Thứ, 08/02/2021, 09:51 AM

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại: Xin đừng quá hoảng sợ!

Bản tính của con người khi sinh ra là luôn lo lắng, sợ hãi. Chúng ta lo lắng, sợ hãi đủ thứ. Chính những lo lắng, sợ hãi ấy là những ngọn lửa đốt cháy bình an, hạnh phúc trong ta. Vượt thoát khỏi đám lửa sợ hãi ấy, mình sẽ hạnh phúc và thảnh thơi vô cùng.

Chưa bao giờ, kể từ khi xuất hiện tại Việt Nam, dịch Covid 19 lại bùng phát nhanh và mạnh như lần này. Chỉ tính riêng ngày 29/1/2021, cả nước đã có 54 ca mắc mới. Điều đó, khiến tâm lý chung của nhiều người những ngày này là hoảng sợ, thậm chí hoảng loạn. Nhiều người bị ám ảnh, suốt ngày luôn miệng nhắc đến virus Corona biến thể. Một số người thân quen của tôi cũng hết sức lo lắng, nhất là khi tòa nhà T6, gần tòa tôi ở, thuộc khu đô thị Times city có người dương tính với Covid-19, bị phong tỏa. Cả ngày 29/1, ngay từ sáng sớm, rất nhiều người đã điện thoại, nhắn tin hỏi thăm tôi. Giọng ai cũng đầy lo lắng.

Riêng tôi, vẫn sống bình thản, an nhiên, tự tại như mọi ngày. Nhiều người thấy lạ, bèn thắc mắc hỏi: “Anh Sướng không quan tâm đến đại dịch Covid-19 à? Anh không thấy sợ à?”. Tôi mỉm cười bảo: “Có. Mình có quan tâm. Những thông tin về dịch Covid-19, mình vẫn cập nhật hàng ngày. Có điều, mình không quá lo lắng, sợ hãi”. Vì sao ư?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, vì tôi tin vào kinh nghiệm và sự quyết tâm cao độ của chính phủ, các ban ngành đoàn thể và toàn dân. Năm 2020, trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, Mỹ và nhiều nước phương Tây liêu xiêu thì chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Ngay từ khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam ngày 23/1/2020 với hai trường hợp cha con người Trung Quốc, Việt Nam đã có những quyết sách chiến lược và nhiều biện pháp quyết liệt lần đầu tiên được áp dụng trong công tác phòng chống dịch như: công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virrus Corona gây ra là Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu và đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc vào tháng 4/2020, hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài về, truy vết người tiếp xúc trên diện rộng… Công tác chống dịch đã có được sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan của Bộ Y tế; giữa Bộ Y tế với các bộ liên quan và với các địa phương, qua đó đã huy động được sức mạnh tổng lực với sự tham gia, đồng lòng của toàn thể người dân trong việc đáp ứng dịch Covid-19.

Một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam là việc thực hiện kiên trì năm nguyên tắc, bốn phương châm trong chống dịch. Trong đó, việc cách ly tập trung trên diện rộng với thời gian 14 ngày tất cả các trường hợp nhập cảnh về Việt Nam là nỗ lực rất lớn của chúng ta nhằm kiểm soát các nguồn có nguy cơ mắc bệnh. Chiến thuật “cắt đứt chuỗi lây truyền” bằng truy vết và cách ly tập trung, kiên trì với chiến thuật “Năm phương châm, bốn nguyên tắc” và gần đây là "chiến dịch 5K”: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế.

Tổ chức y tế thế giới, cộng đồng quốc tế đã đánh giá cao nước ta, là một trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.

Lần này, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngay từ khi phát hiện ca nhiễm Covid 19 trong cộng đồng, các lực lượng chức năng đã “không lãng phí bất cứ giờ phút nào”, vào cuộc chuẩn xác, đưa ra các phương án, kịch bản tốt nhất và hành động kịp thời. Với tinh thần “cố gắng từng giờ từng phút”, ông Vũ Đức Đam nêu mục tiêu “khoanh gọn, dập được các ổ dịch mới phát sinh trong 8 ngày tới”. Và thực tế, trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều ngày 29 tháng 1, ông cho biết tình hình đang được kiểm soát, không chủ quan song không lo lắng. “Sáng nay tôi báo cáo tình hình với Tổng bí thư, Chủ tịch nước, với Thủ tướng thì tôi đã nói là đến giờ này em cười được rồi”. Phó thủ tướng kể lại và khẳng định: “Hôm kia chúng tôi hứa 10 ngày là sẽ dập dịch, nay còn 8 ngày. Cố gắng từng giờ từng phút, làm sao khoanh gọn, phấn đấu đến Tết ông Công, ông Táo là đã tương đối”.

Lý do thứ hai khiến tôi không hoảng sợ, lo lắng trước dịch Covid bùng phát trở lại là bởi gần chục năm nay, là người tu tập thiền quán, hiểu về tính vô thường của vạn vật, tôi luôn bình thản đón nhận mọi buồn-vui, may-rủi, được-mất, sóng gió, khổ đau… Với tâm an nhiên ấy, tôi bình tĩnh đối diện, quan sát, quán chiếu để vượt thoát, để chuyển hóa những sóng gió, khổ đau.

Sự thực, không phải đến bây giờ, chúng ta mới phải đối diện với hiểm họa mang tên Covid - 19 mà gần chục năm nay, người Việt chúng ta đã và đang phải đối diện với hàng loạt hiểm họa khác mà mức độ tàn sát cũng không hề thua kém Covid - 19 như ung thư, tai nạn giao thông… Mỗi năm, hàng trăm ngàn người chết vì căn bệnh ung thư quái ác, hàng vạn người chết bất đắc kỳ tử bởi những vụ tai nạn rùng rợn. Đó là chưa kể hàng ngàn người chết vì ô nhiễm môi trường, thức ăn độc hại… Người chết khổ đau đã đành. Những người thân còn sống cũng sống dở chết dở vì tiếc thương, vì trầm cảm, vì khổ đau. Cái chết luôn rình rập, bủa vây tất cả chúng ta, không chừa một ai. Vì thế, chúng ta luôn sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Và nhiều khi, chính nỗi sợ hãi ấy cũng là nguyên nhân giết chết sự sống của chúng ta. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến nhiều người đang sống bình thường. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo bị ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày. Vài ngày sau, người đó chết. Cái chết nhanh chóng ấy không phải là do ung thư mà là do… sợ hãi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Gần chục năm nay, là người tu tập thiền quán, hiểu về tính vô thường, vô ngã, không sinh không diệt, không đến không đi… của vạn vật, tôi thấy bớt nhiều khổ đau trước những cái chết của người thân. Đặc biệt sau khi chứng kiến cảnh điểu táng của người Tây Tạng (Họ mai táng cho người chết bằng cách khiêng xác lên núi, xẻ thịt, chặt xương, băm nhỏ cho kền kền ăn. Người Tạng hầu hết là các Phật tử thuần thành. Họ tin, chết không phải là hết. Cái chết đơn giản là linh hồn đã rời khỏi thể xác, những gì còn lại nơi thế gian chỉ là một thân xác trống rỗng, vô hồn. Họ tin, số phận của linh hồn ấy sẽ được định đoạt theo thuyết nghiệp báo và luân hồi), tôi thấy cái chết không đáng sợ nữa. Bởi chết không phải là hết. Chết, chỉ là kết thúc sự sống của cái thân tứ đại còn thần thức vẫn tiếp tục tái sinh, luân hồi.

Bản tính của con người khi sinh ra là luôn lo lắng, sợ hãi. Chúng ta lo lắng, sợ hãi đủ thứ. Chính những lo lắng, sợ hãi ấy là những ngọn lửa đốt cháy bình an, hạnh phúc trong ta. Vượt thoát khỏi đám lửa sợ hãi ấy, mình sẽ hạnh phúc và thảnh thơi vô cùng.

Là người thực hành chánh niệm gần chục năm nay, tôi luôn gắng đưa tâm trở về với thân, an trú trong giây phút hiện tại. Tôi hiểu sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại nên tâm tôi không truy tìm quá khứ, không rong ruổi đến tương lai. Truy tìm quá khứ, tâm chỉ sinh niềm tiếc nuối hay sân hận. Rong ruổi đến tương lai, tâm chỉ thêm lo lắng và sợ hãi. Quá khứ đã qua đi. Tương lai thì chưa đến. Chỉ có giây phút hiện tại mới thực sự là của mình, nơi sự sống có mặt, nơi chúng ta có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp cho ngày mai.

Thực hành chánh niệm, giúp cho tâm tôi luôn vững chãi, giúp tôi luôn sống trong sự tỉnh thức. Vì thế, trước đại dịch Covid-19, tôi không sợ hãi, không hoảng loạn, nhưng cũng không coi thường. Tôi luôn bình tĩnh đón đọc những thông tin cập nhật về đại dịch mỗi ngày. Và luôn thực hiện những khuyến cáo, những chỉ dẫn của Bộ y tế và các cơ quan chức năng trong tỉnh thức. Nhờ thế, tôi vẫn luôn mỉm cười với sự sống mỗi ngày.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Những bức ảnh ấn tượng báo động về môi trường năm 2024

Môi trường 14:04 23/12/2024

Chim cánh cụt thay đổi nơi làm tổ, Fiji ngập trong rác nhựa dạt từ nước khác, núi lửa phun trào sau 800 ngủ yên, người dân đi bộ qua một phần sông Amazon đang hạn hán...là những hình ảnh các báo quốc tế bình chọn cho năm 2024.

Sài Gòn lạnh 20 độ C, người dân khoác áo ấm ra đường

Môi trường 10:31 23/12/2024

Sáng nay 23/12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.

Tôi yêu Đất mẹ

Môi trường 20:20 21/12/2024

Chỉ có tình thương mới có thể giúp ta biết sống hài hòa với thiên nhiên và mọi loài. Chỉ có tình thương mới cứu chúng ta khỏi những hiểm họa của biến đổi khí hậu. Khi thấy được những đức hạnh và tài năng của Mẹ, thì ta sẽ nhận ra sự liên hệ mật thiết giữa ta với Mẹ.

Sài Gòn lạnh, Đồng Nai 18 độ C

Môi trường 11:20 20/12/2024

Sáng 20/12, thời tiết các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM se lạnh, các nơi đều đồng loạt giảm nhiệt, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận tại Đồng Nai 18 độ C.

Xem thêm