Đối phó với sân hận và cảm xúc
Khi cơn giận đến, có một kỹ thuật quan trọng giúp bạn giữ được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn không nên trở nên bất mãn hoặc thất vọng, bởi vì đây là nguyên nhân của sự tức giận và thù hận.
Giận dữ và thù hận là hai trong số những người bạn thân thiết nhất của chúng ta. Khi tôi còn trẻ, tôi có một mối quan hệ khá chặc chẽ với sự tức giận. Rồi cuối cùng tôi thấy rất không thích hợp với sự tức giận. Bằng cách sử dụng lý trí thông thường, với sự trợ giúp của lòng từ bi và trí tuệ, giờ đây tôi có một lý lẽ mạnh mẽ hơn để đánh bại sự tức giận.
Có lẽ có hai loại tức giận. Một loại tức giận có thể được chuyển đổi thành một cảm xúc tích cực. Ví dụ: nếu một người có động cơ từ bi chân thành và quan tâm đến ai đó và người đó không để ý đến cảnh báo của người ấy về hành động của họ, thì không có cách nào khác ngoại trừ việc sử dụng một số loại năng lực để ngăn chặn hành vi sai trái của người đó.
Theo kinh nghiệm của tôi, rõ ràng nếu mỗi cá nhân nỗ lực thì sẽ thay đổi được. Tất nhiên, sự thay đổi không phải là ngay lập tức và cần rất nhiều thời gian. Để thay đổi và đối phó với cảm xúc, điều quan trọng là phải phân tích những suy nghĩ nào là hữu ích, mang tính xây dựng và có lợi cho chúng ta. Ý tôi chủ yếu là những suy nghĩ giúp chúng ta bình tĩnh hơn, thoải mái hơn và mang lại cho chúng ta sự yên tâm, thay vì những suy nghĩ tạo ra sự bất an, sợ hãi và thất vọng.
Trong cơ thể có hàng tỷ hạt khác nhau. Tương tự như vậy, có nhiều suy nghĩ khác nhau và nhiều trạng thái của tâm trí khác nhau. Điều thông tuệ là bạn nên quan sát kỹ thế giới tâm trí của mình và phân biệt giữa các trạng thái tâm có lợi và có hại. Một khi bạn có thể nhận ra giá trị của trạng thái tâm trí tốt, thì bạn có thể tăng cường hoặc nuôi dưỡng chúng.
Đức Phật đã dạy các nguyên tắc của Bốn Chân Lý Cao Quý (Tứ Diệu Đế) và những nguyên tắc này tạo nên nền tảng của Phật Pháp. Chân lý Cao quý thứ ba là sự chấm dứt. Trong phạm trù này, sự chấm dứt có nghĩa là trạng thái của tâm trí hoặc chất lượng tinh thần, thông qua thực hành và nỗ lực, chấm dứt tất cả các cảm xúc tiêu cực. Đó là trạng thái mà cá nhân đã đạt đến trạng thái hoàn thiện của tâm trí, không bị ảnh hưởng bởi các cảm xúc và suy nghĩ phiền não và tiêu cực khác nhau.
Theo Phật giáo, trạng thái của sự chấm dứt (diệt đế) thật sự là nơi nương tựa mà tất cả các Phật tử thực hành đều tìm kiếm. Lý do người ta tìm nơi nương tựa nơi Đức Phật, không phải vì ngay từ đầu Đức Phật đã là một người đặc biệt, mà vì Đức Phật đã thực chứng trạng thái diệt đế thực sự.
Nói chung, trong kinh luận Phật giáo, cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực được định nghĩa là 'trạng thái gây xáo trộn trong tâm thức của chúng ta. Những cảm xúc và suy nghĩ phiền não này là yếu tố tạo ra bất hạnh và xáo trộn trong chúng ta. Tình cảm nói chung không nhất thiết phải là điều gì đó tiêu cực. Tại một hội nghị khoa học mà tôi tham dự cùng với nhiều nhà tâm lý học và nhà khoa học thần kinh, người ta kết luận rằng ngay cả các vị Phật cũng có cảm xúc, theo định nghĩa của cảm xúc được tìm thấy trong các ngành khoa học khác nhau. Vì vậy, karuna (lòng từ bi hoặc lòng tốt vô hạn) có thể được mô tả như một loại cảm xúc.
Đương nhiên cảm xúc có thể tích cực và tiêu cực. Tuy nhiên, khi nói về sự tức giận, v.v., chúng ta đang đối mặt với những cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tiêu cực là những cảm xúc ngay lập tức tạo ra một số loại bất hạnh hoặc không thoải mái và về lâu dài, tạo ra một số hành động nhất định. Những hành động đó cuối cùng dẫn đến tổn hại cho người khác và điều này mang lại đau đớn hoặc khổ sở cho chính mình. Đây là những gì chúng tôi muốn nói đến các cảm xúc tiêu cực.
Trong thực hành Mật tông, có những kỹ thuật thiền định cho phép chuyển hóa năng lượng của sự giận dữ. Đây là lý do đằng sau những vị bổn tôn phẫn nộ. Trên cơ sở động lực từ bi, trong một số trường hợp, tức giận có thể hữu ích vì nó mang lại cho chúng ta thêm năng lượng và cho phép chúng ta hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, tức giận thường dẫn đến hận thù và hận thù luôn là tiêu cực. Hận thù ẩn chứa ác ý.
Tôi thường phân tích sự tức giận ở hai cấp độ: cấp độ cơ bản của con người và cấp độ Phật giáo. Từ cấp độ con người, không liên quan đến truyền thống tôn giáo hay ý thức hệ, chúng ta có thể nhìn vào nguồn gốc của hạnh phúc của chúng ta: sức khỏe tốt, cơ sở vật chất và bạn đồng hành tốt. Bây giờ từ quan điểm sức khỏe, những cảm xúc tiêu cực như hận thù là rất tồi tệ.
Trạng thái tinh thần của bạn phải luôn điềm tĩnh. Ngay cả khi một số lo lắng xảy ra, vì nó chắc chắn xảy ra trong cuộc sống, bạn nên luôn điềm tĩnh. Giống như một làn sóng, nổi lên từ mặt nước và hòa tan trở lại vào nước, những xáo trộn này rất ngắn, vì vậy chúng sẽ không ảnh hưởng đến thái độ tinh thần cơ bản của bạn. Nếu bạn giữ được điềm tĩnh huyết áp của bạn vẫn bình thường hơn và kết quả là sức khỏe của bạn sẽ được cải thiện.
Một số người bạn thân của tôi bị huyết áp cao, nhưng họ không bao giờ đến gần viêc khủng hoảng về sức khỏe và họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi. Trong những năm qua tôi đã gặp một số thực tập viên rất tốt. Trong khi đó, có những bạn khác dù có vật chất tốt nhưng khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, sau những lời tốt đẹp ban đầu, họ bắt đầu phàn nàn và đau buồn. Mặc dù sung túc về vật chất, nhưng những người này không có tâm hồn điềm tĩnh và ôn hòa. Kết quả là họ luôn phải lo lắng về tiêu hóa, giấc ngủ và mọi thứ! Do đó rõ ràng rằng sự tĩnh lặngvề tinh thần là một yếu tố rất quan trọng để có một sức khỏe tốt.
Nguồn hạnh phúc thứ hai đến từ cơ sở vật chất của chúng ta. Đôi khi tôi thức dậy vào sáng sớm, nếu tâm trạng của tôi không được tốt lắm, thì khi nhìn đồng hồ, tôi cảm thấy tâm trạng không thoải mái. Sau đó, vào những ngày khác, có lẽ do kinh nghiệm của ngày hôm trước, khi tôi thức dậy tâm trạng của tôi rất dễ chịu và yên bình. Lúc đó, khi nhìn vào chiếc đồng hồ của mình, tôi thấy nó đẹp đến lạ thường. Tuy nhiên, nó là cùng một chiếc đồng hồ, phải không? Sự khác biệt đến từ thái độ tinh thần. Việc sử dụng các phương tiện vật chất của chúng ta có đem lại sự hài lòng thật sự hay không phụ thuộc vào thái độ tinh thần của chúng ta.
Thật là xấu cho của cải vật chất của chúng ta nếu tâm trí của chúng ta bị cơn giận chi phối. Nói lại từ kinh nghiệm của bản thân, khi còn trẻ, tôi thỉnh thoảng sửa đồng hồ. Tôi đã thử và thất bại nhiều lần. Đôi khi tôi sẽ mất kiên nhẫn và đánh đồng hồ! Trong những lúc đó, sự tức giận của tôi đã làm thay đổi toàn bộ thái độ của tôi và sau đó tôi cảm thấy rất hối hận vì hành động của mình. Nếu mục tiêu của tôi là sửa đồng hồ, vậy tại sao tôi lại đập nó xuống bàn? Một lần nữa, bạn có thể thấy thái độ tinh thần của một người là quan trọng như thế nào để sử dụng cơ sở vật chất vì sự hài lòng hoặc lợi ích thật sự của chính họ.
Nguồn hạnh phúc thứ ba là những người bạn đồng hành của chúng ta. Rõ ràng là khi điềm tĩnh về tinh thần, bạn là người trung thực và cởi mở. Ngay cả khi có sự khác biệt lớn về quan điểm, bạn có thể giao tiếp ở cấp độ như con người. Bạn có thể gạt những ý kiến khác nhau này sang một bên và giao tiếp với tư cách như những con người. Tôi nghĩ đó là một cách để tạo cảm giác tích cực trong tâm trí người khác.
Tôi nghĩ rằng tình cảm con người chân chính có giá trị hơn là địa vị, v.v. Tôi chỉ là một con người đơn giản. Thông qua kinh nghiệm và kỷ luật tinh thần của tôi, một thái độ mới nhất định đã phát triển. Điều này không có gì đặc biệt. Bạn, người mà tôi nghĩ đã có một nền giáo dục tốt hơn và nhiều kinh nghiệm hơn bản thân tôi, có nhiều tiềm năng để thay đổi hơn trong bản thân. Tôi đến từ một ngôi làng nhỏ, không có nền giáo dục hiện đại và không có nhận thức sâu sắc về thế giới. Ngoài ra, từ năm 15 hay 16 tuổi, tôi đã có một loại gánh nặng không thể tưởng tượng được.
Mỗi người trong số các bạn nên cảm thấy rằng mình có tiềm năng to lớn và với sự tự tin và nỗ lực hơn một chút, bạn sẽ thật sự có thể thay đổi nếu muốn. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống hiện tại của mình không mấy dễ chịu hoặc gặp một số khó khăn, thì đừng nhìn vào những điều tiêu cực này. Hãy nhìn thấy mặt tích cực, tiềm năng và hãy nỗ lực.
Vì vậy, liên quan đến việc tiếp xúc với đồng loại, thì thái độ tinh thần của chúng ta là rất quan trọng. Ngay cả đối với một người không tín ngưỡng, chỉ là một chúng sanh trung thực giản dị, thì nguồn hạnh phúc cuối cùng là ở thái độ tinh thần của chúng ta. Ngay cả khi bạn có sức khỏe tốt, cơ sở vật chất được sử dụng đúng cách và quan hệ tốt với những người khác, thì nguyên nhân chính của một cuộc sống hạnh phúc là ở bên trong.
Bây giờ bạn có thể thấy cách giảm thiểu sự tức giận và thù hận như thế nào. Đầu tiên, điều cực kỳ quan trọng là phải nhận ra sự tiêu cực của những cảm xúc này nói chung, đặc biệt là sự thù hận. Tôi coi hận thù là kẻ thù cuối cùng. "Kẻ thù", tôi muốn nói có nghĩa là người hoặc nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp phá hủy sự quan tâm của chúng ta. Mối quan tâm của chúng ta vốn là việc cuối cùng tạo ra tạo ra hạnh phúc.
Chúng ta cũng có thể nói về kẻ thù bên ngoài. Ví dụ, trong trường hợp của riêng tôi, các anh chị em người Hoa của chúng tôi hay đúng hơn là những người cầm quyền Tàu Cộng đang hủy hoại các quyền của người Tây Tạng và theo cách đó, đau khổ và lo lắng ngày càng nhiều hơn. Nhưng dù có mạnh mẽ đến đâu, nó cũng không thể phá hủy nguồn hạnh phúc tối cao của tôi, đó là sự tĩnh lặng của tâm tôi. Đây là điều mà kẻ thù bên ngoài không thể tiêu diệt được. Đất nước của chúng ta có thể bị xâm lược, tài sản của chúng ta có thể bị phá hủy, bạn bè của chúng ta có thể bị giết, nhưng những điều này chỉ là thứ yếu cho hạnh phúc tinh thần của chúng ta. Nguồn gốc cuối cùng của hạnh phúc tinh thần của tôi là sự yên tâm của tôi. Không gì có thể phá hủy điều này ngoại trừ sự tức giận của chính tôi.
Hơn nữa, bạn có thể trốn thoát hoặc ẩn náu khỏi kẻ thù bên ngoài và đôi khi bạn thậm chí có thể lừa dối kẻ thù. Ví dụ, nếu có ai đó quấy rầy sự bình yên của tôi, tôi có thể lẫn tránh bằng cách khóa cửa và ngồi yên lặng một mình. Nhưng tôi không thể làm điều đó với sự tức giận! Bất cứ nơi nào tôi đi, nó luôn ở đó. Mặc dù tôi đã khóa cửa phòng nhưng cơn tức giận vẫn còn trong lòng. Trừ khi bạn áp dụng một phương pháp nhất định, còn thì không có khả năng thoát khỏi. Do đó, hận thù hay tức giận - và ở đây tôi muốn nói đến sự tức giận tiêu cực - cuối cùng là kẻ hủy diệt thật sự sự bình yên của tôi và do đó là kẻ thù thật sự của tôi.
Một số người cho rằng kìm nén cảm xúc là không tốt, nên để nó lộ ra ngoài sẽ tốt hơn nhiều. Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt giữa các cảm xúc tiêu cực khác nhau. Ví dụ, với sự thất vọng, có một sự thất vọng nhất định phát triển do kết quả của các sự kiện trong quá khứ. Đôi khi nếu bạn che giấu những sự kiện tiêu cực này, chẳng hạn như lạm dụng tình dục, thì điều này có ý thức hoặc vô thức sẽ tạo ra vấn đề. Vì vậy, trong trường hợp này, tốt hơn hết là bạn nên bày tỏ sự thất vọng và nói ra.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi về sự tức giận, nếu bạn không cố gắng giảm bớt nó, nó sẽ vẫn tồn tại trong bạn và thậm chí còn tăng lên. Sau đó, ngay cả với những sự cố nhỏ, bạn sẽ ngay lập tức nổi giận. Một khi bạn cố gắng kiểm soát hoặc rèn luyện cơn giận của mình, thì cuối cùng, ngay cả những sự kiện lớn cũng sẽ không gây ra cơn giận.
Khi cơn giận đến, có một kỹ thuật quan trọng giúp bạn giữ được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn không nên trở nên bất mãn hoặc thất vọng, bởi vì đây là nguyên nhân của sự tức giận và thù hận. Có một mối liên hệ tự nhiên giữa nguyên nhân và kết quả. Một khi các nguyên nhân và điều kiện nhất định được đáp ứng đầy đủ, thì rất khó để ngăn chặn quá trình nhân quả đó thành hiện thực. Điều quan trọng là phải xem xét tình huống để ở giai đoạn rất sớm, người ta có thể dừng quá trình nhân quả. Sau đó, nó không tiếp tục đến một giai đoạn nâng cao.
Trong luận điển Phật giáo Hướng Dẫn Về Lối Sống Của Bồ Tát, học giả vĩ đại Tịch Thiên (Shantideva) đề cập rằng điều rất quan trọng là đảm bảo rằng chúng ta không bị rơi vào tình huống dẫn đến bất mãn, bởi vì không hài lòng là mầm mống của sân hận. Điều này có nghĩa là chúng ta phải có một cái nhìn nhất định đối với tài sản vật chất của chúng ta, đối với những người đồng hành và bạn bè của chúng ta và đối với các tình huống khác nhau.
Thực tế, cảm giác không hài lòng, không vui, mất hy vọng, v.v. của chúng ta có liên quan đến mọi hiện tượng. Nếu chúng ta không áp dụng cách nhìn đúng đắn, có thể bất cứ điều gì và mọi thứ đều có thể khiến chúng ta thất vọng. Tuy nhiên, các hiện tượng là một phần của thực tại và chúng ta phải tuân theo các quy luật của sự tồn tại. Vì vậy, điều này khiến chúng ta chỉ có một lựa chọn:là thay đổi thái độ của chính mình. Bằng cách mang lại sự thay đổi trong cách nhìn của chúng ta đối với các sự vật và sự kiện, tất cả các hiện tượng có thể trở thành bạn bè hoặc nguồn hạnh phúc, thay vì trở thành kẻ thù hoặc nguồn gây thất vọng.
Ở một khía cạnh nào đó, có kẻ thù là điều rất tệ. Nó làm xáo trộn sự bình yên tinh thần của chúng ta và phá hủy một số điều tốt đẹp của chúng ta. Nhưng nếu nhìn ở góc độ khác, chỉ có kẻ thù mới cho chúng ta cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn. Không ai khác cung cấp cho chúng ta cơ hội khoan dung. Vì chúng ta không biết phần lớn trong số năm tỷ con người trên trái đất này, nên phần lớn mọi người cũng không cho chúng ta cơ hội để thể hiện sự khoan dung hay kiên nhẫn. Chỉ những người mà chúng ta biết và những người tạo ra vấn đề cho chúng ta mới thật sự cung cấp cho chúng ta cơ hội tốt để rèn luyện lòng khoan dung và kiên nhẫn.
Tịch Thiên (Shantideva) nói rằng chính ý định làm hại chúng ta đã khiến kẻ thù trở nên rất đặc biệt. Nếu kẻ thù không có ý định làm hại chúng ta, thì chúng ta sẽ không phân loại người đó thành kẻ thù, do đó thái độ của chúng ta sẽ hoàn toàn khác. Chính ý định làm hại chúng ta của người đó khiến người đó trở thành kẻ thù và vì thế kẻ thù tạo cơ hội cho chúng ta rèn luyện lòng khoan dung và nhẫn nại. Do đó kẻ thù quả thật là một người thầy đáng quý. Bằng cách suy nghĩ theo những dòng này, cuối cùng bạn có thể giảm bớt những cảm xúc tiêu cực về tinh thần, đặc biệt là sự thù hận.
Một câu hỏi khác là nếu bạn luôn khiêm tốn thì người khác có thể lợi dụng bạn và bạn nên phản ứng như thế nào? Nó khá đơn giản: bạn nên hành động với trí tuệ hoặc lẽ thường, không tức giận và hận thù. Nếu tình huống đến mức bạn cần phải hành động từ phía mình, bạn có thể thực hiện biện pháp đối phó mà không cần tức giận. Trên thực tế, những hành động tuân theo trí tuệ thật sự chứ không phải là tức giận trên thực tế có hiệu quả hơn. Biện pháp đối phó được thực hiện trong lúc tức giận thường có thể sai. Không có giận dữ và không có hận thù, chúng ta có thể đối phó hiệu quả hơn.
Có một kiểu thực hành bao dung khác liên quan đến việc chấp nhận những đau khổ của người khác một cách có ý thức. Tôi đang nghĩ đến những tình huống mà khi tham gia vào một số hoạt động nhất định, chúng ta nhận thức được những khó khăn, những khó khăn và vấn đề có liên quan trước mắt, nhưng tin chắc rằng những hành động đó sẽ có tác dụng rất có lợi về lâu dài. Vì thái độ của chúng ta và chí nguyện của chúng ta và mong muốn mang lại lợi ích lâu dài đó, đôi khi chúng ta có ý thức và cố ý nhận về mình những khó khăn và vấn đề liên quan đến ngắn hạn.
Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu vị Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn này ít cười hơn, có lẽ tôi sẽ có ít bạn bè hơn ở nhiều nơi khác nhau. Thái độ của tôi đối với người khác là luôn nhìn họ từ cấp độ con người. Ở cấp độ đó, dù là tổng thống, hoàng hậu hay người ăn xin, không có sự khác biệt, miễn là có tình cảm con người chân chính với nụ cười tình cảm chân thành của con người.
Lòng từ bi là điều tuyệt vời và quý giá nhất. Khi chúng ta nói về lòng từ bi, tôi tin rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi và tế nhị. Ví dụ, một nhà khoa học đã nói với tôi rằng vài tuần đầu tiên sau khi sinh là giai đoạn quan trọng nhất, vì trong thời gian đó, não của đứa trẻ mở rộng. Trong giai đoạn đó, sự tiếp xúc của người mẹ hoặc của một người nào đó đang cư xử giống như một người mẹ là rất quan trọng. Điều này cho thấy rằng mặc dù đứa trẻ có thể không nhận ra ai là ai, nhưng về mặt thể chất, nó vẫn cần tình cảm của người khác. Nếu không có điều đó, nó rất có hại cho sự phát triển lành mạnh của não bộ.
Khi chúng ta đến bệnh viện, không phân biệt chất lượng của bác sĩ, nếu bác sĩ thể hiện tình cảm chân thành và sự quan tâm sâu sắc đến chúng ta và nếu người ấy mỉm cười, thì chúng ta cảm thấy ổn. Nhưng nếu bác sĩ ít thể hiện tình cảm của con người, thì mặc dù người ấy có thể là một chuyên gia rất giỏi, thì chúng ta vẫn có thể cảm thấy không tự tin và lo sợ. Đây là bản chất của con người.
Trong giáo dục, theo tôi, những bài học mà chúng ta học được từ những người thầy không chỉ giỏi mà còn thể hiện tình cảm với học sinh sẽ đi sâu vào tâm trí chúng tôi. Bài học từ các giáo viên khác có thể không. Mặc dù bạn có thể bị bắt buộc phải học và có thể sợ giáo viên, nhưng bài học có thể không thấm vào đâu. Phần lớn phụ thuộc vào tình cảm từ giáo viên.
Khi chúng ta trẻ và đến khi chúng ta già, chúng ta lệ thuộc sâu xa vào tình cảm của người khác. Giữa những giai đoạn này chúng ta thường cảm thấy rằng chúng ta có thể làm mọi thứ mà không cần sự giúp đở của người khác và rằng tình cảm của người khá đơn giản là không quan trọng. Nhưng ở giai đoạn này thì tôi nghĩ rằng thật rất quan trọng để giữ tình cảm con người sâu xa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm