáo dục Phật giáo hiện đại…

Đúng là cuộc đời ngót 100 năm tu hành với những đóng góp lớn lao cho đạo, cho đời của ngài thì những lời ca tụng, tán thán như vậy là rất xứng đáng để làm gương cho hậu thế noi theo. Ở đây chúng tôi muốn tiếp cận từ góc nhìn văn hóa để làm sáng tỏ thêm một nhân cách văn hóa lớn của Đại sư thể hiện rõ qua 105 năm trụ thế cõi Ta Bà.

Bậc chân tu Thích Phổ Tuệ

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, bậc cao Tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

1. Khái niệm nhân cách văn hóa

Nhân cách là khái niệm thuộc ngành khoa học nhân chủng học (anthropology). Theo nghĩa đen, nhân cách tức là tư cách và phẩm chất của một con người. Chúng ta thường nghe nói: Hãy giữ gìn nhân cách trong sạch; tôn trọng nhân cách của một hiền nhân. Cấu trúc nhân cách bao gồm nhiều thành tố: tinh thần và vật chất, tâm linh và thể xác, đạo lý và sinh thể, lý tưởng và hiện thực, động cơ và hành vi…Nhân cách là một giá trị thuộc phạm trù văn hóa đạo đức - thẩm mỹ, nên mới có nhân cách văn hóa. Ở mỗi khu vực, mỗi quốc gia do đặc thù lịch sử, văn hóa, địa lý, tâm lý, đạo đức, kinh tế v.v… nên giá trị nhân cách được nhìn nhận có những điểm không đồng nhật. Nước ta và một số nước trong triền văn hóa Phương Đông thường nói đến mô hình: chân, thiện, mỹ.

Nhân cách văn hóa vốn là sản phẩm sống động, có mức độ phát triển phong phú, toàn diện, là diện mạo phát triển tập trung của các cá nhân trong xã hội. Các hệ giá trị Việt Nam tiêu biểu nhất bao gồm: Tình cảm gia đình và đại nghĩa dân tộc, công ăn việc làm, công bằng xã hội… Trong bài viết này người viết tiếp cận theo nghĩa là chuẩn mực tạo nên nhân cách con người có sự phát triển toàn diện về mặt thể chất, năng lực đạo đức, trí tuệ và thiên hướng theo những nguyên tắc cộng đồng các lợi ích, nhân đạo và phát triển bền vững.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam.

2. Hành trạng của Đại sư Thích Phổ Tuệ

Đại sư Thích Phổ Tuệ, tục danh Bùi Văn Quý sinh 1917, tại tỉnh  Ninh Bình. Năm 1923 xuất gia tại chùa Quán thuộc Ninh Bình, 8 tuổi, ngài thọ giới Sa di. Năm 1934, Đại sư Thích Phổ Tuệ bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh tỉnh Hà Tây. Năm 1937, Đại sư được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo do Hoà thượng Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đàn đầu. Từ năm1958 đến nay, Đại sư trụ trì chùa Viên Minh (tên tục là chùa Giáng) xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.

Cả đời của Đại sư chọn nơi chùa quê thôn dã, xa lánh chốn thị phi, chuyên tâm tu hành, phạm hạnh thanh tịnh, tham cứu tham nhập tam tạng đến chỗ uyên áo và tận tâm tận lực hoằng dương chánh pháp, phụng sự chúng sanh không mệt mỏi. Sự nghiệp nghiên cứu giảng dạy phiên dịch, trước tác, chú giải kinh điển của ngài rất lớn, nổi bật là các tác phẩm để lại cho đời như: Đại từ điển Phật học, kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần…

Với trí tuệ và đức hạnh lớn, từ năm 1987 đến nay, Đại sư Thích Phổ Tuệ được cung thỉnh đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương: Viện chủ Tổ đình Viên Minh Hà Tây; Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây; Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường Trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Giáo dục tăng ni Trung ương (nay là Ban Giáo dục Phật giáo trung ương; Phó Trưởng Ban Tăng sự Trung ương; Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội; Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học; Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 2007, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VI, Đại sư Thích Phổ Tuệ được Đại hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành Pháp chủ đời thứ ba của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó cho đến ngày viên tịch, Đại sư được Tăng Ni đồng bào Phật tử cả nước một lòng cung thỉnh ngài tiếp tục đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại sư Thích Phổ Tuệ không chỉ là một bậc cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một lão nông thực thụ với đức tính khiêm tốn, cần cù và giản dị.

Đại sư Thích Phổ Tuệ không chỉ là một bậc cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một lão nông thực thụ với đức tính khiêm tốn, cần cù và giản dị.

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Biểu tượng sáng ngời của Phật giáo Việt Nam

Đại sư Thích Phổ Tuệ không chỉ là một bậc cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một lão nông thực thụ với đức tính khiêm tốn, cần cù và giản dị.

Suốt cuộc đời tu hành ở nơi chùa quê thôn dã, cả đến lúc 80 tuổi, ngoài các thời công phu tọa thiền tụng kinh, hoằng pháp, Đại sư luôn cùng các đệ tử cùng cày cấy trồng trọt nuôi thân, không nương sự cúng dường của thập phương tín thí theo tinh thần truyền thống “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của nhà Thiền.

3. Những biểu hiện của nhân cách văn hóa

Cuộc đời hơn một trăm năm của Đại sư Phổ Tuệ trong cõi Ta Bà thể hiện một nhân cách văn hoá sống động của Phật giáo Việt Nam đương đại. Đại sư là bậc mô phạm chốn tùng lâm, giới luật tinh nghiêm, phạm hạnh cao viễn, sống thanh bần lạc đạo, khiêm cung nhẫn nại, xem phú quý như phù vân với những đóng góp lớn cho đạo cho đời được các vị lãnh đạo đất nước cũng như toàn thể giáo hội cung tán

Theo Trưởng lão Hoà Thượng Thích Trí Quảng – đương quyền Pháp Chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cuộc đời đạo hạnh của Đại lão Hòa thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đạt được ba điều mà ai ai cũng đều cúi đầu kính ngưỡng, đó là ngôi vị cao nhất, tuổi thọ dài nhất, đức độ sáng nhất. Hơn trăm năm thác tích trần hoàn, Ngài đã thắp sáng tâm đăng bao thế hệ. Từ thuở đồng chân nhập Đạo, Ngài một lòng tinh tấn tu hành, đèn trí tuệ ngày thêm sáng tỏ. Dù lúc gian nan cuốc đất trồng rau trong hợp tác xã nông nghiệp, hay khi được Giáo hội suy tôn ngôi vị Pháp chủ tối cao, Ngài vẫn một lòng sống cảnh thanh bần thủ Đạo. Trong trượng thất đơn sơ, dưới mái chùa cổ kính, dù thời tiết đổi thay, dù thế cuộc xoay vần, Ngài vẫn nghiêm trang cốt cách thoát tục: Tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam-mô. Câu kinh vàng của Phật Tổ Tam Kinh, lời niệm Phật của đức Pháp chủ đã trở thành hơi thở của Giáo hội, truyền lưu mạng mạch Phật pháp. Ngài đã âm thầm gìn giữ ngọn đèn trí tuệ của đức Như Lai được Tổ tương truyền. Ngài thường dạy: Nhất tâm niệm Phật. Thân giáo và khẩu giáo của Ngài đã thắp sáng niềm tin chánh pháp cho bao người con Phật. Đặc biệt, trước lúc từ bỏ huyễn thân, lo lắng cho kỷ cương của Giáo hội, Ngài ân cần chỉ dạy chúng con thành lập Hội đồng Giám luật. Chúng con đã hoàn thành tâm nguyện cao cả của đức Ngài. Đó là di sản vô giá Ngài để lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam hôm nay và mãi mãi về sau...” [1]

Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tán thán đạo hạnh của Đại sư : “Với 85 tuổi hạ, 105 tuổi đời, Đại lão Hòa thượng là bậc cao tăng  lỗi lạc, đạo cao, đức trọng hiếm có xưa nay. Cuộc đời tu hành của Đại lão Hòa thượng đã có nhiều đóng góp to lớn cho đạo pháp, cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.”[2]

Báo chính phủ có lời nhận định rất xác đáng về phẩm hạnh, trí tuệ và những đóng góp của Đại sư cho đạo cho đời rằng: “Ông là vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức trí vẹn toàn, được Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ là bậc chân tu nổi tiếng tinh thông kim cổ, quảng bác, trọn đời sống thanh bần, ẩn dật ở chùa quê thanh tịnh. Ông là người có đóng góp to lớn trong việc biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm về Phật học ở Việt Nam.” [3]

Đức hạnh giản dị gần gũi khiêm cung của Đại sư được Nguyên Huệ cung tán thông qua sự tôn kính của dân chúng: “Đối với người dân trong vùng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị. Bởi, suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Hòa thượng luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi.”[4]

Khi Đại sư viên tịch, lãnh đạo Đảng, nhà nước có chung nhận định “Hơn 1 thế kỷ nơi cảnh thiền môn, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đi trong niềm kính tín và tiếc thương vô hạn của môn đồ tứ chúng, tăng ni, đồng bào Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Ngài để lại di sản đức hạnh, cuộc đời thanh bạch, luôn sáng ngời ý chí tu hành, là nhân cách ưu việt của một bậc cao tăng thạc đức, trọn đời vì đạo pháp và dân tộc. Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, với hơn 100 năm trụ thế, 3/4 thế kỷ hoằng dương chính pháp, làm bậc đống lương trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Đại lão Hòa thượng Pháp chủ là hiện thân của giới luật, là thọ mạng của Phật pháp. Trên ngôi vị tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngài vẫn sống thanh bần, ung dung, tự tại tại ngôi cổ tự giữa vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Là bậc chân tu quảng bác, trọn đời ẩn dật nơi mái chùa ở quê thanh tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ luôn được tăng ni, phật tử, quần chúng nhân dân hết lòng kính ngưỡng. Ngài đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, từ phong trào Bình dân học vụ đến phong trào xây dựng hợp tác xã sau khi hòa bình lập lại.”[5]

Trong trái tim của PGS.TS Hàn Viết Thuận, thì “Cuộc đời của cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thật là một huyền thoại! Hơn một trăm năm phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc với một trí tuệ uyên thâm, một tấm lòng nhân hậu và bao dung. Thật là một nhân cách lớn lao và hiếm có trên cõi đời này!”[6]

Những đóng góp của Đại sư cho đời cho đạo được đương kim Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận tán thán: “Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bậc cao tăng, thạch trụ, vị chân tu thanh bạch của Phật giáo thời nay, là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Cuộc đời Hòa thượng là minh chứng sinh động cho những giá trị văn hóa, đạo đức của Phật giáo trong đời sống xã hội”. 

4. Kết luận: 

Cuộc đời và đạo hạnh của Đại sư Phổ Tuệ như một quyển kinh Phật sống, là bài học cao quý cho hậu thế muôn đời, là tấm gương vĩ đại cho cả Tăng Ni đồng bào Phật tử noi theo.

Thật là:

Phổ hóa quần sinh thiếu bách niên

Tuệ thông tam tạng thấu trần duyên

Đại nguyện độ sanh vi Pháp Chủ

Sư hành chính đạo đạt tâm Thiền

Chú thích: 

[1]  https://vov.vn/xa-hoi/cuoc-doi-dao-hanh-cua-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-mai-hang-huu-900079.vov

[2] http://tapchimattran.vn/phong-su-anh/hinh-anh-le-vieng-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-41497.html

[3]  https://baochinhphu.vn/duc-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-vien-tich-102302600.htm

[4] https://vtc.vn/dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-phap-chu-giao-hoi-phat-giao-vn-vien-tich-ar642362.html

[5]  https://dangcongsan.vn/thoi-su/truy-dieu-va-tuong-niem-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-594957.html

[6]  https://phatgiaodoisong.vn/cu-hoa-thuong-thich-pho-tue-trong-trai-tim-toi/

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thơ khuyến tu của ngài Cố Trưởng lão Hộ Tông

Chân dung từ bi 10:30 29/08/2024

Nối mười sáu chữ ở đầu câu thì thành một cặp đối cũng tương đối hoàn chỉnh; nên lấy cặp đối ấy làm đề tựa cho hai bài thơ, dẫu nó có hơi dài: “Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội. Cửa thiền thanh tịnh, muôn kiếp nên duyên!”

Hòa thượng Thích Minh Châu: Thực tu - thực học và giáo dục con người toàn diện

Chân dung từ bi 09:30 19/08/2024

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu là một nhân vật đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Ngài có một nền tảng căn bản về thế học, Phật giáo Đại thừa, xuất dương du học, tiếp thu và phiên dịch kinh tạng Pali thuộc Phật giáo Nguyên thủy, về nước lãnh đạo các trường Đại học Phật giáo, giáo dục con người.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh: “Đừng dính đến quyền lợi”

Chân dung từ bi 14:20 17/08/2024

Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua.

Cố Đại Trưởng lão Hộ Nhẫn, bậc chân tu đạo hạnh

Chân dung từ bi 18:15 27/07/2024

Tôi lặng người đi vì xúc động trước tin quá đỗi bất ngờ! Mặc dù Ngài đã báo trước với chúng tôi là Ngài sẽ ra đi trước tuổi tám mươi của Đức Phật, nhưng thấy Ngài còn mạnh khỏe và sáng suốt nên chúng tôi vẫn hy vọng rằng đó chỉ là một lời nói khiêm nhường, chứ không thể nào là sự thật!

Xem thêm