Đáng sợ thay quả báo sát sanh
Tôi chủ trương rằng mọi người đều phải không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không dùng ma túy; tối thiểu cũng phải giữ được năm giới và phải giữ cho thật thanh tịnh.
Dưới thời vua Lương Võ Đế, Phật giáo tại Trung Hoa rất hưng thịnh; dân chúng khi có hôn lễ hay tang sự đều thỉnh các vị Sư đến tụng niệm. Ngày nay thời đại đổi khác, hiện tại chỉ có tang sự người ta mới thỉnh quý Thầy đến tụng kinh, còn khi có hỷ sự như cưới gả, sanh con thì chẳng có ai thỉnh quý Thầy đến tụng kinh nữa cả.
Thật ra, điều nầy thật lầm lẫn đấy. Vô luận gặp chuyện bất hạnh hay dịp may mắn thì đều nên thỉnh các vị xuất gia đến tụng kinh để hồi hướng, trồng phước - một mặt có thể siêu độ vong linh, mặt khác có thể tăng thêm phước báo cho người còn sống.
Thời vua Lương Võ Đế có Hòa thượng Chí Công, vốn là một vị cao tăng đã đắc Ngũ nhãn Lục thông, tiền nhân hậu quả nhất nhất đều biết rõ ràng. Lần nọ, có một gia đình hào phú tổ chức tiệc cưới cho con và thỉnh Hòa Thượng Chí Công đến tụng kinh. Bấy giờ, Hòa Thượng vừa đặt chân đến ngạch cửa đã than rằng:
“Lạ lạ thay! Quái quái kỳ!
Đứa cháu cưới bà nội,
Heo dê ngồi bàn tiệc,
Quyến thuộc nấu trong nồi.
Con gái ăn thịt mẹ,
Con trai đánh da cha.
Khách khứa đến chúc mừng,
Ta thấy thật là khổ!”
Như thế là ý nghĩa sao đây? “Đứa cháu cưới bà nội,” quý vị thấy có lạ đời không? Nguyên bà cụ này lúc lâm chung cầm tay đứa cháu nội mà trong lòng quyến luyến, không nỡ xa lìa, bà than: “Các con ta ai nấy đều thành gia lập nghiệp cả rồi, chỉ tội cho đứa cháu nội độc nhất của ta không người chăm sóc. Ôi! Biết làm sao đây?” Than xong thì bà tắt thở.
Khi hồn bà cụ đến địa phủ, Diêm Vương phán bảo: “Ngươi đã yêu thương đứa cháu nội như thế, thì hãy trở về làm vợ nó mà chăm sóc cho nó đi!” Thế là bà cụ đầu thai trở lại làm vợ đứa cháu nội. Cho nên, việc tiền nhân hậu quả trên thế gian có khi cũng thật đáng sợ lắm thay!
Rồi Hòa Thượng Chí Công lại ngó quanh và nói: “Heo dê ngồi bàn tiệc.”
Thấy nồi canh đang nấu, Ngài lại nói tiếp: “Quyến thuộc nấu trong nồi.” Nguyên là các con heo con dê bị người ta làm thịt trước kia nay đều đầu thai trở lại làm người, và ăn thịt những kẻ đã từng giết chúng để bồi thường túc báo. Những lục thân quyến thuộc xưa kia chuyên ăn thịt heo thịt dê, thì bây giờ trở ngược lại bị làm heo làm dê và bị người ta bằm chặt, đem nấu trong nồi để đền nợ.
“Con gái ăn thịt mẹ.” Bấy giờ ở ngoài sân có một bé gái đang gặm một cái giò heo rất ngon lành, mà không biết rằng con heo này kiếp trước vốn là mẹ của mình.
“Con trai đánh da cha.” Hòa Thượng Chí Công lại nhìn về phía ban nhạc hòa tấu, người đánh cồng khua chiêng, kẻ thổi kèn thổi sáo, rất tưng bừng náo nhiệt! Trong đó có một người đang hăng say đánh trống—cái trống này được bịt bằng da lừa, mà con lừa ấy kiếp trước chính là cha của anh chàng đánh trống!
Thế mà “khách khứa đến chúc mừng.” Mọi người đều hớn hở cho rằng đó là ngày vui, nhưng Hòa Thượng Chí Công chỉ than thở: “Ta thấy thật là khổ!” Kỳ thật, người đời thường lấy khổ làm vui!
Quý vị nghe qua câu chuyện này rồi thì nên biết việc sát sanh, ăn thịt thật đáng sợ! Sau đây chúng ta hãy nghiên cứu chữ “nhục” (thịt) theo Hán tự:
Bên trong chữ “nhục” có hai người,Người ở trong dòm người ở ngoài,Chúng sanh lại ăn thịt chúng sanh,Suy nghĩ kỹ là người ăn người!
Vì vậy, ăn chay là tốt nhất. Nhưng khi nấu đồ chay, quý vị không nên đặt những cái tên như gà chay, vịt chay, bào ngư chay... cho các món ăn! Đã ăn chay rồi thì tại sao hãy còn không bỏ được những đồ mặn đó? Dù chỉ là thịt cá trên danh nghĩa hoặc hình thức, nhưng bên trong có hàm chứa những chủng tử nhiễm ô, không tốt. Cho nên, từ nay về sau không nên dùng tên của đồ mặn để gọi các món chay nữa!
Lần này có một số người sau khi đến Vạn Phật Thành đã phát nguyện muốn ăn trường chay. Đó là điều rất tốt vì như thế là đoạn tuyệt với sáu nẻo luân hồi - quý vị không ăn thịt các sinh vật, chúng cũng không ăn thịt quý vị; quý vị không giết hại chúng, chúng cũng không giết hại quý vị. Như thế, nghiệp báo tuần hoàn sẽ được thanh tịnh.
Có người lại hỏi: “Ăn chay có gì tốt?”
Xin đáp: “Không có gì tốt cả, chỉ là sống ‘bị hố’ !”
Nói như vậy nghĩa là sao? Bởi vì rau cải, các thức chay tịnh thì không có mùi vị ngon lành như thịt cá, cho nên nói ăn chay là sống “bị hố,” bị thiệt thòi. Thế nhưng, giả sử quý vị ăn mặn, không ăn chay, thì lại là chết “bị hố”! Do đó, cũng giống như đem đi cân vậy, bên nào nặng, bên nào nhẹ, quý vị tự nghiên cứu sẽ thấy rõ.
Tại sao nói ăn thịt là chết rồi “bị hố”? Bất luận quý vị ăn thứ gì, thì ít nhiều trong cơ thể quý vị cũng tồn giữ những thành phần của thứ đó. Chẳng hạn quý vị ăn rau thì trong người có mùi của rau, ăn hành thì có mùi của hành, uống sữa bò thì có mùi sữa bò, ăn cheese thì có mùi cheese, ăn tỏi thì hơi thở có mùi tỏi...
Bởi vì quý vị ăn thứ gì thì thứ đó sẽ hòa nhập vào cơ thể, trở thành một thành phần của cơ thể quý vị; nếu quý vị ăn thứ nào nhiều thì cơ thể quý vị sẽ biến thành giống y như thứ đó.
Do đó, ăn thịt heo nhiều thì sẽ biến thành heo; ăn thịt bò nhiều thì có thể biến thành bò! Điều này rất hợp với khoa học và logic học. Cơ thể của quý vị cùng với các loại thịt hợp thành một công ty hợp tác với nhau, và sau khi chết, quý vị cũng sẽ biến thành các thứ như thế.
Ví dụ sau khi chết, cơ thể quý vị toát ra mùi heo, Diêm Vương sẽ khịt khịt mũi rồi nói: “Ngươi hôi hám thối tha như thế thì đi làm heo cho rồi!” Đối với bò, dê, gà, chó thì cũng giống như vậy. Cho nên, đó gọi là “bị hố” sau khi chết.
Quý vị hãy để ý nhìn xem, những người đồ tể giết heo thường có cặp mắt trông giống như mắt heo. Tại sao vậy? Vì xưa kia họ đã từng bị người ta giết nhiều lần rồi, nay họ đầu thai trở lại thành người để báo thù, nhưng con mắt họ vẫn là mắt của loài heo. Người đồ tể giết bò làm thịt cũng vậy, mắt của họ cũng rất giống mắt bò. Kỳ thật, vấn đề nhân quả không hề sai chạy mảy may! Cổ nhân có nói rằng:
Ngàn năm oán hận ngập bát canh,
Oán sâu như biển hận khó tan.
Muốn biết vì sao có chiến tranh,
Hãy nghe lò thịt, lúc nửa đêm!
Trong bát canh thịt trên bàn ăn chứa đựng một nỗi oán hận âm ỉ, thâm sâu như biển, không thể nào kể xiết! Thế gian sở dĩ có chiến tranh tàn sát, như hai quốc gia sát phạt nhau, kẻ chết người bị thương đầy dẫy, là do ác nghiệp của chúng sanh cộng tụ, cùng nhau chịu quả báo. Nếu quý vị có thể lắng nghe những tiếng kêu la thảm thiết từ lò thịt vào lúc nửa đêm, thì quý vị sẽ cảm thông được nỗi khủng khiếp của sự giết chóc không ngừng ở thế gian này.
Hiện nay khoa học đã nghiên cứu thấy rằng ăn thịt nhiều thì rất dễ sanh bệnh ung thư. Đó là vì oán khí từ trong thân loài động vật bị giết đã dồn nén, tích tụ trong cơ thể người ăn thịt nhiều rồi, lâu dần thì biến thành độc tố hại người. Vì vậy chúng ta nên đoạn tuyệt nhân quả ác nghiệp với chúng sanh, đừng gây tạo tội nghiệt với dê bò chó gà..., thì dần dần chúng ta sẽ có thể chuyển hóa được ác khí của thế giới.
Tại Vạn Phật Thánh Thành, chúng ta một mặt thì hành trì Chánh Pháp, mặt khác là muốn chuyển biến kiếp sát của thế gian và vô hình vô tướng khiến nó dần dần tiêu diệt. Cho nên tôi chủ trương rằng mọi người đều phải không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không dùng ma túy; tối thiểu cũng phải giữ được năm giới và phải giữ cho thật thanh tịnh. Quý vị đã đến được núi báu thì chớ nên trở về tay không!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm