Đạo nghĩa thầy trò chốn thiền môn
Với cha mẹ thì có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh. Vị Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm đến trò, thì người trò sẽ như được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ.
Ngày xưa, do chịu ảnh hưởng nền giáo dục của Nho giáo nên người Việt Nam ta rất coi trọng tư tưởng tôn Sư trọng đạo, cho dù vị Thầy ấy là thầy dạy nghề hay là thầy dạy chữ thì vị trí của người Thầy cũng rất được tôn kính chỉ đứng thứ hai sau nhà Vua, trên cả Cha Mẹ theo tinh thần Quân-Sư-Phụ. Vào các dịp lễ tết trong năm học trò luôn đến nhà thăm viếng kính lễ thầy để bày tỏ một chút lòng biết ơn đối với người đã giúp cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời một cách vững chải và tự tin.
Ngày nay, xã hội văn minh ngày càng đổi mới, con người được hưởng thụ vật chất đầy đủ các tiện nghi hiện đại, nhưng về mặt đạo đức của một con người thì ngày càng suy thoái, cho nên trong xã hội nảy sinh ra những cảnh tượng điên đảo rối ren, con thì bất hiếu với cha, mẹ; trò thì lừa thầy phản bạn; bạn bè thì chen vai hất cẳng, cấu xé, tàn hại lẫn nhau không chút nhân tình, không chút xót thương, tất cả cũng chỉ vì chút bả lợi danh mà họ đánh mất đi lương tri vốn có của một con người. Gẫm nhân tình thế đạo ấy, lòng người không khỏi chán ngán lo buồn khi nghĩ đến quốc hồn, quốc tuý của dân tộc Việt Nam với đạo nghĩa Thầy trò, bằng hữu đương lâm vào tình trạng hấp hối chỉ còn chút hơi tàn mà e rằng rồi đây cũng phải tắt lịm như bóng nắng hoàng hôn.
Đối với người con Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, chúng ta còn có cảm nhận sâu sắc ân nghĩa Thầy dạy đạo. Cha, mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho ta, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sanh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo dìu dắt hướng dẫn ta phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sanh tử, trao cho ta Giới thân Tuệ mạng bất sanh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành nâng bước cho ta dự vào hàng Thánh. Công ơn ấy ngẫm ra còn nặng gấp bao lần những ân tình ân nghĩa nói trên. Hơn thế nữa, đối với những vị xuất gia, rời khỏi gia đình, từ bỏ những trói buộc của thế gian, phát nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu giải thoát thì ngôi chùa chính là gia đình, Thầy tổ chính là cha mẹ.
Người sơ tâm xuất gia, bước đầu gia nhập thiền môn, bắt đầu một cuộc sống mới, hoàn cảnh môi trường hoàn toàn mới lạ so với cuộc sống thế tục thì cũng không ít khó khăn, phải thức khuya dậy sớm, phải tuân thủ những thanh quy nghiêm ngặt của thiền môn, nhưng những điều đó cũng không khó bằng phải sữa đổi tâm tánh. Bởi vì nói “tu hành” “TU” tức là sửa đổi những điều sai quấy “HÀNH” tức là làm những việc đáng làm. Quá trình tu tập không chỉ tính bằng một ngày, một tháng, một năm hay nhiều năm mà là cả một chiều dài thời gian. Vượt qua những thử thách gian khổ của những ngày tập sự, hành điệu từng bước, từng bước một bước lên từng cấp bậc để thọ lãnh giới pháp mà hành trì, cho đến khi được thọ giới Tỳ kheo mới chính thức được đứng vào hàng Tăng bảo.
Tục ngữ có câu: “dạy con từ thuở còn thơ” hoặc: “nên tre nhờ uốn thuở còn măng”. Cho nên trong suốt quá trình tu tập đó vị thầy luôn luôn kề cận, quan sát người đệ tử trong từng hơi thở, trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, để hướng dẫn người học trò không đi lệch hướng. Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh người Thầy có lúc ân cần dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ cho chúng ta đỡ những lúc gió sương, vỗ về an ủi khi vấp ngã, lỗi lầm, săn sóc từng giấc ngủ bữa ăn, quan tâm đến những vui buồn của chúng ta trong cuộc sống. Có khi cũng cứng rắn, nghiêm khắc như người cha, che chở cho ta những lúc bão giông, rầy la quở phạt khi chúng ta sai lầm, ương bướng, khi ta bước thấp bước cao gập ghềnh nghiêng ngã. Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng đều phát xuất từ tấm lòng thương tưởng của vị Thầy dành trọn vẹn cho những người học trò. Mong mỏi chúng ta trưởng thành để khỏi phụ cái chí hướng ban đầu mà chính chúng ta tự chọn. Vì vậy, Thầy tổ đối với ta nghĩa cao như núi tình sâu như đại dương, ân nghĩa ấy chúng ta lấy gì đền đáp? Người xưa nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy”, huống chi Thầy đã cho ta giới thân tuệ mạng, trọn vẹn một ân tình.
Mới hay:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.
Với cha mẹ thì có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh. Vị Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm đến trò, thì người trò sẽ như được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ. Đồng thời người trò cũng có bổn phận chăm sóc sức khoẻ, đỡ đần những công việc cần thiết trong khả năng của mình mà không bao giờ câu nệ sự khó nhọc, toan tính, so đo, từ những công việc nặng nhọc cho đến những công việc nhẹ nhàng như dâng thầy ly nước, đỡ nón, cất y khi Thầy đi đâu về, trông ngóng thầy khi thầy có việc phải đi xa… chút ít như thế cũng khiến thầy mình cảm thấy vui vẻ và dũ sạch được những mệt mỏi sau những chặng đường dài.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thiền và tập tạ
Góc nhìn Phật tử 09:30 23/11/2024Nếu ai thực tập 2 môn này cùng một lúc chắc chắn sẽ cảm nhận được rất nhiều điểm tương đồng.
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Xem thêm