Đánh thức trái tim từ bi
Một biển người cỡ khoảng 800 thiền sinh đã nằm chật cả phòng thể dục War Memorial Gym. Cuối cùng tôi cũng tìm được một chỗ trống, trải tấm nệm tập yoga ra, nằm xuống và lấy cái mền màu vàng cồm cộm từ phòng ngủ ra đắp lên mình.
Đó là buổi chiều đầu tiên của khóa tu “Đánh thức trái tim” do Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức tại trường đại học British Columbia, thành phố Vancouver, Canada. Theo chương trình, chúng tôi sẽ được thực tập thiền buông thư và thiền lạy. Tuy không hiểu thiền lạy là gì nhưng tôi cũng không bận tâm cho lắm. Tôi hoàn toàn đặt trọng tâm vào sự hứa hẹn đầy thú vị của thiền buông thư. Sư cô Chân Không, một đệ tử lớn và cũng là người luôn đồng hành cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh hơn 50 năm qua, khuyên chúng tôi nếu có cảm thấy buồn ngủ thì đừng tìm cách cưỡng lại, cứ để mình trôi vào giấc ngủ, để khi thức dậy được tươi mát hơn. Sư cô hướng dẫn chúng tôi thở, hướng dẫn chúng tôi thư giãn và chú ý tới những mầu nhiệm của hình hài mình, chú ý tới công việc nặng nhọc của trái tim, của lá gan và của ruột. Và sư cô bắt đầu cất tiếng hát thật êm dịu.
Khi tiếng chuông được thỉnh lên kết thúc giờ buông thư và sư cô Chân Không tiếp tục hướng dẫn qua thiền lạy thì tôi đã cảm thấy thư giãn hoàn toàn. Sư cô chia sẻ rằng ai trong chúng ta cũng đều có ba gốc rễ: tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và tổ tiên đất đai. Tổ tiên là cội nguồn của sức mạnh và những đức tính tốt trong ta. Nhưng đồng thời tổ tiên cũng trao truyền cho ta những hạt giống của khổ đau và tiêu cực. Theo lời hướng dẫn của sư cô Chân Không, chúng tôi hướng sự chú tâm đến những hạt giống tốt mà tổ tiên đã trao truyền, đồng thời thừa nhận những hạt giống tiêu cực mà chúng tôi đã tiếp nhận từ tổ tiên. Tiếp đó, chúng tôi lạy xuống, năm vóc sát đất, và buông những năng lượng tiêu cực đó vào lòng đất. Sư cô Chân Không cũng giải thích rằng những lời mà sư cô hướng dẫn trong thiền lạy có thể không hoàn toàn phù hợp cho tất cả mọi người trong chúng tôi. Nhưng chúng tôi có thể sử dụng những lời hướng dẫn này như là một khởi điểm để nhìn lại đời sống của chính mình.
Chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với tổ tiên huyết thống – trước tiên là mẹ của mình. Sự liên hệ giữa tôi và mẹ tôi không có vấn đề gì. Bà là người bạn đã yểm trợ cho tôi trong suốt cuộc đời. Vì vậy tôi không thấy có liên hệ gì tới mình khi sư cô nói về sự khó khăn của những người có một bà mẹ không được dễ thương. Nhưng khi sư cô nói hãy tưởng tượng mẹ của mình lúc còn trẻ với những tổn thương và khổ đau của bà thì tôi bắt đầu khóc ngay, giống như là sư cô đã nhấn phải cái nút mà tôi không hề biết là nó có trong tôi. Tôi hình dung mẹ tôi ở cái tuổi 14, lúc người em trai của bà mất trong một tai nạn. Có lần bà kể với tôi là bà dội rửa máu của em ở trước cổng nhà mà có cảm tưởng là mình dội rửa chính em mình xuống ống cống. Đối diện với tôi là bức tường có dán bảng điểm của phòng thể dục, hai bên được trang trí bằng hình của đầu chim lôi điểu (Thunderbird). Tôi nhắm mắt lại và để nước mắt rớt xuống cái nền xốp mầu hồng của tấm thảm yoga.
Bếp chùa cháy mãi lửa từ bi.
Rồi sư cô Chân Không đề nghị chúng tôi quán chiếu về ba của mình.
Lúc 11 tuổi, trong một buổi ăn sáng tôi đã hỏi ba tôi:
– Ba có tin là có ma hay không?-
– Con nhìn cái bình cà phê này đi.
Ông cầm cái bình đưa lên ánh sáng nhẹ của buổi ban mai:
– Ba tin vào cái bình cà phê này tại vì ba có thể thấy nó. Ba không tin vào cái gì mà ba không thấy được.
Tôi cắn cái góc của miếng bánh mì nướng trét mứt và hỏi:
– Vậy ba nghĩ chết là hết, là chấm dứt tất cả ?
Ba tôi nói:
– Đâu phải vậy! Chúng ta vẫn sống tiếp tục trong con cháu của mình.
Tôi nheo mắt nhìn ba, ông vẫn còn khoác trên mình chiếc áo choàng tắm. Tôi tự cho rằng “tiếp tục sống trong con cháu” chẳng qua chỉ là một cách nói khéo của ba tôi mà thôi, thực ra nó chỉ có nghĩa: chết là hết. Tôi không thể chấp nhận cái lối tin đơn giản như vậy, tại vì lúc đó đầu của tôi đầy ắp những thứ khác như là: thiên đường và Thượng đế, luân hồi, linh hồn, ma quỷ, chiêm tinh học và sức mạnh tâm linh. Thế giới của cô bé 11 tuổi lúc ấy vừa ly kỳ mà cũng vừa đáng sợ. Tôi luôn trùm kín mền lên đầu khi ngủ trên gác xép – nơi chứa vô số những khả năng bí ẩn. Rồi tôi tìm tới các nhà bói toán. Bằng phương pháp coi chỉ tay, bói lá trà hay bói bài tarot, các bà thầy bói tiên đoán những điều to lớn xảy ra cho tương lai của tôi. Nhưng có một điều mà họ không bao giờ tiên đoán được, đó là sự nghi ngờ trong lòng tôi.
Nhưng khi cái tuổi 11 trôi qua cùng với tháng năm thì niềm tin của tôi càng tới gần với niềm tin của ba tôi hơn, thực dụng hơn, căn cứ trên những chứng cứ hiển nhiên. Tôi đích thực là con gái của ba tôi.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giảng trong bài pháp thoại ở phòng thể dục War Memorial Gym: “Ta không thể lấy cha ra khỏi ta, ta không thể lấy mẹ ra khỏi ta. Ta là sự tiếp nối của cha, ta là sự tiếp nối của mẹ. Sự thật là cha ở trong ta và ở ngoài ta. Cha ở trong ta trẻ hơn và ta mang cha đi về tương lai. ”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thường được các thiền sinh gọi một cách trìu mến là “Thầy”, đang ngồi trên bục giảng được trang trí với những chậu hoa lan. Thầy dành phần đầu của bài giảng để nói với các em thiếu nhi tới trong khóa tu. Các em ngồi xếp hàng dưới đất, trước bục giảng. Tôi cũng ngồi dưới đất nhưng xa hơn ở phía sau. Sau lưng tôi là những thiền sinh ngồi trên ghế.
Thầy nói: “Các con đem hạt bắp này về nhà trồng vào một chậu nhỏ và nhớ tưới nó mỗi ngày. Khi hạt bắp nẩy mầm thành cây bắp con, với hai hay ba lá non, thì các con hãy hỏi cây bắp:
– Cây bắp bé xíu của tôi ơi, em có nhớ cái hồi em còn là một hạt bắp tí hon không? ”
Thầy cười thật tươi khi nói với các em thiếu nhi và làm cho mọi người (thiếu nhi và cả người lớn) đều cười theo.
“Nếu lắng nghe cho kỹ thì các con sẽ nghe cây bắp trả lời. Cây bắp sẽ nói thế này:
– Tôi hả? Tôi mà là một hạt bắp tí hon hả? Tôi không tin đâu! ”
Câu nói đùa của vị thiền sư áo nâu làm mọi người bật cười khúc khích. Thầy nói: “Cây bắp chỉ mới xuất hiện ở đây có hai tuần thôi nhưng nó đã quên nó từng là một hạt bắp, một hạt bắp nhỏ xíu. Các con hãy tới nói chuyện với cây bắp để giúp nó nhớ lại:
– Cây bắp của tôi ơi, chính tôi đã gieo em vào chậu này và tưới tẩm cho em mỗi ngày! Em đã tới từ hạt bắp, thật đấy!
Có thể lúc đầu cây bắp không tin các con, nhưng các con phải hết sức kiên nhẫn. Đến lúc nào đó cây bắp sẽ chấp nhận được rằng nó đã từng là một hạt bắp.”
Nếp sống can đảm, từ bi của thầy Nhất Hạnh
Tôi đã quen thuộc với bài giảng về hạt bắp và cây bắp qua những cuốn sách của Thầy mà tôi đọc được, nhưng lúc ấy tôi có cảm giác mình mới nghe lần đầu vậy. Thầy đã trao truyền như là Thầy chưa bao giờ trao truyền giáo lý này trước đây. Và tôi cũng đã tiếp nhận giống như vậy.
Thầy nói, khi nhìn cây bắp thì người thực tập thiền có thể thấy được hạt bắp. Thiền giúp chúng ta làm được điều đó. Có lẽ chính nhờ khóa tu này và sự thực tập chánh niệm trong khóa tu đã giúp cho tôi có một cái nhìn sâu sắc hơn và sống khác hơn.
Từ khi khóa tu bắt đầu, có những điều nho nhỏ xảy ra mà tôi đã cảm nhận bằng một cách rất khác. Chẳng hạn đêm qua, khi trở về phòng ngủ, tôi mở miếng chocolate bơ đậu phộng mà trong bữa trưa tôi không thể ăn được vì quá no. Tôi ngồi trên giường ăn miếng chocolat, chú tâm vào chất mềm, ngọt lạnh và dẻo trong miệng. Ngoài đời, tôi chưa bao giờ từng ăn thật sự. Tôi sống quá vội vã. Tôi vừa ăn vừa đọc, vừa nói hay vừa dọn dẹp bếp. Khi sống chậm lại, tôi cảm nhận hương vị của sự sống sâu sắc hơn. Cuộc sống cũng trở nên thú vị hơn.
“Hạt bắp không bao giờ chết,” Thầy tiếp tục nói. “Chúng ta không thấy hạt bắp nữa, nhưng ta biết là nó không chết. Nếu hạt bắp chết thì sẽ không có cây bắp. Chúng ta không thể lấy hạt bắp ra khỏi cây bắp.”
“Chúng ta là sự tiếp nối của cha và mẹ, giống như cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp”, Thầy nói với các em thiếu nhi. “Lúc ban đầu, tất cả chúng ta đều còn rất bé, bé hơn hạt bắp rất nhiều. Nhưng ta không nhớ được điều đó, vì vậy cho nên ta cần một người bạn đồng tu nhắc nhở cho ta là ta đã từng là một hạt giống tí hon nằm trong bụng mẹ, phần nửa của hạt giống là của cha và phần nửa kia là của mẹ. Cha có mặt trong từng tế bào cơ thể mình, mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể mình. Vì vậy khi cha của ta mất đi thì ông không thật sự chết. Cha vẫn tiếp tục sống trong ta, và ta đem cha đi về tương lai.”
Vào một ngày tháng 10 năm 2008, tôi đang ở nhà bà của tôi. Mới vừa chợp mắt thì cô Peggy đến lay tôi dậy. “Không, không thể nào!!!”, tôi ngồi bật dậy. “Chuyện xảy ra thật rồi, con mau đi đi!”, cô tôi nói.
Tôi đã mặc sẵn quần áo, vứt mền qua một bên và chạy theo cô xuống lầu. Nhưng tôi không hiểu tại sao mình lại hấp tấp như thế? Chẳng phải mọi chuyện đã chấm hết rồi sao? Chết có giống như là chìm vào một giấc ngủ không? Tôi tưởng tượng sự chuyển tiếp đó như là một cánh diều từ từ biến mất trong không gian. Cánh diều bay cao, cao thật cao – chìm sâu hơn, sâu hơn nữa vào giấc mộng – rồi sợi dây nối cánh diều với mặt đất được buông ra, tất cả màu sắc của cánh diều hoàn toàn tan biến vào màu xanh của bầu trời.
Nhưng không có cánh diều cũng không có không gian thênh thang như tôi tưởng tượng, trong phòng xem truyền hình được biến thành “phòng chăm sóc đặc biệt” (hospice) ba tôi đang cố thở, cố giành lấy không khí cho cơ thể đã phồng lên vì ung thư. Năm người phụ nữ đang có mặt quanh giường bệnh: tôi, hai bà cô của tôi, bà tôi và bà vợ thứ ba của ba tôi. Mỗi người trong chúng tôi đều gào lên lời nhắn gởi cuối cùng đến người đang hấp hối. Cô Valerie thúc giục: “Hãy đi đi Stephen, không có gì phải luyến tiếc ở đây nữa!” Hơi thở của ba càng lúc càng thưa dần và mắt của ba đờ ra. Cô Peggy kiểm tra mạch của ba rồi nói: “Anh ấy đi rồi!”
Lúc ấy trời vẫn chưa sáng. Cho tới khi nhân viên của nhà tang lễ mang quan tài đến cũng còn rất nhiều thời gian. Tôi ngồi trên giường, một bên là bức tường một bên là thân thể của ba tôi đang lạnh dần. Tôi muốn bật khóc nhưng cố ngăn lại, tôi không muốn làm cho bà tôi và những người khác phải đau lòng thêm. Tôi chắc rằng bà tôi cũng muốn khóc nhưng cố ngăn lại vì tôi và vì những người khác. Có lẽ đó là cách mà người trong một gia đình luôn yểm trợ cho nhau, mỗi cá nhân gắn kết lại với nhau vì lợi ích của mọi người. Tôi nói chuyện khẽ với các anh em họ và các cô chú của tôi.
Cuối cùng cô Peggy nói: “Những người ở nhà tang lễ sẽ tới đây trong vòng nửa tiếng nữa!”. Tôi nghe tim mình nhói lên. Sau này tôi sẽ khóc, khóc một mình. Điều tôi có thể làm bây giờ là nằm nép vào cái góc trống trong cánh tay của ba tôi. Tôi cố kéo khuỷu tay của ông ra. Bỗng nhiên tôi có cảm tưởng như có nước đá trên mặt mình, tôi nhận ra là tôi không thể nào kéo tay ông ra được nữa, người của ba tôi đã cứng đơ rồi. Nhưng tôi vẫn cố bò vào trong cái khoảng trống nhỏ xíu, cứng ngắt giữa cánh tay và ngực của ba, và nằm ở đó tôi đã thở cho hai người chúng tôi, cho ba và cho tôi. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi mà tôi có được ba trọn vẹn cho mình trong nửa giờ đồng hồ.
“Nhiều người trẻ giận cha mình”, Thầy nói. “Họ không nói chuyện được với cha. Họ oán hận cha.” Rồi bằng một giọng nói nhẹ nhàng, trầm bổng, Thầy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một người thanh niên trẻ mà Thầy quen biết. Anh ta giận cha đến nỗi anh không còn muốn có sự liên hệ nào với cha mình nữa.
Mấy em thiếu nhi đi chân trần vẫn còn ở lại trong phòng thể dục với người lớn – trong khóa tu, phòng thể dục được biến thành thiền đường. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các em có thể im lặng và chăm chú đến như vậy. Alison, cô bạn thiền sinh cùng phòng với tôi, ngồi gần cái loa phóng thanh, tay cô để lên cái bụng bầu tròn trĩnh của mình.
Thầy nói tiếp: “Nếu nhìn sâu vào chàng thanh niên, ta sẽ thấy sự có mặt đầy đủ của cha anh trong từng tế bào cơ thể anh. Anh không thể lấy cha ra khỏi anh. Khi mình giận cha thì mình cũng giận chính mình. Chúng ta cứ thử tưởng tượng cây bắp mà đi giận hạt bắp!”
Tôi chưa bao giờ giống anh chàng mà Thầy quen biết đó. Mối quan hệ giữa tôi và ba luôn luôn tốt đẹp. Nhưng có một điều mà tôi chưa bao giờ nói cho ba tôi biết là khi ông mắc bệnh thì cái hạt giống giận trong tôi đã bị đụng chạm. Ba tôi bỏ nhà ra đi lúc tôi lên bốn. Một ngày kia khi về nhà thì tôi thấy một bức thư ngắn để trên bàn ăn. Cái đĩa bánh mì ăn dở của bữa trưa trước khi ông lên máy bay đi Calgary còn đó. Ở thành phố xa xôi kia có một người đàn bà đang đợi ông. Trong hai năm tôi không gặp ba tôi. Sau đó thì mỗi mùa hè tôi được gặp ba một vài tuần khi tới thăm ông và gia đình mới của ông. Bà bảo mẫu làm bữa ăn cho tôi và mấy người em cùng cha với tôi rồi bảo chúng tôi lên giường ngủ. Mấy đứa em của tôi nhỏ hơn tôi từ 7 tuổi tới 9 tuổi. Tôi phải lên giường khi trời vẫn còn sáng, mở mắt nhìn lên trần nhà mà trằn trọc không ngủ được. Sau này khi ba tôi và bà vợ sau hục hặc với nhau thì ông không mua vé máy bay cho tôi sang Calgary nữa. Thay vào đó thì ông về thăm tôi. Ba và tôi chơi trò chơi “Trivial Pursuit”, ông đưa tôi ra ngoài dạy cho tôi lái xe. Tôi không có cảm tưởng là ba về đây để thăm tôi. Ông ở nhà của mẹ ông, và để hầu hết thì giờ uống rượu hay tán ngẫu với anh em của ông.
Lớn lên, tôi thừa hưởng cái tính hoài nghi của ba tôi nhưng không cùng quan niệm với ông về chuyện chúng ta được tiếp nối bởi con cháu của mình. Có một cái hố sâu giữa ba và tôi, tôi không thể thấy được tôi là sự tiếp nối của ba. Lẽ dĩ nhiên là tôi không phủ nhận tính chất sinh học, tôi hiểu là 50% di thể của tôi là do ba trao truyền. Nhưng mà rồi sao? Di truyền chỉ giải thích được cái cằm chẻ của tôi mà không giải thích được tôi là ai. Ba tôi có ba đứa con với bà vợ thứ hai và một đứa con với bà thứ ba, và tất cả chúng tôi đều là những cá thể riêng biệt. Một cô em cùng cha khác mẹ với tôi đã giận ba tôi đến nỗi nó không muốn gặp mặt ông nữa.
Bố thí cao thượng là người có lòng từ bi rộng lớn
Thầy dạy, khi cảm thấy giận cha mẹ thì chúng ta phải nhớ trở về với hơi thở và tìm cách hòa giải. Đó là con đường duy nhất đưa tới hạnh phúc. Nếu ta có thể sống một đời sống tốt đẹp, hạnh phúc thì cha mẹ trong ta cũng hạnh phúc hơn. Thầy nói: ”Trong khi ngồi thiền, tôi thường nói chuyện với ba trong tôi. Có một ngày tôi nói với ba: Ba ơi, chúng ta đã thành công rồi! Hôm đó, trong khi thực tập tôi cảm thấy mình thật tự do, nhẹ nhàng. Tôi không còn bất cứ một mong cầu hay một ham muốn nào nữa cả. Tôi muốn chia sẻ điều đó với ba tôi và tôi nói với ba: Ba ơi, cha con mình được giải thoát rồi! “
“Tôi cũng nói chuyện với mẹ tôi”, Thầy tiếp tục nói. “Tại vì tôi biết mẹ tôi không thật sự mất đi, mẹ vẫn đang tiếp tục sống trong tôi. Ở Ấn Độ, trong khi thực tập thiền hành với một tập thể hơn một ngàn người trên một đại lộ rộng lớn của thành phố DelhI, tôi đã mời mẹ cùng đi với tôi. Tôi nói: “Mẹ ơi, mẹ đi với con đi. Mẹ hãy đi bằng đôi chân của con mà cũng là đôi chân của mẹ. Chân của con là sự tiếp nối của chân mẹ. Và hai mẹ con chúng tôi đã cùng đi vui vẻ với nhau ở New Dehli. Tôi cũng mời ba tôi đi với tôi. Sau này tôi mời cả anh tôi, bà tôi, mời Bụt và chư tổ cùng đi. Đi như vậy thật tuyệt vời!”
Trong phòng thể dục của trường đại học tỏa ra một ánh sáng màu xanh – sàn nhà màu xanh, hàng băng ghế màu xanh, tấm màn màu xanh được kéo lại để che bớt ánh mặt trời buổi sáng. Thầy cũng tỏa ra ánh sáng – một nụ cười thật ấm áp.
“Khi ta bước một bước chân có hạnh phúc thì tất cả tổ tiên cũng hưởng được hạnh phúc”, Thầy nói. “Nếu ta bước đi trong vương quốc của Thượng đế thì tổ tiên của ta cũng bước đi trong Vương quốc của Thượng đế. Nếu ta bước đi trong địa ngục – trong tuyệt vọng, trong sự giận dữ và hận thù – thì tổ tiên ta cũng đi như vậy. Chúng ta hãy chọn bước đi trong Vương quốc của Thượng đế, bước đi trong Tịnh độ của Bụt.”
“Tương tức”, đó là ngôn từ Thầy dùng để nói về tính duyên khởi, một giáo lý cốt tủy của đạo Bụt. Theo giáo lý duyên khởi thì tất cả mọi sự vật đều nương vào nhau mà biểu hiện trong một mạng lưới trùng trùng nhân quả. Trong kinh điển của đạo Bụt truyền thống, đây là một giáo lý mang tính triết học uyên thâm. Tuy nhiên, với sự khéo léo của mình, Thầy đã trình bày những giáo lý uyên áo của đạo Bụt bằng những ngôn từ thật giản dị, gần gũi với con người. Trong khóa tu, Thầy sử dụng hoa lan trên bục để giảng về tính tương tức. Hoa lan cần mặt trời, mây, mưa, đất, khoáng chất và người làm vườn để có thể có mặt. Nhiều yếu tố không phải bông hoa đến với nhau để giúp làm cho bông hoa biểu hiện. Nếu ta lấy những yếu tố đó ra khỏi bông hoa thì bông hoa cũng không còn.
Cũng giống như vậy, những yếu tố đối nghịch nhau cùng biểu hiện đồng thời với nhau, không thể tách cái này ra khỏi cái kia. Không có bóng tối thì không có ánh sáng, không có trái thì không có phải, không có dưới thì không có trên, không có cha mẹ thì cũng không có con cái. Thầy giải thích: ”Trước khi con trai hay con gái mình biểu hiện ra thì mình chưa được gọi là cha. Mình là cha của ai?” Nói một cách khác, ba tôi và tôi tương tức. Tất cả chúng ta đều tương tức.
Trước đây tôi thường nghĩ ba tôi không có lý do gì để bào chữa cho lối hành xử của ông – như tính thiếu chung thủy đã trở thành thói tật, thói quen bỏ chạy khi có khó khăn. Vì Buddy, ba của ông, không hề giống như ông. Có thể Buddy chưa bao giờ nghe nói về Linh mục Theodore M. Hesburgh, viện trưởng lâu năm của viện Đại học Notre Dame (bang Indiana, Hoa Kỳ), nhưng Buddy đã sống theo câu châm ngôn nổi tiếng của Hesburgh: “Điều quan trọng nhất mà một người cha có thể làm cho con mình là thương yêu mẹ của chúng.”
Tuy nhiên, khóa tu “Đánh thức trái tim” đã giúp cho tôi có một cái thấy sâu hơn: thấy được mưa trong một bông hoa hay trong một tờ giấy, thấy được ba tôi được làm bằng rất nhiều nhân duyên.
Cũng giống như tôi, giống như tất cả chúng ta, ba tôi cũng từng bị tổn thương, cũng có những khổ đau. Tôi không hiểu nguyên nhân của khổ đau đó, cũng có thể là chẳng bao giờ tôi hiểu được. Nhưng tôi hiểu là có khổ đau. Ba tôi đã cố lấp khoảng trống trong mình bằng công việc, bằng nữ sắc và bằng rượu. Làm như vậy thì không ai mà không bị tổn thương cho được. Nếu những gì Thầy nói là đúng, rằng ba tôi thật sự ở trong tôi, thì tôi có thể chữa lành vết thương của ba. Khi chữa lành vết thương trong chính mình thì tôi cũng chữa lành vết thương của ba và chữa lành vết thương của các thế hệ tương lai. Khổ đau sẽ được chuyển hóa và vòng luân hồi sẽ chấm dứt.
Thiền lạy là sự thực tập cuối cùng của buổi tối, sau đó tất cả mọi người trong khóa tu cùng thực tập im lặng hùng tráng. Ra khỏi thiền đường và bước đi trong im lặng với một nhóm gồm 100 thiền sinh cho tôi có một cảm giác thật đặc biệt. Tiếng động nhẹ trên sàn nhà mới, tiếng chân trên nền bê tông, tiếng chân bước trên đất mềm, xào xạc trong cỏ… Thầy dạy chúng tôi đi thiền với tốc độ bình thường. Như thế chúng tôi có thể thực tập thiền hành bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Thở vào tôi bước ba bước; thở ra tôi bước năm bước. Thở vào, thở ra.
Cây tùng vươn tàng cao phía trên, cây linden lá rũ màu bạc tỏa hương thơm ngát. Rễ, cành, lá – tôi cảm thấy được sự kết nối giữa tôi với cây cối xung quanh. Chúng tiếp nhận hơi thở của tôi, hơi thở của của tất cả chúng tôi và trả lại cho chúng tôi dưỡng khí. Tôi cũng cảm thấy được kết nối với các bạn thiền sinh khác. Chúng tôi gắn kết với nhau trong sự thực tập, trong hơi thở vào – ra. Và tôi cảm thấy được kết nối với ba tôi. Tôi đã nợ ba tôi, tôi nợ ông đời sống này. Tôi thường nghĩ là ba tôi đã bỏ rơi tôi hai lần, lần đầu khi ông bỏ theo bà vợ thứ hai và lần thứ nhì lúc ông mất. Nhưng ba tôi không đi đâu hết. Thầy nói đúng, ba tôi đang cùng tôi bước đi, bây giờ và ở đây.
Chuyển ngữ từ bài viết của Andrea Miller: “Awakening My Heart: On Retreat with Thich Nhat Hanh” đăng trên Lion’s Roar.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Niệm Phật chính là tích đức
Kiến thức 09:21 24/11/2024Tích đức bằng cách nào? Niệm Phật chính là tích đức. Tích đức lớn, tích đức lớn lao viên mãn, tích đức lớn của thế xuất thế gian, không thể không biết điều này, ngày đêm không được gián đoạn.
Diệt trừ phiền giận
Kiến thức 22:19 23/11/2024Đức Phật dạy, với tất cả các hạng người ở đời, nếu tiếp cận với thái độ tích cực, chúng ta đều có thể trải tâm từ đến tất cả, dù người ấy còn nhiều vụng về, chưa dễ thương về hành động, lời nói hay tâm ý, ta vẫn có thể thương được.
Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo
Kiến thức 19:00 23/11/2024Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Xem thêm