Cảm niệm nghĩa thầy trò nơi cửa thiền
Công lao của vị thầy quá to lớn, không dám nói là đền ơn chỉ mong là biểu lộ được chút lòng chí thành, chí kính đối với thầy, chúng con thật sự không dám lấy gì để so sánh với công ơn thầy tổ vì rõ ràng trên thế gian này không có gì xứng đáng để ví von cho được.
Do chịu ảnh hưởng nền giáo dục của Nho giáo nên người Việt Nam ta rất coi trọng tư tưởng tôn Sư trọng đạo, cho dù vị Thầy ấy là thầy dạy nghề hay là thầy dạy chữ thì vị trí của người Thầy cũng rất được tôn kính chỉ đứng thứ hai sau nhà Vua, trên cả Cha Mẹ theo tinh thần Quân-Sư-Phụ. Vào các dịp lễ tết trong năm học trò luôn đến nhà thăm viếng kính lễ thầy để bày tỏ một chút lòng biết ơn đối với người đã giúp cho mình những hành trang cần thiết để bước vào đời một cách vững chải và tự tin.
Ngày nay, xã hội văn minh ngày càng đổi mới, con người được hưởng thụ vật chất đầy đủ các tiện nghi hiện đại, nhưng về mặt đạo đức của một con người thì ngày càng suy thoái, cho nên trong xã hội nảy sinh ra những cảnh tượng điên đảo rối ren, con thì bất hiếu với cha, mẹ; trò thì lừa thầy phản bạn; bạn bè thì chen vai hất cẳng, cấu xé, tàn hại lẫn nhau không chút nhân tình, không chút xót thương, tất cả cũng chỉ vì chút bả lợi danh mà họ đánh mất đi lương tri vốn có của một con người. Gẫm nhân tình thế đạo ấy, lòng người không khỏi chán ngán lo buồn khi nghĩ đến quốc hồn, quốc tuý của dân tộc Việt Nam với đạo nghĩa Thầy trò, bằng hữu đương lâm vào tình trạng hấp hối chỉ còn chút hơi tàn mà e rằng rồi đây cũng phải tắt lịm như bóng nắng hoàng hôn.
Đối với người con Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, chúng ta còn có cảm nhận sâu sắc ân nghĩa Thầy dạy đạo. Cha, mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức cho ta, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sanh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo dìu dắt hướng dẫn ta phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sanh tử, trao cho ta Giới thân Tuệ mạng bất sanh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành nâng bước cho ta dự vào hàng Thánh. Công ơn ấy ngẫm ra còn nặng gấp bao lần những ân tình ân nghĩa nói trên. Hơn thế nữa, đối với những vị xuất gia, rời khỏi gia đình, từ bỏ những trói buộc của thế gian, phát nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu giải thoát thì ngôi chùa chính là gia đình, Thầy tổ chính là cha mẹ.
Người sơ tâm xuất gia, bước đầu gia nhập thiền môn, bắt đầu một cuộc sống mới, hoàn cảnh môi trường hoàn toàn mới lạ so với cuộc sống thế tục thì cũng không ít khó khăn, phải thức khuya dậy sớm, phải tuân thủ những thanh quy nghiêm ngặt của thiền môn, nhưng những điều đó cũng không khó bằng phải sữa đổi tâm tánh. Bởi vì nói “tu hành” “TU” tức là sửa đổi những điều sai quấy “HÀNH” tức là làm những việc đáng làm. Quá trình tu tập không chỉ tính bằng một ngày, một tháng, một năm hay nhiều năm mà là cả một chiều dài thời gian. Vượt qua những thử thách gian khổ của những ngày tập sự, hành điệu từng bước, từng bước một bước lên từng cấp bậc để thọ lãnh giới pháp mà hành trì, cho đến khi được thọ giới Tỳ kheo mới chính thức được đứng vào hàng Tăng bảo.
Tục ngữ có câu: “dạy con từ thuở còn thơ” hoặc: “nên tre nhờ uốn thuở còn măng”. Cho nên trong suốt quá trình tu tập đó vị thầy luôn luôn kề cận, quan sát người đệ tử trong từng hơi thở, trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, để hướng dẫn người học trò không đi lệch hướng. Ngoài việc dạy dỗ, rèn luyện đức hạnh người Thầy có lúc ân cần dịu dàng như người mẹ hiền ấp ủ cho chúng ta đỡ những lúc gió sương, vỗ về an ủi khi vấp ngã, lỗi lầm, săn sóc từng giấc ngủ bữa ăn, quan tâm đến những vui buồn của chúng ta trong cuộc sống. Có khi cũng cứng rắn, nghiêm khắc như người cha, che chở cho ta những lúc bão giông, rầy la quở phạt khi chúng ta sai lầm, ương bướng, khi ta bước thấp bước cao gập ghềnh nghiêng ngã. Nhưng dù ở hình thức nào thì cũng đều phát xuất từ tấm lòng thương tưởng của vị Thầy dành trọn vẹn cho những người học trò. Mong mỏi chúng ta trưởng thành để khỏi phụ cái chí hướng ban đầu mà chính chúng ta tự chọn. Vì vậy, Thầy tổ đối với ta nghĩa cao như núi tình sâu như đại dương, ân nghĩa ấy chúng ta lấy gì đền đáp? Người xưa nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy”, huống chi Thầy đã cho ta giới thân tuệ mạng, trọn vẹn một ân tình.
Mới hay:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.
Với cha mẹ thì có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh. Vị Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm đến trò, thì người trò sẽ như được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ. Đồng thời người trò cũng có bổn phận chăm sóc sức khoẻ, đỡ đần những công việc cần thiết trong khả năng của mình mà không bao giờ câu nệ sự khó nhọc, toan tính, so đo, từ những công việc nặng nhọc cho đến những công việc nhẹ nhàng như dâng thầy ly nước, đỡ nón, cất y khi Thầy đi đâu về, trông ngóng thầy khi thầy có việc phải đi xa… chút ít như thế cũng khiến thầy mình cảm thấy vui vẻ và dũ sạch được những mệt mỏi sau những chặng đường dài.
Bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những nét truyền thống đặc trưng rất riêng biệt. Theo quan điểm sống của người phương Tây thì chú trọng đến cuộc sống hiện thực, mọi cái đều phải chứng minh được, sờ nắm được, họ ít khi đồng tình với những vấn đề mang tính trừu tượng.
Với người phương Đông thì lại khác. Họ rất chú trọng đến đời sống tâm linh, đó là một cõi thiêng liêng làm chỗ dựa tinh thần và mang lại hạnh phúc vĩnh hằng. Bởi vậy, với người phương Đông thì niềm tin bao giờ cũng là tài sản vô giá, không phải là họ tin vào những đấng thần thánh xa xôi nào mà chính ngay trong đời sống thực tại này. Họ coi trọng những mối quan hệ chung quanh mình, những ân tình mà nhân loại mãi mãi tôn thờ đó là thâm tình của cha mẹ dành cho con cái, Thầy dành cho trò, tình bằng hữu đối với nhau…giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ huyết thống cho nên những tình cảm xuất phát một cách tự nhiên, còn giữa thầy và trò thì sự hàm ơn lại bày tỏ một cách sâu lắng hơn và khó lột tả hơn nhưng nó lại làm rung động lòng người.
Trong mỗi chúng ta ai cũng đều ý thức được rằng, cha mẹ sanh thân ta, nuôi dưỡng ta trưởng thành nhưng người mà truyền trao cho ta những kiến thức thì chính là công lao của những bậc Thầy. Thầy dạy đạo, thầy dạy chữ, thầy dạy nghề.v.v. Cho dù ngày nay ta có trở thành bậc vĩ nhân trong thiên hạ đi nữa thì cũng nhờ công ơn vun vén của thầy từ lúc ban đầu. Người thầy có trách nhiệm hoàn thành nhân cách, mở mang trí tuệ cho ta đưa ta đến một tương lai rạng rỡ. Đó là nói đến thầy thế học, còn tấm lòng vị tha của những bậc thầy dạy đạo cũng cao quý biết chừng nào. Không cứ gì phải người xuất gia mới có thầy dạy đạo mà ngay cả những người ở thế gian cũng có những người thầy là tấm gương sáng để họ noi theo, để học cách đối nhân xử thế.
Ở trong đạo thì tình cảm mà người thầy dành cho học trò của mình là một tình cảm vô điều kiện không vụ lợi. Bởi vì khi người xuất gia, cát ái từ thân thì chùa là nhà, thầy tổ chính là cha mẹ, nhưng người thầy nuôi đệ tử không chỉ là cơm ăn áo mặc mà là hoàn thiện nhân cách của một con người, dần dần đưa chúng ta bước lên nấc thang hiền thánh thoát khỏi sự trói trăn trong vòng sanh tử, khó nhọc biết bao! Thâm tình biết mấy! Dạy dỗ một người học trò từ phàm phu tục tử, gạn đục khơi trong để trở thành bậc thánh. Không chỉ riêng chúng con thôi mà còn làm lợi ích cho thế gian rất nhiều. Giáo lý của nhà Phật có tam tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận. Tam tạng giáo điển ấy mà tồn tại lâu dài đều nhờ sự truyền thừa từ đời này sang đời khác của các bậc Tổ sư. Trong tam tạng ấy luật tạng là nền móng của đạo đức không chỉ riêng cho Tăng đoàn mà cho cả xã hội. Chúng ta thử làm một bài toán, nếu người tại gia theo thầy học đạo chỉ thọ giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chúng ta hình dung xem, nếu một nước mà tất cả mọi người đều chỉ giữ năm giới ấy thôi thì thiên hạ đã thái bình. Như vậy, cho thấy công lao của vị thầy quá to lớn, chúng ta phải làm thế nào, không dám nói là đền ơn chỉ mong là biểu lộ được chút lòng chí thành, chí kính đối với thầy, chúng con thật sự không dám lấy gì để so sánh với công ơn thầy tổ vì rõ ràng trên thế gian này không có gì xứng đáng để ví von cho được.
Kính lạy Tăng người thừa chí cả
Thay Thế tôn truyền bá đạo mầu
Từ bi hoá độ vô cầu
Làm thầy mô phạm dẫn đầu chúng sanh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm