Chủ nhật, 03/04/2022, 08:43 AM

Dấu ấn Phật giáo ở chùa Thiền Lâm, tỉnh Ninh Thuận

Trên bước đường khai cơ lập nghiệp, người Việt mang theo vào đất này một tài sản văn hóa tinh thần quí giá. Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt nơi đây còn theo đạo Phật, Công giáo, Tin Lành.

Tóm tắt: Ninh Thuận là nơi có nhiều dân tộc sinh sống như Chăm, Raglai, Kinh, Hoa … Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa, tôn giáo của riêng mình. Trong quá trình cộng cư sinh sống, các dân tộc nơi đây có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Bằng phương pháp nghiên cứu dấu ấn/ tàn dư (Survival) của E.B. Tylor và lý thuyết về giao lưu, tiếp biến văn hóa (Cultural Exchange and acculturation) của những nhà Nhân học Mỹ [1,3,6], bài viết này đi tìm dấu ấn/tàn dư Phật giáo Champa qua các ngôi chùa Phật giáo ở Ninh Thuận. Qua khảo sát 93 ngôi chùa ở Ninh Thuận, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng một số chùa, đặc biệt là chùa Thiền Lâm – một ngôi chùa cổ nhất ở vùng đất này còn lưu lại dấu ấn Phật giáo Champa trên cả bình diện kiến trúc xây dựng chùa và điêu khắc (trang trí, tượng thờ Phật). Điều này chứng tỏ rằng, thuở ban đầu trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam, khi dừng chân ở Ninh Thuận, người Việt không sống biệt lập mà luôn mở, có giao lưu, tiếp thu văn hóa của tộc người bản địa, trên cơ sở đó cải biên thành di sản văn hóa mang bản sắc vừa riêng, vừa chung.

1. Chùa Thiền Lâm xưa (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận). (Ảnh VM chụp 12/1998)

1. Chùa Thiền Lâm xưa (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận). (Ảnh VM chụp 12/1998)

1. MỞ ĐẦU

Tỉnh Ninh Thuận có số dân khoảng 590.467 người (số liệu thống kê 2019), nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống như: Kinh, Chăm, Raglai, Churu, K’ho, Hoa, Nùng … Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm số dân đông nhất, khoảng 432.399 người (khoảng 73%) và giữ vai trò trung tâm trong việc giao lưu, phát triển kinh tế – xã hội.

Cộng đồng người Việt hình thành ở Ninh Thuận do nhiều đợt di dân từ miền ngoài vào trong những năm đầu thế kỷ XVII-XVIII và hình thành trên cơ tầng của nền văn hóa Chăm – văn hóa bản địa. Trên bước đường khai cơ lập nghiệp, người Việt mang theo vào đất này một tài sản văn hóa tinh thần quí giá. Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt nơi đây còn theo đạo Phật, Công giáo, Tin Lành. Riêng Phật giáo, theo thống kê ở Ninh Thuận có khoảng gần 100 ngôi chùa lớn nhỏ, được xây dựng vào thời gian từ thế kỷ XVII-XVIII. Trong đó chùa Thiền Lâm là ngôi chùa cổ nhất ở Ninh Thuận [5,11]. Hiện nay, mặc dù chùa Thiền Lâm đã được cải tạo, xây dựng lại mới nhưng căn cứ vào tư liệu, những gì khảo sát, thu thập được tại thực địa từ trước năm 2000, chúng tôi nhận thấy chùa Thiền Lâm xưa có nhiều dấu ấn Phật giáo Champa trên cả bình diện kiến trúc (phong cách, kiểu dáng, chất liệu xây dựng) và điêu khắc (hoa văn trang trí, các loại tượng thờ)…

2. Chùa Thiền Lâm ngày nay (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận) (Ảnh VM sưu tầm từ internet)

2. Chùa Thiền Lâm ngày nay (Đắc Nhơn, Nhơn Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận) (Ảnh VM sưu tầm từ internet)

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ đi tìm dấu ấn Phật giáo Champa trên lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc nên không viết lịch sử và mô tả đầy đủ các phần về ngôi chùa Thiền Lâm.

2. VỀ KIẾN TRÚC NGÔI CHÙA  

Chùa hay còn gọi là Tổ đình Thiền Lâm tọa lạc ngay đầu thôn Đắc Nhơn (tục gọi là Long Thủ hay Ma Nương) thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 40km về hướng Tây. Theo tương truyền, chùa do ngài Đức Tạng Hòa thượng Liễu Minh xây dựng vào triều vua Lê Chiêu Thống năm thứ 3 – Kỷ Dậu (1789) [11]. Hiện chùa này còn có chuông bằng đồng đường kính 0,4m có khắc dòng chữ Hán nổi: “Thiền Lâm trụ trì Liễu Minh, hiệu Đức Tạng” và hàng chữ Hán chìm: “Kiến tạo năm Mậu Thìn”. Ngoài việc xây chùa này, ngài Đức Tạng còn xây ngôi đình Đắc Nhơn thờ vua Lác [9]*.

Chùa Thiền Lâm trên được xây theo mô hình chữ khẩu và có mối tương đồng với cách bố trí nhà cửa trong khuôn viên nhà cửa truyền thống của người Chăm.

36

Trong khuôn viên nhà cửa của chùa Thiền Lâm có tổ hợp nhà ở đằng sau Chánh điện bao gồm: Nhà thờ Tổ; hai bên có nhà Đông và nhà Tây, khuôn viên nhà cửa truyền thống Chăm cũng có các bố trí tương tự như vậy bao gồm: Nhà ngang (sang gar); hai bên phía Đông có nhà tục (sang ye) và phía Tây có nhà bếp (sang ging). Hai tổ hợp nhà chùa và nhà truyền thống Chăm còn giống nhau về cách bố trí, như: Các vì kèo, hướng nhà, hướng cửa và cả mặt bằng sinh hoạt; chỉ khác là chùa có phần tiền đường (Chánh điện) – nơi để thờ Phật.

Nếu như địa thế chọn đất ở chùa Thiền Lâm – Đắc Nhơn gắn liền với non nước hữu tình, được hình thành bởi phía Tây chùa là núi Nga Sơn và Tây Nam là dòng sông Dinh (cách chùa khoảng 100m) thì cách chọn đất này trùng với tư duy địa lý của người Chăm. Khi chọn đất, người Chăm quan niệm “Glaong pai bien pur” có nghĩa là đất phía Tây Bắc phải cao và phía Tây Nam phải thấp hoặc trũng mới là đất tốt. Xuất phát từ cách chọn đất như trên nên giữa khuôn viên chùa và khuôn viên nhà cửa truyền thống người Chăm đều có hình chữ nhật và điểm giao nhau giữa hai đường chéo hình chữ nhật là “Tâm đất”, người Chăm gọi là “Madin” (điểm hỏa), còn chùa Thiền Lâm gọi là “Sân cát”. Mặt khác hai khuôn viên này còn có giếng nước ở phía Bắc và mở cửa ngõ ở hướng Nam rất giống nhau. Theo tài liệu ghi lại, đầu tiên cả ngôi Chùa và Đình ở Đắc Nhơn đều xây hướng mặt về phía Đông như hướng các cửa chính của tháp Chăm. Về sau, đến thời Tây Sơn, chùa được trùng tu lại, xây bằng gạch, mái lợp ngói, cửa chính đổi sang mở ở hướng Nam (xem ảnh 1) [5].

37

3. ĐIÊU KHẮC, TRANG TRÍ, TƯỢNG THỜ

Bên cạnh kiến trúc, chùa Thiền Lâm còn có những tác phẩm điêu khắc, kiểu trang trí hoa văn và tạc tượng thờ Phật mang dấu ấn riêng. Ở đây có thể nhận thấy ngay ở chùa Thiền Lâm có sự khác biệt với các chùa khác của người Việt ở Ninh Thuận, như phần trang trí hai con rồng chầu nguyệt trên nóc chùa cũ. Hình tượng lưỡng long này không giống như hình tượng lưỡng long chầu nguyệt ở một số chùa khác mà là có nét giống con chim trảo, chim quít (hăng) trang trí trong đám tang Chăm với những đường cong uốn khúc, những nhịp ngắt, bẻ cong ngược hướng. Rồng trang trí trên nóc chùa Thiền Lâm còn mang hình đầu rắn Naga trong điêu khắc Champa. Bên cạnh yếu tố Chăm, rồng ở chùa Thiền Lâm còn mang theo hoa văn mây, “long vũ” trong thế động, đây cũng là nét đặc trưng của rồng Việt. Nói chung, hình tượng lưỡng long ở chùa Thiền Lâm là sự kết hợp hài hòa giữa hai nghệ thuật Champa và Việt.

Trong chùa Thiền Lâm độc đáo nhất vẫn là hệ thống tượng thờ. Ngoài tượng thờ Phật Thích Ca Mâu Ni – tượng đúc mới thờ ở Chánh điện thì trong ngôi chùa hiện nay vẫn còn lưu giữ tượng Phật cổ A Di Đà và Phật Quan Âm mang dấu ấn Phật giáo Champa. Cụ thể như sau:

Phật A Di Đà: Tượng Phật có kích thước 0,43m, bằng đồng, đầu tượng hơi to so với thân mình, mái tóc hình xoắn ốc (hình nụ bèo). Đây là bộ tóc cổ truyền của Phật Ấn Độ. Mắt tượng to khép nhẹ, lông mày không giao nhau, khuôn mặn hơi nặng do cằm tròn, bầu và má bạnh. Khuôn mặt lộ nét nhân chủng Phật giáo Việt. Đặc biệt, tượng này có chiếc áo mặc hơi khác. Tượng có chiếc áo phủ lên vai có viền cổ và những nếp xếp ly lớn hình vòng cung, các mép tà hai bên có đường sọc, xòe ra theo đường cong xoắn tự nhiên dịu dàng. Chiếc váy trong “antaravasaka” dài hơn, cũng có đường viền cong ở hai ống chân. Đây là loại áo có nếp gấp phổ biến ở Phật giáo Champa. Tượng Phật này ở tư thế đứng, lòng bàn tay trái có đặt quả châu, tay phải buông xuống theo chiều chân phải, bàn tay xòe ra khép ngón hướng về phía trước. Tượng đang trong tư thế thiền đứng, sẵn sàng cứu độ cho chúng sinh. Tượng A Di Đà mang phong cách Việt – Nguyễn, có thể được tạc vào thế kỷ XIX (xem ảnh 3).

Phật Quan Âm: Tượng cao 0,19m, bằng đồng; đầu tượng búi tóc có đội khăn phủ lên đầu, kéo dài đến tận vai. Ở chính giữa vành khăn phía trước dấu “Huệ nhãn” (urna), mắt khép nhẹ, lông mày không giao nhau. Khuôn mặt tương tự như Phật A Di Đà đã miêu tả là cằm tròn, bầu và má bạnh nhưng môi tươi cười – nụ cười siêu thoát xua đi nổi u uất. Tượng ngồi có mặc áo phủ kín hai vai, áo bị xếp lộ nhiều đường viền, nét cong mềm mại và xòe ra kết thúc ở hai ống tay. Váy có nếp gấp rõ hơn phủ kín phần dưới chỉ để lộ ra bàn chân. Đây là loại váy áo thường thấy ở Phật giáo Đồng Dương Champa. Tượng này ngồi theo kiểu “Padmasana” (ngồi thế hoa sen hoặc liên hoa tọa); hai chân khoanh lại, chân trái khép vào lòng bàn chân phải và để ngửa lên tựa vào đùi phải, chân phải để tựa vào đùi trái và để ngửa lên tương tự. Bàn tay chắp lại theo thế “dyana mudra” (định ấn); hai bàn tay đặt lên chân sát nhau, lòng bàn tay hướng lên, xếp các ngón tay lên trên, hai đầu ngón tay chạm vào nhau. Tượng đang ngồi theo tư thế thiền định (xem ảnh 4).

5. Tượng Phật Thích Ca (mặt trước) có mặc yếm trang trí hình lá sen trước ngực, sau tượng giống như trang phục vua chúa và tu sĩ Acar của người Chăm. Tượng đang lưu giữ tại chùa Mỹ Thiện – Mỹ Hải – Ninh Thuận. (Ảnh VM. 12/ 1998)

5. Tượng Phật Thích Ca (mặt trước) có mặc yếm trang trí hình lá sen trước ngực, sau tượng giống như trang phục vua chúa và tu sĩ Acar của người Chăm. Tượng đang lưu giữ tại chùa Mỹ Thiện – Mỹ Hải – Ninh Thuận. (Ảnh VM. 12/ 1998)

Nói chung, cả hai tượng Phật A Di Đà và Phật Quan Âm ở chùa Thiền Lâm là sự kết hợp giữa hai tinh thần Phật giáo Champa và Việt. Trong đó, yếu tố Champa trội hơn. Đặc biệt, tượng Phật A Di Đà là tượng phổ biến của Phật giáo Champa nhưng ít thấy ở tượng Phật người Việt. Cả hai tượng Phật A Di Đà và Quan Âm có thể đoán định được tạc vào thế kỷ XVIII-XIX.

Ngoài tượng Phật ở chùa Thiền Lâm, một số tượng Phật mang dấu ấn Chăm – Việt còn thấy ở một số ngôi chùa ở Ninh Thuận như: Tượng Phật Thích Ca ở chùa Mỹ Hải và chùa Diệu An ở Phan Rang – Ninh Thuận.

Tượng Phật Thích Ca ở chùa Mỹ Hải: Chùa còn lưu giữa một tượng Phật Champa cao 0,24m bằng đồng. Tượng ngồi trên bệ tiết diện hình thang có trang trí những đường gờ hơi uốn cong vào thân tượng. Tượng có đầu búi tóc hình chuỗi hạt quanh đầu và trên trán, đầu có đội mũ hình chóp nhọn – kiểu mũ thường thấy ở Phật giáo Ấn Độ. Khuôn mặt tượng đầy đặn, mắt to hơi khép, chân mày rậm giao nhau, mũi thô, miệng rộng môi dày có đường viền, thể hiện rõ đặc điểm nhân chủng Chăm. Thân tượng thon nhỏ, rắn chắc. Trên vòng cổ có choàng xiêm y hình lá Bồ đề kéo dài đến trước ngực và sau lưng, phủ qua vai. Tượng còn đeo yếm có trang trí hoa văn hình bốn cánh ở ngực và rốn. Hai bắp tay của tượng có trang trí đường viền; hai tay có đeo vòng. Những họa tiết trang trí trên trang phục của tượng này giống cách trang trí trên một số trang phục vua chúa Chăm như: Poklong Garai (thế kỷ XIV), Po Romé (thế kỷ XVII) và trang phục tu sĩ của người Chăm Bani ngày nay. Phía sau thân tượng, phần sau tay trái và thân tượng đúc dính liền nhau, bên tay phải thì để hở. Chi tiết này gợi cho ta thấy Phật có khoác áo cà sa để hở vai bên phải theo phong cách Phật giáo Đại thừa. Tượng ngồi theo kiểu “Padmasana” (ngồi thế hoa sen hoặc liên tọa), tay chắp lại theo thế “Dyana- mudra” (định ấn). Đây là thế ngồi thiền định, bắt nguồn từ thế ngồi của Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài tọa thiền lần cuối ở gốc cây Bồ đề. Tượng có thể đoán định được tạc vào thế kỷ IX-X (xem ảnh 6).

39

Tượng Phật Thích Ca ở chùa Diệu Ấn: Tượng cao 0,16cm, bằng sứ, nhũ đồng ngồi trên bệ sen. Đầu tượng có mái tóc hình xoắn ốc, đầu có đội mũ hình chóp nhọn; dái tai dày, dài nhưng không chấm áo, khuôn mặt tượng đầy đặn, mũi thô, lông mày rậm giao nhau, mắt khép hờ, môi dày có viền, nét mặt thể hiện sự trầm tư nhập định. Y phục tượng là dải xiêm y quấn từ vai bên trái xuống thân mình, chia ngực trái ra làm hai phần bằng nhau kéo dài đến tận mé trái của rốn. Tượng có đeo vòng ở chân và tay. Tay phải của tượng buông xuống và đặt trên đùi phải, tay trái để ngay trước bụng. Tượng ngồi với hai chân vắt chéo vào nhau kiểu “Padmasana”. Riêng phần tượng mang phong cách Phật giáo Chăm nhưng lại ngồi trên bệ sen – một loại bệ thờ phổ biến ở Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII-XVIII (xem hình 7).

4. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH 

Từ những đặc điểm của Thiền Lâm – Ninh Thuận, chúng tôi có vài nhận định sơ khởi như sau: Ngôi chùa Phật giáo ở Ninh Thuận ban đầu chỉ là mái tranh đơn sơ, nhỏ bé, tùy cơ duyên mà các vị Sư lập ra để tu hành. Đa số chùa được xây dựng xa dân đông đúc, dựa vào vách núi và có một số chùa xây dựng trên nền di tích Champa. Về sau, một số chùa được chuyển sang từ đình làng theo kiểu nhà rường gian, hai chái, tường xây bằng gạch có cổng tam quan, mái lợp ngói âm dương; nóc chùa có trang trí hình lưỡng long, mặt trời hoặc chữ vạn. Các chùa ở Chánh điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc còn thờ/lưu giữ cả Phật mang phong cách Champa như chùa Thiền Lâm, chùa Mỹ Hải, chùa Diệu Ấn.

Một số ngôi chùa cổ ở Ninh Thuận như chùa Thiền Lâm có liên quan chặt chẽ với đình làng, có sự kết hợp tôn thờ tiền hiền và hậu hiền. Chùa Thiền Lâm gắn với đình Đắc Nhơn, giữa chùa và đình này có cùng Tổ khai sinh. Chùa thờ Phật, còn đình thờ vua Lác, tức là vua Chăm Poklong Garai (thế kỷ XIV) – một vị vua mà được người Chăm suy tôn là vị anh hùng dân tộc, vị thần nông, thần thủy lợi, hiện nay đang có một ngôi tháp thờ riêng gọi là tháp Poklong Garai (Đô Vinh – Tháp Chàm). Đình Đắc Nhơn được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định sắc phong. Hàng năm, đình này còn được người Việt quanh vùng cúng tế.

Rõ ràng, qua khảo sát trường hợp chùa Thiền Lâm và đình Đắc Nhơn, chúng tôi nhận thấy ở Ninh Thuận có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Chăm – Việt. Trên bước đường mở mang bờ cõi về phương Nam, ban đầu người Việt nơi đây chấp nhận dung nạp một phần tục thờ các vị vua thần của người Chăm trong đó có Phật giáo Champa một thời nổi tiếng, Phật giáo Đồng Dương (thế kỷ IX-XI) là ví dụ [4,10]. Người Việt không phân biệt nguồn gốc các vị thần mà sẵn sàng thờ phượng, miễn thần đó có thể phù hộ đời sống thanh bình, thịnh vượng cho dân làng. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc riêng của Phật giáo người Việt ở Ninh Thuận nếu chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu kỹ.

Tóm lại, một số chùa Phật giáo ở Ninh Thuận nói chung, chùa Thiền Lâm nói riêng ít nhiều còn lưu lại dấu ấn Phật giáo Champa nhưng càng về sau dấu ấn này càng mờ dần. Đó là kết quả của một quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình cộng cư, phát triển của người Việt – Chăm ở Ninh Thuận. Cuối cùng, Phật giáo người Việt ở Ninh Thuận đã tự chọn lọc, đào thải và kết tinh lại những giá trị văn hóa cũ, mới phù hợp với nhận thức thẩm mỹ của cộng đồng, tạo nên một bản sắc Phật giáo riêng ở Ninh Thuận như ngày nay.

Chú thích và tài liệu tham khảo:

Tác giả Văn Món (Sakaya) là PGS.TS Trương Văn Món, hiện đang công tác tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

* Vua Lác, ám chỉ vua Champa tên là Po Klaong Garai. Theo truyền thuyết Chăm, Po Klaong Garai (thế kỷ XIV) lúc sinh thời bị ghẻ lác, nhờ con rồng liếm nên thân mình hết ghẻ lác, sau đó hiển linh trở thành vua Champa, từ đó có tục họ là vua Lác.

** Đây sơ đồ chùa Thiền Lâm – Ninh Thuận trước năm 2000. Hiện nay chùa Thiền Lâm đã cải tạo, xây dựng mới theo kiến trúc mới.

*** Xem sơ đồ nhà cửa truyền thống Chăm trong sách Lễ hội của người Chăm [7].

[1] Belik, A,A, Văn hóa học: Những lý thuyết Nhân học văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2000.

[2] Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1996.

[3] Charlotte Seymour-Smith, Dictionary of Anthropology. Macmillan Press, Ltd, London, 1996.

[4] Ngô Văn Doanh, Tháp Chăm: Sự thật và Huyền Thoại, Nxb Thông tin, Hà Nội,1996, tr.33-55.

[5] Thông Thanh Khánh, Chùa Ninh Thuận, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.67, 216 .

[6] Philip Smith, Cultural Theory – An Introduction, Blackwell Publishers. USA, 2001.

[7] Sakaya (Trương Văn Món), Lễ hội của người Chăm, Nxb KHXH, Hà Nội, 2014, tr.41-44.

[8] Sakaya, Tiếp cận một số vấn đề về Văn hóa Champa, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2020.

[9] Sakaya và các tác giả, Huyền thoại và Truyền thuyết Chăm, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.183-190.

[10] Sakaya, “Dấu ấn Phật giáo trong tang lễ của người Chăm Ahier ở Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 363, 2018, tr-68-75.

[11] Nguyễn Đình Tư, Non nước Ninh Thuận, Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1974, tr.79.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm