Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 31/01/2021, 15:30 PM

Đóa sen thắm trong lòng tôi

Thầy luôn là tấm gương của sự hoàn thiện bản thân. Thầy đã dạy chị em chúng tôi bằng khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Thầy đã gia trì những hạnh lành đức tốt vào tâm chúng tôi, giúp chúng tôi ngày càng giống Phật và gần Phật hơn.

Tôi đã được cùng Thầy tôi tham dự lễ Sakyadhita lần thứ 11 tại chùa Phổ Quang (Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) suốt một tuần. Sau buổi lễ khai mạc trang trọng là thời gian đọc tham luận và thào luận. Tôi chú ý lắng nghe những bài tham luận của chư Tôn đức Ni cũng như nữ Phật tử, các nhà trí thức. Những bài tham luận như những hồi trống báo hiệu cho nhân gian được nghe và thấy tiếng nói, việc làm của những người con gái Đức Phật vừa tự tu tập để hoàn thiện bản thân, vừa góp phần làm lợi ích cho đời. Tôi liên tưởng ngay đến Thầy tôi – Ni trưởng thượng Huệ hạ Giác mà chúng tôi, những đệ tử xuất gia và tại gia thường hay gọi Ngài bằng hai tiếng “Ông Già” đầy thân thương và quý kính.

Hai tiếng “Ông Già” khiến cho chúng tôi khi đến gần Thầy đều thấy mình như những đức con thơ được gần người cha thân thương. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu – Viện trưởng Viện Tim TP. Hồ Chí Minh đã đến với Thầy quy y, lập hạnh tu cư gia trường chay niệm Phật gần 30 năm nay. Ông được Thầy đặt Pháp danh là Minh Lý. Khi lần đầu tiên gặp Thầy, ông nói: “Phải chi con được gặp Già sớm hơn, con không phải phung phí cuộc đời”. Bác sĩ đã làm bài thơ về Thầy như sau:

Kính dâng Thầy ngày con về thăm núi

Thương lá bay qua rừng vắng vẻ

Núi còn thiền định đến hôm nay

Nhớ phụ từ con về lặng lẽ

Thả phong trần như tĩnh như say

Bên dốc núi dừng chân đứng lại

Muôn sắc hoa mờ như khói sương

Con quyết theo Thầy con mãi mãi

Thuyền sang sông lặng sóng vô thường

Đường về núi đá chập chùng xa

Đào hoa phai sắc tiếc xuân qua

Nghe cả non xanh về tĩnh tịch

Con về đảnh lễ Phật Di Đà.

Thầy luôn là tấm gương của sự hoàn thiện bản thân. Ảnh minh hoạ.

Thầy luôn là tấm gương của sự hoàn thiện bản thân. Ảnh minh hoạ.

Tình thầy trò - tương lai Đạo Pháp

Phải nói chúng tôi còn có Tổ đình Linh Sơn ở núi Dinh, do trước ngày giải phóng bị bom đạn hư sập hoàn toàn, tất cả chư Tăng Ni và các em cô nhi phải tản cư về miếng đất trống được cúng dường tại phường Bửu Hòa, Thành phố Biên Hòa để thành lập Quan Âm Tu viện ngày nay. Hiện tại, Tổ đình Linh Sơn được Thầy xây dựng lại khang trang, đường lên núi giờ đây được xây thành bậc thang, sự đi lại được dễ dàng hơn. Ngoài việc xây dựng lại Tổ đình Linh Sơn, Thầy còn trùng tu chùa Nhứt Nguyên Bửu, nơi hàng năm mở khóa niệm Phật “Bá nhựt trì danh” hiệu Đức Phật A Di Đà, rồi đến chùa Thành An ở núi Sập (An Giang) – nơi Đức Sư Tổ thượng Bửu hạ Đức khi còn tại thế trụ ở nơi đây và chùa Chiên Đàn Hương ở Di Linh, chùa An Hòa ở Thủ Thừa cùng một số chùa khác đã xây cất rồi hoặc đang liên tục thi công trong tông môn chúng tôi. Thầy đã không ngại gian nan khó khổ, chẳng những giữ vững mà còn mở mang tốt đẹp thêm sự nghiệp của Sư ông thượng Thiện hạ Phước chúng tôi để lại. Thầy là tấm gương sáng về tinh thần “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn” để soi bước cho chúng tôi.

Thầy cũng ủng hộ rất nhiều nhà tình thương và xây cầu… Tuy hai chân Thầy hơi yếu, nhưng vẫn thường đi làm từ thiện ở những tỉnh xa miền duyên hải và Tây Nguyên khi có lũ lụt. Thầy dạy chúng tôi khi cho quà quan trọng nhất là cách cho. Nhiều khi thấy Thầy bê gạo trao cho nhiều người, sợ Thầy lớn tuổi bị mệt, chúng tôi xin phép giúp cho Thầy đỡ nhọc, nhưng Thầy không chịu. Chỉ đến khi mệt quá Thầy mới để chúng tôi tiếp tay. Thầy muốn làm gương cho chị em chúng tôi làm việc gì cũng không nên có tánh “quan liêu” và nhất là bệnh lười.

Thầy đã dạy chị em chúng tôi bằng khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Ảnh minh hoạ.

Thầy đã dạy chị em chúng tôi bằng khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Ảnh minh hoạ.

Cảm niệm nghĩa thầy trò nơi cửa thiền

Một ngày, Thầy gọi tôi cười và nói rằng có một ông già nọ thấy bài hát Em niệm hồng danh của Thầy. Thầy làm rất nhiều bài thơ và bài hát, thường những bài hát được từ thơ phổ thành nhạc, trong đó có bài Em niệm hồng danh, Thầy hát một cách thích thú hồn nhiên. Rồi Thầy bảo tôi khi nào vào giảng Bát quan trai thì cho các nam nữ Phật tử hát bài này. Nguyên vì chúng tôi theo tông Tịnh độ, chuyên niệm Phật. Ngoài những bài giảng khuyên niệm Phật, Thầy có sáng tác bài hát Em niệm hồng danh. Ai hát bài này dù có lớn tuổi mấy đi nữa cũng thấy mình như trẻ thơ vui tươi hồn nhiên hát niệm Phật. Thấy đã tìm đủ phương tiện khuyên nhắc chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi nhớ niệm Phật đừng quên. Thật là một đại duyên phước. Bài hát Em niệm hồng danh như sau:

Ban mai em niệm hồng danh

Hòa theo nắng sớm trong lành tâm em

Nắng trưa em niệm hồng danh

Tâm tư lắng đọng tịnh thanh vô cùng

Trời chiều em niệm hồng danh

Tà dương xế bóng định tâm biết rồi

Đêm dài em niệm hồng danh

Phá tan u ám tánh mê kiếp người

Tứ thời em niệm hồng danh

Diệt bao nghiệp ác ý thân khẩu mình

Ôi, câu hồng danh diệu mầu cao thâm

Hồng danh là bạn tri âm

Đi, đứng, nằm, ngồi thì thầm nhớ niệm

Niệm niệm bất ly thân

Niệm niệm bất ly tâm

Hồng danh thâm trầm vô sanh bất diệt

Chính Phật tại tâm còm tầm đâu xa

Nam mô A Di Đà Phật!

Đặc biệt khi tham dự những buổi họp của Giáo hội hay của nhà nước, Thầy vẫn chăm chú lắng nghe nhưng rất ít khi phát biểu. Những lần cuối năm, khi cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai đi chúc Tết chính quyền tỉnh cũng vậy, Thầy vẫn chăm chỉ đi mà không nói gì. Năm rồi, sau khi ở phòng khách Tỉnh ủy ra về, bà Bùi Ngọc Thanh – Trưởng Ban Dân vận đã nắm tay Thầy vui vẻ nói: “Ni trưởng không nói mà làm, Ni trưởng mới thiệt là Cách mạng”. Thầy chỉ cười hiền cảm ơn và chào bà.

Thầy đã gia trì những hạnh lành đức tốt vào tâm chúng tôi, giúp chúng tôi ngày càng giống Phật và gần Phật hơn. Ảnh minh hoạ.

Thầy đã gia trì những hạnh lành đức tốt vào tâm chúng tôi, giúp chúng tôi ngày càng giống Phật và gần Phật hơn. Ảnh minh hoạ.

Đạo nghĩa thầy trò chốn thiền môn

Thật vậy, Thầy luôn là tấm gương của sự hoàn thiện bản thân. Thầy đã dạy chị em chúng tôi bằng khẩu giáo, thân giáo và ý giáo. Thầy đã gia trì những hạnh lành đức tốt vào tâm chúng tôi, giúp chúng tôi ngày càng giống Phật và gần Phật hơn. Thật là:

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Ngài Milarepa, một vị Tổ của Mật Tông đã tri ân Thầy là Marpa:

Con không có tài sản và quà cáp để dâng

Sự tu tập của con đến đáp công ơn Sư phụ

Con thực hành pháp dõng mãnh không kể gian nan

Đấy là quà con dâng hiến bậc Thầy như cha lành.

Đúng vậy, tri ân và báo ân Thầy đâu phải chỉ có dâng cúng dường những món quà, mà phải chuyên tâm thực hành những lời dạy của Thầy. Thầy đã cho chúng tôi quá nhiều ân huệ. Riêng tôi tự nghĩ, Thầy chính là “đóa sen thắm” trong lòng tôi. Tôi nguyện khắc cốt ghi tâm những lời Thầy dạy và cố gắng thực hành những lời dạy của Thầy.

Ai tỉnh? Ai mê? Ai gọi tỉnh?

Ai sầu? Ai khổ nhớ thương ai?

Sáu chữ Di Đà con niệm mãi

Nhớ lời Thầy dạy, nhớ không sai.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển

Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024

Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.

Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y

Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024

Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.

Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”

Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024

Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.

Giáo sư Angraj Chaudhary: Ngài Thích Minh Châu mà tôi biết

Chân dung từ bi 10:45 22/10/2024

Thư của Giáo sư Angraj Chaudhary được dịch và đọc tại Hội thảo về Trưởng lão HT. Thích Minh Châu (1918-2012) vào ngày 20/10/24 tại Pháp viện Minh Đăng Quang, nhân dịp Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (1989-2024) vào ngày 19-20/10/2024.

Xem thêm