Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 06/06/2016, 13:37 PM

Đơn sơ, lặng lẽ, rỗng rang, gương sáng…(P.1)

Bài này được viết như một ghi chú cho Thiền tông, để như một cách tiếp cận đơn giản… và hy vọng, cũng là một ghi chú cho rất nhiều pháp khác của nhà Phật, kể cả Tịnh độ. Bởi vì, Thiền tông là pháp môn cốt tủy nhất, trực tiếp nhất, không qua bất kỳ phương tiện nào khác, và cũng có thể dùng làm chiếc cửa lớn cho tất cả các pháp khác.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Do người viết sở học không bao nhiêu, bài này có thể sẽ gây bất đồng, sẽ sinh khởi dị kiến từ một số độc giả; dù vậy tất cả những dòng chữ này được viết xuống đều vì mong muốn làm sáng tỏ Chánh pháp. Xin nói rõ: người viết không phải là một thiền sư, cũng không phải một học giả. Người viết chỉ là người tập thiền, người học kinh… đơn giản như thế; hay đúng hơn, “người viết không là một pháp nào có thể là".

Nếu người đọc thấy bất đồng, xin nghĩ rằng bất đồng là điều bình thường, và xin chớ nghĩ rằng người viết muốn bài bác những gì. Xin mời nghĩ rằng, và từng giây phút xin mời nghĩ rằng: không hề có ai đang viết và cũng không hề có ai đang đọc, rằng cả người viết và người đọc đều là những khối sắc-thọ-tưởng-hành-thức đang chuyển biến lay lắt trước cơn gió nghiệp của thời gian, rằng người viết chỉ là một hình ảnh lung linh hiện ra trong tâm người đọc (1), lúc đó người đọc sẽ thấy những bực dọc hay nghi ngờ (hay ưa thích) với người viết sẽ tan biến; ai mà đi bực dọc hay nghi ngờ (hay ưa thích) với một hình ảnh (vốn là sản phẩm) trong tâm mình.

Một lý do muốn làm sáng tỏ thêm về Thiền tông, cũng vì có những bạn văn tuổi đã vào cổ lai hy, cuối đời hướng tâm về Phật pháp và băn khoăn trước cả rừng Kinh luận. Do vậy, bài này nhắm phần lớn về khối độc giả cao niên mới tìm hiểu về Phật giáo, và hy vọng trình bày bằng ngôn ngữ thực dụng tới mức độc giả có thể ngưng ở bất kỳ dòng chữ nào để tự nhìn vào tâm và nghiệm ý cổ đức. Tất cả những gì bất toàn, chỉ là do người viết chưa hiểu trọn ý kinh.

Hoàn cảnh người Việt hiện nay phức tạp vô cùng, vì rất nhiều người ở các tiểu bang xa, hay ở các quốc gia rất xa, khó gần chùa, gần thầy, và có khi phải tự tu học. Trường hợp như thế, xin đề nghị: trước tiên, nên đọc thật nhiều sách về Phật học căn bản, rồi đọc kinh thật kỹ bằng tiếng Việt hay tiếng Anh qua Internet, đọc càng nhiều càng tốt, chỗ nào không hiểu thì bỏ qua để đọc sách khác, nên đưa cả nhà già trẻ lớn bé tới một ngôi chùa (nếu không gần chùa Việt, có thể tới bất kỳ chùa quốc tịch nào cảm thấy thích hợp) để Quy y và thọ Giới, sám hối, phát đại nguyện và tu học theo khuynh hướng tự thấy thích nghi. Và nên tu học từng giây phút, trọn ngày như thế. Một phút tu là hạnh phúc trọn 60 giây, là ngay tức khắc hạnh phúc. Những câu hỏi có thể có, hãy gửi qua email tới các chủ trang web Phật học, và giữa những câu trả lời có thể dị biệt hãy tìm những gì có lợi cho việc tu học của mình.

Thời nay may mắn, có những pháp hội của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, người được dân tộc Tây Tạng tin là hóa thân của đức Quan Âm Bồ Tát, và nên hiểu rằng Ngài là người tu được tâm tương ưng như của đức Quan Âm. Tham dự các pháp hội của Ngài là cơ duyên lớn cho chúng ta, cả kiếp này lẫn kiếp sau, vì Ngài có lời nguyện không bỏ chúng sinh. Hãy hình dung rằng chúng ta đang bơi giữa biển sóng, trải qua vô lượng kiếp, và những vị như đức Đạt Lai Lạt Ma đã nguyện là không rời bỏ cõi này, khi nào còn chúng sinh nào chưa giải thoát. Bản thân người viết cũng có một niềm tin vững chắc rằng: Đức Phật Thích Ca không hề rời bỏ chúng sinh (có người nghĩ rằng Ngài sẽ không xuất hiện nữa), bởi vì Kinh MN 72 (Aggi-Vacchagotta Sutta) nói rằng Ngài nhập Niết Bàn là cảnh giới không gọi bằng bất cứ ngôn ngữ nào được nữa, nơi ‘xa lìa mọi phân loại của ý thức, hỡi Vaccha, Như Lai là rất mực sâu thẳm, vô tận, khó hiểu, hệt như biển”… Và rồi đức Phật lập lại rằng Ngài xa lìa tứ cú (4 mệnh đề) hệt như Kinh Kim Cương. Nghĩa là, đức Phật không hề rời xa chúng ta, mà cũng không gần chúng ta (hiểu theo các nghĩa sắc thân vật lý).

Một lý do mời gọi người tu nên đọc rất nhiều từ mọi tông phái cũng vì, cần có đủ lý luận để biện giải cho quyến thuộc và bạn hữu về Phật pháp. Thời này là cách mạng truyền thông: trên TV, báo, đài, Internet… những tôn giáo khác đang tuyên truyền 24/24 giờ. Nếu chúng ta không đủ lý luận, và nếu không quan tâm về những gì thế hệ trẻ sẽ đọc, chủ yếu là tiếng Anh và Pháp, chúng ta có thể sẽ là những phật tử cuối cùng trong gia tộc mình. Thấy như thế, mới biết ơn sâu từ các đại thiện tri thức thời nay như đức Đạt Lai Lạt Ma.

* *

Chúng ta nhiều khi bị lúng túng, vì trong gia tộc cũng có người theo đạo khác, và chúng ta muốn tạo cơ duyên cho họ nghe Chánh pháp. Ngay cả khi chúng ta nói về tôn giáo nói chung, khó là làm sao để người khác đạo chịu nghe mà không nổi sân, không phiền não, và không hủy báng Chánh pháp.

Thí dụ như trong nghề truyền thông. Một phóng viên tất nhiên phải gặp rất nhiều hạng người trong xã hội, từ rất nhiều tôn giáo khác nhau. Lời nói sơ suất có thể bị hiểu là chỉ trích đạo khác; xã hội lại bất hòa.

Đức Đạt Lai Lạt Ma khi đi các nơi thuyết pháp, Ngài biết rằng người nghe cũng từ nhiều tôn giáo khác nhau. Thường khi, Ngài dạy về tâm từ bi, về ước mơ hạnh phúc của mọi người và do đó phải giữ tâm bất hại, về hòa bình thế giới… Như thế sẽ thích nghi với người từ các tôn giáo khác. Vì khi đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ, không lẽ Ngài thuyết pháp về Bát Nhã Tâm Kinh, một đề tài Ngài rất ưa thích khi giảng trong các chùa Việt Nam.

Thích nghi tuyệt vời khi chúng ta nói chuyện với người ngoại đạo, là nói về Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Có lẽ, ít nhất, chúng ta cũng hạnh phúc vì gieo nhân duyên cho họ kiếp sau sẽ gặp Phật pháp: Khắp thời đi đứng nằm ngồi, hãy rải tâm từ ba cõi, yêu thương tất cả chúng sinh, như mẹ yêu thương con một...

Có những người chúng ta biết rằng, lần gặp đầu cũng có thể là lần gặp cuối, vì họ sẽ đi về những tiểu bang thật xa. Chúng ta nói gì để gây cơ duyên  cho họ gặp chánh pháp về sau? 

Có lẽ, dạy thiền chánh niệm cũng là tạo được cơ duyên. Trong đó, dạy niệm hơi thở là giúp họ an lạc, giữ sức khỏe, chữa bệnh, tăng trí nhớ… Pháp này không còn độc quyền của Phật giáo, vì cũng đang dạy ở nhà thờ, quân đội, bệnh viện, trường học… và trở thành một công cụ phổ biến. Thầy Thích Nhất Hạnh thường dạy pháp niệm hơi thở, và hiển nhiên là thích nghi cả với mọi người khác tôn giáo.

Có lẽ, nên dạy tin sâu nhân quả. Bởi vì, đạo Phật dạy về tin sâu nhân quả, trong khi hầu hết (hay tất cả) các đạo khác chỉ dạy phi-nhân-quả, chỉ dạy cầu xin “hồng ân” từ một đấng siêu nhiên nào đó. Tin sâu là độc quyền của Phật giáo.

Có lẽ, nên dạy về các pháp là vô ngã, là vô thường, vì đây là lối đi rất riêng của Phật giáo. Khó chỉ là trình bày bằng ngôn ngữ đời thường, để người nghe không có cảm giác bị truyền giáo.

Có lẽ, dạy quán sự chết cũng là một trong những pháp tiện nhất, mà không cho người nghe cảm giác bị truyền giáo. Bởi vì, Đức Phật có dạy pháp niệm sự chết. Trong khi hầu hết (hay tất cả) các tôn giáo khác chỉ dạy về “cầu nguyện được phục sinh,” vì họ sợ nghĩ về một cõi lặng lẽ.

Đức Đạt Lai Lạt Ma viết rằng Ngài mỗi ngày quán tiến trình sự chết theo phương pháp Mật tông, trung bình 7 hay 8 lần mỗi ngày (sách “The Joy of Living and Dying in Peace,” ấn bản đầu, NXB Harper, trang 29). Dĩ nhiên, Mật giáo là quá phức tạp. Trong khi chúng ta chỉ quan tâm về Hiển giáo.

Bản thân người viết thường niệm sự chết như một cách giữ sức khỏe. Khi làm việc quá mệt, là nằm xuống, hoặc ngồi thẳng lưng trên ghế, nhắm mắt lại, hình dung rằng hơi thở chậm lại,  rất chậm, cảm nhận sự chết lan nhẹ nhàng từ dưới chân lên đỉnh đầu, tỉnh thức cảm nhận hơi lạnh của sự chết khắp người. Tập quen, người viết thường khi đứng ngoài chợ, đi ngoài phố cũng thấy mình như xác chết biết đi. Đây là một cách giữ sức khỏe tuyệt vời. Và có thể chỉ cho người đạo khác, mà không ngại bị xem là truyền giáo

* *

Trong khi tìm học và đọc nhiều, sẽ thấy ngay cả trong giới học Phật cũng chia ra nhiều tông phái, và chúng ta nên nghiên cứu cả các tông phái khác. Lý do: thế hệ phật tử sau chúng ta, không đủ tiếng Việt nữa, sẽ đọc sách phật giáo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Và các vị sư, các học giả viết sách phật học tiếng Anh, tiếng Pháp đó sẽ có rất nhiều giải thích khác với chúng ta. Đồng ý hay không, là chuyện khác. Nhưng nên chuẩn bị cho thế hệ trẻ của thế kỷ 21 đối diện với một rừng Phật học không giống nhiều với thời chúng ta khi mới học Phật ở thế kỷ 20. Hãy thấy rằng các giáo sư đại học Hoa Kỳ: họ sẽ ảnh hưởng tới việc học phật của thế hệ thứ nhì, thứ ba… của cộng đồng Việt ngoài  nước. Nhiều thiền sư và học giả quốc tế, cả gốc Việt, rất uyên bác, rất đa dạng, giỏi nhiều sinh ngữ và cổ ngữ, cũng chia thành nhiều tông phái, nhưng cũng có nhiều người sẽ vạch ra các hướng đi rất mới, rất bất ngờ. 

Trong các cuộc tranh luận, dị biệt lớn nhất là quan điểm  về tái sanh và thân trung ấm. 

Phật giáo Tây Tạng và Bắc Tông dạy rằng có tái sanh, có thân trung ấm. Trong khi nhiều thầy Nam Tông nói rằng có tái sanh và không có thân trung ấm, vẫn có nhiều (không phải ít) học giả Nam Tông (như Bhikkhu Sujato, như Piya Tan) nói rằng có tái sanh và có thân trung ấm.  Nhưng ở một cực xa hơn, nhiều Thiền sư, học giả Hoa Kỳ nói rằng không có chuyện tái sanh, không có chuyện kiếp trước và kiếp sau, vì họ nói rằng đức Phật nói tái sanh và thân trung ấm chỉ là ẩn dụ. Trong khi đó cũng có những vị nói lưng chừng, giữa hai cực rất xa nêu trên. Thế hệ con em chúng ta ở Mỹ, ở Anh, ở Úc sẽ  đọc, sẽ nghe đủ thứ dị biệt đó. Các học giả gọi đây là cuộc tranh luận lớn đối với Phật giáo Hoa Kỳ. Các bài viết bằng tiếng Anh đều có giá trị lớn về nghiên cứu, đều nên đọc, dù chúng ta có đồng ý hay không. Các links liên hệ để ở (2).

Thiền Tông trả lời thế nào? Người viết không trả lời được, vì không có thẩm quyền gì.

Tuy nhiên, nếu cho người dựa cột được lên tiếng, xin thưa rằng người viết đã đọc nhiều sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma, và thân cận một số vị Lạt ma, nên rất mực tin vào Ngài. Còn nhìn dưới mắt Thiền Tông, xin thưa rằng chúng ta đã chết đi và tái sanh cả tỷ tỷ lần trong ngày. Trong những khoảng chết đi và tái sanh đó, có những khoảnh khắc bất định, lơ lửng… và đó là thân trung ấm. 

Có cách nào nói theo ngôn ngữ Thiền Tông? Có như thế. Đức Phật đã nói rồi, trong Kinh Bahiya. Trong Kinh Kim Cang (hay Kinh Kim Cương). Trong Bát Nhã Tâm Kinh.

Chư Tổ Thiền Tông đã nói rằng không hề có một pháp nào trao cho người, Thiền Tông là phải tu cái pháp không có gì để tu hết. Vì hễ nói là phải tu gì, hay phải niệm gì, lập tức là rơi vào tâm quá khứ rồi, đã mất liền cái khoảnh khắc hiện tiền. Vì ý thức luôn luôn là cái xuất hiện của một vài khoảnh khắc sau khi cái  hiện tiền trở thành quá khứ. Chúng ta cần ý thức để làm toán, để biết đường lái xe… Đúng thế. Nhưng đó là kỹ năng để tồn tại trong cõi này. Còn chuyện tu học sẽ thấy: ý thức là cái đi sau các pháp, là cái tư lường với quá khứ, là phải đập cho vỡ tan tành ý thức ra. Chư Tổ nói, hễ mở miệng là trễ rồi.

Thí dụ, nơi đây chúng ta dẫn Kinh Bahiya. Trích lời Đức Phật dạy Ngài Bahiya:

“Bahiya, hãy tự tu tập thế này: trong cái được thấy sẽ chỉ là cái được thấy, trong cái đuợc nghe sẽ chỉ là cái được nghe, trong cái được cảm thọ sẽ chỉ là cái được cảm thọ, trong cái được thức tri sẽ chỉ là cái được thức tri…” 

(Bahiya, you should train yourself thus: 'In the seen will be merely what is seen; in the heard will be merely what is heard; in the sensed will be merely what is sensed; in the cognized will be merely what is cognized.' - Bản dịch của John D. Ireland) (3)

Đức Phật dạy tuyệt vời như thế. Trước tiên, chúng ta sẽ lấy thí dụ từ lời Đức Phật dạy về nghe. Bây giờ, chúng ta xét về tứ pháp ấn (vô thường, bất như ý, vô ngã, rỗng rang không tự tánh) qua Kinh Bahiya. Khi giữ tâm cho thật đơn sơ và lặng lẽ, thật rỗng lặng, sẽ thấy tức khắc lời Đức Phật dạy. Đây là kinh nghiệm tuyệt vời. Hãy trọn lòng tin Đức Phật, chúng ta sẽ lập tức thấy ngay (không cần qua lý luận) tứ pháp ấn, còn gọi là bốn đặc tướng của các pháp.

Thế này. Bạn hãy ra ngồi ở mái hiên, hay ở giữa vườn, hít thở dịu dàng, giữ tâm thật đơn sơ, thật lặng lẽ, buông xả hết tất cả vướng bận… Không cần niệm bất cứ gì hết, chỉ giữ sự tỉnh thức, lặng lẽ. Bất chợt, bạn nghe tiếng chim kêu. Tiếng chim kêu hiện lên và biến mất tức khắc; đó là vô thường. Tiếng kêu từ nhân duyên hiện lên trong tâm, và rồi biến hẳn đi; tiếng kêu đó là “rỗng rang trong gương tâm sáng” (do căn, trần, thức đủ duyện là tiếng kêu hiện ra) và đó là Không. Tiếng kêu biến mất, không lưu dấu trong không gian; và đó là vô ngã. Bạn muốn níu lại tiếng kêu ấy dù bất cứ lý do gì, thí dụ như để xem âm vang trầm hay bổng, là chim sơn ca hay chim hoàng anh… và không thể níu lại được để thẩm định; và đó là bất như ý. Trong cái tiếng kêu được nghe buốt  lạnh hư không đó, bạn trực nhận ngay không hề có cái “ta” và cái “của ta” nào ở đâu. Nếu nói có “cái ta” nào, ngay “cái ta” đó là cái được hiển lộ ra tiếng kêu, và ngay tức khắc “cái gọi là ta” đó biến dạng. Nên người  xua nói, nhìn hoa, sẽ thấy “hoa với người vô biệt.”

Chữ dukkha trước kia thường dịch theo Hán văn là khổ (suffering), nhưng chữ này có nhiều nghĩa, hiện nay thường dịch là bất như ý (unsatisfactoriness). Vấn đề là khổ với ai, là bất như ý với ai… trong khi hễ thấy ngay cái được nghe là vô ngã, và cái nghe tan biến theo cái được nghe, nghĩa là tức khắc các pháp vô ngã… lập tức, cái khổ đó tức khắc biến mất, và đó là khổ diệt. Tức là, Tứ Diệu Đế thành tựu ngay trong cái nghe tiếng chim kêu đó. Và thấy tâm tịch diệt, muốn gọi là gì cũng được, chỉ còn là cái không ngôn ngữ.

Kinh nghiệm này là tức khắc. "Cái được nghe" tự thân đủ các pháp ấn. Cái được nghe biến hiện vô chừng. Còn "cái nghe"? Đó sẽ là ly tức cú, sẽ là tuyệt bách phi… sẽ là không một lời để nói, vì hễ mở miệng, là trễ rồi. Tất cả các Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cương, Tâm Kinh Bát Nhã… không lìa khoảnh khắc này của tâm đơn sơ, tâm lặng lẽ, nơi tất cả các pháp đều đã buông xả, và không có gì để buông xả.

Nghe câu hát “trầm hương đốt, xông ngát mười phương…” bạn có muốn nghe trở ngược nốt nhạc nào trong đó cũng không được, vì lời phát ra là biến tức khắc rồi. Và cái được nghe đó là vô thương, là vô ngã, là bất như ý, là rỗng rang không một pháp.

Từng âm thanh hiện lên trong tâm gương sáng rỗng rang. Từng khoảnh khắc như thế, là Thấy Tánh. Tức là thấy các pháp vốn vô tự tánh. Thấy các pháp hiện lên và biến mất trong gương tâm rỗng rang rực sáng và lặng lẽ. Đó là Thiền Tông: yêu cầu trước tiên, phải Thấy Tánh, sau đó là bảo nhậm liên tục.

Lúc đó, nói rằng còn phải tu gì đi nữa, cũng là hỏng.

Nơi này, xin ghi một vài ý, từ một thí dụ đã viết năm ngoái.

Thí dụ, như giọng ca một ca sĩ. Có lẽ, Thái Thanh là ca sĩ có giọng ca hay nhất của dân tộc Việt Nam trong một thế kỷ tân nhạc vừa qua, và hầu hết mọi người từng nghe giọng ca của bà. Câu hỏi là, bạn đang ngồi nhìn lên sân khấu, trực tiếp nhìn và nghe ca sĩ Thái Thanh hát, những âm thanh vang trong không gian đó có gọi được là có, hay gọi là không? Có ai chụp bắt được những âm thanh bà vừa hát? Không ai chỉ ra được phương xứ của những âm thanh bà vừa hát ra. May mắn, bây giờ có máy ghi âm. Nhưng ngay cả như thế, cũng không ai chỉ ra tánh của những âm vang do ca sĩ này vừa hát ra.

Tất cả đều từ nhân duyên khởi lên, phải có một ca sĩ Thái Thanh rèn luyện một đời cộng với tài năng bẩm sinh, có ca khúc, có trống đàn, có luyện tập… nhưng ngày hôm đó vẫn khác ngày hôm sau, ca khúc trước vẫn khác ca khúc sau, từng giây phút vẫn độc đáo, không hề giống giây phút nào, và tất cả đều vô tự tánh, đều không thực tánh, đều vô ngã, đều không có người ca, không có lời được ca, cũng không có người nghe mà chỉ có cái được nghe… Không ai chụp bắt được bất cứ gì hết. Vì nốt nhạc này khởi lên, chúng ta nghe là có; và nốt nhạc đó biến mất để chỗ cho nốt khác, lúc đó chúng ta nghe là không. Đó là vô thường, và tất cả đều là duyên khởi. Nếu bạn giữ tâm cho thật lặng lẽ và rỗng rang, bạn sẽ cảm nhận tức khắc như thế. Cảm nhận bằng toàn thân của bạn. Không qua lý luận gì, vì lý luận là sản phẩm ý thức, luôn luôn là cái tới sau.

Ngắn gọn, các pháp từng khoảnh khắc là bất động, hiểu theo nghĩa là không hề di chuyển vì tính độc đáo của từng pháp, từng khoảnh khắc. Đồng thời cũng gọi là bất nhị, vì có với không như dường là một, hay đúng hơn, cũng không gọi là bất nhị được, chỉ là vô ngôn mà nhận ra tánh các pháp thực sự là vô tự tánh, vì không dùng ngôn ngữ được chỗ này. Và cũng vì từng âm vang chính là tâm hiển lộ ra qua cái được nghe. Do vậy, không thể nói là cảnh ca sĩ Thái Thanh đứng hát đã đi tới đâu, bởi vì nó chỉ là do nhân duyên hiện ra. Khi màn hạ, khi đèn tắt, khi nhạc sĩ rút dây đàn, khi ca sĩ Thái Thanh rời quán nhạc… cảnh cũ là duyên hợp, nên không thực tướng, và là không hề đi, vì cũng chẳng hề tới. Cảnh đó cũng là tới và đi trong Tánh Không của gương tâm rỗng sáng. Chính cái toàn thể đó đã hiển hiện ra, vận hành bởi Lý Duyên Khởi. Toàn khối đó, là cái đương xứ tức chân.

Ngắn gọn hơn, như Đức Phật dạy, rằng trong cái được nghe chỉ là cái được nghe. Nghĩa là, tức khắc, chúng ta có thể trực nhận tất cả các pháp vô thường chỉ qua cái được nghe. Từng nốt nhạc hiện rồi biến. Không ai níu được nốt nhạc đã qua. Và là cảnh hiện trong gương tâm sáng rỗng rang của bạn. 

Còn nữa...
Nguyên Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo

Sách Phật giáo 07:16 23/11/2024

Có cuốn sách nhỏ gọn, rất phù hợp để giới thiệu trong một sáng cuối tuần thế này - “Vừa nhặt thóc vừa hót líu lo” của tác giả Vân Nguyễn (Nxb Phụ nữ Việt Nam).

Con người và sự nghiệp giáo dục của Đức Phật

Sách Phật giáo 16:32 20/11/2024

Phật pháp là những giáo lý cao cả mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại cho chúng ta đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và những bài học vô cùng sâu sắc cho nhân thế.

Vì sao nên đọc "Logic học Phật giáo"?

Sách Phật giáo 16:23 16/11/2024

Đại đức Thích Vạn Lợi, đại diện Nhà sách Phật giáo Vĩnh Nghiêm - đơn vị liên kết NXB Dân trí ấn hành cuốn sách "Logic học Phật giáo" cho biết đây là một nội dung lớn trong hệ thống triết học Phật giáo.

Nhà sư Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche ra mắt sách "Độc hành"

Sách Phật giáo 21:01 14/11/2024

Nhà sư và học giả Phật giáo Venerable Tenzin Priyadarshi Rinpoche chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách "Độc hành" và triển lãm cùng tên với các bức ảnh ông chụp, sáng 14/11 tại Hà Nội.

Xem thêm