Đưa tâm trở về với Chánh niệm
Chánh niệm là một pháp vô cùng quan trọng, như ánh sáng xoá tan màn đêm u ám, đem lại sự tỏ rạng cho thế gian. Chánh niệm sẽ dẹp sạch đêm dài vô minh, khổ não, đem lại ánh sáng trí tuệ an lạc cho chúng sanh.
Chánh niệm là yếu tố hết sức cần thiết, yếu tố căn bản cho các yếu tố trong Bát chánh đạo, không thể nào có Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh ngữ nếu không có Chánh niệm. Và ngay trong Chánh nghiệp, Chánh mạng và Chánh tinh tấn, vai trò của Chánh niệm cũng quan trọng không kém.
Đức Phật luôn sống trong Chánh niệm, từ lúc vào thai mẹ cho đến khi nhập Niết-bàn, không lúc nào Ngài không an trú Chánh niệm. Theo lời dạy của Đức Phật, an trú trong Chánh niệm là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp tu tập.
Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật đã dạy: “Các thầy tỳ-kheo, cầu thiện tri thức, cầu thiện hộ trì và cầu thiện hỗ trợ đều không bằng không quên Chánh niệm. Không quên Chánh niệm thì giặc phiền não hết cách xâm nhập tâm trí. Thế nên, các thầy hãy luôn luôn tập trung Chánh niệm lại nơi tâm trí. Mất Chánh niệm là mất công đức. Nếu Chánh niệm có năng lực vững mạnh thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa. Đó là hạnh không quên Chánh niệm”.
Theo kinh văn, không thường lãng quên là chánh niệm. Niệm là nhớ, ghi nhận, chú tâm. Chánh niệm là nghĩ nhớ đến các đề mục của Tứ niệm xứ; là sự ghi nhận, chú tâm đúng, trọn vẹn, toàn diện, chân xác tất cả những gì xảy ra trong hiện tại. Nếu bị lãng quên, thất niệm, không chú tâm thì hãy “đưa tâm trở về với chánh niệm”. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu không có Chánh niệm thì tâm ta lúc nào cũng rong ruổi ở tận đâu đâu. Chúng ta lúc nào cũng như người bị lạc đường cứ đi loanh quanh tìm kiếm mãi mà chẳng tìm ra một chỗ để dừng chân. Chính vì vậy, trong Kinh “Thân hành niệm” (Trung Bộ Kinh), Đức Phật dạy chúng ta trở về với thân, nhận diện tất cả các thành phần và động tác của thân. Trước hết, ta nhận diện thân ta trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Đó là một sự trở về đích thực. Sự trở về trong Chánh niệm đó tạo ra cho chúng ta nguồn an lạc, hạnh phúc không cần tìm đâu xa. Khi đạt được Chánh niệm trong tâm thì mọi biểu hiện, cử chỉ đều giúp ta trở về. Bởi vậy, có thể nói Chánh niệm chính là sự trở về - trở về với chính mình, với gốc rễ của mình, với tâm linh của mình.
Nhờ chánh niệm, tỉnh giác mà giúp hành giả hộ trì, gìn giữ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Giữ gìn thế nào? Thông thường, sáu căn luôn tiếp xúc với sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức phân biệt tốt xấu mà sinh yêu ghét, tạo các nghiệp thiện ác cũng bắt đầu từ đây. Đơn cử như, khi mắt thấy sắc đẹp hoặc xấu, chánh niệm để đưa tâm về đề mục (niệm Phật, niệm hơi thở chẳng hạn), tỉnh giác để thấy rõ cảnh sắc kia vô thường, sinh diệt. Ngay khi đó, tâm được an lập, cái thấy chỉ còn là cái thấy, không bị sắc trần xấu đẹp kia chi phối, nhờ đó mà bảo vệ được con mắt. Các giác quan còn lại cũng được phòng hộ như vậy.
Khi hành giả phòng hộ vững chắc sáu căn, không bị sáu trần chi phối và quấy nhiễu thì việc giữ giới và tuân thủ luật nghi trở nên nhẹ nhàng. Hành lang phòng thủ sáu căn càng chắc bao nhiêu thì việc giữ giới càng hiệu quả bấy nhiêu. Khi giới hạnh vững chãi, trọn vẹn phạm hạnh rồi thì tâm sẽ tuần tự thăng hoa “không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát, chứng đắc Niết-bàn”.
Chánh niệm là một pháp vô cùng quan trọng, như ánh sáng xoá tan màn đêm u ám, đem lại sự tỏ rạng cho thế gian. Chánh niệm sẽ dẹp sạch đêm dài vô minh, khổ não, đem lại ánh sáng trí tuệ an lạc cho chúng sanh. Qua đó chúng ta thấy: Muốn được an vui thì phải luôn giữ Chánh niệm. Chỉ có Chánh niệm mới có thể giúp chúng ta vượt qua những khó khăn gian khổ, vượt qua mọi phiền não chướng ngại để đạt đến hạnh phúc an vui.
Chánh niệm giúp cho hành giả chấm dứt vọng tưởng, trở về với giây phút hiện tại để nuôi dưỡng hạt giống Bồ-đề. Chánh niệm là phương pháp tốt nhất để vun bón và tưới tẩm hạt giống Bồ-đề. Chánh niệm tạo nên thái độ sống chấp nhận thực tại thanh thản, khai thông con đường đi đến giải thoát mà trước hết là con đường đi vào thực tại bắt đầu từ đương niệm.
Có thực tập Chánh niệm, chúng ta mới có thể sống ung dung tự tại giữa thế gian đầy cạm bẫy, sống an lạc trong thế gian đầy khổ đau, sống tỉnh thức giữa thế gian đầy mê muội, sống trong sạch giữa thế gian đầy ô trược, sống từ bi giữa thế gian đầy sân hận, sống trí tuệ giữa thế gian đầy tăm tối. Nhờ sống Chánh niệm, chúng ta mới có thể tẩy sạch tất cả mọi tập khí phiền não và đem lại sự thanh tịnh cho mình và mọi người. Có thực tập Chánh niệm, chúng ta mới có thể xây dựng Tịnh độ ngay trên thế gian này và hưởng được niềm an lạc của một người đang sống trên Tịnh độ ngay trong hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
Kinh Di Giáo, HT Thích Trí Quang dịch, ấn hành tại TP. HCM.
Kinh Thân hành niệm, Trung Bộ Kinh, HT Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên cứu PGVN ấn hành.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Học Phật giản đơn
Kiến thức 08:00 22/11/2024Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.
Xem thêm